Năm mới (Shògatsu) là lễ hội lớn nhất trong năm của người Nhật. Tuy mỗi vùng ở Nhật Bản có nghi thức đón năm mới với những nét độc đáo riêng, nhưng nhìn chung vào dịp này mọi người đều quét dọn và trang trí lại nhà cửa. Người ta thường dựng kadomatsu (tùng và tre) trước cổng nhà để chào đón các vị thần (kami) và chăng những sợi thừng rơm có trang trí những băng giấy cắt ngụ ý bảo vệ cổng nhà khỏi những gì không tinh khiết. Các thành viên gia đình tụ tập lại để chúc tết nhau, đi lễ cầu may đầu năm ở đền Thần đạo hay ở chùa, người ta cũng đến thăm hoặc gửi bưu thiếp chúc tết gia đình bè bạn và những người thân thích khác. Lễ năm mới diễn ra trong 3 ngày từ mồng một đến mồng ba tháng Một dương lịch. Trong thời gian này tất cả các công sở và hầu hết các công ty đều nghỉ việc.
Lễ hội búp bê( Hina matsuri) được tổ chức vào ngày mồng 3 tháng Ba. Các gia đình có con gái bày một bộ búp bê Hina (gồm có búp bê hình Thiên hoàng, Hoàng hậu, những người hầu và nhạc công trong bộ trang phục cung đình cổ xưa), tổ chức ăn bánh hishimochi và uống rượu shirosake (sake trắng) để mừng ngày hội.
Ngày trẻ em (Kodomo no Hi) diễn ra vào mồng 5 tháng Năm. Ngày xưa gọi là tết Đoan ngọ và trở thành ngày nghỉ toàn quốc ở Nhật Bản từ năm 1948. Mặc dù gọi là ngày trẻ em nhưng thực ra đó là ngày lễ dành cho các bé trai. Các gia đình có con trai thường treo trên nóc nhà mình những dải cờ hình cá chép tượng trưng cho sức mạnh và trong nhà bày búp bê hình võ sĩ và áo giáp.
Lễ Bon (Urabon, Obon) được tổ chức vào tháng Bảy (có vùng lại tổ chức vào tháng Tám) từ ngày 13 đến 15. Đây là dịp để người Nhật tưởng nhớ linh hồn tổ tiên đã khuất. Theo nghi lễ truyền thống, người ta chuẩn bị đón tổ tiên về nhà bằng cách lau chùi nấm mộ, dọn đường đi từ mộ về nhà và cúng những con ngựa và trâu bằng rơm bện như phương tiện đi lại rồi đốt lửa hay thắp đèn lồng từ mộ đến nhà để chỉ lối cho linh hồn tổ tiên và người thân đã chết biết lối đi về, làm cỗ cúng gia tiên tại nhà và cử hành điệu nhảy Bon đặc biệt có tên là odori quanh khu vực cư dân. Bon là một dịp lễ quan trọng trong năm, các thành viên trong gia tộc dù có sống xa nhau bao nhiêu thì ngày này cũng cố trở về tụ họp bên nhau để làm lễ cúng tổ tiên ông bà.
Trà đạo(Sado) là một nghi thức pha trà tiếp khách có tính hệ thống rất chặt chẽ. Trà đạo bao gồm từ việc chuẩn bị đón khách và mời uống trà cũng như việc nghiên cứu và khai thác vẻ đẹp của kiến trúc, tạo vườn, đồ gốm cùng với những tri thức về lịch sử và tôn giáo. Tại đây có sự tổng hợp của tính sáng tạo nghệ thuật, tính cảm thụ tự nhiên, tư tưởng tôn giáo và sự xã giao.
