Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những bức tượng đồng có tầm cỡ ở Matxcơva. Cuối năm 1969, sau khi Người tạ thế, khu Công viên Akademichexki rộng hơn một hec-ta được đặt hòn đá đầu tiên chuẩn bị cho việc dựng tượng.
-
Bức phù điêu Bác Hồ của tác giả V.Tsigal ở Quảng trường Hồ Chí Minh - Matxcơva.
Đây là một vị trí rất đẹp của Thành phố. Công viên là điểm cắt của hai con đường lớn, đường Đmitria Ulianôpva và đường 60 năm Tháng Mười, xung quanh là những ngôi nhà cổ và nhà bằng gạch cao từ tám đến mười tầng, không che mất tầm nhìn. Lúc này, Nhà hàng Hà Nội đang tồn tại, án ngữ phía Tây như là một biểu tượng của văn hóa ẩm thực Việt Nam… Chín năm sau, tượng Bác bằng đồng cao 5 mét được đặt trên bệ cũng bằng đồng khối có chiều dài 6 mét, dày nửa mét; diện tích khuôn viên là 676m2, có ba chiếu nghỉ và 8 bậc thang rộng được khánh thành. Hàng chữ “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do” bằng tiếng Nga, khắc sâu vào mặt trước của tượng đài, cách vài ba trăm mét vẫn có thể đọc được. Trước nhà số 1/24 và số 2/22 của hai phố Đmitria Ulianôpva và phố Công đoàn đều có hai tấm bảng bằng đá khổ 1m x 1m20 ghi rõ “Quảng trường Hồ Chí Minh” và tóm tắt thân thế và sự nghiệp của Người.
Quảng trường, khu tượng Bác là nơi nghỉ ngơi, giải trí của khu dân cư, lao động khu vực Viện Hàn lâm. Những hàng ghế gỗ màu xanh kê dọc các lối đi, không lúc nào vắng bóng các cụ già dừng chân, những đôi gái trai ngồi tâm sự. Những ngày đẹp trời, các em bé rải vụn bánh mì cho hàng đàn bồ câu và chim sẻ.
Vì chỉ nằm cách lối vào Metrô Viện Hàn lâm chưa đầy 100 mét, nên ngày ngày trước tượng Bác lúc nào cũng cuồn cuộn dòng người qua lại. Vào những ngày thứ Bảy, Chủ Nhật, ngày lễ, hàng chục thanh niên Nga lại tụ tập trước tượng Bác chơi đến tận khuya.
Đã thành một truyền thống, các Đoàn đại biểu cấp cao từ trong nước sang thăm hữu nghị chính thức nước bạn đều đến thành kính đặt hoa trước tượng đài Hồ Chủ tịch và cũng thành thông lệ hàng năm, vào ngày 19-5 và ngày 2-9, đúng mười giờ sáng, cán bộ Đại Sứ quán, đại biểu Cộng đồng người Việt làm ăn và sinh sống ở Matxcơva và những người bạn Nga lại xếp hàng làm lễ dâng hoa trước tượng Người. Những người Nga sống quanh khu vực vừa ngạc nhiên, vừa trân trọng tình cảm thành kính của người Việt Nam và cả bạn bè Nga yêu mến Việt nam đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Hầu như trong chương trình những đám cưới của người Việt, bao giờ các đôi trai gái cũng mang hoa đến đặt trước tượng Bác và Đài Liệt sĩ vô danh tại điện Kremli như là một nghĩa cử và một nếp sống văn hóa. Những điều này, hầu như một người Việt nào ở Nga cũng biết....
40 năm kể từ khi Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường mang tên Người được khởi công, giờ đây sự hiện hữu của công trình tưởng niệm Người lớn nhất và sớm nhất ở nước ngoài này đã trở thành một biểu tượng của tình hữu nghị giữa hai dân tộc, hai đất nước, niềm tự hào của mỗi người Việt nam, đặc biệt đối với những ai đã từng học tập làm việc, công tác tại Liên xô trước đây nói chung và Thủ đô Matxcova nói riêng với Lãnh tụ Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới .
