QUAN HỆ HỢP TÁC GIỮA LIÊN XÔ, CÁC NƯỚC ĐÔNG ÂU VÀ CÁC NƯỚC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
1. Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV )
Sau khi các nước Đông Âu bắt đầu bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, để thúc đẩy sự hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau chặt chẽ hơn nữa về kinh tế, văn hoá và khoa học – kỹ thuật giữa Liên Xô với các nước Đông Âu, ngày 8 – 1- 1949, hội nghị kinh tế gồm đại biểu các nước Liên Xô, Anbani, Ba Lan, Bungari, Hunggari, Rumani, Tiệp Khắc đã quyết định thành lập tổ chức kinh tế của các nước xã hội chủ nghĩa: Hội đồng tương trợ kinh tế (thường gọi tắt là khối SEV).
Sau đó, lần lượt các nước Cộng hoà dân chủ Đức (1950), Cộng hoà nhân dân Mông Cổ (1962), Cộng hoà Cuba (1972) và Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1978) đã gia nhập tổ chức này (1).
Sau khi thành lập, Hội đồng tương trợ kinh tế không ngừng đẩy mạnh quan hệ hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau về kinh tế bằng cách phối hợp giữa các nước xã hội chủ nghĩa trong các kế hoạch kinh tế dài hạn, như phân công sản xuất theo hướng chuyên ngành trong phạm vi các nước xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh mua bán và trao đổi hàng hoá, phát triển công – nông nghiệp, giao thông vận tải, khoa học – kỹ thuật…
(1): Về sau, Anbani đã rút khỏi khối SEV; ngoài ra, còn có Nam Tư là hội viên theo quy chế riêng và các nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên, Cộng hoà dân chủ nđa Lào, Cộng hoà dân chủ nhân dân Angôla và nước Êtiôpia xã hội chủ nghĩa là quan sát viên của khối SEV.
Trong hơn hai thập niên đầu sau khi thành lập, Hội đồng tương trợ kinh tế đã có tác dụng giúp đỡ, thúc đẩy các nước xã hội chủ nghĩa phát triển về kinh tế, tạo ra cơ sở vật chất – kỹ thuật để đẩy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân. Đến nửa đầu những năm 70, với trên 400 triệu dân, bằng hơn 10% dân số thế giới và chiếm 19% diện tích thế giới, các nước trong Hội đồng tương trợ kinh tế đã sản xuất được 35% sản phẩm công nghiệp thế giới, nhịp độ phát triển công nghiệp trung bình hàng năm đạt khoảng 10%. Liên Xô đã giữ vai trò quan trọng trong hoạt động của Hội đồng tương trợ kinh tế: chỉ tính từ năm 1969 đến 1970, Liên Xô đã cho các nước hội viên khác vay 13 tỉ rúp với lãi suất nhẹ và các khoản giúp đỡ không hoàn lại lên tới 20 tỉ rúp.
Tuy thế, trong hoạt động của mình, Hội đồng tương trợ kinh tế cũng bộc lộ nhiều hạn chế và thiếu sót, như “khép kín cửa” và không hoà nhập được vào nền kinh tế thế giới đang ngày càng quốc tế hoá cao độ, nặng về trao đổi hàng hoá mang tính bao cấp, sự hợp tác trong các kế hoạch kinh tế dài hạn gặp phải những trở ngại của cơ chế quan liêu bao cấp, sự phân công sản xuất theo hướng chuyên ngành có những chỗ chưa hợp lí v.v… Cùng với sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu, trước những biến đổi mới của tình hình thế giới, sự tồn tại của Hội đồng tương trợ kinh tế không còn thích hợp nữa, do đó hội nghị đại biểu các nước thành viên (ngày 28 – 6 – 1991) đã quyết định chấm dứt mọi hoạt động của Hội đồng tương trợ kinh tế.
2. Tổ chức liên minh phòng thủ Vacxava
Năm 1955, các nước thành viên khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (gọi tắt là khối NATO) đã phê chuẩn hiệp ước Pari năm 1954 nhằm vũ trang lại Tây Đức, đưa Tây Đức gia nhập khối quân sự NATO, qua đó biến Tây Đức thành một lực lượng xung kích chống lại Liên Xô, Cộng hoà dân chủ Đức và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Sự việc này làm cho nền hoà bình và an ninh của các nước châu Âu bị uy hiếp nghiêm trọng.
Trước tình hình đó, các nước Anbani, Ba Lan, Bungari, Cộng hoà dân chủ Đức, Hunggari, Rumani, Liên Xô và Tiệp Khắc đã tổ chức hội nghị ở Vacxava kí kết “Hiệp ước hữu nghị, hợp tác và tương trợ” Vacxava ngày 14 – 5 – 1955 với thời hạn 20 năm nhằm giữ gìn an ninh của các nước thành viên, duy trì hoà bình ở châu Âu và củng cố hơn nữa tình hữu nghị và sự hợp tác giữa các nước thành viên xã hội chủ nghĩa anh em (1). Theo hiệp ước đã kí kết, các nước thành viên thoả thuận trong trường hợp một hay nhiều nước tham gia hiệp ước bị tấn công quân sự hoặc nền an ninh đất nước bị uy hiếp, các nước tham gia hiệp ước có nhiệm vụ giúp đỡ nước bị tấn công bằng mọi phương tiện có thể có, kể cả dùng lực lượng vũ trang. Các nước tham gia hiệp ước đã quyết định thành lập Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang chung, cử nguyên soái Liên Xô Kônhép làm Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang chung của tổ chức hiệp ước Vacxava.
