Một nghiên cứu gần đây cho thấy, tất cả cá và động vật sống dưới nước mặn sẽ biến mất khỏi các đại dương vào giữa thế kỷ này, nếu tình trạng đánh bắt hải sản và ô nhiễm môi trường tiếp tục diễn ra như hiện nay.
Các nhà khoa học cho rằng không chỉ tình trạng đánh bắt tràn lan mà cả tác động của con người lên các hệ sinh thái đại dương, chẳng hạn như gây ô nhiễm, cũng là nguyên nhân gây ra sự tuyệt chủng của động vật biển.
"Nếu chúng ta không cùng nhau thay đổi cách quản lý, khai thác động vật biển và hệ sinh thái ở các đại dương thì thế kỷ này sẽ là thế kỷ cuối cùng con người được thưởng thức hải sản", Steve Palumbi, nhà khoa học tại Đại học Stanford, bang California, khẳng định.
Nghiên cứu mà Steve Palumbi tham gia, kéo dài 4 năm, là công trình có quy mô lớn nhất từ trước tới nay trong nỗ lực tìm hiểu các đại dương và dự đoán tương lai của chúng. Các chuyên gia, tới từ nhiều trường đại học tại châu Âu và châu Mỹ, đã tổng hợp những dữ liệu về tình hình đánh bắt hải sản từ khoảng 1.000 năm trở lại đây, sau đó phân tích xu hướng biến đổi của hệ sinh thái biển trong tương lai. Các nhà khoa học cũng xem lại vài trăm nghiên cứu trước đây về đại dương. Sau đây là những điểm chính trong báo cáo của họ.
Tốc độ ngày càng tăng
Một hệ sinh thái bền vững mang đến cho động vật biển môi trường sống an toàn. Ở những nơi đó, các loại tảo và san hô phát triển mạnh, cung cấp thức ăn và nơi trú ẩn cho động vật biển. Nhưng số lượng hệ sinh thái như vậy ngày càng ít đi. Kể từ năm 1950, 29% loại cá mà con người có thể đánh bắt gần như đã tuyệt chủng. Một loài được coi là tuyệt chủng khi ít nhất 90% số lượng cá thể trong loài đã biến mất.
Điều đáng báo động là tốc độ biến mất ngày càng tăng. Theo kết quả phân tích, nếu tốc độ này giữ nguyên thì những loài động vật biển mà con người có thể đánh bắt hiện nay sẽ biến mất vĩnh viễn vào năm 2048.
Sự tuyệt chủng của động vật biển phụ thuộc vào đa dạng sinh học nói chung ở mỗi khu vực trong đại dương. Ở những khu vực có mức độ đa dạng sinh học thấp, 34% số loài đã biến mất, trong khi ở những khu vực có mức độ đa dạng sinh học cao, con số đó là 24%.
Nhiều chuyên gia về động vật biển cho rằng sự tuyệt chủng của một vài loài không phải là cá (như sứa, cua, tôm) chẳng ảnh hưởng gì tới sự tồn tại của các loài cá - vốn chiếm số đông trong các đại dương. Nhưng nghiên cứu chỉ ra rằng, số lượng cá sẽ giảm khi các loài khác biến mất dưới đại dương.
"Tất cả các loài đều có vai trò quan trọng. Ở dưới đại dương, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các loài là rất lớn, có lẽ mạnh hơn trên mặt đất", báo cáo kết luận.
Đa dạng sinh học đi kèm lợi ích kinh tế
Các nhà sinh thái học cho rằng phát hiện này là một bước đột phá không chỉ trong lĩnh vực nghiên cứu đại dương, mà còn là một công cụ quan trọng để đánh giá giá trị của các hệ sinh thái tự nhiên, tiềm năng và sự bền vững của Trái Đất.
Tàu đánh bắt lớn hơn, lưới tốt hơn và những công nghệ tìm kiếm hiện đại lẽ ra phải giúp cho người đi biển bắt được nhiều hải sản hơn. Trên thực tế, sản lượng đánh bắt hải sản toàn cầu đã giảm 13% trong khoảng thời gian từ năm 1994 tới 2003. Trong khi đó, số lượng tảo có hại và số vụ ngập lụt ở các vùng duyên hải đang tăng lên từng ngày.
Thế nhưng tình hình chưa xấu đến mức không thể cứu vãn. Báo cáo khẳng định số lượng loài cá có thể tăng trở lại nếu các hệ sinh thái được bảo vệ và đa dạng sinh học được khôi phục. Boris Worm, chuyên gia về bảo tồn đại dương tại Đại học Dalhousie, Halifax, Canada và là trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết số loài cá tăng rất nhanh ở những khu vực được bảo vệ.
"Số loài cá ở những khu vực cấm đánh bắt tăng nhanh hơn người ta dự đoán rất nhiều - chỉ mất 3, 5 hoặc 10 năm để chúng khôi phục số lượng ban đầu. Đấy là những lợi ích kinh tế mà chúng ta có thể thấy ngay được", ông nói.
Một dự án bảo tồn điển hình có thể tăng số loài động vật biển lên hơn 20% và tăng sản lượng đánh bắt lên 4 lần, Worm khẳng định. Dù biết là như vậy nhưng hiện nay, chưa đến 1% số diện tích đại dương trên toàn cầu được bảo vệ hiệu quả.
"Ngoài cung cấp hải sản, hệ sinh thái đại dương còn mang đến cho hành tinh chúng ta nhiều lợi ích, chẳng hạn như ngăn chặn tình trạng sinh sôi của các loài tảo độc hại, xử lý chất thải và hấp thụ khí carbon dioxide (CO2)", Nicola Beaumont, chuyên gia tại Trung tâm thí nghiệm đại dương của Anh, phát biểu. "Để giảm thiểu tổn thất do thay đổi khí hậu gây ra, chúng ta cần duy trì một hệ sinh thái bền vững ở các đại dương".
Đa dạng sinh thái và phát triển kinh tế dài hạn phải được xem là có liên quan mật thiết với nhau. Các đại dương bảo vệ Trái Đất, và số phận của chúng có thể quyết định số phận của chúng ta, các nhà nghiên cứu kết luận. (theo Newscientist)