Chế độ ruộng đất Trung Quốc qua hai chế độ điển hình thời Tây Chu và thời Đường
Vũ Hoàng Sơn, Nguyễn Đăng Khoa, 2013. (SV ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN)
Phần I -
Chế độ ruộng đất thời Tây ChuI – Tiền đề và sự hình thành của chế độ tỉnh điền
Từ thời Hạ, Thương có thể đã bắt đầu hình thành chế độ phân phong ruộng đất theo hình thức các quốc gia nhỏ thống nhất có một vị vua đứng đầu. Tư liệu về chế độ ruộng đất thời kì sơ khai này còn lại rất ít ỏi chưa thể khẳng định rõ ràng. Theo Tư Mã Thiên, ”con cháu đời Thương được phân phong, có họ Ân, họ Lai, họ Tống, họ Không Đồng, họ Trĩ, Họ bắc Ân, họ Mục Di.” (Sử ký).
Tuy nhiên có thể thấy rằng việc phong ruộng đất đã có từ rất sớm và đến thời Tây Chu thì đã trở thành một chê độ hoàn chỉnh.
Đến thời nhà Tây Chu (khoảng năm 1066-771 TCN) vua Chu bắt đầu gọi là Vương tức Thiên tử (con trời). Vua Chu đã mượn uy trời để cai trị nhân dân. Là người có quyền lực rất lớn về hành chính và tư pháp, vua Chu cũng là người có quyền sở hữu cao nhất về ruộng đất trong cả nước:
Ở dưới gầm trời
Đâu cũng đất vua
Khắp trên mặt đất
Đâu cũng dân vua
(Kinh Thi)
Và do đó có quyền phân phong ruộng đất cho con em và các công thần.
II – Chế độ tỉnh điền
1 –
Quyền sở hữu ruộng đấtDưới thời nhà Tây Chu, ruộng đất thuôc quyền sở hữu của nhà nước không được phép mua bán, đất đai này được gọi là đất công. Nhà vua thực hiện chính sách phân phong ruộng đất cho anh em họ hàng và các công thần, các vùng đất xung quanh một vùng đất trung tâm nơi đặt triều đình và nơi ở của nhà vua. Chính sách này nhằm tạo ra nhữn tấm phiên giậu bảo vệ đất nước trước nguy cơ xâm lược từ bên ngoài.
Cùng với việc phân phong ruộng đất cho quý tộc thì ở từng địa phương cũng tiến hành việc chia ruộng đất cho nông đân. Dười thời nhà Chu ở Trung Quốc chế độ trên đã được hoàn chỉnh và phát triển trong thời gian dài.
2 –
Nội dungVùng đất đặt Kinh đô và xung quanh kinh đô được nhà vua giữ lại dùng làm nơi ở và đăt triều đình trung ương. Đây được gọi là “Vương kì”, đây là một vùng đất nằm ở vùng trung tâm của đất nước. Tại đây nhà vua và các quan đại thần sinh sống cai trị đất nước.
Đất đai còn lại được chia thành nhiều vùng đất nhỏ, mỗi vùng đất này được chia cho những anh em, bà con tron hoàng tộc và các công thần của nhà vua. Khi phân chia đất đai còn kèm theo việc phong chức tước (Công, Hầu, Bá). Vì vậy chế độ này được gọi là “Phân phong ruộng đất”. Tùy theo họ hàng thân hay sơ, người có công lớn hay nhỏ thì họ sẽ được phân đất đai rộng hay hẹp, chức tước cao hay thấp. Từ đó tạo ra những vùng đất thuộc quyền cai trị của quý tộc nhưng nhà vua vẫn là người sở hữu cao nhất về những đất đai đó.
Những người được phong đất và chức tước trở thành các “vua chư hầu” của nhà Chu. Đó là những ông vua ở các địa phương với các danh hiệu Công, Hầu, Bá, … các vua chư hầu có toàn quyền cai trị vương quốc của mình nhưng lại không có quyền sở hữu hoàn toàn về đất được phong, tuy nhiên họ được truyền lại đất đai, chức tước của mình cho con cháu kế thừa. Đối với vua Chu, các vua chư hầu có nghĩa vụ phục tùng thiên tử, hàng năm phải đến chầu, cống nộp sẩn vật cho nhà vua. Ngoài ra khi có chiến sự xảy ra các vua chư hầu phải đem quân đội của địa phương mình đến giúp nhà vua khi có mênh lệnh của nhà vua.