(1): Năm 1961, do bất đồng trong quan hệ với Liên Xô và các nước Đông Âu khác, Anbani đã rút khỏi tổ chức hiệp ước Vacxava
Tổ chức Hiệp ước Vacxava mang tính chất một liên minh phòng thủ về quân sự - chính trị của Liên Xô và các nước Đông Âu nhằm chống lại những âm mưu nhằm gây chiến, xâm lược của khối quân sự NATO do đế quốc Mĩ cầm đầu.
Sau khi ra đời, tổ chức hiệp ước Vacxava đã trở thành một đối trọng với khối quân sự NATO, gìn giữ hoà bình ở châu Âu và giữ vững nền độc lập, an ninh của các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu trước mọi sóng gió (như ở Hunggari năm 1956, Tiệp Khắc năm 1968 và Ba Lan đầu những năm 80…). Tổ chức này cũng đã góp phần thúc đẩy việc thống nhất trang bị, hiện đại hoá và tăng cường sức mạnh lực lượng vũ trang của các nước thành viên, dẫn đến hình thành thế chiến lược cân bằng về sức mạnh quân sự giữa các nước xã hội chủ nghĩa với các nước đế quốc chủ nghĩa vào đầu những năm 70.
Sau những biến động chính trị lớn ở các nước Đông Âu và sau khi những người đứng đầu hai Nhà nước Xô, Mĩ đã thoả thuận với nhau về việc chấm dứt cuộc “chiến tranh lạnh” (tại cuộc gặp không chính thức giữa Tổng thống Mĩ Busơ và Tổng thống Liên Xô Goocbachốp ở đảo Manta cuối năm 1989), việc tiếp tục tồn tại của Tổ chức hiệp ước Vacxava không còn thích hợp với tình hình mới nữa. Đầu năm 1991, hội nghị đại biểu các nước thành viên đã quyết định chấm dứt mọi hoạt động của tổ chức này, kể từ sau ngày 31 – 3 – 1991 và đến 1 – 7 – 1991, chính thức giải thể tổ chức này.
3. Quan hệ hợp tác giữa Liên Xô, các nước Đông Âu và các nước xã hội chủ nghĩa khác
Ngoài các mối quan hệ trong khuôn khổ Hội đồng tương trợ kinh tế và Tổ chức hiệp ước Vacxava, giữa Liên Xô, các nước Đông Âu với các nước xã hội chủ nghĩa khác còn có nhiều mối quan hệ hợp tác về mọi mặt.
Sau khi cách mạng Trung Quốc thắng lợi và nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa thành lập, ngày 14 – 2 – 1950, hai chính phủ Liên Xô và Trung Quốc đã kí kết “Hiệp ước hữu nghị liên minh tương trợ Xô – Trung”, xác định về mặt pháp lí khối liên minh giữa Liên Xô và Trung Quốc nhằm chống lại mọi âm mưu tấn công xâm lược của chủ nghĩa đế quốc bên ngoài. Ngoài ra, Liên Xô còn cho Trung Quốc vay tiền, giúp đỡ chuyên gia và kỹ thuật để Trung Quốc có thể khôi phục và phát triển kinh tế của mình.
Trong những năm 50, quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc là hữu nghị, góp phần tăng cường sức mạnh của các nước xã hội chủ nghĩa trên phạm vi toàn thế giới. Nhưng từ đầu những năm 60 trở đi, mối quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng, đối đầu và đến năm 1969, xung đột vũ trang giữa quân đội hai nước đã nổ ra ở biên giới Xô – Trung. Từ sau đó, mối quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng, phức tạp.
Năm 1989, trong xu thế hoà hoãn, đối thoại giữa các cường quốc trên thế giới, Tổng thống Liên Xô Goocbachốp đã đến thăm Trung Quốc, hội đàm với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, chấm dứt thời kỳ đối đầu và mở ra một thời kỳ mới – thời kỳ bình thường hoá trong quan hệ Liên Xô và Trung Quốc.
Ở Đông Âu, từ đầu những năm 60 trở đi, mối quan hệ giữa Liên Xô và Anbani cũng trở nên căng thẳng, đối đầu: hai bên đã cắt đứt quan hệ ngoại giao, Anbani rút ra khỏi khối hiệp ước Vacxava và Hội đồng tương trợ kinh tế. Sau 30 năm gián đoạn, đầu 1991, Liên Xô và Anbani đã bình thường hoá trở lại mối quan hệ giữa hai nước.
Các nước Triều Tiên, Cuba, Việt Nam và Lào đã nhận được sự giúp đỡ đắc lực của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác. Sự giúp đỡ này góp phần quan trọng để nhân dân các nước trên có thể đánh bại được chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân cũ và mới, giành lại độc lập dân tộc và tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Mối quan hệ Trung Quốc – Việt Nam từ năm 1992 đến nay đã bình thường hoá trở lại.