1. Hệ thống hóa kiến thức cho dễ nhớ
Biết hệ thống hóa kiến thức cho dễ nhớ, bằng cách tạo ra cẩm nang học riêng cho mình với bảng tóm tắt những sự kiện, soạn dàn ý cho mỗi bài học, hoặc làm phép so sánh giữa những bài có cấu tạo gần giống nhau.
2. Nắm khung các sự kiện quan trọng
Học theo các sự kiện quan trọng để nhớ những mốc thời gian nhỏ trong toàn chương trình. Các bạn cần học theo các sự kiện quan trọng, bằng các khung sự kiện với nội dung bao gồm: Nguyên nhân, diễn biến, kết quả, ý nghĩa. Nắm khung giúp nhớ có hệ thống và nhớ lâu, dễ trả lời những câu hỏi tổng hợp.
3. Phải biết suy luận
Bài làm môn Lịch sử cần đi thẳng vào vấn đề, không viết dông dài, dẫn đến lạc đề. Hãy đọc kỹ đề bài, hiểu rõ câu hỏi và thiết kế những kiến thức đã học theo ý đồ của câu hỏi, đừng bắt câu hỏi phải đi theo kiến thức có sẵn của mình. Muốn thế, bạn phải học cách suy luận từ nền tảng của những vấn đề mà mình đã được học và biết chọn ra những chi tiết, sự kiện lịch sử nào để chứng minh, giải thích theo yêu cầu của đề bài.
4. Không được phép học theo kiểu nhớ mang máng
Môn Sử là môn tuyệt đối kỵ với các khái niệm mù mờ. Ví dụ: không được nhớ nhầm “Mặt trận dân tộc thống nhất” thành “ Mặt trận thống nhất dân tộc”. Không được viết lẫn lộn giữa những chữ “đấu tranh”, “chiến đấu”, “khởi nghĩa”.
5. Tâm lý thoải mái, tự tin
Thay vì tỏ ra sợ hãi trước “người bạn” bất đắc dĩ này, bạn hãy tạo cho mình một tâm lý thật thoải mãi, xem môn Sử như những môn khác, hãy tự tin rằng: “Mình có thể làm được tất cả".
Chấp nhận “người bạn” này và dần dần thân với bạn ấy bằng cách ghi các sự kiện, các mốc, các địa danh,... ra nhiều tờ giấy có màu sắc khác nhau và dán xung quanh không gian căn phòng, góc học tập của bạn. Hằng ngày bạn vô tình hay cố ý sẽ nhìn thấy bạn ấy và dù yêu hay ghét thì bạn cũng sẽ nhớ bạn ấy thôi.
6. Hãy đi áp dụng thực tế nếu có thể
Vẫn là câu nói quen thuộc "học đi đôi với hành", nhưng với thói quen của đại đa số các bạn học sinh hiện nay thì đã quên chữ "hành" trong việc "học". Nhất là với những môn học thuộc là chủ yếu thì việc đi thực tế, nắm bắt những dữ kiện lịch sử thông qua nhiều cách diễn đạt thú vị của các hướng dẫn viên du lịch, các thuyết minh viên tại viện bảo tàng,... cũng là một cách cực tốt. Thay vì ngồi nhà đọc như "nuốt chữ", thì khi đến những nơi như thế, bạn có thể thấy được tận mắt những loại vũ khí dùng trong thời chiến, nghe các câu chuyện thú vị "ngoài lề" mà chắc chắn trong sách không hề có, như thế việc "thấm" chữ, hiểu chuyện cũng sẽ lâu hơn và kiến thực bạn nắm được cũng sẽ phong phú hơn.
Theo nguồn internet