Trung Đông dùng Biển Đỏ cứu Biển Chết
Quan chức Jordan, Israel và Palestine ngày 12-12 nhóm họp để bàn bạc chi tiết về dự án ngăn không cho nước Biển Chết tiếp tục hạ thấp. Các bên nhất trí triển khai kế hoạch lấy nước từ Biển Đỏ cứu Biển Chết.
Mức nước bề mặt của Biển Chết đã hạ thấp 0,91m một năm trong vòng 20 năm qua do bốc hơi và do các dòng sông có thể đã bị Syria và Israel làm chệch hướng. Biển Chết là nơi có nước biển mặn nhất thế giới.
(Ảnh: Bioneural.net)
Biển Chết và các khu vực xung quanh đã từ lâu là nguồn gốc lịch sử xã hội loài người và nó còn là mối liên kết giữa ba tôn giáo một thần là Do Thái, Cơ đốc và Hồi.
Năm 2005, ba bên có liên quan đã kêu gọi Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp, cấp tài chính cho một công trình nghiên cứu khả thi. WB đã chấp nhận và kêu gọi các nước tài trợ. 4 quốc gia Hà Lan, Pháp, Nhật và Mỹ đã cam kết tài trợ 15 triệu USD cho việc nghiên cứu. Dự án này sẽ xem xét các kết quả về môi trường và xã hội của việc dẫn nước từ Biển Đỏ sang Biển Chết, Bộ trưởng Nước và Tưới tiêu của Jordan là Mohammed Thafer al-Alem cho biết.
Các chuyên gia về địa chất từng cảnh báo rằng mức nước hạ sẽ làm tăng khả năng động đất. Ngoài ra, Biển Chết sẽ biến mất trong vòng 50 năm tới nếu xu hướng này tiếp tục.
Bộ trưởng cơ sở hạ tầng quốc gia Israel Binyamin Ben Eliezer nói: ''công trình nghiên cứu là một hình mẫu tuyệt vời của hợp tác, hoà bình và giảm xung đột''.
Dự án kênh đào Biển Đỏ-Biển Chết có thể tiêu tốn hơn 1 tỷ USD. Nếu dự án được thực thi, khu vực sa mạc rộng 397km giữa hai biển sẽ được lợi nhờ nguồn nước mát, và trở thành trung tâm nông nghiệp của cả ba nước. Dự án khử muối được tính toán sẽ đem lại nước uống cho Amman. Israel và Palestine cũng được lợi từ nguồn nước này.