Bài 2: Tìm hiểu hơn về chủ thể nghiên cứu: Ngựa 馬
Ngựa là con vật tượng trưng của các bộ lạc du mục, góp phần hình thành nên văn hóa mang tính du mục (tính động). Khi nói đến ngựa, người ta liên tưởng ngay đến các đặc điểm:
Về hình dáng: tuấn mã
Về phong thái: sự hùng dũng, sự hiên ngang
Về tốc độ: nhanh và bền bỉ
Về âm thanh: tiếng ngựa thét vang trời, tiếng vó ngựa phi.
Xét về tính Âm – Dương của ngựa hiện vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau.
Ngựa tượng trưng cho Âm vì ngựa chạy trên mặt đất.
Ngựa di chuyển nhanh, tính động nên là con vật mang tính Dương cao nhất.
Ngựa trở thành một đề tài quen thuộc, xuất hiện trong nhiều lĩnh vực lịch sử,quân sự, văn học, hội họa, điêu khắc, phong thủy - kiến trúc …
Người nổi tiếng nhất trong những tướng sư chuyên coi tướng ngựa là Tôn Dương. Vì tài xem xét xương và cấu trúc của con ngựa, ông có thể nói đúng các đặc tính của nên người đời gọi ông là Bá Nhạc (hay Lạc – Bole) là tên chòm sao Scorpio được coi là cai quản các giống thiên mã trên trời.
Các tuấn mã nổi tiếng trong nền văn hóa Trung Hoa phải kể đến:
Ngựa Xích Thố tòan thân đỏ như lửa, mỗi ngày đi nghìn dặm. Lúc đầu Xích Thố thuộc Ðổng Trác, Lý Túc và Lý Nho lập mưu bảo Đổng Trác đem vàng bạc châu báu và ngựa Xích Thố tặng cho Lã Bố để mua chuộc Bố bỏ cha nuôi là Ðinh Nguyên mà đầu quân bên Trác. Khi Lã Bố thua chạy về thành Hạ Bì, bị quân Tào Tháo vây. Thuộc hạ của Lã Bố là Hầu Thành ban đêm trộm ngựa rồi dâng Tào Tháo. Hôm sau hai thuộc hạ khác là Tống Hiến và Ngụy Tục lừa dịp Lã Bố ngủ bèn trộm cây phương thiên họa kích và trói Lã Bố đem nạp cho Tào Tháo. Sau khi Tào Tháo xử trảm Lã Bố, ngựa xích thố thuộc về Tào Tháo. Khi Quan Vũ tá túc bên Tào Tháo, được Tào Tháo hết lòng trọng đãi, và ngựa Xích Thố là món quà của Tào Tháo nhằm mua lòng Quan Vũ. Về sau khi Quan Vũ bị Tôn Quyền chém chết, ngựa Xích Thố nhịn ăn mà chết theo. Người đời lập miếu thờ ngài cũng đắp tượng thờ ngựa Xích thố.
Ngựa Ðích Lư của Lưu Huyền Ðức. Khi Lưu Huyền Ðức cùng ba tướng Quan Công, Trương Phi và Triệu Vân đi đánh loạn tướng của Lưu Biểu là Trương Vũ, họ Lưu thấy tướng giặc cưỡi một con ngựa cao lớn hùng dũng nên bật lời khen: "Kìa hẳn là một con thiên lý mã". Khi Trương Vũ bị Triêu Vân giết chết, con ngựa qúi này được dâng cho Lưu Huyền Ðức. Một hôm Lưu Biểu thấy Huyền Ðức cưỡi con ngựa tốt cứ tấm tắc khen mãi. Biết ý, Huyền Ðức bèn đem ngựa tặng Lưu Biểu. Biểu có một thủ hạ tên Khoái Việt biết coi tướng ngựa liền nói: "Con ngựa này dưới mắt có cái vệt kia là "vũng chứa lệ", trên trán lại có một điểm trắng, chính là giống "Ðích Lư hại chủ", không nên cưỡi. Chính Trương Vũ cũng vì ngựa này mà chết, sao chúa công còn dùng?". Lưu Biểu nghe lời bèn trả ngựa Ðích Lư lại cho Lưu Bị. Ðến khi Huyền Ðức tuân lệnh Lưu Biểu về trấn thủ thành Tân Dã, quan Mạc tân Kinh Châu là Y Tịch đến trước đầu ngựa khuyên rằng: "Con ngựa của ngài tuy tốt nhưng không nên cưỡi". Huyền Ðức hỏi lý do, Y Tịch cho biết đó là giống ngựa hại chủ. Huyền Ðức không nghe, cho rằng "sống chết do mạng trời, đâu phải một con ngựa có thể hại nổi?". Khi Huyền Ðức bị vợ của Lưu Biểu là Thái phu nhân bày mưu hãm hại, họ Lưu cưỡi ngựa bỏ chạy, gặp một con suối nhỏ tên gọi Ðàn Khê chắn ngang, sau lưng có thủ hạ của Thái phu nhân là Thái Mạo đuổi gấp. Huyền Ðức túng thế đành thúc ngựa lội liều xuống nước, nhưng chỉ đi được vài bước, ngựa bị sa lầy không đi được nữa. Phía sau tiếng quân reo ngựa hí đuổi đã gần tới. Huyền Ðức tuyệt vọng kêu lên: "Mày đúng là giống Ðích Lư hại chủ, hôm nay đã hại ta rồi!" Tiếng than vừa dứt, bỗng con Ðích Lư vươn cổ hí một tiếng lớn, cất mình bay vọt qua bên kia bờ Ðàn Khê, cứu Lưu Huyền Ðức thoát nạn.
Ngựa Ô Truy của Sở Bá Vương Hạng Võ. Hạng Vương đã cùng ngựa qúi xông pha trăm trận cùng Lưu Bang diệt được bạo Tần. Cho tới khi Hán Vương Lưu Bang cùng Sở Vương Hạng Võ giao tranh để dành quyền bá chủ, ngựa Ô Truy cũng lắm lần vào sanh ra tử lập nhiều công lớn. Cuối cùng, khi Bá Vương bị quân Hán vây khổn tại Cửu Lý Sơn cùng đường phải nhảy xuống bến Ô Giang tự tử. Ngựa Ô Truy cũng đâm đầu xuống sông tử tiết theo chủ