|
Tiêu đề: Thuỵ Điển và Phần Lan sau chiến tranh thế giới thứ hai | |
| | | | | | Thuỵ Điển, nằm ở Đông bán đảo Xcăngđinavơ (Bắc Âu), là một quốc gia có trình độ phát triển chủ nghĩa tư bản cao về nhiều mặt. Thuỵ Điển là một nước quân chủ lập hiến. Vua là người đứng đầu quốc gia có tính chất tượng trưng. Quyền lập pháp thuộc về Nghị viện gồm hai viện (Thượng nghị viện 8 năm bầu lại một lần, Hạ nghị viện 4 năm bầu một lần) và quyền hành pháp thuộc về chính phủ (Hội đồng quốc gia), do vua chỉ định qua kết quả của tổng tuyển cử.
Về chính sách đối nội, chính phủ Thuỵ Điển, trong sáu thập niên qua nắm trong tay Đảng Xã hội dân chủ (1) đã thực hiện một cách rộng rãi các quyền tự do dân chủ trong khuôn khổ chế độ dân chủ tư sản, nhân quyền được bảo đảm, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, kể từ thủ tướng đến người dân lao động. Về đối ngoại, chính phủ Thuỵ Điển giữ vững chính sách hoà bình trung lập tích cực, phản đối các cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa (chính phủ Thuỵ Điển đã khước từ lời mời gia nhập khối quân sự NATO, đã lên án mạnh mẽ cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa của Mĩ ở Việt Nam và tích cực ủng hộ vật chất, tinh thần cho nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp chống Mĩ và xây dựng đất nước hiện nay).
Với nền kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển ở trình độ cao, mức sống của người dân được xếp vào loại cao nhất của toàn thế giới (nhiều mặt vượt Mĩ). Thuỵ Điển hiện nay được đánh giá cao về khuôn mẫu xã hội theo “mô hình xã hội dân chủ” ở châu Âu (do Đảng Xã hội dân chủ liên tục cầm quyền xây dựng nên).
(1) Ngày 15 – 9 – 1991, trong tuyển cử bầu quốc hội, Đảng xã hội dân chủ chỉ được 38,2% số phiếu, nên chính phủ Xã hội dân chủ (do thủ tướng I. Canxtơn đứng đầu) đã đệ đơn lên nhà vua xin từ chức)
Phần Lan, nằm ở ven biển Ban Tích, giáp giới với Thuỵ Điển, Na Uy và Liên Xô là một xứ sở của hồ và rừng: đất nước có 6 vạn hồ lớn, nhỏ và rừng bao phủ ¾ diện tích đất đai. Trước năm 1917, Phần Lan là một bộ phận của đế quốc Nga thời Nga hoàng. Tháng 12 – 1917, sau khi cách mạng tháng Mười thắng lợi, Chính phủ Xô viết công bố đạo luật công nhận độc lập của Phần Lan. Trong những năm 1919 – 1920, Phần Lan cùng với các nước đế quốc, tư bản khác đã tham dự vào cuộc can thiệp vũ trang chống lại nước Nga Xô viết.
Cuối những năm 30, dưới sự tác động của các thế lực phát xít, chính phủ Phần Lan đã ngả theo chủ nghĩa phát xít Đức và biến Phần Lan thành nước chư hầu của phát xít Đức trong cuộc chiến tranh chống Liên Xô. Sau những thất bại nặng nề, ngày 19 – 9 – 1944, Phần Lan kí hiệp định đình chiến và cắt đứt mọi quan hệ với nước Đức phát xít. Năm 1947, Phần Lan kí kết hoà ước với Liên Xô, và ngày 6 – 4 – 1948, Hiệp ước hữu nghị hợp tác Phần Lan – Liên Xô được kí kết. Cũng từ đó, mối quan hệ giữa Phần Lan với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu đã thay đổi khác trước.
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, các chính phủ cầm quyền Phần Lan đều đã thực hiện một chính sách đối nội, đối ngoại nhất quán: trong nước, mở rộng các quyền tự do dân chủ trong khuôn khổ thể chế dân chủ tư sản, đảm bảo nhân quyền và nâng cao phúc lợi xã hội đối với đông đảo quần chúng lao động; đối ngoại, thực hiện chính sách hoà bình trung lập tích cực. Kinh tế Phần Lan cũng có những bước phát triển đáng kể, ngành lâm nghiệp và chế biến gỗ (xẻ gỗ, sản xuất giấy, bìa, gỗ dán…) chiếm gần ½ giá trị sản phẩm công nghiệp trong nước và là hàng xuất khẩu chính. Ngoài ra, các ngành công nghiệp đóng tàu, công nghiệp chế biến kim loại cũng phát triển mạnh mẽ.
Với đời sống vật chất, tinh thần ở mức cao nhất thế giới và các quyền tự do dân chủ của công dân được thực hiện rộng rãi, Phần Lan đang được coi là một khuôn mẫu xã hội tiến bộ của chủ nghĩa tư bản cuối thế kỉ XX . | | | | |
|
|