Vladimir Efimovich Tsigal tác giả tượng đài Hồ Chủ tịch ở Matxcova
Sinh năm 1917, tác giả bức tượng đài Hồ Chí Minh ở Matxcơva, Nghệ sĩ điêu khắc Nhân dân Liên Xô và LB Nga V.E. Tsigal đã bỏ bao công sức sáng tạo nên, đã làm ấm lòng biết bao người Việt xa xứ, khiến họ cảm thấy gần gũi nhau hơn mỗi khi đặt chân tới quảng trường Hô Chí Minh ở Matxcơva.
Nghệ sĩ điêu khắc Nhân dân Liên Xô và LB Nga Vladimir Efimovich Tsigal.
V.E.Tsigal luôn tự hào rằng quảng trường Hồ Chí Minh cùng bức chân dung Người bằng đồng đã trở thành địa chỉ gần gũi không những đối với người Việt đang học tập, làm ăn, sinh sống tại LB Nga, mà còn đối với nhiều người dân Matxcơva. Không chỉ vào dịp sinh nhật Người, mà vào ngày lễ tết, nhiều người Việt Nam luôn tới đây đặt hoa tưởng nhớ vị lãnh tụ vĩ đại đã mang lại độc lập, tự do cho dân tộc. Cô dâu chú rể người Việt trong ngày hạnh phúc cũng không quên đến bên Người, coi đây là địa điểm dừng chân mang ý nghĩa lớn trong khoảnh khắc đặc biệt của cuộc đời. Các đoàn đại biểu Việt Nam sang thăm và làm việc tại LB Nga cũng coi việc tới đặt vòng hoa tại quảng trường Hồ Chí Minh là một phần không thể thiếu trong chương trình nghị sự… Và khi tới đây, không ít khách thăm quan chắc hẳn đều nhắc tới ông - người nghệ sĩ đã góp phần đáng kể tạo nên một địa điểm gặp gỡ mang ý nghĩa văn hóa xã hội rất lớn .Cái tên Vladimir Efimovich Tsigal, người được vinh dự nhận giải thưởng Lênin và nhiều giải thưởng quốc gia Liên Xô - LB Nga, viện sĩ Viện hàn lâm mỹ thuật Liên Xô, đã trở nên thân quen, và quảng trường Hồ Chí Minh đã trở thành địa điểm gắn liền với nhiều sự kiện lớn góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, thúc đẩy sự hợp tác giữa hai nước Việt Nam và LB Nga.
Là một trong số 6 tượng đài Hồ Chí Minh được đặt ở nước ngoài gồm Cuba, Hungary, Pháp, Ấn Độ, Madagascar, tượng đài Hồ Chí Minh ở Matxcơva được tọa lạc trong một không gian có thể nói là rộng lớn nhất. Đặt chân tới đây, chắc hẳn không ai bỏ qua cơ hội ngắm nhìn thật kỹ bức chân dung bằng đồng của Bác. Từ trên cao, với nụ cười hiền hậu, vầng trán cao và chòm râu bạc, Người như đang mỉm cười với mỗi người khách tới thăm quảng trường.
Nhớ lại cách đây 4 năm, chúng tôi đã có dịp được nhà điêu khắc V.E. Tsigal đón tiếp tại nhà riêng ở Matxcơva. Khi đó, mặc dù đã 88 tuổi, nhưng V.E. Tsigal vẫn nhanh nhẹn và đặc biệt ông có trí nhớ thật tuyệt vời. Trong căn phòng bài trí nên thơ với những bức tranh vẽ phong cảnh nước Nga và tĩnh vật mang phong cách cổ điển, V.E. Tsigal ngồi trầm ngâm và lục tìm trong trí nhớ những ký ức về hai chuyến thăm Việt Nam, về quá trình sáng tạo nên bức phù điêu chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và về quãng thời gian ông miệt mài với từng đường nét trên bức chân dung và toàn bộ bố cục của tượng đài. Có lẽ thời gian ông giành cho bức tượng đài rất dài, nên ông không thể nhớ cụ thể đã mất bao nhiêu năm để hoàn thành tác phẩm. Ông nhớ rằng, khi lần đầu sang thăm Việt Nam năm 1985, ông đã mang theo dự án đầu tiên về bức phù điêu Hồ Chí Minh. Khi đó, theo tư duy của ông, Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vĩ đại, là học trò của Các Mác và Lênin, là người đã mang lại tự do cho dân tộc Việt Nam, vì vậy ý tưởng ban đầu của nhà điêu khắc là muốn tạo hình tượng Hồ Chí Minh theo cách truyền thống - ở tư thế đứng, tay đặt trên quyển sách, tượng trưng cho những tác phẩm của Mác và Lênin.
