CLB Sử Học Trẻ Việt Nam
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


CLB Sử Học Trẻ Việt Nam
 
Latest imagesTrang ChínhĐăng kýĐăng Nhập
DIỄN ĐÀN SỬ HỌC TRẺ - Điểm hẹn của những người đam mê Sử học từ khắp mọi miền Tổ quốc.
Most Viewed Topics
Chữ viết ở Đông Nam Á
Nguyễn Ái Quốc những hoạt động chủ yếu từ 1919-1930 và vai trò đối với CMVN
Tại sao giai cấp nông dân không thể là giai cấp lãnh đạo cách mạng?
Nguyên nhân chính của cao trào 30-31 là nguyên nhân nào ??
Điều lệ của Câu lạc bộ Sử học Trẻ; Nội quy của Forum Suhoctre
TỔ CHỨC BỘ MÁY NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT THỜI NGÔ - ĐINH - TIỀN LÊ
Đặc điểm con người nhà văn Nam Cao
Tư sản dân quyền
phong trào cách mạng 1936-1939 có mang tính dân tộc hay không?
Đặc điểm của cuộc cách mạng tư sản Anh thế kỉ XVII:

Share | 

 

 Khu di tích Mỹ Sơn

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Khu di tích Mỹ Sơn I_icon_minitimeWed Jun 18, 2008 9:13 pm

ChauTienLoc
SV ngành Quản lý Nhà nước - Học viện Hành chính Quốc gia

CỐ VẤN CHUYÊN MÔN

ChauTienLoc

CỐ VẤN CHUYÊN MÔN

https://suhoctre.forumvi.net
Họ & tên Họ & tên : CHÂU TIẾN LỘC
Vai trò trong CLB Sử học Trẻ Vai trò trong CLB Sử học Trẻ : Sáng lập viên, Cựu Chủ nhiệm CLB Sử học Trẻ (từ tháng 06/2008 đến 01/2011)
Huy chương Cống hiến Huy chương Cống hiến : Khu di tích Mỹ Sơn 42
Huy chương thành tích Huy chương thành tích : Khu di tích Mỹ Sơn Laodong1 Khu di tích Mỹ Sơn DHVgioi Khu di tích Mỹ Sơn Medal124 Khu di tích Mỹ Sơn 36Khu di tích Mỹ Sơn 40Khu di tích Mỹ Sơn 102Khu di tích Mỹ Sơn 68
Ngày tham gia Ngày tham gia : 17/06/2008
Tổng số bài gửi Tổng số bài gửi : 823
Đến từ Đến từ : TP. Hồ Chí Minh
Sở trường/ Sở thích Sở trường/ Sở thích : SV ngành Quản lý Nhà nước - Học viện Hành chính Quốc gia
Điểm thành tích Điểm thành tích : 1969
Được cám ơn Được cám ơn : 665

Bài gửiTiêu đề: Khu di tích Mỹ Sơn

 
Khu di tích Mỹ Sơn

Khu di tích Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách Đà Nẵng khoảng 70km về hướng Tây - Tây Nam, nằm trong một thung lũng lớn có núi bao quanh. Đây là một trong những khu di tích kiến trúc nghệ thuật, trung tâm tôn giáo của vương quốc Chămpa nổi tiếng nhất ở Việt Nam, thể hiện những dấu tích vật chất về đời sống tôn giáo và lịch sử của vương quốc này. Khu đền tháp Mỹ Sơn được ghi tên vào Danh sách Di sản Thế giới năm 1999.


Khu di tích Mỹ Sơn My_son10

Vương quốc Chămpa được biết đến từ khi nhân dân huyện Tường Lâm nổi lên chống lại ách đô hộ của Trung Hoa năm 192 sau Công nguyên, có hai thánh đô thuộc hai thị tộc lớn.

Thánh đô Mỹ Sơn thuộc thị tộc Dừa cai trị miền Bắc vương quốc, thờ Vua thần Srisanabhadresvara và thánh đô Pô-Nagar (Nha Trang) thuộc thị tộc Cau cai trị miền Nam vương quốc thờ nữ thần Pô-Narga.

Trong hai thánh đô này, Mỹ Sơn được chọn là thánh đô chính của Vương quốc Chămpa.

