Là 2 gương mặt học sinh (HS) đạt giải môn Lịch sử trong kỳ thi HS giỏi quốc gia, Nguyễn Ngọc Huyền Oanh giải nhì và Nguyễn Ngọc Thùy Dương giải khuyến khích (lớp 11 chuyên Sử Địa Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm) luôn giữ vững tình yêu với lịch sử nước nhà.
Huyền Oanh (trái) và Thùy Dương cùng nhau làm đẹp thêm trang sử.
Không chỉ là môn thuộc bài
Có thể môn Lịch sử gây khó cho nhiều học sinh, bởi phải học bài nhiều với những số liệu, ngày tháng “chằng chịt” nhưng đối với hầu hết các bạn HS giỏi môn này thì việc học môn này không chỉ có học bài. Như những môn học khác, môn Lịch sử cũng đòi hỏi tư duy từ cách trình bày, cách trả lời câu hỏi,…
Học sử đâu đơn giản chỉ là học vẹt, đọc tới đọc lui cho thuộc là được điểm cao. Nguyễn Ngọc Thùy Dương cho rằng: “Mỗi câu hỏi lịch sử thường đòi hỏi tư duy, nhận định đúng vấn đề mới trả lời đúng được”. Vì vậy, để học tốt môn này, Thùy Dương phải chăm chỉ học bài, xem sách giáo khoa, đặc biệt là phải nắm rõ các mốc thời gian, giai đoạn lịch sử.
Với Nguyễn Ngọc Huyền Oanh, Lịch sử là môn học rất gần gũi và không có lý do gì để chúng ta bỏ quên. Học thuộc bài, đọc thêm, tìm hiểu thêm sách báo và phải có cách “trình bài logic dễ hiểu, có lập luận các vấn đề”. “Muốn học tốt môn Lịch sử, phải hiểu rõ nó, nắm chắc vấn đề và có kỹ năng phân tích, tổng hợp”- Huyền Oanh chia sẻ.
Huyền Oanh còn nhớ câu 6 của đề thi học sinh giỏi quốc gia về “Đường lối đổi mới của Đảng” mà em rất tâm đắc. Qua việc học và tìm hiểu, lịch sử cho Oanh biết những sự kiện lớn lao làm cho xã hội phát triển phồn vinh và thịnh vượng hơn.
Thầy Nguyễn Văn Hiệp- giáo viên dạy môn Lịch sử và cũng là người thầy chủ nhiệm của Oanh và Dương cho biết: “Hai em không chỉ có năng khiếu về sử mà còn có khả năng tổng hợp tốt. Đặc biệt, các em có tinh thần tự học, tự nghiên cứu.”
“Dân ta phải biết sử ta”
Bác Hồ từng nói: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.” Vì thế, học lịch sử đâu đơn giản là để thi, để lấy điểm,… mà quan trọng hơn là để làm người. Huyền Oanh nói: “Nếu một người nước ngoài hỏi chúng ta về lịch sử Việt Nam mà ta không biết thì thật xấu hổ”. Cho nên “các bạn học sinh chúng ta nên học đều các môn bởi kiến thức môn nào cũng quan trọng và cần thiết”- Huyền Oanh nói.
“Những anh hùng dân tộc qua các thời kỳ đều có, những bậc tiền nhân làm rạng danh trang sử nước nhà sao ta không tìm hiểu”- Thùy Dương góp ý. Không nói xa xôi, ngay tại tỉnh Vĩnh Long chúng ta cũng có những nhà lãnh đạo, những người tài làm sáng danh đất nước như Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt,…
Sinh ra và lớn lên trong gia đình nhà nông ở xã Đồng Phú (Long Hồ), niềm yêu sử của Dương được bồi đắp từ những câu chuyện về các anh hùng dân tộc của cha, của mẹ. Từ lãnh tụ Hồ Chí Minh vĩ đại đến chú Tư- con bà Ba hàng xóm- đã hy sinh cho đất nước.
Huyền Oanh luôn xem trọng lịch sử vì: “Có quá khứ mới có hiện tại và tương lai phải được học hỏi rút kinh nghiệm từ trong quá khứ”. Oanh chưa từng đặt áp lực cho mình trong các cuộc thi mà đơn giản chỉ là cố gắng học và phấn đấu hết mình vì “học không chỉ là lấy điểm”.
Cả Oanh và Dương đều cho rằng: Bạn trẻ chúng ta hãy yêu hơn lịch sử nước nhà vì chúng ta có tổ có tông, có những anh hùng dựng xây đất nước. Oanh còn mong rằng: Chương trình lịch sử có thêm nhiều bài đọc thêm hơn cho HS nắm rõ nhiều sự kiện, nhân vật.
Sau khi Bộ GD-ĐT công bố chính thức các môn thi tốt nghiệp THPT 2014 với 2 môn thi bắt buộc là Toán, Văn và 2 môn tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử và Ngoại ngữ; đã có vài trường công bố kết quả đăng ký mà không có học sinh nào đăng ký thi tự chọn môn Lịch sử.
Cũng từ đây, dấy lên 2 luồng quan điểm: Một phía thì phê phán cách dạy sử hiện nay và cho rằng Bộ GD-ĐT phải xem lại chương trình và phương pháp truyền đạt về lịch sử. Một phía thì phê phán học sinh không học sử giống như những đứa trẻ không hề biết người sinh ra mình là ai, ông bà mình tên là gì.
PV