“Nhưng khi thực hiện chuyến đi xuyên Việt bằng ôtô, có cơ hội tìm hiểu cuộc sống, tính cách, phong tục tập quán của những người dân sống ở những vùng quê dọc theo đất nước Việt Nam, tôi nhận ra rằng Việt Nam mà tôi tận mắt thấy hoàn toàn khác với Việt Nam trong trí tưởng tượng của tôi và tôi đã quyết định bỏ dự án thứ nhất và bắt tay vào soạn thảo dự án thứ hai với những cảm xúc hoàn toàn mới” - V.Tsigal tâm sự. Để có tư liệu phục vụ cho dự án thứ hai của bức tượng đài Hồ Chí Minh, nhà điêu khắc đã ghi nhớ và sâu chuỗi từng chi tiết nhỏ khi tới thăm nhà sàn, ao cá Bác Hồ, khi xem những bức ảnh chụp về cuộc đời hoạt động của Bác và khi nghe ông Vũ Kỳ - nguyên Giám đốc Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, kể về Người. Ngoài ra, V.Tsigal còn đọc những tác phẩm viết về Bác, nghiên cứu di chúc của Bác viết trước lúc đi xa. Ông đã cố gắng hết sức mình không chỉ để tìm hiểu con người, tính cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn tìm hiểu cuộc sống của đất nước, con người Việt Nam. “Người Việt Nam sống ra sao, họ nghĩ gì và quan tâm đến điều gì? Tất cả những kiến thức đó rất cần cho tôi” - V.Tsigal khẳng định.
Nếu có dịp được chiêm ngưỡng bức phù điêu Hồ Chí Minh ở Matxcơva, chắc hẳn bất cứ ai cũng có thể nhận thấy phong cách thể hiện ý tưởng và cấu trúc của tác phẩm là độc nhất vô nhị, không giống với những bức tượng đài khác. Đó cũng chính là mục đích hướng tới của nhà điêu khắc tài năng V.Tsigal: “Tôi muốn bức phù điêu Hồ Chí Minh thu hút sự chú ý và sẽ để lại ấn tượng sâu sắc cho bất cứ ai từng một lần đứng trước tác phẩm này”.
Để bức phù điêu Hồ Chí Minh được công chúng tiếp nhận như một tác phẩm điêu khắc “có một không hai”, tác giả V.Tsigal đã gửi gắm vào tác phẩm tình cảm và suy tư của ông về lịch sử đất nước, con người Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ đã được UNESCO công nhận là danh nhân thế giới và năm 1990 - năm khai trương bức phù điêu, cũng là Năm Quốc tế Hồ Chí Minh. Từ khi khánh thành đến nay, quảng trường Hồ Chí Minh với bức chân dung Người được khắc nổi trên tấm đồng tròn khổng lồ cùng câu nói nổi tiếng của Người được dịch sang tiếng Nga “Không có gì quí hơn độc lập tự do”, với hình tượng chàng trai Việt Nam ở thế chuẩn bị bật dậy, hình tượng cây tre, đã trở thành điểm du lịch tôn thêm vẻ đẹp của thành phố vốn nổi tiếng với nhiều bức tượng mang tính nghệ thuật cao là Matxcơva.“Vòng tròn là hình tượng mặt trời của Việt Nam, tiềm ẩn mơ ước về một Việt Nam với tương lai tươi sáng - V.Tsigal miêu tả ý tưởng sáng tạo bức tượng đài - Ở mặt sau của hình tròn là hai cây tre - loài cây luôn sẵn sàng gồng mình chống chọi với bão tố. Tôi xây dựng hình tượng cây tre cũng là xuất phát từ sự hiểu biết về loài cây đặc trưng của Việt Nam: cây có thể bị uốn cong, nhưng khó bị bẻ gẫy, giống như ý chí và sức mạnh Việt Nam vậy”.
