Là nhân vật cận đại nhất trong kho tàng lịch sử truyện trạng (nói dóc) của văn học Việt Nam, bác Ba Phi thuộc lớp hậu duệ của những tiền nhân đi khai hoang mở đất ở miệt rừng U Minh, Cà Mau. Thiên nhiên Nam Bộ giàu có, hào phóng nhưng cũng lắm hoang sơ, khắc nghiệt – với tinh thần lạc quan và luôn yêu đời, những câu chuyên của bác Ba Phi không chỉ mang đến tiếng cười sảng khoái, mượt mà với âm sắc trào lộng của người Nam bộ, mà còn ẩn chứa tính cách dung dị, mộc mạc, lãng mạn và phóng khoáng của lớp người đi mở đất.
Bắt đầu vào những năm đầu thập kỷ 60, chuyện kể của bác Ba Phi xuất hiện như một hiện tượng lạ, độc đáo và thu hút được sự chú ý của nhiều người, với bối cảnh chủ yếu xoay quanh hệ sinh thái rừng ngập mặn U Minh hạ, miền Tây Nam bộ. Chỉ một chi tiết, hiện tượng nhỏ của đời sống đập vào mắt là bác ứng đối ngay ra một câu chuyện dí dỏm, vui nhộn. Mặc dù là “chuyện dóc” (như lúa nếp dẻo đến mức có thể treo cả con chó lên xà nhà, lưỡi nai ở Lung Tràm nhiều đến mức bác thu hoạch được cả tấn, rùa nhiều đến nỗi kết thành bè chạy nhanh hơn cả xuồng máy…) nhưng ai nghe cũng lấy làm thích thú, hỉ hả và thấy có lý, có tình
Dần dà, trong bối cảnh kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ… không gian văn hóa xã hội của “chuyện kể Ba Phi” đã được mở rộng từ Nam ra Bắc. Theo quy luật tiến triển của truyện truyền miệng, chuyện kể Ba Phi dần xa rời nguyên gốc, nảy cành, đâm ngọn và đôi khi do thế thái nhân tình mượn tiếng bác Ba để thu hút người nghe… PGS Vũ Ngọc Khánh và nhiều nhà nghiên cứu văn học dân gian khác đã đặt Ba Phi và chuyện kể Ba Phi trong chuỗi truyện Trạng cùng với những Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, Xiển Bột, Ông Ó, Cố Ninh… Cho đến bây giờ, chuyện kể Ba Phi đã trở thành một tài sản văn hóa dân gian Việt Nam, và bác Ba Phi thực sự là một nghệ nhân dân gian, người góp phần sáng tạo và lưu giữ văn hóa.
(Chuyện về Bác Ba Phi thiệt tình mà nói thì “vô thiên lủng”. Trên đây chỉ là phần mào đầu, hy vọng các bạn yêu thích nhân vật này sẽ cùng đóng góp những ý kiến đánh giá, phê bình, hoặc sưu tầm những truyện kể bác Ba Phi… để làm phong phú thêm đề tài này )