Mỹ Sơn được xây dựng từ thế kỷ IV, dưới triều của vua Bradravarman. Mỹ Sơn là khu di tích duy nhất của nghệ thuật Chăm có quá trình phát triển liên tục trong thời gian khá dài từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIII, bao gồm một tổng thể kiến trúc phong phú và đa dạng nhất của nghệ thuật Chăm, với hơn 70 kiến trúc đền tháp và một số lớn bia ký có niên đại liên tục trong nhiều thế kỷ.

Thế kỷ thứ IV, vua Bhadresvara đã xây dựng một ngôi đền để dâng cúng vua thần Siva (Nghĩa là Thượng đế, đấng toàn năng). Hơn hai thế kỷ sau đó, dưới triều vua Rudravarman (khoảng giữa những năm 539-577) ngôi đền thờ thần Bhadresvara chẳng may bị cháy.

Vào đầu thế kỷ thứ VII, vua Sambhuvarman đã xây dựng lại ngôi đền bằng những vật liệu bền vững hơn, còn tồn tại đến ngày nay. Các triều vua sau đó đều tu sửa các đền tháp cũ và xây dựng đền tháp mới để dâng lễ vật lên các vị thần của họ.

Mỹ Sơn nằm trong một thung lũng có đường kính khoảng 2km, được cắt ngang bằng một con suối sâu chạy theo hướng Bắc. Về tổng thể, khu Mỹ Sơn là một trong những di tích văn hoá Chămpa mang những đặc trưng nhất về kiến trúc, văn hoá nghệ thuật của một trong những quốc gia “Ấn Độ hoá” của khu vực Đông Nam Á.

Với lịch sử xây dựng và phát triển liên tục suốt 9 thế kỷ (từ thế kỷ IV đến thế kỷ XIII), các đền tháp nơi đây có nhiều kiến trúc phong phú, có tư thế vút lên cao biểu trưng cho sự vĩ đại và sự thanh khiết.

Tất cả các đền tháp và các công trình phụ đều được xây bằng gạch với một kỹ thuật tinh tế. Các mô típ trang trí hoa văn trên các trụ đá cùng với những tượng tròn và phù điêu sa thạch được chạm khắc dựa theo các thần thoại Ấn Độ giáo cùng với sự kết hợp hài hòa với những mô-típ chạm trổ tinh xảo trên các mảng tường gạch ngoài tháp đã tạo cho quần thể đền tháp Mỹ Sơn vẻ đẹp, sinh động, mang những nét đặc trưng nhất của các phong cách nghệ thuật Chămpa.

Đền tháp Mỹ Sơn được bố trí theo tổng thể gồm một đền thờ chính nằm ở giữa tượng trưng cho ngọn núi Ménu, trung tâm vũ trụ, nơi ngự trị của thần linh. Đền tháp gồm 3 phần: Đế tháp, thân tháp và mái tháp.

Đế tháp được xây vuông và đôi khi hơi dài hoặc là hình chữ thập bằng gạch hoặc bằng đá phiến to, phần này tượng trưng cho thế giới trần tục; quanh đế tháp được trang trí các mô-típ hoa văn, hoặc những hình động vật, hình người cầu nguyện đứng trong các vòm cuốn nhỏ, những mặt kala, makala hay là cảnh các vũ nữ, nhạc công.

Thân tháp hoàn toàn bằng gạch với độ dày lớn và chiều cao khác nhau. Các viên gạch kích cỡ trung bình 30cm x 20cm x 5cm được xếp khít lên nhau, tinh xảo tới mức không để lộ mạch hồ.

Trên thân tháp trang trí những trụ áp tường (thường có 5 trụ) và cái chính giữa bị che khuất bởi một cửa giả lớn ở mỗi mặt tháp. Chính ở những cửa giả lớn này là nơi có những công trình trang trí công phu với hệ thống vòm cuốn duyên dáng có chạm trổ tinh tế, có hình người cầu nguyện ở tư thế đứng trầm mặc, uy nghiêm, hai tay chắp trước ngực cầm một đóa hoa sen đầy vẻ cung kính.

Chỗ tiếp giáp giữa thân tháp và nền chân tháp thường có vật trang trí hình lá đề nhiều lớp chồng lên nhau hoặc là những vòm cuốn nhỏ chạm trổ hoa lá, các vật trang trí bằng đá khắc thần Ấn Độ giáo.

