Như chúng ta đã biết Đào Duy Anh là một trong những tên tuổi lớn, là bậc thầy về lịch sử và văn học cổ kim. Ông đóng góp những công trình nghiên cứu có giá trị lớn như: Hán Việt từ điển (1932), Pháp Việt từ điển (1935), Khảo luận về Kim Vân Kiều (1943), Khổng giáo phê bình tiểu luận (1943), Cổ sử Việt Nam (1955), Lịch sử Việt Nam (1955)...
Trong "Việt Nam văn hóa sử cương", ngay ở thiên đầu tiên tác giả đã xác định rằng " chính vì những điều kiện tự nhiên về địa lí khiến mỗi dân tộc sinh hoạt ở trên cơ sở kinh tế khác nhau, cho nên cách sinh hoạt cũng thành khác nhau vậy. Bởi thế muốn nghiên cứu văn hóa của một dân tộc, trước hết phải xem xét dân tộc ấy sinh trưởng ở trong những điều kiện địa lí như thế nào" (Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, NXB. Văn hóa thông tin, 2002, Tr.11).
Theo em, tác phẩm mang màu sắc quyết định luận địa lí là vì xuyên suốt tác phẩm, tác giả luôn nói đến lịch sử, nói đến nguồn gốc của vấn đề. Song song đó, tác giả chỉ ra ranh giới, địa phận, địa lí của những vấn đề đó. Chẳng hạn như, khi nói về nông nghiệp:
+ Nguồn gốc: dân tộc ta đã chuyên nghề nông từ thời thượng cổ, nhưng còn ở trạng thái thô sơ. Về sau trải qua cuộc nội biến thuộc Trung Quốc thì mới học được cách cày bừa và biết làm đồ dùng bằng sắt, nhờ vậy mà nông nghiệp phát đạt hơn. (Tr.41)
+ Ranh giới địa lí: "kĩ thuật canh tác tiên tiến hiện nay thích dụng ở những vùng đất hẹp người đông như xứ Bắc bộ và Bắc Trung bộ, chỉ chú trọng về sự dùng hết địa lực chứ không chú trọng giảm nhẹ nhân công" (Tr.42), hay như "nhân dân nước ta xưa nay chỉ ở những vùng đồng thấp đất bồi cho nên vốn chỉ nhờ vào nông nghiệp mà sống. Ở trung châu Bắc bộ và bắc trung bộ người nhà quê không bỏ hoang một mảnh đất cỏn con nào...."(Tr.43)
Tuy công trình chỉ là một bộ sách tổng hợp các tài liệu về văn hóa sử, được tác giả sắp xếp theo hệ thống (theo lời tựa của tác giả) nhưng tác phẩm đã thật sự là một công trình tham khảo có giá trị to lớn đối với những người bước đầu nghiên cứu về văn hóa - địa văn hóa nói riêng và cho kho tàng văn hóa học nói chung.
Trên đây là ý kiến của em sau khi được đọc qua tác phẩm này. Mong cô và các bạn góp thêm ý kiến để chúng ta hiểu rõ hơn vấn đề này.