TẬP TỤC KHÓC ĐÁM CƯỚI
(Tác giả Yến Minh)
Tập tục khóc đám cưới đã tồn tại từ xa xưa, tại nhiều địa phương thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, và tiếp tục thịnh hành đến cuối triều đại nhà Thanh (1644-1911). Ngày nay, tập tục này còn được duy trì, đặc biệt nơi người Thổ Gia (tập trung ở các tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc, Quý Châu, và thành phố Trùng Khánh).
Theo tập tục này, các cô dâu đều phải khóc khi xuất giá, nếu không sẽ bị bà con, láng giềng cho là “thiếu giáo dục” và trở thành trò cười cho cả làng. Trên thực tế, nhiều cô dâu đã bị mẹ ruột mình đánh vì không chịu khóc khi làm lễ xuất giá.
Từ câu chuyện lịch sử thời Chiến Quốc (475 – 221 tcn): công chúa nước Triệu được gả cho nước Yên; khi nàng xuất giá, mẹ nàng đã khóc lóc cầu xin con gái mau trở về nhà. Câu chuyện này được xem là nguồn gốc của tập tục khóc đám cưới.
Ở Tứ Xuyên, tập tục này gọi là Toạ Đường: cô dâu sẽ bắt đầu khóc khoảng 1 tháng trước ngày xuất giá. Đêm đêm, cô vào sảnh đường và khóc chừng 1 giờ đồng hồ. Mười ngày sau, mẹ cô sẽ cùng khóc với cô. Mười ngày sau nữa, bà cô sẽ cùng khóc với 2 mẹ con cô. Nếu cô dâu có chị em gái, chị em dâu và các dì thì họ cũng sẽ tham gia vào việc khóc lóc này.
Những lời lẽ khóc lóc của cô dâu gọi là Bài ca khóc đám cưới. Những lời lẽ khóc lóc vờ như rất buồn rầu này sẽ làm nổi bật niềm vui của hôn sự. Tuy nhiên, cũng có những cô dâu than khóc thật sự vì cuộc hôn nhân của họ không vừa ý hoặc vì thương xót cho sô phận hẩm hiu đáng thương của họ.
Khi khóc xuất giá, cô dâu còn mắng nhiếc người mai mối để giải toả sự dồn nén bất mãn với tục lệ cưới hỏi do sự sắp đặt của cha mẹ và người mai mối. Ngược lại, các bà mai không sợ bị chửi rủa; vì khi bị chửi rủa, các bà sẽ tống khứ vận xui ra khỏi mình (vì trong tiếng Trung Quốc, từ méi [mai mối] có cách phát âm giống từ dăoméi [xui xẻo]).
Ngoài những ý nghĩa trên, cô dâu Thổ Gia khóc đám cưới cũng để bày tỏ lòng biết ơn công lao dưỡng dục của cha mẹ, sự buồn rầu khi phải rời xa những người thân trong gia đình ruột thịt của mình. Nhiều thiếu nữ Thổ Gia đã phải tập khóc từ khi còn nhỏ. Đến ngày gần cưới, cô dâu hoặc là sẽ khóc một mình, hoặc cha mẹ cô sẽ mời thêm 9 người nữ khác đến cùng khóc với cô (10 chị em đồng hành) vào đêm trước ngày cưới. 10 người này sẽ cùng khóc với nhau bằng thơ ca cho đến sáng hôm sau.
Đối với người Thổ Gia, việc khóc đám cưới này có ý nghĩa quan trọng đối với thanh danh của cô dâu và gia đình cô, là chuẩn mực đánh giá sự hiểu biết và phẩm hạnh của các cô dâu Thổ Gia.