28.000 món đồ cổ do Việt Nam đem bán đấu giá tại Amsterdam (Hà Lan) được khách hàng quốc tế mua hết trong 2 ngày. Tất cả là hàng trục vớt từ cuộc khai quật con tàu đắm tại Hòn Cau thuộc vùng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu...
Tàu này nằm sâu dưới 40 mét nước, sau chuyến hải trình dang dở cách đây khoảng 300 năm. Niên đại trên căn cứ vào một thỏi mực có ghi 2 chữ Canh Ngọ tìm thấy trên tàu. Canh Ngọ triều Khang Hy duy nhất chỉ năm 1690. Như vậy tàu Hòn Cau khai quật năm 1990, tức 3 thế kỷ sau ngày bị đắm. Nó xuất phát từ một thương cảng nào đó ở miền Nam Trung Quốc để hành trình đến một quốc gia châu Âu xa xôi. Nhiều hàng hóa kiểu dáng phương Tây như súng thần công, đồng hồ cát hiện diện trên tàu khiến người ta liên tưởng đến vị thuyền trưởng cùng thủy thủ đoàn người Âu. Nhưng so với phần lớn vật dụng sinh hoạt mang theo, dùng vào việc nấu nướng, bếp núc, như cối giã tiêu bằng đá, cối xay bột, mắm cá, quả hồng khô, cùng các bếp lò nhỏ nhắn với nồi nấu cơm bằng đất hoặc đồ dùng thiết thân khác như mực tàu, con dấu chữ triện, que ráy lỗ tai, khuy áo tròn, hộp đồng, tiền đồng... các nhà nghiên cứu đi tới khẳng định: đây là tàu buôn Trung Hoa.
Những vật trên còn lưu nhiều vết cháy nên người ta đoán tàu chìm do hỏa hoạn bất ngờ. Không tìm thấy hài cốt của người nào trong lớp cát phủ trên boong và buồng tàu, hoặc quanh di tích đã khoanh vùng, nên có khả năng tàu cháy chậm, các thủy thủ may mắn được cứu thoát vào bờ, bỏ lại sau lưng hàng hóa chìm dưới nước. Số cổ vật vớt lên, theo PGS Nguyễn Bích nhận định, thì rất giá trị "vì nguồn gốc rõ ràng, tuổi chuẩn xác, phần lớn có chất lượng nghệ thuật", chia làm nhiều sưu tập chuyên đề theo chất liệu: đồ sứ, đồ gốm và đồ đất nung, đồ đá, đồ đồng và các vật dụng. Riêng sưu tập đồ sứ có: sứ trắng, sứ men trắng, sứ hoa lam, sứ nguyên vẹn (Chu Viên), tượng Quan Âm, tượng Kim Đồng Ngọc Nữ, Tô Vũ chăn dê, tượng thỏ - rồng - cua. Gây nhiều cảm xúc cho người xem và có giá trị nghệ thuật hơn cả là "loạt tượng về các nhân vật trong giới võ lâm với mấy chục tác phẩm (...) mỗi người một động tác và (thể hiện) tâm tư tình cảm rất khác nhau" - Theo chúng tôi có thể đó là loạt tượng về các sư tổ Thiếu Lâm, các vị La Hán nhập thế, các võ sư xuất thế, hoặc thể hiện của một "thông điệp" đọc được nếu để toàn bộ tượng theo một thứ tự nào đấy ? Những sưu tập tiêu biểu, với nhiều độc bản, lựa chọn đưa về giữ tại các bảo tàng. Số còn lại gồm 18 mặt hàng với số lượng 28.000 món được quyết định đưa ra thị trường quốc tế.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam bán đấu giá cổ vật ở nước ngoài thu tổng cộng 6.700.000 USD. Dư luận trong nước chưa hài lòng với số tiền thu được nêu trên so với giá trị thực sự của gần ba vạn cổ vật đem ra chào mời. Nhiều người trong giới buôn bán đồ cổ sành sỏi lấy làm tiếc. Vì trước hết, theo họ, số lượng quá lớn như thế bán đi một lượt thì yếu tố "đấu giá" giảm sút, gần với "bán sỉ, bán mớ" hơn ? Và việc đặt giá cho những lô hàng thông qua công ty thực hiện đấu giá nổi tiếng của Vương quốc Anh, hãng Christie, còn quá thấp ? Câu