Nếu những vua chư hầu đó không thi hành đúng nghĩa vụ, mệnh lệnh và yêu cầu của nhà vua, thì tùy theo mức độ mà bị giáng chức tước, bị thu hồi đất phong hoặc bị đem quân đến đánh dẹp.
Đó là việc phân chia đất đai rộng lớn trong cả nước, còn tại Vương kì và trong các nước chư hầu ruộng đất lại được chia cho quý tộc quan lại của triều đình nhà Chu và triều đình các nước chư hầu gọi là “khanh”, “đại phu”. Khanh đại phu lại chia thái ấp cho những người giúp việc của mình gọi là “sĩ”. Những khanh, đại phu, sĩ tuy không có quyền gì về sở hữu ruộng đất nhưng họ có quyền hưởng thuế khóa trên đất đai được chia, nhưng khi thôi việc, họ phải trả lại số ruộng đất ấy.Theo sách “Quốc ngữ”, khanh của nước lớn có ruộng một lữ (khoảng 1000 ha), thượng đại phu có ruộng một tốt ((khoảng 200 ha). Qua đó cũng có thể thấy số tô thuế họ thu được cũng đáng kể.
Cuối cùng, trong các làng xã, để tiến hành sản xuất, mà chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, ruộng đất được chia cho nông dân để cày cấy. Họ nhận ruộng đất theo chế độ “tỉnh điền”.
Phần 2: Chế độ ruộng đất thời nhà ĐườngA –
Sự ra đời của chế độ quân điềnI – Bối cảnh
1 –
Sự thành lập của nhà Đường:
Vào cuối thời nhà Tùy, chiến tranh nông dân nổ ra, tiếp sau đó là các cuộc chiến của các thế lực địa chủ, quý tộc phong kiến. Những bất ổn về chính trị chỉ là biểu hiện bên ngoài của nền kinh tế suy thoái: ruộng đất của nông dân bị địa chủ tư hữu, tước đoạt; chiến tranh loạn lạc khiến nhiều người dân phải bỏ lại ruộng đất để đi lưu tán lánh nạn. Năm 618, Lý Uyên, một đại diện cho tập đoàn quan liêu quý tộc đã phế truất vị vua cuối cùng của nhà Tùy là Tùy Cung Đế, đổi quốc hiệu thành Đường. Lý Uyên lên ngồi tức Đường Cao Tổ. Nhờ sự tranh thủ được nhiều tầng lớp trong xã hội, Lý Uyên đã dần củng cố được thế lực, dần dần triệt hạ các thế lực cát cứ khác để thống nhất về căn bản Trung Quốc.
Năm 626, Đường Cao Tổ Lý Uyên thoái vị, Thái tử Lý Thế Dân lên làm vua, tức Đường Thái Tông. Giai đoạn cai trị của Đường Thái Tông được xem là sự khởi đầu cho thời kỳ hưng thịnh của nhà Đường trong lịch sử Trung Quốc.
2 –
Chính sách nhượng bộ nông dân:
Những cuộc khởi nghĩa nông dân đã khiến nhà Tùy hùng mạnh phải mất ngôi nhanh chóng. Thực tế đó đã đem lại một bài học lớn cho tầng lớp thống trị nhà Đường trong buổi đầu, buộc họ phải thi hành chính sách “nhượng bộ” nông dân. Họ nhận thấy rằng muốn củng cố nền thống trị thì không nên áp bức nhân dân thái quá mà phải nhượng bộ một phần nào. Điều này được thể hiện qua lời bàn của Đường Thái Tông: “Vua như thuyền, nhân dân như nước, nước có thể đỡ thuyền mà cũng có thể lật thuyền”.