Phần tiếp giáp giữa thân tháp và mái tháp được phân định bởi những đường gờ có chạm trổ tỉ mỉ hình hoa lá đan xen xoắn xuýt nhau, mỗi góc có tượng vũ nữ Apsara thủy quái Makara hoặc hình ngọn lửa cách điệu đa dạng theo từng phong cách nghệ thuật khác nhau. Cửa chính của tháp phần lớn quay về hướng Đông (hướng của thần Sấm sét Indra).

Một vài tháp lớn chính có thêm cửa hướng Tây. Thân tháp là nơi mà các nghệ nhân Chămpa đã thể hiện tài năng và sự sáng tạo của mình nhằm bộc lộ sự tận tâm trong việc kiến tạo công trình biểu hiện sự sùng kính đặc biệt với Vua Thần qua các mô thức trang trí điêu khắc trên gạch và trên đá.

Trong lòng tháp tường thường để trơn, không gian hạn hẹp và tối thăm thẳm, có những ô nhỏ hình tam giác lõm vào trong tường, đó là nơi đặt đèn thắp sáng, một đài thờ biểu tượng Siva (Linga) đặt chính giữa lòng đền, chiếm gần hết diện tích và chỉ chừa một lối hẹp đi quanh để hành lễ.

Theo quan niệm của người Chămpa thì thần tháp tượng trưng cho thế giới tâm linh, nơi con người đã tự thanh tịnh gọt rửa phần trần tục của chính mình để có thể được tiếp xúc với tổ tiên và hòa nhập với thần linh.

Mái tháp có 3 tầng và càng lên cao càng thu hẹp lại; mỗi tầng mang hình dáng một đền thờ có đầy đủ những yếu tố chính, và được trang trí các ngẫu tượng, những vật cưỡi của các vị thần trong Ấn Độ giáo như chim Thần, ngỗng Thần, bò Thần, voi, sư tử, v.v...

Ở tầng một và hai, mỗi góc có 4 tháp góc, tầng thứ ba không có tháp góc - chóp tháp có phần đá lớn hình bát giác, tứ giác hay hình tròn. Đỉnh tháp là một khối đá 4 cạnh, phần dưới trang trí những cánh sen tượng trưng cho ngọn núi thiêng Kailasa (nơi cư ngụ của thần Siva).

Trước mặt đền thờ chính (KaLan) là một tháp cổng (Gopura) với cấu trúc nhỏ của hai cửa thông nhau: một cửa về hướng Đông, một cửa hướng vào đền chính, đế tháp vuông và độ cao tháp vừa phải, kết cấu gạch từ dưới lên trên đày đặc, bền vững, trụ cửa bằng đá thanh thoát.

Tiếp với tháp cổng thường là căn nhà dài (Mandapa) có mái lợp ngói, bên trong rộng rãi vốn là nơi đón khách hành hương và tiếp nhận lễ vật cũng như cử hành các vũ điệu trong các lễ cúng hiến cho thần linh.

Xung quanh ngôi đền chính là các ngôi đền nhỏ hoặc các công trình phụ có 1 hoặc 2 phòng. Trên các cửa sổ của tháp còn có những bức tráng trí bằng đá với hình ảnh vị thần tối cao như Visnu, v.v...

Các đền tháp tại Mỹ Sơn tập trung thành từng nhóm, mỗi nhóm đều được bao quanh bởi những bức tường khá dày cũng bằng gạch.

Dựa trên cơ sở phân chia và đặt tên theo qui ước, người ta vẫn gọi các đền tháp ở Mỹ Sơn theo các nhóm A, A', B, C, D,...

Nhóm A là nhóm có số lượng đền tháp tập trung nhiều thứ hai sau nhóm B, gồm 13 đền tháp (từ A1 đến A13) tập trung phía Đông nam con suối chính. Trong nhóm A, ngôi đền chính A1 với chiều cao 24m, mỗi cạnh rộng 10 mét là ngôi tháp cao nhất của thánh địa Mỹ Sơn.

Tháp có 2 cửa ra vào ở hai hướng Đông và Tây (cửa phía Đông là cửa chính vốn có ở những ngôi đền thờ lớn, cửa phía Tây hướng về ngôi đền trung tâm B1 để hợp thành một quần thể thánh đường đồ sộ cúng dâng cho thần Srisanabhadresvara - vị thần tối cao của Thánh địa Mỹ Sơn.

