Sau chiến tranh thế giới thứ hai, hệ thống thuộc địa rộng lớn của đế quốc Anh (chiếm 35 triệu km2, gấp 143 lần diện tích nước Anh với hơn 500 triệu dân, gấp trên 12 lần dân số Anh) đã bị sụp đổ. Điều này đã gây nên những hậu quả to lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế Anh vốn dựa trên cơ sở bóc lột các nước thuộc địa và phụ thuộc. Mặt khác, do trang bị kỹ thuật của Anh phần lớn đã lạc hậu, cho nên vốn từng được coi là “công xưởng của thế giới” trong suốt thế kỉ XIX, Anh đã bị Mĩ, Đức đuổi kịp và vượt ở thế kỉ XX. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, vị trí của Anh càng bị giảm sút, xếp sau Mĩ, Nhật, Tây Đức và về một số mặt kém cả nước Pháp.
Nước Anh cũng bị chiến tranh tàn phá nặng nề, do đó trong những năm đầu sau chiến tranh, kinh tế Anh gặp rất nhiều khó khăn. Năm 1948, Anh phải dựa vào “viện trợ” kinh tế của Mĩ (kế hoạch Macsan) để phục hồi lại nền sản xuất, cũng vì thế kinh tế Anh phụ thuộc vào mĩ và phải để cho tư bản Mĩ đầu tư mở các xí nghiệp ngay trên đất Anh (hãng Ford của Mĩ hiện nay kiểm soát một nửa ngành sản xuất ô tô của Anh).
Năm 1950, Anh phục hồi lại được nền sản xuất đạt mức trước chiến tranh rồi sau đó phát triển tương đối nhanh chóng (nhưng thua kém tốc độ phát triển của Tây Đức, Pháp và Italia). Anh vẫn tập trung vào phát triển những ngành kinh tế truyền thống của mình: xuất khẩu tư bản sang các nước trong khối Liên hiệp Anh (khối bao gồm hầu hết các nước thuộc địa cũ của Anh) để cho vay lẫy lãi nặng hoặc mở mang các xí nghiệp, đồn điền để vơ vét nguyên liệu, bóc lột nhân công rẻ mạt (về xuất khẩu tư bản, Anh chỉ đứng sau Mĩ); phát triển các ngành công nghiệp than, chế tạo cơ khí, công nghiệp đóng tàu và công nghiệp dệt. Trong nông nghiệp, chăn nuôi là ngành chủ yếu, lâu đời, nhiều kinh nghiệm: trên ½ diện tích đất canh tác trồng cỏ để chăn nuôi gia súc. Nông nghiệp chỉ thoả mãn được 60% nhu cầu trong nước về lương thực, thực phẩm (trong đó, thịt đảm bảo được 89%).
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, hai đảng Bảo thủ và Công đảng thay nhau cầm quyền ở Anh, bề ngoài ra vẻ đối lập với nhau nhưng thực chất đều đại diện cho quyền lợi của giới tư bản lũng đoạn.
Trong chính sách đối ngoại, dù chính phủ Công đảng(1) hay chính phủ Bảo thủ, chính sách nhất quán của Anh hầu như phụ thuộc vào Mĩ, theo Mĩ như “hình và bóng” trong các mục tiêu chống lại các nước xã hội chủ nghĩa, chống phong trào giải phóng dân tộc và phong trào công nhân quốc tế, trong âm mưu “chạy đua vũ trang” gây tình hình thế giới căng thẳng…