“Thay đổi tư duy”, “Thay đổi nhận thức” là những cụm từ thường xuất hiện đầu tiên trong các đề xuất cải cách, chấn hưng giáo dục. Nói đến nhận thức môn Sử, nhiều người trong giới giáo dục cho rằng: Cần bắt đầu trong việc chấn chỉnh cách nhìn nhận về vị trí môn Sử trong chức năng giáo dục con người.
Lịch sử là môn học có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc giáo dục thế hệ trẻ. Nó sẽ giúp học sinh hiểu biết về quá khứ, cội nguồn của dân tộc, giáo dục cho học sinh ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, ý thức trách nhiệm của bản thân với quê hương, đất nước.
Trong nhiều năm gần đây, tình trạng học sinh, sinh viên “ngán” học môn Sử, sợ thi môn Sử và sự yếu kém về tri thức lịch sử khiến xã hội lại bàn đến nỗi lo “mất gốc” của giới trẻ. Đặc biệt, từ khi Bộ GD&ĐT thực hiện chủ trương “Hai không”, xiết chặt kỷ cương trong thi cử thì những hiểu biết mơ hồ, những nhận thức lệch lạc về kiến thức lịch sử càng có dịp “phát lộ”.
Là những giáo viên đang giảng dạy môn Lịch sử ở trường phổ thông, chúng tôi không thể né tránh thực trạng đó và phải đối mặt với thực tế đó. Rất nhiều giáo viên than phiền về thái độ coi thường các môn khoa học xã hội, trong đó có môn Sử.
Ở nhiều trường, Ban giám hiệu đều cho rằng đây là môn học bài, không cần chú trọng và đầu tư nhiều. Khi nào thi tốt nghiệp thì mới cần tăng một số tiết, nếu không thi thì cắt giảm số tiết để nhường cho các môn học khác. Để đảm bảo chương trình và nội dung, giáo viên chỉ cần cho học sinh chép và học thuộc những nội dung bài trong sách giáo khoa là đủ. Vì quan điểm phi khoa học đó đã hình thành thói quen kiểu dạy học đối phó, thi đối phó.
Theo chúng tôi, môn học nào cũng cần nhớ, đòi hỏi tư duy sáng tạo. Các môn học đều có nhiệm vụ trong việc góp phần giáo dục thế hệ trẻ theo nội dung, sở trường và ưu thế của bộ môn mình. Môn Lịch sử cũng như các môn học khác đều “bình đẳng” trong việc đánh giá về tác dụng của nó, hoàn toàn không lệ thuộc vào số lượng tiết học trong kế hoạch dạy học, vào việc thi hay không.
Mấy năm gần đây, hiện tượng điểm thi môn Sử của học sinh trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh vào đại học kém một cách thảm hại. Nói rộng ra, lớp trẻ hiện nay quen với suy nghĩ bất đắc dĩ mới học Sử, cùng đường mới thi môn sử! Tại sao vậy?
Nhiều người nói là giáo viên chúng ta không biết dạy sử, thậm chí có người còn viết rằng, đã gọi là lịch sử thì bao giờ cũng nhàm chán, khô khan, khó hiểu, lặp đi lặp lại. Họ tính chuyện tăng tính hấp dẫn của môn Sử bằng tranh, vẽ vời lại phim ảnh, bởi họ tin rằng các biện pháp kỹ thuật “xịn” ấy mới giúp cho môn học này đỡ “ngán”.
Nếu chúng ta biết rằng, ở nhiều nước tiên tiến, Lịch sử vẫn được người ta coi là một môn học sinh động và có lôi cuốn bậc nhất đối với học sinh thì có thể thấy mấu chốt vấn đề không phải là chỗ đấy.
Ngày 14/4/2012 vừa qua, tại Văn Miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam (KHLSVN) phối hợp với Bộ GD&ĐT đã tổ chức lễ tôn vinh và phát thưởng học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử và đây là lần đầu tiên Quỹ phát triển Sử học Việt Nam (thành lập cuối năm 2011) do GS.TS.NGND Phan Huy Lê - Chủ tịch HKHLSVN làm Chủ tịch Quỹ đã ra mắt hoạt động bằng lễ trao thưởng mang nhiều ý nghĩa và tính thời sự này.
Trong bức tranh toàn cảnh về tình trạng sa sút của môn Sử mà báo chí và các phương tiện truyền thông đã nhiều năm đề cập thì sự có mặt của các em chăm lo học và đạt giải cao môn Sử là những mảng màu tươi, những gương sáng đáng quý trọng và biểu dương.
Các em cho thấy rằng, trong đám đông học sinh chưa thích môn Sử vẫn còn nhiều em tìm thấy niềm hứng thú, đam mê học tập môn Sử, tìm ra phương pháp hữu hiệu trong học tập, trong cách thức mở mang hiểu biết lịch sử.
Sự ra đời của Quỹ phát triển Sử học Việt Nam là thành quả của một quá trình kiên nhẫn của HKHLS VN hoạt động nhằm mục đích góp phần đào tạo nhân tài Sử học cho đất nước và thúc đẩy sự phát triển nền Sử học Việt Nam. Với góc độ là những giáo viên dạy sử, thì sự ra đời của Quỹ phát triển Sử học Việt Nam càng có ý nghĩa quan trọng. Việc bồi dưỡng những tài năng tương lai không thể không tính đến chính sách đãi ngộ và sử dụng người tài.
Sự nghiệp giáo dục nói chung và chính sách bồi dưỡng “hiền tài” nói riêng rất cần được xã hội hoá. Việc trọng dụng “nguyên khí quốc gia” sẽ tác dụng mạnh mẽ đến công tác phát hiện và bồi dưỡng Học sinh giỏi, trong đó có HSG Quốc gia môn Lịch sử. Chúng tôi thiết nghĩ, việc tuyên dương và phát thưởng trong buổi lễ đó chưa thể làm thay đổi được thực trạng giáo dục môn Sử các trường phổ thông mà mới là một giải pháp góp phần khuyến khích, cổ vũ tinh thần học Sử của học sinh.
“Thay đổi tư duy”, “Thay đổi nhận thức” là những cụm từ thường xuất hiện đầu tiên trong các đề xuất cải cách, chấn hưng giáo dục. Nói đến nhận thức môn Sử, nhiều người trong giới giáo dục cho rằng: Cần bắt đầu trong việc chấn chỉnh cách nhìn nhận về vị trí môn Sử trong chức năng giáo dục con người.
Vẫn biết rằng, việc thay đổi một hệ thống giáo dục môn Lịch sử tồn tại nhiều năm nay không thể nóng vội và làm trong một sớm một chiều. Làm thế nào để học và thi tốt môn Sử? Câu hỏi này không chỉ của riêng người dạy sử, học sử. Với tư cách là những giáo viên dạy môn Lịch sử, chúng tôi chỉ muốn tâm niệm rằng: Đừng coi môn Lịch sử là “môn phụ” và hãy trả lại vị trí cho môn Lịch sử.
GS Phan Huy Lê – Chủ tịch HKHLS VN: “Chấn hưng và khôi phục vị thế, phát huy hết chức năng môn Sử cần nghiên cứu và thực thi một hệ thống giải pháp đồng bộ từ nhận thức vai trò và yêu cầu môn Sử đến chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy và học liên quan đến cả hệ thống đào tạo giáo viên môn Sử”.