Các cửa giả nhô trên mỗi tầng tháp cùng với những cửa giả nhỏ bao quanh tháp tạo cho ngôi đền một dáng dấp bề thế, hùng vĩ.

Được cấu trúc chặt chẽ, trang trí tỉ mỉ với những chiếc trụ áp tường dài cân xứng, những hoa lá mềm mại của bức diềm quanh trên tháp cùng những vật trang trí phụ bằng sa thạch phỏng theo các hình tượng thần, vũ nữ và động vật, v.v.., khiến cho đền A1 mang những nét độc đáo của nghệ thuật Chămpa.

Đặc biệt, sự kết hợp tinh tế giữa kiến trúc đồ sộ của đền với nghệ thuật điêu khắc trên gạch và đá, ngôi đền A1 là đại biểu cho tên gọi của một phong cách nghệ thuật lớn: phong cách Mỹ Sơn A1.

Xung quanh đền tháp A1 còn có 6 ngôi tháp nhỏ (từ A2 đến A7) thờ các vị thần phương hướng như: hướng Đông: Thần sấm sét (Indra); hướng Đông Nam: Thần lửa (Agni); hướng Nam: Diêm Vương (Yama), hướng Tây: Thần bầu trời (Varuna), hướng Tây Bắc: Thần gió VaGu; hướng Bắc: Thần tài lộc (Kuvera); hướng Đông Bắc: thần toàn năng (Isana).

Các tháp từ A1 đến A7 có niên đại khoảng giữa thế kỷ thứ X. Tháp A8 ở phía đông được coi như tháp cổng của khu tháp A. Căn nhà dài A9 gần bên suối lớn là nơi đón khách hành hương.

Cạnh A1 về phía Bắc là một ngôi đền khá lớn gọi là A10 không có tháp trụ bao quanh. Đây là ngôi tháp lớn nhưng hiện nay tiền sảnh và cửa chính đã bị hư hại nhiều. Các tháp thờ từ A11 đến A13 giữ chức năng là nơi đặt lễ vật trước khi cúng tế.

Nhóm A’: có 4 đền, các đền A’1-A’2-A’3 nằm phía đông con suối, riêng đền A’4 toạ lạc bên kia suối. Tất cả các đền của nhóm A’ đều có cửa quay về hướng Tây.

Nhóm B: Là khu tháp nằm trên vùng đất cao bằng phẳng, được xây dựng vào khoảng thời gian từ thế kỷ X đến thế kỷ XII, có mật độ dày đặc đền tháp nhất trong thung lũng Mỹ Sơn.
Chữ ký của ChauTienLoc





Khu di tích Mỹ Sơn I_icon_minitimeWed Jun 18, 2008 9:15 pm

ChauTienLoc
SV ngành Quản lý Nhà nước - Học viện Hành chính Quốc gia

CỐ VẤN CHUYÊN MÔN

ChauTienLoc

CỐ VẤN CHUYÊN MÔN

https://suhoctre.forumvi.net
Họ & tên Họ & tên : CHÂU TIẾN LỘC
Vai trò trong CLB Sử học Trẻ Vai trò trong CLB Sử học Trẻ : Sáng lập viên, Cựu Chủ nhiệm CLB Sử học Trẻ (từ tháng 06/2008 đến 01/2011)
Huy chương Cống hiến Huy chương Cống hiến : Khu di tích Mỹ Sơn 42
Huy chương thành tích Huy chương thành tích : Khu di tích Mỹ Sơn Laodong1 Khu di tích Mỹ Sơn DHVgioi Khu di tích Mỹ Sơn Medal124 Khu di tích Mỹ Sơn 36Khu di tích Mỹ Sơn 40Khu di tích Mỹ Sơn 102Khu di tích Mỹ Sơn 68
Ngày tham gia Ngày tham gia : 17/06/2008
Tổng số bài gửi Tổng số bài gửi : 823
Đến từ Đến từ : TP. Hồ Chí Minh
Sở trường/ Sở thích Sở trường/ Sở thích : SV ngành Quản lý Nhà nước - Học viện Hành chính Quốc gia
Điểm thành tích Điểm thành tích : 1969
Được cám ơn Được cám ơn : 665

Bài gửiTiêu đề: Trang 2

 
Nhóm B gồm 15 đền tháp, trong đó có đền thờ B1 là đền thờ chính có kích thước rộng nhất tại Mỹ Sơn và là công trình được xây dựng muộn nhất trong thánh địa, đền thờ vị thần chính Srisanabhadresvara.