Rút được kinh nghiệm từ sự suy vong của nhà Tùy, học tập phong thái khiêm tốn của Tùy Văn Đế, vạch trần nền thống trị của Tùy Dạng Đế, tiếp tục thực hiện một số chính sách phát triển và khôi phục sản xuất xã hội. Những chính sách đó đã giảm được rất nhiều khó khăn trong kinh tế, giảm sự bóc lột nông dân, xã hội ổn định. Trong đó, chính sách nhượng bộ nông dân được thể hiện rõ nhất qua chế độ ruộng đất. Đây cũng là bước tiến lớn trong chính sách nông nghiệp của nhà Đường.
II – Chính sách ruộng đất của nhà Đường
1 –
Chính sách khẩn hoang:
Vào thời kỳ mới thành lập, nhà Đường gặp phải yêu cầu nhanh chóng ổn định nền sản xuất kinh tế, Đường Thái Tông ra chính sách khẩn hoang mở thêm diện tích cày cấy, khôi phục sản xuất nông nghiệp (và thủ công nghiệp). Mặt khác, về chính trị, Đường Thái Tông đánh mạnh vào các quý tộc cường hào, mục đích là để giải quyết mâu thuẫn giữa nông dân và quý tộc cường hào. Thời gian này, vua Đường còn thi hành chính sách cấp tiền cho dân lưu tán hồi hương về quê tham gia sản xuất hoặc tập hợp dân lưu tán để đi khai khẩn.
Đến thời sơ Đường, để củng cố nền thống trị, vương triều Đường đã ra sức cưỡng chế tranh thủ sức lao động trở về với ruộng đất, lấy chủ trương khẩn hoang làm chính, đồng thời phân phối dân cư, buộc dân ở các vùng đông dân cư phải chuyển sang các vùng dân cư thưa thớt để có nhân lực sản xuất, khai khẩn ruộng đất.
Tuy gặp một số khó khăn, đặc biệt là ở các vùng biên giới do các cuộc tiến công của bộ tộc Đột Quyết, nhưng nhìn chung chính sách khẩn hoang đã có những tác dụng nhất định đến sự ổn định của nền kinh tế.
2 –
Chính sách “bình quân ruộng đất”:
Sau thời kỳ trị vì của Đường Thái Tông, tầng lớp thống trị nhà Đường tiếp tục có những biện pháp nhằm giải quyết mâu thuẫn giữa nông dân và bọn cường hào. Vương triều Đường đã đấu tranh đem ruộng đất của bọn cường hào chia cho dân, giảm bớt kẻ bóc lột, buộc các con em quý tộc phải lao động sản xuất, qua đó tăng số nhân khẩu trực tiếp sản xuất, tập trung của cải cho chính quyền trung ương.
Cho nên vương triều Đường đã thực hiện chế độ bình quân ruộng đất có từ thời Bắc Ngụy quy định: “người được chia ruộng đầu tiên là người nghèo, sau đó đến người phục dịch cho triều đình”. Với danh nghĩa chế độ chia lại ruộng đất, nông dân đã phá bỏ ách rang buộc ruộng đất trở thành những người có trách nhiệm đóng tô thuế cho chính quyền.
Những địa phương đất ít người đông, đại bộ phận đất đai bị bọn quý tộc địa chủ chiếm giữ, nhà nước chủ trương chia lại ruộng đất để tạo nên tình hình phát triển kinh tế xã hội. Pháp luật của triều đình quy định phục hồi và phát triển sản xuất nông nghiệp, do đó đã có tác dụng tích cực thúc đẩy sự phát triển của xã hội tiến lên.
3 –
Chế độ “quân điền”:
Chế độ quân điền là một trong những chính sách xử lý ruộng đất công, tức bộ phận ruộng đất thuộc quyền quản lý trực tiếp của nhà nước. Chính sách quân điền xuất hiện vào thời Nam-Bắc triều, tình hình chiến tranh đói kém, ruộng đất bỏ hoang, lưu dân ngày càng nhiều, nông nghiệp đình đốn, Ngụy Hiếu Văn Đế đã ban hành chính sách quân điền. Chính sách quân điền thời kỳ này được áp dụng cho cả đàn ông từ 15 tuổi trở lên và cả đàn bà, nô tỳ.