Đối với nhà điêu khắc, lịch sử Việt Nam là lịch sử của những cuộc đấu tranh giành độc lập và tự do cho đất nước. Người Việt Nam đã trải qua bao đau thương và mất mát mới giành được nền độc lập của hôm nay. Bởi vậy ban đầu, ý tưởng thiết kế hình tượng chàng trai Việt Nam ở phía dưới chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh là chàng trai cầm khẩu súng máy trong tay. “Nhưng sau đó tôi đã suy nghĩ lại, - V.Tsigal nhớ về thời kỳ cuối những năm 80 khi ông bắt tay đúc bức phù điêu, - Tôi đã tự hỏi mình: Tại sao lại gắn hình ảnh vị lãnh tụ Việt Nam bên cạnh vũ khí như vậy? Hãy để đất nước này sống trong hòa bình, không bao giờ còn biết tới những khẩu súng. Và tôi đã bỏ khẩu súng đó ra khỏi bố cục của bức tượng”. Giờ đây, chàng trai Việt Nam trong tác phẩm của ông là một chàng trai với sức vóc khỏe mạnh, đang trong tư thế chuẩn bị xuất phát trên con đường đến với tương lai. Và cho tới nay, ông nhận thấy ý tưởng loại bỏ khẩu súng trong tay chàng trai thật đúng với hiện thực: Việt Nam đang vươn mình đi lên xây dựng tương lai no ấm trong hòa bình.
Và không chỉ bức phù điêu bằng đồng khổng lồ mang ý nghĩa sâu xa, mà cả bệ đá hoa cương mà bức phù điêu trụ trên đó cũng hàm chứa nhiều ý nghĩa. “Chắc có nhiều người đặt câu hỏi: tại sao không phải là 3 hay 5 bậc đá hoa cương dẫn tới tượng đài, mà lại là 8 bậc? - Tác giả Tsigal dường như tự hỏi mình - Con số 8 mang ý nghĩa tượng trưng, bởi tôi nhận thấy bông sen - loài hoa được người Việt Nam coi là biểu tượng của sự thanh tao, thường có 8 cánh”.
Có thể nói, mỗi chi tiết điêu khắc thể hiện trên bức phù điêu Hồ Chí Minh đều mang ý nghĩa sâu xa xuất phát từ sự hiểu biết, từ tấm lòng ngưỡng mộ của tác giả đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, với lịch sử đất nước và con người Việt nam. Và như cảm tưởng của nhiều vị khách từng đến với quảng trường Hồ Chí Minh, thì đây là địa điểm mang đậm phong cách và tinh thần Việt Nam. Phong cách và tinh thần Việt Nam ấy đã được nghệ sĩ điêu khắc tài năng V.E.Tsigal chuyển tải một cách tài tình và đầy sức thuyết phục. Phát biểu cảm tưởng của mình về Chủ tịch Hồ Chí Minh, V.E. Tsigal đã nói: “Đó là vị Chủ tịch giản dị nhất trong số các vị Chủ tịch và Tổng thống mà tôi từng được biết. Có vị Tổng thống nào mà trong túi luôn có kẹo để phân phát cho trẻ nhỏ! Đó là con người thật thông minh, phúc hậu”.
Nhà điêu khắc còn ghi nhớ từng sự kiện nhỏ liên quan tới quá trình sáng tác bức tượng đài Hồ Chí Minh .Ông biết rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh từng mơ ước được gặp V.I.Lênin . Khi ông đúc bức phù điêu Hồ Chí Minh trong một xưởng điêu khắc rất lớn ở Matxcơva, thì cùng thời điểm đó, một nhà điêu khắc khác cũng đang đúc tượng V.I.Lênin. “Và đôi lúc tôi cảm thấy rất vui vì dường như mình đã góp phần tạo điều kiện để hai con người vĩ đại đó gặp gỡ nhau trong lĩnh vực điêu khắc”.
Nguồn: Theo VTV4