"Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".
Là người Việt Nam, ai cũng biết về ngày 2 tháng 9 năm 1945, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khẳng định nước Việt Nam độc lập - tự do trước toàn thế giới. Tuy nhiên, còn rất nhiều điều ít biết về ngày Tuyên ngôn Độc lập 2.9
Sau khi đã họp với Thường vụ Trung ương Đảng quyết định chọn ngày 2.9 để tổ chức đại lễ Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra mắt quốc dân, Bác Hồ hỏi ý kiến đồng chí Trường Chinh ai có thể cáng đáng việc tổ chức ngày độc lập này? Suy nghĩ một lát, đồng chí Trường Chinh trả lời là ông Nguyễn Hữu Đang (1913-2007, đảng viên năm 1939, Ban Trị sự Hội Truyền bá quốc ngữ, hoạt động trong Hội Văn hoá cứu quốc ngay từ đầu, sau đó bị Pháp bắt, vừa được đi dự Quốc dân Đại hội Tân Trào trở về, vừa mới được cử làm Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền).
Trong cuốn hồi ký của mình, cụ Đang nhớ lại ngày 28.8.1945, Bác Hồ gọi cụ tới gặp để trao nhiêm vụ Trưởng ban tổ chức Ngày Độc lập. Bác hỏi: Chú có làm được không?
"...Tôi hiểu là không thể hoãn. Cụ Hồ giục tôi về ngay để bắt tay vào việc. Tôi không về nhà mà đi thẳng đến Bộ Tuyên truyền, gọi dây nói cho các báo hàng ngày, yêu cầu họ nghe tôi đọc chậm một thông báo thượng khẩn về một ngày đại lễ mà tôi nghĩ ra ngay một cái tên gọi rất hợp, làm nổi bật ý nghĩa lớn là “Ngày Độc lập”. Tôi yêu cầu – vì đã được Cụ Hồ cho phép - họ phải đăng kịp vào số báo ra sáng ngày mai.
Đêm ấy - đêm 28.8.1945, Cụ Hồ thức suốt sáng để viết Tuyên ngôn Độc lập, còn tôi ở lại Bộ Tuyên truyền cũng thức suốt đến sáng để nghiên cứu kế hoạch, chương trình tổ chức “Ngày Độc lập”. Trời sáng rõ, tôi nhờ Trần Kim Xuyến, Đổng lý Văn phòng Bộ Tuyên truyền liên lạc ngay với Trần Lê Nghĩa, Phạm Văn Khoa ở Hội Truyền bá quốc ngữ, Nguyễn Huy Tưởng, Lưu Văn Lợi ở Hội Văn hoá cứu quốc, Nguyễn Dực ở Đoàn hướng đạo (Tráng sinh), Trần Lâm ở Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, và một số bạn đã cùng hoạt động xã hội với tôi nhiều năm ở thủ đô để thành lập ban tổ chức ngay tối hôm 29.8.1945...” (trích hồi ký cụ Nguyễn Hữu Đang).
Nhìn lễ đài ngày Tuyên ngôn Độc lập năm ấy, ai cũng thấy giản dị nhưng thật trang nghiêm. Đạt được kết quả như vậy mà lại trong một thời gian chỉ có gần hai ngày, là công sức đóng góp của kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh. Sáng 1.9.1945, ông Phạm Văn Khoa tìm đến ông, trao đổi yêu cầu nhiệm vụ với ông, ông phấn khởi nhận lời và hẹn ông Khoa đến 12 giờ trưa hôm ấy quay lại xem bản vẽ. Ngay lập tức, ông Quỳnh chuẩn bị mấy thứ nhà nghề, đi ngay đến vườn hoa Ba Đình để khảo sát thực địa và vẽ 3 kiểu. 12h30 ngày 1.9, bản vẽ lễ đài được thông qua. Lễ đài bắt đầu được thi công. Mọi người làm việc không kể giờ giấc. Gần 6 giờ sáng hôm sau (ngày 2.9), lễ đài được hoàn thành, cao hơn 4 mét, rộng và sâu hơn 4m, trên đó có một cột cờ cao hơn 10m, hai bên có hai lư hương lớn bằng gỗ.
Khung lễ đài đã cơ bản xong, tuy nhiên không thể thiếu các phương tiện thông tin như loa đài, micrô, máy khuếch đại để đảm bảo cho hơn nửa triệu người nghe được đầy đủ. Công việc tưởng như đơn giản nhưng lại rất hệ trọng này đã có ông Nguyễn Dực ở Đoàn hướng đạo lo. Ông Dực đã được biết việc này sớm hơn ông Ngô Huy Quỳnh, nên ông đã tức tốc đi lo được 7 cái loa to và lắp ráp được 3 máy khuếch đại 40W cùng 3 micrô ( tất cả dụng cụ này đều là của riêng của ông Dực).
Ai cũng lo loa đài chỉ có như vậy khó mà đủ công suất để phục vụ. Vốn là một chuyên gia lâu năm, với nhiều kinh nghiệm làm việc, ông đi cùng một số anh em để bàn bạc công việc cụ thể vị trí đặt 7 cái loa và đo khoảng cách với lễ đài để dự trù đường dây loa. Mãi sáng mùng 2.9, lễ đài mới dựng xong, đang trang trí bên ngoài thì nhóm ông Dực mới đặt được máy, đến 11 giờ trưa mới thử được máy, đi đến từng loa nghe rất tốt... lác đác có những đoàn đã đi vào quảng trường.
Đúng 2 giờ chiều thì đoàn xe có 2 ôtô đi đến lễ đài, theo sau là cả một đoàn xe đạp. Có hai xe máy đi hai bên... Khi cả đoàn đã đi lên trên lễ đài, thì vừa có tiếng hô: “Nghiêm! Chào cờ!”. Đoàn quân nhạc xếp hàng trước lễ đài cử bài “Tiến quân ca”. Qua khe hở của sàn lễ đài, ông Dực lần đầu tiên được thấy rõ Hồ Chủ tịch cao và gầy. "Khi vừa chào cờ xong thì Hồ Chủ tịch nhìn vào 3 micrô và sẽ thổi trước micrô “Philíp” ở giữa, đèn báo trên máy đỏ lên và lập tức có tiếng “phù” từ cái loa dội lại. Hồ Chủ tịch lùi lại một chút rồi nói: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Ở dưới đã vang lên: “Có ạ”.
Tôi đã từng lắp micrô nhiều lần, nhưng lần đầu tiên tôi mới thấy một người thành thạo như vậy. Thường thì người ta lấy tay gõ nhẹ vào mặt micrô xem có tiếng loa kêu lóc cóc trở lại không, hoặc có người đếm một...hai...Tôi rất sung sướng và nói ngay với bạn: Chưa có người nào am hiểu về micrô như vậy và rất tôn trọng quần chúng. Sau đấy, Cụ Hồ chậm rãi đọc một mạch hết bản Tuyên ngôn Độc lập. (Trích hồi ký của ông Nguyễn Dực).
(Nguồn : báo Lao động)