Cứ mỗi độ xuân sang, tiết trời ấm dần, chúng ta lại nô nức đến với tết ba tháng ba, dân gian nay gọi là tết Hàn thực, tức tết ăn thức ăn nguội. Theo cách hiểu của không ít người, tết ba tháng ba xuất phát từ Trung Hoa. Có thuyết giải thích rằng lễ tết này nhằm tưởng nhớ vị công thần nước Tấn xưa là Giới Tử Thôi. Tương truyền lúc cơ hàn Giới Tử Thôi phò tá Công tử Trùng Nhĩ hết mình, thậm chí từng xẻo thịt vai mình để nướng cho chủ ăn, nhưng lúc Trùng Nhĩ lên làm vua (Tấn Văn Công), quên phong tước cho Giới Tử Thôi, làm ông này giận bỏ đi ẩn cư. Sau, vua nhớ ra, cho tìm. Tử Thôi vào rừng sâu. Vua sai đốt rừng với hy vọng Tử Thôi sẽ chạy ra, không ngờ ông chịu chết cháy ở trong đó. Hôm đó là ngày 5 tháng 3. Vua thương tiếc, cấm dân gian đốt lửa trong 3 ngày, bắt đầu từ ngày 3 tháng 3. Về sau, hễ vào ngày 3 tháng 3 hàng năm, dân gian Trung Hoa ăn thức ăn nguội để tưởng nhớ ông, gọi là Tết hàn thực. Nhiều ý kiến cho rằng tết Hàn thực truyền vào Việt Nam từ thời Lý.
Tuy nhiên, theo khảo cứu của chúng tôi, có nhiều bằng chứng cho thấy người Việt cổ đã từng có ngày tết ba tháng ba thuần Việt của riêng mình, có trước tết Hàn thực phương Bắc.
Xét về mặt không gian và chủ thể, các dân tộc được cho là hậu duệ của cư dân Bách Việt cổ (vùng đất từ Nam Dương Tử đến Bắc Đông Dương) đều có ngày tết ba tháng ba riêng, có trước và hoàn toàn độc lập với tết Hàn thực của người Hán. Tại Việt Nam, đồng bào Tày, Nùng vùng Việt Bắc (được cho là hậu duệ Âu Việt) coi ngày này là lễ tết lớn thứ hai trong năm, chỉ sau tết Nguyên đán. Họ nấu các món bánh đặc biệt để cúng tổ tiên như bánh củ chuối, bánh chứng kiến, bánh gai, bánh mật v.v, kết hợp với tục đi tảo mộ và thăm viếng lẫn nhau.
Quang cảnh lễ hội lồng tồng vùng Việt Bắc nước ta
Tại Trung Quốc, người Choang (cũng là hậu duệ của Âu Việt) ăn tết ba tháng ba long trọng nhất, gọi là tết longtong. Có thể thấy, lễ tết này có cùng nguồn gốc với lễ hội lồng tồng (lễ hội xuống đồng) của các dân tộc vùng Việt Bắc nước ta, cũng như lễ hội xuống đồng ngày xuân trong văn hóa người Việt. Lễ hội long tong của các dân tộc phương Nam có nguồn gốc từ rất lâu đời, mang bản chất phi Hán. Theo ghi nhận của sách sử (như Thuyết Man) thì từ trước khi Tần Thủy Hoàng bình định đất Lĩnh Nam thì tổ tiên người Việt vùng này đã có lễ hội này rồi.
