Nước Nga bắt đầu tuần lễ maslenhitxa (масленица) truyền thống vào ngày 27/2. Một thuộc tính không thể thiếu của tuần lễ maslenhitxa – chiếc bánh xèo Nga tức bánh blin (блин).
Bánh xèo có thể coi như tấm cạc – vi dít của ẩm thực Nga. Đó không chỉ đơn thuần là một món ăn, mà còn là vật không thể thiếu được trong nhiều lễ nghi của người Nga.
Người ta cho rằng những chiếc bánh làm từ bột chua đầu tiên gần giống như bánh xèo đã có mặt ở Ai cập khoảng 4 - 5 ngàn năm trước. Trong các nấm mộ của các pha-ra-ôn các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một bức tranh, trên đó vẽ lò nướng bánh của người Ai cập cổ. Có lẽ những người Ai cập cổ đã cho thêm men bia – đã được biết từ thời đó vào bột bánh, và đã xuất hiện “điều kỳ diệu”: bột bánh dậy lên trông thấy.
“Bánh xèo đỏ và nóng như mặt trời rực lửa – đó là những hồi ức về những lễ vật dâng lên những thần linh hùng mạnh. Bánh xèo là biểu tượng của Mặt trời, của những ngày tươi đẹp, những mùa màng no đủ, những đám cưới sung túc và những đứa trẻ khỏe mạnh” – nhà văn Nga nổi tiếng Alekxandr Ivanovich Kuprin đã viết như thế về những chiếc bánh xèo Nga. Bánh xèo đi theo người Nga từ khi sinh ra (người ta cho sản phụ ăn bánh xèo để sinh nở mẹ tròn con vuông) cho đến tận lúc xuống mồ (trong lễ tang cũng luôn luôn có bánh xèo người ta đem chiếc bánh xèo đầu tiên cho những người ăn mày, để những người này tưởng nhớ đến người đã khuất). Từ thời xa xưa những người Sla-vơ cổ đã coi bánh xèo là món ăn nghi lễ. Nhưng trước hết bánh xèo là món ăn không thể thiếu được trong lễ tiễn đưa mùa đông của người Nga – maslenhitxa (масленица), ngọn cờ ngon lành của ngày lễ mùa xuân này. Người Nga có biết bao nhiêu thành ngữ, tục ngữ về bánh xèo – “Trong tuần lễ tiễn đưa mùa đông thì những chiếc bánh xèo bay lên trần nhà”, “Không có bánh xèo thì không còn là maslenhitxa”, “Không phải sống bình thường, mà như là maslenhitxa tưng bừng” “Dù có cầm cố cả gia sản cũng phải lo cho maslenhitxa”… Người dân Nga gọi maslenhitxa là vui vẻ, là chơi bời, là tưng bừng, là người em gái xứng đáng của ba mươi người anh, là cháu gái của ba mươi người bà, là con gái của ba người mẹ. Đó là ngày lễ tưng bừng, cuộc ăn uống phè phỡn trước dịp ăn kiêng lớn trước ngày lễ Phục sinh.
Mỗi ngày của tuần lễ maslenhitxa có tên riêng. Ngày thứ hai của tuần lễ là ngày Gặp mặt, ngày thứ ba là ngày Chơi đùa, ngày thứ tư – Ăn uống, ngày thứ năm – Chơi bời, ngày thứ sáu – Buổi chiều của bà mẹ vợ, ngày thứ bảy – các cô con dâu ngồi túm tụm, còn ngày chủ nhật là Ngày tiễn đưa. Từ ngày thứ tư là bắt đầu maslenhitxa tưng bừng, tức là tất cả được lệnh “ăn đến no cành hông, uống đến say mềm, hát đến khản giọng, nhảy múa đến kiệt sức”. Theo tục lệ, ngày thứ sáu những người vợ trẻ mời bố mẹ mình dạy bảo điều hay ý đẹp. Lời mời này là vinh dự lớn cho các bậc cha mẹ, và do đó tất cả mọi bà con họ hàng hàng xóm đều biết cả. Chính việc bỏ qua chàng rể trong truyền thống này đã làm cho người con rể không thoải mái gì mấy, và có thể chính điều này đã gây nên những mầm mống của cuộc xung đột vĩnh viễn giữa mẹ vợ và chàng rể. Tuy nhiên từ chiều thì bà mẹ vợ đã phải cho đưa đến nhà cặp vợ chồng trẻ các dụng cụ để đổ bánh xèo: chảo, xoong và môi múc bột. Ông bố vợ thì gửi đến bột và hộp bơ. Ngày xưa người dân Nga làm bánh xèo từ nhiều loại bột khác nhau: bột tiểu mạch, kiều mạch, bột tấm kiều mạch, bột kê, bột đại mạch và cả bột đậu nữa. Không phải ngẫu nhiên mà từ блин lại có nghĩa đen là “được làm từ thứ đã giã” (tức bột)
Món bánh xèo truyền thống của Nga được làm từ bột kiều mạch. Loại bánh xèo làm từ bột mì tiểu mạch không làm có độ xốp như bột kiều mạch. Ngoài ra, bánh xèo làm từ bột kiều mạch còn có vị hơi chua rất ngon. Ngày nay thì những chiếc bánh xèo tiểu mạch cũng khá phổ biến. Các bà nội trợ còn làm những chiếc bánh ngày lễ trang trọng từ bánh xèo này với trứng cá đen.
Ngày lễ maslenhitxa trước kia luôn đi kèm với những hội hóa trang vui vẻ, vật, trượt tuyết. Trước kia dân gian gọi ngày lễ này là ngày maslenhitxa “tưng bừng, say sưa”. Ngày nay thì ngày lễ đã mất đi ý nghĩa nghi lễ của mình và trở thành một nghi thức biểu tượng của việc tiễn đưa mùa đông và đón mùa xuân về. Nhưng những chiếc bánh xèo Nga thì vẫn có mặt trong mỗi căn nhà như trước kia, và không chỉ trong ngày lễ maslenhitxa.