Chiến tranh Việt Nam (1954–1975) là giai đoạn cuối và khốc liệt nhất của Chiến tranh Đông Dương (1945–1975). Đây là cuộc chiến giữa hai bên. Một bên là Việt Nam Cộng hòa ở Nam Việt Nam và Hoa Kỳ, cùng một số đồng minh khác như Úc, New Zealand, Đại Hàn, Thái Lan và Philippines tham chiến trực tiếp và một bên là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Bắc Việt Nam do Đảng Lao động Việt Nam (tên của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kì Chiến tranh Đông Dương) lãnh đạo cùng với những người cộng sản tại miền Nam Việt Nam và sự trợ giúp từ các nước xã hội chủ nghĩa (cộng sản), đặc biệt là của Liên Xô và Trung Quốc. Cuộc chiến này tuy gọi là "Chiến tranh Việt Nam" nhưng chiến sự lan ra toàn cõi Đông Dương, lôi cuốn vào vòng chiến cả hai nước lân cận là Lào và Campuchia ở các mức độ khác nhau. Do đó cuộc chiến còn được gọi là Chiến tranh Đông Dương lần thứ 2.
Tại Việt Nam, sách báo còn dùng tên Kháng chiến chống Mỹ cứu nước để chỉ cuộc chiến tranh này, cũng là để phân biệt với các cuộc chiến tranh khác đã xảy ra ở Việt Nam khi chống Pháp, chống Nhật, chống Mông Cổ, chống Trung Quốc. Một số người cảm thấy tên Kháng chiến chống Mỹ không trung lập do cuộc chiến còn phản ánh yếu tố của một cuộc nội chiến; một số khác cho rằng tên Chiến tranh Việt Nam thể hiện cách nhìn của người phương Tây hơn là của người sống tại Việt Nam. Tên gọi của cuộc chiến này vẫn còn đang là một vấn đề tranh cãi. Tuy nhiên hiện nay các học giả trong và ngoài Việt Nam đang dần dần chấp nhận tên "Chiến tranh Việt Nam" vì tính chất quốc tế của nó.
Cuộc chiến này chính thức kết thúc với sự kiện 30 tháng 4, 1975, khi Tổng thống Dương Văn Minh của Việt Nam Cộng hòa đầu hàng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, sau đó, quản lý miền Nam cho đến khi đất nước thống nhất. Nhà nước thống nhất với quốc hiệu là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ra đời vào năm 1976.