Toàn cầu ấm lên có thể phá hủy hơn 1/2 số rừng ngập mặn tại một số đảo của Thái Bình Dương, xóa sổ hoặc làm giảm môi trường sinh sản của nhiều sinh vật biển vốn đem lại nhiều triệu USD cho nghề cá, một báo cáo của Liên hiệp quốc cho biết.
Đảo Tuvalu là một trong những đảo đang bị ảnh hưởng nặng nhất về rừng ngập mặn có nguy cơ bị biến mất (Ảnh: tuvalu)
Báo cáo của Chương trình môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) về tác động của mực nước biển tăng tại nhiều khu rừng ngập mặn ở 16 quốc gia Thái Bình Dương đã phát hiện hiện tượng nước biển dâng cao do sự thay đổi khí hậu đang đe dọa nhấn chìm các khu rừng ngập mặn ở khu vực Thái Bình Dương.
Báo cáo của Liên hiệp quốc cảnh báo trung bình 13% rừng ngập mặn ở Thái Bình Dương sẽ bị phá hủy do nước biển dâng cao. Các đảo bị ảnh hưởng nặng nhất trên thế giới là Samoa, Fiji, Tuvalu và các đảo của Micronesia. Báo cáo cho biết các đảo quốc này có thể mất hơn 1/2 rừng ngập mặn vào cuối thế kỷ này.
Khoảng một nửa diện tích rừng ngập mặn trên thế giới đã bị phá hủy kể từ năm 1900 đến nay, chủ yếu do quá trình phát triển của các trại tôm và ô nhiễm môi trường. Chỉ tính riêng trong hai thập kỷ vừa qua đã có 35% diện tích rừng bị mất.
Theo Liên hiệp quốc, rừng ngập mặn có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đất, là môi trường sinh sản của cá và các loài sinh vật biển. Nó cũng rất quan trọng đối với sự phát triển của hệ sinh thái biển như san hô và thực vật dưới đáy biển. Ngoài ra đây còn là nguồn thực phẩm, cung cấp nguyên liệu dệt may và sản xuất lưới đánh cá, nguyên liệu gỗ và xây dựng cho cư dân đảo ở Thái Bình Dương.
Cũng theo báo cáo của UNEP, rừng ngập mặn còn giúp bảo vệ các đảo khỏi bị lũ vào mùa bão, giảm được 75% sức gió tấn công các đảo. Nó đã hạn chế mức độ phá hủy của trận sóng thần Ấn Độ Dương năm 2004 tại một số khu vực.
Báo cáo kêu gọi giảm ô nhiễm từ các cơ sở ở đất liền để rừng ngập mặn có thể phục hồi dưới tác động của mực nước biển tăng do toàn cầu ấm lên.