Phong tục uống trà xuất hiện ở Nhật Bản khoảng đầu thế kỷ thứ VIII cùng với sự ảnh hưởng của Phật giáo. Khoảng từ thế kỷ XII, khi các thiền sư Nhật Bản từ Trung Quốc trở về mang theo lối uống trà mới kiểu Tống với một loại trà xanh được tán mịn gọi là mạt trà (matcha) thì tục uống trà trở thành phổ biến. Suốt thời Trung thế, việc uống trà đã lan rộng từ các thiền viện tới nơi dân chúng với những phong cách mang tính thẩm mỹ khác nhau. Các hội uống trà và thi hương vị trà đã thu hút chú ý của cả Thiên hoàng và các tướng quân, các nhà buôn giàu có. Mặc dù việc uống trà không phải dành riêng cho các thiền viện, nhưng trà lễ (Sarei) với tư cách là các quy tắc và nghi thức tỉ mỉ cho việc pha và uống trà là do các thiền sư tạo ra. Sarei mang nhiều đặc tính của Thiền, trong đó sự thanh tịnh, tính giản dị và mộc mạc đã trở thành những đặc trưng thẩm mỹ và uống trà, do đó, dần dần trở thành một nghi lễ có tính nghệ thuật. Trà đạo với những đặc tính thẩm mỹ mà chúng ta được biết đến ngày nay đã đạt được sự phát triển đầy đủ từ thế kỷ thứ XVI.
Cắm hoa nghệ thuật (Ikebana).
Cắm hoa nghệ thuật (Ikebana) ở Nhật Bản còn được gọi là Hoa đạo (Kadò), có nguồn gốc từ nghi lễ dâng hoa trong các chùa chiền từ thế kỷ thứ VI, rồi dần dần phát triển thành một nghệ thuật vào khoảng thế kỷ thứ XV với nhiều nghi thức và trường phái khác nhau. Hoa đạo khác với cắm hoa thông thường ở chỗ nó đem lại sự nhận thức về mối liên quan giữa không gian xung quanh với hoa và cành lá, cách bố cục cành lá, việc lựa chọn hoa cũng như cây được sử dụng làm vật liệu.
Một phong cách cắm hoa cổ điển và phức tạp có từ xưa, gọi là rikka (hoa đứng). Phong cách này tìm tòi sự thể hiện vẻ tráng lệ của thiên nhiên, quy ước rằng hoa phải được cắm theo hình núi Sumeru, một ngọn núi huyền thoại của thế giới nhà Phật tượng trưng cho toàn vũ trụ. Các vật liệu được sử dụng cho lối cắm hoa này đều có tính tượng trưng. Phong cách này đạt tới độ hoàng kim vào thế kỷ XVII, nay không còn phổ biến nữa.
Từ thế kỷ thứ XV xuất hiện lối cắm hoa tự nhiên. Các ngôi nhà dù nhỏ đều có kotonoma- một không gian nhỏ thụt vào của căn phòng để đặt các đồ mỹ nghệ hay để cắm hoa. Các luật lệ cắm hoa theo đó trở nên giản đơn để mọi người đều có thể thưởng thức được. Cuối thể kỷ XVI có lối cắm hoa tự nhiên gọi là nageire (quăng vào) như là một phần của nghi lễ trà đạo. Hoa được sử dụng trong trà đạo được gọi là chabana (trà hoa), chỉ cần một bông hoa trong một bình hoa tạo nên cảm giác giản dị, thuần khiết, thanh tao. Cắm hoa hiện đại mang ảnh hưởng nhiều của văn hoá phương Tây. Phong cách cắm hoa moribana (một rừng hoa) đã mở đường tự do cho nghệ thuật cắm hoa, tìm cách thu nhỏ một phong cảnh hay một mảnh vườn. Đó là phong cách cắm hoa có thể thưởng thức được ở bất cứ đâu và thích hợp với mọi khung cảnh. Ngày nay ở Nhật Bản có khoảng 3000 trường phái ikebana, trong số đó 3 trường phái có tiếng nhất là Ikenobò, Ohara và Sògetsu.
nguồn :
http://diendan.nguoihanoi.net