Người Hoa rất chu đáo trong việc tổ chức ma chay cho người thân. Lễ động quan thường được tổ chức với đầy đủ những nghi thức trang trọng nhất theo tinh thần “nghĩa tử là nghĩa tận”.
Khi một người qua đời, xác sẽ được gội rửa, quấn trong nhiều lớp vải lụa, mặc vài bộ quần áo rồi được tẩm liệm. Một số gia đình để xác nằm trên kiệu hay giường ngủ trong vài ngày, sau đó mới làm lễ khâm liệm nhập quan.
Theo quan niệm của người Hoa thì quan tài phải được đặt ở vị trí nổi bật, nhưng phải được che chắn kỹ để từ ngoài nhìn vào không thể nhìn thấy. Nến, nhang được thắp trước quan tài; đồ cúng được dọn lên bàn thờ; giấy tiền, vàng bạc, ghế, bàn trang điểm cũng được bày bên quan tài với niềm tin “trần sao âm vậy”,…
Người trong gia đình thay phiên ngồi quanh quan tài suốt ngày đêm đến khi tiến hành động quan. Một số thanh niên có thể uống rượu và đánh bài để thời gian qua mau. Gia đình người mất tụng kinh, hoặc có thể thuê người tụng kinh để người mất được siêu thoát. Con cháu trong gia đình quỳ lạy trước quan tài.
Thường thì chỉ có bà con họ hàng mới phúng điếu tiền. Ngoài ra các loại hoa cũng nên được gởi đến trong ngày động quan để vẫn giữ được vẻ tươi tắn khi đặt lên mộ người mất.
Lễ di quan được tiến hành vào giờ khắc đã định. Người trong gia đình mặc những bộ quần áo tang may bằng vải cotton, vải xô có màu chàm, đen hoặc trắng. Những người đi viếng đám tang thường mặc đồ sậm, không nên đeo nữ trang; Dĩ nhiên quần áo với những gam màu như đỏ, hồng, cam, vàng thì không phù hợp khi dự tang lễ.
Huyệt mộ đã được đào trước theo sự chỉ dẫn của một thầy địa lý. Khi rời nghĩa trang, mọi người có mặt sẽ được trao một chiếc khăn trắng có thêu chỉ đỏ (có nơi đính kèm thêm hai viên kẹo bọc giấy gói đỏ). Những người đưa tang sẽ dùng chiếc khăn này vẫy lên phía trên vai trái của mình để ngăn không cho ma theo họ về nhà.
Gia đình của người mất thường mời tất cả những người đưa tang dự một bữa cơm tại nhà sau khi an táng xong người thân của mình. Đi đám về nhất thiết phải tắm và thay toàn bộ quần áo.
Gia đình có người mất tiếp tục để tang sau lễ động quan. Họ đeo một miếng vải đen hoặc băng tay đen và mặc áo sậm. Các nhà sư Phật giáo sẽ tụng kinh mỗi tối cho đến ngày thứ 7. Những hàng mã làm bằng giấy như nhà lầu, xe hơi, gia nhân,..., kể cả giấy tiền vàng bạc đều được “hóa vàng” gửi xuống cho người đã mất vào ngày khánh thành bia mộ. Gia đình của người mất sẽ “chịu tang” trong vòng 100 ngày nếu như lúc sinh thời người mất không có căn dặn, trăn trối gì khác. Trong thời gian chịu tang, họ không được mặc quần áo đẹp, không tham gia những bữa tiệc vui, cũng như không được phép kết hôn.
Trước đây, việc chịu tang cha mẹ phải kéo dài ba năm, nhưng ngày nay không phải gia đình nào cũng chịu tang được đúng 100 ngày: khi đám tang và 7 ngày qua đi, nhiều người trở về với cách ăn mặc và sinh hoạt như thường ngày.
Từ quan niệm “những người chưa có gia đình, những bóng ma của người chết vô danh, không ai than khóc và không có con cháu chăm sóc mộ phần đơn độc có thể trơ thành “cô hồn” (ma đói)” mà các cặp vợ chồng không có con thường xin một đứa con trai nuôi để khi họ qua đời có người sớm khuya nhang đèn.
Một số gia đình bảo thủ có con trai chết mà chưa lập gia đình cũng xin một đứa trẻ để “làm con” người chết. Đứa trẻ này thường có gia cảnh nghèo. Nó sẽ được mang họ của “người cha” quá cố và được cho nhiều quà từ “ông bà nội” mới; Theo tục lệ, đứa trẻ này được phép ở với gia đình ruột của mình, chỉ khi có đám, có tiệc bên gia đình mới hoặc những dịp lễ tết nó mới phải đến thăm “ông bà nội” để tỏ lòng kính trọng. Người ta tin rằng sự có mặt của nó sẽ tạo điều kiện cho linh hồn “người cha” quá cố được siêu thoát bởi vì điều này chỉ xảy ra nếu người chết có đứa con trai để lo tang lễ, nhang đèn.
Xét khía cạnh không gian 3 chiều:
Chủ thể văn hóa: Tang lễ của người Hoa thường được diễn ra một cách chu đáo và trang trọng.
Không gian văn hóa: Dù ở đâu người Hoa cũng vẫn bảo lưu được giá trị văn hóa truyền thống mang ý nghĩa vòng đời này.
Thời gian văn hóa: Đã có từ ngày xưa và kéo dài cho đến ngày nay