Tất cả các đền thờ của các nhóm khác đều có khuynh hướng quay về đền B1. Các Vua Chămpa hầu như đều cử hành lễ thánh tẩy tại đây. Ngôi đền B1 đã bị tàn phá nặng nề. B1 là ngôi đền được trùng tu lại nhiều lần nhất tại Mỹ Sơn qua các thời kỳ lịch sử.

Xung quanh B1 là các tháp nhỏ từ B2 đến B14. Đền B2 được coi là tháp cổng. B3 và B4 là đền thờ cúng dâng cho hai vị thần Skanđa (Thần Chiến tranh) và thần Ganesa (Thần Hạnh phúc).

Toàn bộ phần trên của tháp B4 đã bị hư sập, phần cửa ra vào chỉ còn lại 2 cột trụ hình bát giác. Bên trong tháp thờ 1 bộ Linga trên một đài thờ vuông có những đường gờ đơn giản.

Mảng tường duy nhất còn lại ở phía Bắc được trang trí phong phú trên những trụ áp tường có khoảng trống ở giữa mang đặc điểm của phong cách Đông Dương thời kỳ đầu.

B5 có niên đại thế kỷ X là một công trình phụ, được coi là kho lễ vật. Tháp có vẻ đẹp tiêu biểu của phong cách Mỹ Sơn A1 với dáng hình chữ nhật, có mũi cong hình thuyền, cửa ra vào ở hướng Bắc, có cửa sổ ở hướng Đông và Tây. Đây là một loại kiến trúc đặc biệt của nghệ thuật Chăm mang nhiều yếu tố bản địa ở vùng Đông Nam Á thanh thoát, duyên dáng.

Phần trên tháp phía Bắc là 9 trụ ốp tường để chống đỡ mái. Tường tháp phía cửa ra vào có 7 trụ ốp tường kép, giữa những trụ ốp tường có người đứng chắp tay nghiêm trang trên một tòa sen đặt trên đầu voi - dưới một vòm cuốn nhỏ được kê bằng 2 cột trụ tròn. Các cửa sổ Đông - Tây đều có chạm hình tiên nữ và hình các con thú rất sinh động.

Tháp B5 là một trong những ngôi tháp còn tương đối nguyên vẹn, Tháp B6 cũng được xây dựng khoảng thế kỷ 10. Người ta đã tìm thấy tại đây một bệ bằng đá hình oval có chạm khắc hoa sen, tương truyền là vật đựng nước để các vua Chăm pa dùng trong lễ thánh tẩy. Đó cũng lâ hiện vật duy nhất dược tìm thấy ở vùng Đông Nam Á.

Tháp B6 bị tàn phá nặng nề bởi bom đạn, chỉ còn duy nhất vòm mái với hình thần Visnu ngồi dưới tán của 13 đầu nặn thần Naga. Các đền nhỏ từ của nhóm B thờ bảy vị thần tinh tú Grahas như: Thần Mặt trời Surya, Thần Mặt trăng Candra, Thần Sao hỏa Agni, Thần Sao thủy Varuna, Thần Sao mộc Indra, Thần Sao kim Isana, Thần Sao thổ Yama.

Nhóm C

Nằm bên cạnh nhóm B về hướng Bắc, gồm có 6 tháp. C1 là đền chính quay mặt về hướng Đông, có mái cong hình thuyền. Tháp C1 phản ánh tục thờ cúng đặc biệt của thánh đổ Mỹ Sơn. Đó là thờ cả cặp hình tượng chân dung một vị vua Chămpa được thần linh hóa thành Siva và một bộ Linga của thần.

Tháp C2 là tháp cổng có hai hướng cửa Đông - Tây.

C3 là nơi chứa đồ cúng tế có cửa chính quay về hướng Bắc.

Trong khu C, C7 là ngôi đền không chỉ mang những dấu ấn giá trị không chỉ về điêu khắc đá ở tượng thờ và những mô-típ trang trí hoa văn trên các trụ áp tường, mặt tường, mà còn về mặt khảo cổ học.

Nơi đây năm 1904, các nhà khảo cổ học đã sưu tầm được một bộ trang sức bằng vàng đầy đủ dành cho một pho tượng lớn cỡ nửa người thường.