Chế độ quân điền của nhà Đường thực chất cũng là một chính sách nhượng bộ nông dân, dung hòa mâu thuẫn giữa nông dân với địa chủ cường hào quý tộc. Nhà nước thu hồi những vùng đất đai rộng lớn bỏ hoang trong chiến tranh về thuộc sở hữu của nhà nước, tức ruộng đó trở thành ruộng công. Tùy thuộc tương quan giữa số lượng ruộng đất và nhân khẩu trong mỗi làng mà nhà nước sẽ theo đó chia ruộng đất cho nông dân để cày cấy. Quy định cụ thể như sau:
Ở những “làng rộng”, ruộng nhiều người ít, mỗi thanh niên trên 18 tuổi được chia 100 mẫu ruộng, trong đó có 20 mẫu ruộng trồng dâu gọi là ruộng “vĩnh nghiệp”, còn 80 mẫu trồng lúa gọi là ruộng “khẩu phần”. Còn ở những “làng hẹp”, ruộng ít người nhiều, mỗi thanh niên trên 18 tuổi chỉ được chia 40 mẫu ruộng “khẩu phần”. Cụ già, người tàn tật, ốm yếu được cấp 40 mẫu ruộng “khẩu phần”, bà góa được cấp 30 mẫu ruộng “khẩu phần”, nếu là chủ hộ thì được cấp nửa suất của tráng đinh.
Chế độ quân điền không xâm phạm đến lợi ích của giai cấp địa chủ, ruộng đất của địa chủ được giữ hầu như nguyên vẹn, ngoại trừ một số nơi ruộng đất của địa chủ bị nhà nước thu hồi để chia lại theo chế độ “bình quân ruộng đất”. Tuy nhiên giới quý tộc và quan liêu có thể theo đẳng cấp mà chiếm lấy nhiều ruộng làm ruộng đất “vĩnh viễn”.
Đồng thời nhà vua cũng thường cấp cho chúng nhiều ruộng đất. Quan lại, quý tộc theo địa vị, công lao, chức tước mà được ban cấp ruộng “vĩnh nghiệp”, ruộng “thưởng công” và ruộng chức vụ. Ruộng vĩnh nghiệp ban cho quý tộc được phong tước và các quan ngũ phẩm trở nên ít nhất là 5 khoảnh, nhiều nhất là 100 khoảnh (1 khoảnh bằng 100 mẫu). Ruộng “thưởng công” ban cho những người có chiến công, ít nhất 60 mẫu, nhiều nhất 30 khoảnh. Ruộng chức vụ ban cho các quan lại làm lương bổng, ít nhất 80 mẫu, nhiều nhất 12 khoảnh.
Quy định trên của nhà Đường có phần rõ ràng hơn chính sách thời Nam-Bắc triều. Tuy nhiên số lượng ruộng đất dùng để ban thưởng càng lúc càng nhiều (thời Bắc Ngụy thuộc Bắc triều, số ruộng đất cấp cho quan lại chỉ từ 6-15 mẫu) dẫn đến nhiều hệ lụy. Trừ ruộng chức vụ, các loại ruộng “vĩnh nghiệp” và ruộng “thưởng công” đều được quan lại tự do mua bán.
Còn với ruộng đất chia cho dân, thì ruộng “vĩnh nghiệp” lại có thể truyền lại cho con cháu, tức thuộc quyền sở hữu của nông dân. Trong nhiều trường hợp, ruộng “vĩnh nghiệp” có thể tự do trao đổi, mua bán như nông dân thiếu hoặc thừa ruộng “vĩnh nghiệp” hay khi gia đình có việc tang mà mà quá nghèo túng. Những người từ “làng hẹp” di cư đến “làng rộng” có thể bán cả ruộng “khẩu phần” nữa. Quy định đó có lợi cho cường hào tóm thu ruộng đất.
Chế độ ruộng đất được đặt kèm chế độ thuế, trong đó nông dân phải chịu nghĩa vụ ngang nhau, được quy định thành chế độ “tô-dung-điệu”. Theo đó số thuế má hàng năm mỗi đinh phải nộp “tô” thóc 2 thạch, “điệu” nộp 20 thước lụa, 3 lạng tơ và đi phu 20 ngày. Có thể nộp lụa thay cho đi phu, mỗi ngày 3 thước, gọi là “dung”. Nếu gặp nạn lụt, hạn hán hay các thiên tai khác thì chính quyền có thể gia giảm hoặc miễn thuế tùy theo mức độ thiệt hại.