trả lời được TS Phạm Quốc Quân - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Sưu tầm gốm và cổ vật Thăng Long (Hà Nội) nêu lên trong một bài viết trên diễn đàn của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam là đặc san Cổ vật tinh hoa ngay từ số đầu tháng 6/2003, rằng: "Vào thời điểm 1992 - số tiền ấy (kết quả bán đấu giá) quả là lớn... Những bức xúc từ dư luận được chúng tôi - Hội đồng Giám định cổ vật Bộ Văn hóa- Thông tin đặt ra với công ty thực hiện đấu giá". Và ông Colin Sheaf, chuyên gia về đồ sứ và nghệ thuật phương Đông của Christie nói: "Có thể là thế (giá khởi điểm của lô hàng chưa cao?). Nhưng với kinh nghiệm của hãng chúng tôi, việc đặt giá đúng mức sẽ thu hút khách hàng tới đông hơn. Giá cuối cùng phải là giá của búa gõ". Về nghi vấn phải chăng có sự thông đồng giữa công ty đấu giá với chủ hàng, ông Colin Sheaf giãi bày: "Chúng tôi thông đồng với khách hàng ư ? Uy tín của một công ty đấu giá có lịch sử hoạt động trên 200 năm của Anh Quốc không cho phép tạo ra bất kỳ một tai tiếng nào. Uy tín của chúng tôi không thể đổi bằng triệu đô la. Công ty sẽ bị phá sản. Vả lại, chúng tôi thu được 30% hoa hồng của cả bên bán lẫn bên mua, đó đâu phải là nhỏ. Còn mọi sự so sánh sẽ là khập khiễng, bởi hàng vạn món đồ, giá không bằng một, nếu như đó là đồ cung đình độc nhất".
Hãng Christie phân ra 1.011 lô, mỗi lô có số lượng nhiều hoặc ít không đồng nhau. Theo ông Phạm Quốc Quân, có lô độc nhất chỉ một cục kết dính bởi hà ốc gồm "một chiếc chóe nhỏ, nửa chiếc hộp và đôi ba mảnh vỡ" với giá khởi điểm tới vài nghìn đô la. Thông thường, người ta "không dám đặt quá 500 đô la" cho một món tương tự. Nhưng ở đây, kết quả bán tới giá 11.000 USD. Cao như thế, theo ông Colin Sheaf là do kinh nghiệm nắm bắt tâm lý "mê đồ cổ" có bố cục lạ và ý muốn mua kỳ được "gần như điên" của người sưu tầm ở bất cứ quốc gia nào. Tuy năm ấy luật cấm vận thương mại của Mỹ với Việt Nam còn đang áp dụng, song một số người Mỹ bị quyến rũ bởi những món đồ cổ do Việt Nam đem ra bán đấu giá nên vẫn tìm cách nhờ người nước khác mua giúp. Phải mua gián tiếp như vậy vì: Những luật lệ kiểm soát tài sản hải ngoại của Mỹ cấm công dân Mỹ, những người cư trú lâu dài ở Mỹ trên toàn thế giới, mua hàng hóa có nguồn gốc từ miền Bắc và miền Nam Việt Nam và nhập khẩu chúng vào nước My... Câu in nghiêng trên theo ông Phạm Quốc Quân in hẳn lên catalogue giới thiệu về xuất xứ và hàng hóa các lô đấu giá của Christie tại Amsterdam. Đồng thời nó cũng được viết trong nhà có cuộc đấu giá diễn ra vào giữa trưa, từ 10 giờ 30 đến 14 giờ. Xem thế, kết quả đấu giá lần đầu tiên này cũng cần xem xét với một cái nhìn rộng thoáng hơn.
Năm ngoái, cuộc bán đấu giá khác với 17.000 hiện vật gốm sứ trục vớt từ con tàu đắm Bình Thuận diễn ra tại thành phố Melbourne nước Úc trong 2 ngày đầu tháng 3.2004 đem lại khoảng 1,2 triệu USD đang còn "tác động" tới số cổ vật nằm trong các sưu tập Việt Nam, như đồ cổ tàu đắm Cà Mau ? Chúng rục rịch hướng đầu về đường băng Tân Sơn Nhất hoặc các cảng nội địa để tiếp tục cuộc hải trình lên đường viễn du, không trở lại ?