Đây là một bộ trang sức bằng vàng duy nhất còn nguyên vẹn tìm thấy trong nghệ thuật Chămpa, đã được người Pháp trưng bày tại hội chợ Marseille năm 1926.

Nó không những thể hiện lòng sùng kính về mặt tôn giáo mà còn là một tác phẩm nghệ thuật tinh tế mà các triều đại Chămpa cổ luôn có công thực hiện.

Tháp C7 đã bị sụp đổ nặng nề, một vài mảng tường còn lại với những dải hoa văn trang trí còn rõ ràng cũng chứng tỏ đặc điểm phát triển của nghệ thuật điêu khắc Chăm từ phong cách Hoà lai sang phong cách Đông Dương. Tiền sảnh của đền bị sập mặt vòm cuốn, chỉ còn lại khung cửa đá không có hoa văn.

Nhóm D

Gồm 6 tháp từ D1 đến D6. Phần lớn có niên đại ở thế kỷ 10. Nhóm D phối hợp với nhóm B và C làm thành một tổng thể thánh đường đồ sộ nhất tại thung lũng Mỹ Sơn.

Trước đây tháp D1 có mái lợp ngói mỏng, hai cửa ra vào theo hai hướng Đông - Tây. Trên mỗi cửa sổ có tấm lá nhĩ chạm hình người hoặc thần.

Giữa các trụ áp tường có hình người, và trụ được trang trí hoa văn. Hiện tại, phần mái tháp D1 đã bị sập hoàn toàn, mảng tường phía Nam không còn, tường phía Bắc còn tương đối nguyên vẹn với 3 cửa sổ chữ nhật có trang trí những tấm lá nhĩ nhưng chỉ còn hai tấm.

Những đặc điểm hình tượng học xuất hiện trên các nhân vật chạm quanh tháp D1 cho biết tháp này có niên đại sớm nhất so với các công trình khác cùng phong cách Mỹ Sơn A1 (như A1, B5, C1).

Nhóm E

Toàn bộ cụm tháp này nằm bên gò đất cao giữa hai nhánh phụ của con suối theo hướng Đông; gồm có 2 đền chính lớn là E1 có niên đại khoảng thế kỷ 7 và E4 có niên đại thế kỷ XI. Xung quanh 2 đền này là những miếu thờ nhỏ và những công trình phụ phục vụ tế lễ. .

Đền E1 có niên đại thế kỷ VII, cửa chính về hướng Tây, nền vuông bằng gạch, ở bên góc có bốn cột trụ bằng đá chạm trổ lạ mắt, trang trang trí rất đơn giản.

Tiền sảnh chỗ cửa ra vào rất hẹp, phía trước có những bậc tam cấp. Xung quanh chân tháp không có vật trang trí phụ. Mi cửa ở phía trên cửa ra vào được chạm khắc tuyệt đẹp.

Tại ngôi đền này, các nhà khảo cổ học thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông đã phát hiện một đài thờ bằng sa thạch mềm, có kích thước khá lớn 3,53m x 2,7 x 0,05m.

Đài thờ này còn nguyên vẹn được ghép lại bằng các khối đá, nổi tiếng với những cảnh chạm người tinh xảo trong những ô riêng kế tiếp nhau tạo nên một bức tranh liên hoàn minh họa đời sống tu hành của các đạo sĩ Chămpa theo Ấn Độ giáo.

Đền E4 có cùng niên đại với E1. Các bộ phận cấu thành tổng thể tháp bị tước bỏ các mô-típ trang trí hoa văn khiến cho tháp có dáng dấp khô lạnh.

Một số tác phẩm điêu khắc được sưu tầm tại tháp E4 đền này còn được bảo quản tại Bảo tàng điêu khắc Chăm (ở Đà Nẵng). Đền E4 đã bị bom Mỹ dội sập hoàn toàn trong chiến tranh.

Các tháp còn lại như E2, E3, E5, E6 và E7 có chức năng như các tháp phụ ở các nhóm tháp khác. Riêng tháp E5 người ta đã tìm thấy pho tượng tròn Ganesa đứng có 4 cánh tay. Đó là một tượng hiếm hoi nhất về hình tượng Ấn Độ giáo ở ấn Độ và miền Đông Nam Á.