Quang cảnh lễ hội lồng tồng dân tộc Choang - Trung Quốc Ngoài người Choang, các dân tộc dậu duệ hay có quan hệ gần gũi với Bách Việt khác cũng có ngày tết ba tháng ba mang phong cách bản thổ. Dân tộc Đồng gọi ngày này là “tết pháo hoa”, tổ chức đốt pháo, chọi trâu, đua ngựa, hát đối ca, nhảy sạp v.v. Người Bố Y thì mở “địa tàm hội” (địa tàm = sâu đất), mổ lợn tế bái thần đất, thần núi; nhà nhà thổi cơm nếp vàng; các thôn trang tổ chức nghi lễ diệt sâu đất hại lúa. Dân tộc Dao thì gọi là “Cán ba tiết”, mọi người đánh bắt cá tập thể và cùng vui hưởng số cá thu thu được. Người Xá thì cho 3 tháng 3 âm lịch là sinh nhật của thóc lúa, nhà nhà thổi cơm gạo đen ăn. Người Bạch cũng tố chức nam nữ hát tình ca hay lên đền, chùa thắp hương cầu tự. Dân tộc Lê thì gọi là “phù niệm phù”, là ngày hội săn bắt và nam nữ ca hát kết tình, còn gọi là “ngày yêu đương” v.v..
Theo Hậu Hán Thư (thiên Lễ Nghi Chí Thượng), tết Hàn thực Trung Hoa xuất hiện rất muộn, từ đời Hán về sau, khi mà Trung Hoa đã chinh phục vùng đất Nam Dương Tử. Họ gọi ngày này là “Thượng Tỵ tiết” (tỵ = chi thứ sáu trong thập nhị địa chi), bắt đầu trở thành lễ hội tắm gội rũ bỏ bệnh tật, trừ tà ác từ thời Hán, về sau tổ chức thêm các hoạt động đi chơi ngoài đồng (đạp thanh), ăn uống yến tiệc bên bờ sông v.v.. Sau nữa, khái niệm Tết Hàn thực mới dần định hình, mà theo chúng tôi rất có thể là hiện tượng Hán hóa phong tục phương Nam. Dù gọi là “Hàn thực”, song người Hán tại Phúc Kiến và đảo Đài Loan (vùng Di Việt, Mân Việt cổ) tổ chức hái “thử khúc thảo” (1 loại thuốc Đông y) và thổi lửa làm bánh nếp cúng tổ tiên. Người Quảng Đông (vùng Nam Việt cổ) cũng có tục làm bánh. Dân vùng Hồ Nam, Hồ Bắc (Sở, Can Việt, Dương Việt cổ) nhà nhà nấu trứng với rau, táo đỏ, đậu vàng để ăn trong ngày này.
Món ăn ngày 3 tháng ba vùng Hồ Nam (phía nam hồ Động Đình) Trở lại với ngày tết ba tháng ba của người Việt Nam. Về nguồn gốc, chúng ta có quan hệ văn hóa, lịch sử, nguồn cội hết sức gần gũi với các dân tộc Choang, Thủy, Mao Nam, Bố Y, Lê v.v. nói trên. Cùng sống trong một môi trường văn hóa Bách Việt cổ đầy âm vang văn hóa ngày hội 3 tháng 3 như vậy, tổ tiên Lạc Việt của chúng ta không thể không có phong tục này. Có thể trong tiến trình giao lưu văn hóa với phương Bắc suốt ngàn năm đằng đẵng, tên gọi và ý nghĩa đích thực của lễ hội đã mai một, thay vào đó là tên gọi và cách lý giải rất khác - tết Hàn thực và câu chuyện Giới Tử Thôi chết cháy, dù nội dung của phong tục vẫn đậm chất truyền thống: làm bánh trôi – bánh chay để dâng cúng tổ tiên mà không cần biết đến Giới Tử Thôi là ai. Phải chăng đó chính là dấu vết còn lại của phong tục tết 3 tháng 3 đã từng tồn tại trước đó? So với các dân tộc Choang, Đồng, Thủy.. vốn dĩ sống ở những vùng núi cao, ít chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Bắc, việc lễ tết truyền thống 3 tháng 3 thuần phương Nam của người Việt bị thay thế bằng tết Hàn thực là hoàn toàn có cơ sở, vì ngay cả Tết Năm mới truyền thống vốn tổ chức vào tháng Tý (tháng 11 âm lịch) nay cũng đã đổi thành tháng Dần (tháng giêng âm lịch).
Bánh trôi-bánh chay ngày tết 3 tháng ba trong văn hoá Việt Nam