III – Hệ quả của chính sách ruộng đất và nông nghiệp
Sau khi triều đình thực hiện các biện pháp phát triển kinh tế xã hội có kết quả với sự cần cù của nhân dân lao động, hầu hết ruộng hoang đã được khai khẩn, sản xuất nhanh chóng phát triển, nhân khẩu không ngừng tăng lên. Năm 740, nhân khẩu cả nước Đường là ước khoảng 48 triệu người đến năm 755 đã lên tới 52 triệu người, vượt xa ngưỡng cực thịnh của triều Tùy. “Sức lao động cày cấy rất nhiều, khắp tứ hải cao sơn, chẳng đâu thiếu nhân lực, nhà nào cũng dự trữ lương thực, không lo đói nữa”.
Sau khi thi hành chế độ quân điền, những nông dân không có hoặc có ít ruộng đất, những người lưu tán trở về quê hương đều được cấp ruộng đất, do đó họ trở thành nông dân cày cấy ruộng đất công, thoát khởi sự lệ thuộc vào địa chủ. Hơn nữa, do việc giao ruộng đất cho nông dân, nên toàn bộ ruộng đất bị bỏ hoang vì chiến tranh đã được canh tác trở lại, vì thế nông nghiệp lại được phất triển, nhà nước và nông dân đều có lợi.
Trong thời kỳ đầu, nông dân có ruộng cày, chính quyền theo quy định thu thuế, lại chủ ý không bắt phu vào ngày mùa, việc đó có tác dụng trong việc khôi phục phát triển sản xuất nông nghiệp. Lương thực, thực phẩm dồi dào, tạo cơ sở cho các ngành thương nghiệp, thủ công nghiệp phát triển, trở thành cơ sở cho sự hưng thịnh của các đô thị.
Tuy nhiên, mặc dù chế độ quân điền là một chính sách chung của cả nước, nhưng chế độ đó chỉ thực sự thi hành ở miền bắc là nơi có nhiều ruộng đất vô chủ (là khu vực tranh chấp, cũng như diễn ra nhiều cuộc chiến tranh nông dân, chiến tranh giữa các thế lực cát cứ, chiến tranh với các bộ tộc phương Bắc như Đột Quyết, Thổ Cốc Hồn, Cao Cấu Ly…). Ngay cả tại vùng này, chế độ quân điền cũng không được thi hành triệt để. Nhiều tài liệu đời Đường để lại cho biết rằng rất nhiều nông dân không có đủ số ruộng theo mức quy định.
B –
Sự phá sản của chế độ ruộng đấtI – Sự phá sản của chế độ quân điền
1 –
Nạn chiếm hữu ruộng đất của địa chủ và quan lại:
Chế độ quân điền cho phép người chiếm lấy nhiều đất hoang để khai thác. Bọn quan liêu và địa chủ chiếm lấy nhiều đất hoang. Chúng lợi dụng quyền thế để chiếm đoạt ruộng của nông dân, và lại mượng cớ kinh doanh chăn nuôi để chiếm cứ nhiều đồng cỏ, khe núi. Như thế, ruộng đất của giai cấp địa chủ ngày càng nhiều thêm. Tất cả những thủ đoạn đó chỉ để nhằm thỏa mãn cuộc sống xa hoa đầy dục vọng. Thậm chí bọn quan liêu quý tộc lợi dụng quyền thế để mua bằng được đất đai, biến ruộng công thành ruộng tư hoặc cướp đoạt trắng trợn ruộng của nông dân.
Từ đời Đường Huyền Tông, loại chiếm hữu ruộng đất này trở thành loại “cường hào thì kiêm tính – nông dân thì thất nghiệp”, một cảnh tượng bi thảm trong xã hội.