Nhóm F

Là nhóm tháp đơn giản với một tháp chính F1, một tháp cổng và một đền nhỏ không có tiền sảnh. Nhóm tháp này gần với nhóm tháp E.

Đền F1 xoay mặt về hướng Tây, trong đền thờ một bộ Linga - Yôni, đầu Linga được trang trí một cái Giata (đồ đội) xinh đẹp. Bàn thờ Linga được đặt trên một hầm sâu chừng 2 mét - đây là một kiểu thức đặc biệt trong kiến trúc Chămpa.

Tất cả các trụ tròn áp tường và các khoảng tường ở thân tháp đều để trống, không trang trí hoa văn. Chân tháp có nhiều gờ chồng lên nhau, trang trí bằng họa tiết cánh sen. Đầu cột trụ của những cửa giả có hình mặt Kala.

Những trụ áp vào chân tháp mô phỏng những hình người bán thân, phía dưới là một con sư tử ngồi. Mặc dầu bị hư hại nặng nề bởi thời gian, song những phần còn lai ở thân dưới và chân tháp F1 cùng với hiện vật quí là một tấm lá nhĩ (mô tả cuộc chiến đấu giữa thần Siva và quỷ vương Rayana) gợi lên những yếu tố thẩm mỹ riêng biệt trong kiến trúc in dấu ấn của phong cách Hòa Lai (nửa đầu thế kỷ thứ 9) với vẻ đẹp mạnh mẽ, đường bệ và nhịp nhàng.

Nhóm G: Nhóm G là tổng thể kiến trúc đặc sắc, có những tác phẩm bằng đất nung được đánh giá là những tác phẩm độc đáo của nghệ thuật Chăm trong thế kỷ XII - XIII.

Nhóm có 5 tháp tọa lạc phía Đông con suối chính trong đó tháp chính G1 quay mặt về hướng Tây, tiền sảnh được xây dựng đổi mới, có thêm hai cửa ra vào ở hai bên hông và có 8 bậc cấp ở mỗi cửa.

Là một lối kiến trúc mới mẻ trong đền thờ Chăm pa, cả 3 cửa ra vào đều có vòm cuốn hình lưỡi mác chồng lên nhau. Quanh tháp được trang trí những tác phẩm bằng đất nung với hình Kala trong các ô vuông.

Nhóm H

Nhóm H cũng như nhóm B là những công trình đền thờ cuối cùng được xây dựng ở Mỹ Sơn, là mốc đánh dấu sự kết thúc của quá trình tiến hóa 9 thế kỷ liên tục của khu thánh địa Mỹ Sơn.

Nhóm H gồm 4 công trình có niên đại cuối thế kỷ XII đầu thế kỷ XIII: Đền thờ chính H1 quay mặt về hướng Đông đã bị hư hại nặng nề. Vật trang trí là những đầu thủy quái Makara.

Tại ngôi đền này, người ta đã sưu tầm một tấm lá nhĩ sa thạch miêu tả thần Siva có 8 cánh tay với hai tay chắp lên đầu là một kiểu thức độc đáo của nghệ thuật Chămpa.

Nhóm H từ H2 đến H5 đều bị tàn phá trong chiến tranh.

Các tháp K, L, M là những tháp nhỏ nằm riêng lẻ ở xa khu tháp trung tâm. Thời gian và chiến tranh đã hủy hoại toàn bộ các tháp này.

Nguồn: Cpv.org.vn


Chữ ký của ChauTienLoc




 

Khu di tích Mỹ Sơn

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
CLB Sử Học Trẻ Việt Nam :: VĂN HOÁ NGHỆ THUẬT :: VĂN HOÁ - NGHỆ THUẬT VIỆT NAM :: Trang di sản-
________________________________________________________________________
Copyright ©2007 - 2009, Forumotion
Suhoctre ©2007- 2009 Phát triển bởi thành viên Diễn đàn
BQT Diễn đàn: Châu Tiến Lộc - Nguyễn Thị Trang - Phạm Ngọc Thạch

Sáng lập viên : Châu Tiến Lộc, Nguyễn Hùng Sơn, Nguyễn Thái Bình
Email : suhoctre@gmail.com - Forum : http://suhoctre.no1.vn
Xem trang web này tốt nhất với độ phân giải 1024x768 (hoặc cao hơn) với Firefox 3.0


Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Cookies | Thảo luận mới nhất