Tình hình xã hội sau đó cũng không khả quan hơn, không chỉ nông dân mà cả quan liêu, địa chủ cũng không giữ được ruộng đất do sự ăn chơi xa xỉ, số thu vào không bù lại số vung ra cho nên phải bán ruộng đất để tiêu. Chủ ruộng thay đổi luôn luôn.
Để thu gom tài nguyên, vương triều Đường đã sử dụng các thủ đoạn, trong đó phái các quan đến vùng dân bỏ đi để thu lại ruộng đất, truy thu tô. Nhiều ruộng công bị biến thành “điền trang” của vua quan. Chế độ trang viên ngày càng phát triển, bọn quan lại quý tộc lợi dụng hình thức xây dựng trang viên để chiếm hữu ruộng đất.
2 –
Chế độ binh dịch:
Biên giới nhà Đường ngày càng mở rộng sau các cuộc bành trướng ra bên ngoài. Chính quyền do đó cũng phái nhiều nông dân đi lính để ra canh giữ. Theo quy định, nông dân đi lính chỉ phải phục vụ binh dịch có 6 năm, nhưng trên thực tế họ phải đi từ khi còn trai tráng đến già vẫn chưa được về. Do đó có nhiều gia đình nông dân bị cướp đi sức lao động trường kỳ.
Có nhiều gia đình, người đi lính đã chết trận, nhưng bọn tướng lĩnh muốn che giấu sự thất bại của chúng nên không báo tên những người chết cho chính quyền biết. Về sau nhà Đường lại quy định: những người đến biên cương mà bị mất tích thì chính quyền chỉ miễn thuế 6 năm, sau 6 năm mà chưa về nhà thì kể như đã trốn, gia đình phải đóng thuế thay.
Nhiều gia đình phải đóng thuế thay đến 30 năm. Phần đông nông dân bị phá sản vì điều đó. Mặt khác, nạn tham ô cũng bám rễ vào biên phòng, thông qua đút lót, có nhiều kẻ trai tráng trốn lính, trong khi nhiều người ốm yếu cũng bị bắt đi đồn thú. Nhiều tướng lĩnh tàn bạo, khi biết binh lính có đem theo của cải sẽ tìm mọi cách đày đọa đến chết để cướp của. Do đó không những nhân lực trong nông nghiệp bị suy giảm mà ngay cả việc biên phòng cũng bị suy yếu.
3 –
Chế độ thuế má – sưu dịch:
Chế độ tô thuế ban đầu của nhà Đường đã quy định nhân dân có thể nộp lụa (tức thuế “dung”) thay cho sưu dịch. Nhưng lúc nào cần, chính quyền nhà Đường vẫn có thể bắt dân đi phu, đi lính. Thuế má mà chính quyền đặt ra còn vơ vét tài sản của nông dân một cách ngoại lệ, làm cho nhiều nông dân phải bán ruộng “vĩnh nghiệp” và cầm cả ruộng “khẩu phần”. Và để đối phó với những vơ vét ngoại lệ ấy, nhiều nông dân đã bỏ ruộng trốn đi. Nông dân thất nghiệp trở thành đày tớ cho bọn địa chủ, cường hào là cố nông và dân lưu vong, đi lang thang kiếm sống.
Để trực tiếp năm lấy ruộng đất và nông dân, nhà nước đã cố gắng duy trì chế độ quân điền, hạn chế địa chủ thâu tóm ruộng đất. Nhưng số nông dân bỏ trốn ngày càng nhiều thêm, giữa thế kỳ thứ VIII, sau một cuộc điều tra của chính quyền, đã tính có hơn 80 vạn số nông hộ chạy trốn. So với số ruộng đất và tá điền của địa chủ thì số ruộng đất và nông dân do chính quyền trung ương nắm được ngày càng ít. Chế độ quân điền phá sản trên thực tế.
II – Những mâu thuẫn về ruộng đất
Để kiểm soát những nơi bị chinh phục và đề phòng sự tấn công của các nước láng giềng, chính quyền nhà Đường đã đưa rất nhiều quân đội đi đồn thú gần biên giới. Thống soái những đội quân đó gọi là Tiết độ sứ, nắm cả về quân sự-hành chính-tài chính.
Từ thời Đường Huyền Tông, do có sự tranh giành về ruộng đất và tài sản giữa các Tiết độ sứ và triều đình, cho nên mâu thuẫn và xung đột giữa hai thế lực này ngày càng gay gắt. Do chi phí quân sự cao, cho nên nhà nước ngày càng tăng thuế để bóc lột người dân. Nhận thấy nhà Đường suy yếu, một số Tiết độ sứ ở phía bắc tìm cách tăng cường mộ dân lưu tán với danh nghĩa làm chăn nuôi để tăng cường lực lượng, đem quân chống lại nhà Đường, gây ra cuộc biến loạn An Sử.
Cuộc biến loạn này đã dẫn đến sự xáo trộn lớn về nhân khẩu. Nông dân tự canh – lực lượng có nghĩa vụ đóng thuệ và chịu lao dịch cho nhà nước ngày một ít. Còn tá điền – đối tượng bóc lột chủ yếu của địa chủ ngày một gia tăng. Sư giành giật ruộng đất và nông dân giữa nhà nước và giai cấp địa chủ đã dần nghiêng về phía giai cấp địa chủ.
III – Hệ quả
1 –
“Phép thuế hai kỳ” - Chế độ quân điền chính thức bị xóa bỏ:
Cuộc biến loạn An Sử đã đem lại cho nông dân một tai họa lớn, nông dân chạy loạn bị biến làm tá điền. Nhiều nơi không nộp thuế cho chính quyền, bọn quan lại lợi dụng “đặc ân” còn địa chủ thu rất nhiều nông dân làm tá điền cũng không chịu nộp tô thuế. Nhà Đường phải đặt ra rất nhiều các thứ thuế phức tạp khác nhau đánh vào tầng lớp nông dân tự canh nghèo khổ. Tuy nhiên số thuế thu lại cũng không được bao nhiêu nên tầng lớp thống trị quyết định thay đổi phương pháp.
Năm 780, nhà Đường ban hành chính sách thuế mới gọi là “phép thuế hai kỳ”, theo đó chính quyền căn cứ vào sự chi tiêu để đặt ra tổng số thuế, chia cho các địa phương; nhà nước chỉ căn cứ theo số ruộng đất và tài sản thực để đánh thuế; thuế mỗi năm được thu hai lần theo hai vụ thu hoạch trong năm. Bãi bỏ phép thuế “tô-dung-điệu”, chỉ căn cứ theo tài sản thực để đánh thuế, điều đó chứng tỏ nhà nước đã công khai thừa nhận chế độ quân điền không tồn tại nữa.
2 –
Mâu thuẫn xã hội tăng cao:
Tuy luật hai vụ thuế có thể xem là đã giảm nhẹ gánh nặng cho nông dân, nhưng bọn địa chủ vẫn khai man tài sản, trút lên đầu nông dân. Bọn địa chủ càng lúc càng bắt tá điền phải nộp tô nặng, có khi đến 1 thạch. Trong khi đó tình trạng cướp đoạt ruộng đất vẫn không thuyên giảm, riêng Trường An, một nửa số ruộng đất đã bị hoạn quan và tay chân chiếm đoạt. Bị áp bức nặng nề, nông dân đã nổi lên đấu tranh mà mạnh mẽ nhất là cuộc khởi nghĩa của Vương Tiên Chi, Hoàng Sào (874-884).
Phần 3: Tài liệu tham khảo
- Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Văn Ánh, Đỗ Đình Hãng, Trần Văn La, Lịch sử Thế giới Trung đại, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2011. Trang 248-259.
- Lục Đức Dương, Lịch sử lưu dân, NXB Trẻ, Hà Nội, 2001. Cao Tự Thanh dịch.
- Lê Giảng (biên soạn), Các triều đại Trung Hoa, NXB Thanh niên, Hà Nội, 2002.
- Đổng Tập Minh, Sơ lược Lịch sử Trung Quốc, NXB Ngoại văn, Bắc Kinh, 1963.
- Học viện Quân sự Cấp cao, Lịch sử Trung Quốc tóm tắt: Từ Thượng cổ đến thời kỳ Năm đời Mười nước, 1992.