HƯỚNG DẪN ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1
Câu 1. Tình hình giai cấp công nhân và giai cấp nông dân Việt Nam dưới tác động của Chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp.a) Giai cấp công nhân: - Ra đời sớm, trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai tăng về số lượng nhất là đội ngũ công nhân công nghiệp (trước Chiến tranh thế giới thứ nhất mới chỉ có 10 vạn đến 1929 tăng lên 22 vạn).
- Có đặc điểm chung của công nhân quốc tế và có những đặc điểm riêng (chịu 3 tầng áp bức bóc lột; có quan hệ tự nhiên gắn bó với nông dân; kế thừa truyền thống yêu nước anh hùng và bất khuất của dân tộc; đặc biệt là sớm tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lênin và ảnh hưởng của phong trào cách mạng thế giới).
- Sớm trở thành một lực lượng chính trị độc lập, thống nhất, tự giác trong cả nước, trên cơ sở đó nhanh chóng vươn lên nắm quyền lãnh đạo cách mạng.
b) Giai cấp nông dân:- Chiếm hơn 90% dân số, bị áp bức, bóc lột nặng nề.
- Bị bần cùng hoá, phá sản trên qui mô lớn. Một bộ phận nhỏ trở thành công nhân, đại bộ phận phải sống cuộc đời tá điền cực nhọc.
- Là lực lượng hăng hái và đông đảo nhất, là động lực của cách mạng.
Câu 2. Vì sao Chính phủ Pháp cử tướng Nava sang làm Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương? Tóm tắt nội dung kế hoạch quân sự Nava và chủ trương chiến lược của Đảng Lao động Việt Nam trong Đông - Xuân 1953 - 1954.a) Chính phủ Pháp cử tướng Nava sang làm Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương là vì :- Trải qua 8 năm kháng chiến và kiến quốc, lực lượng kháng chiến của nhân dân Việt Nam lớn mạnh đáng kể. Trong khi đó, phía Pháp bị thiệt hại ngày càng nặng nề ; đến năm 1953, bị loại khỏi vòng chiến đấu hơn 39 vạn quân, tốn hơn 2.000 tỉ phrăng; vùng chiếm đóng bị thu hẹp, ngày càng lâm vào thế phòng ngự, bị động.
- ... Mĩ can thiệp sâu vào chiến tranh Đông Dương, ép Pháp phải kéo dài, mở rộng chiến tranh, tích cực chuẩn bị thay thế Pháp .
- Ngày 7 - 5 - 1953, với sự thoả thuận của Mĩ, Chính phủ Pháp cử tướng Nava làm Tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương (thay cho tướng Xalăng). Nava đề ra kế hoạch quân sự với hy vọng trong 18 tháng sẽ giành thắng lợi quyết định để “kết thúc chiến tranh trong danh dự”.
b) Kế hoạch Nava gồm hai bước- Bước 1 : thu – đông 1953 và xuân 1954 giữ thế phòng ngự chiến lược ở Bắc Bộ, tiến công chiến lược để bình định ở Trung Bộ và Nam Đông Dương, giành lấy nguồn nhân lực, vật lực, xóa bỏ vùng tự do Liên khu V, phát triển quân ngụy, tập trung binh lực, xây dựng đội quân cơ động chiến lược mạnh.
- Bước 2 : thu – đông 1954, chuyển lực lượng ra chiến trường Bắc Bộ, thực hiện tiến công chiến lược, cố giành thắng lợi quân sự quyết định buộc ta đàm phán theo điều kiện của chúng …
- Từ thu – đông 1953, Pháp tập trung 44 tiểu đoàn ở đồng bằng Bắc bộ tiến hành càn quét để bình định vùng chiếm đóng, mở cuộc tiến công lớn vào Ninh bình, Thanh Hóa… để phá kế họach tiến công của ta.
c) Chủ trương, kế hoạch của ta trong đông – xuân 1953 – 1954 - Tháng 9 - 1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp bàn kế hoạch quân sự trong đông – xuân 1953 – 1954: Tập trung lực lượng tấn công vào những hướng quan trọng về chiến lược mà địch tương đối yếu, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng đất đai, đồng thời buộc chúng phân tán lực lượng đối phó với ta trên những địa bàn xung yếu…
- Thực hiện quyết định của Bộ chính trị, trong đông – xuân 1953 – 1954 quân ta mở một loạt các chiến dịch tấn công địch ở hầu khắp chiến trường Đông Dương.
Câu 3a. Nêu những thành tựu nổi bật của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ trong nửa sau thế kỷ XX. a) Trong lĩnh vực khoa học cơ bản: loài người đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn, những bước nhảy vọt chưa từng thấy trong các ngành Toán học, Vật lí học, Hóa học, Sinh học (sinh sản vô tính cừu Đôli tháng 3 - 1997) ...
b) Trong lĩnh vực công nghệ: - Những công cụ sản xuất mới (Máy vi tính, người máy, máy tự động, rôbốt...)
- Những nguồn năng lượng mới (năng lượng nguyên tử, mặt trời, gió...).
- Những vật liệu mới: chất pôlime (chất dẻo), các loại vật liệu siêu sạch, siêu cứng, siêu bền, siêu dẫn...
- Công nghệ sinh học (công nghệ di truyền, công nghệ tế bào).
- Những tiến bộ vượt bậc trong thông tin liên lạc, trong giao thông vận tải và chinh phục vũ trụ...
Câu 3b. Chiến tranh lạnh là gì? Vì sao tháng 12-1989, hai siêu cường Liên Xô và Mĩ cùng tuyên bố chấm dứt tình trạng Chiến tranh lạnh?
a) Khái niệm:- Chiến tranh lạnh là cuộc đối đầu căng thẳng giữa hai phe TBCN do Mĩ đứng đầu và XHCN do Liên Xô đứng đầu trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa – tư tưởng ngoại trừ xung đột trực tiếp bằng quân sự giữa hai siêu cường quốc.
- Là nhân tố chủ yếu tác động và chi phối các mối quan hệ quốc tế trong hơn bốn thập kỷ nửa sau thế kỷ XX. Tuy không nổ ra một cuộc chiến tranh thế giới nhưng trong gần nữa thế kỷ của chiến tranh lạnh, thế giới luôn ở trong tình trạng căng thẳng với nhiều cuộc chiến tranh cục bộ diễn ra ở nhiều khu vực…
b) Sở dĩ tháng 12 - 1989, hai siêu cường Liên Xô và Mĩ tuyên bố chấm dứt tình trạng “Chiến tranh lạnh” là vì:- Cuộc “Chiến tranh lạnh” kéo dài hơn bốn thập kỉ đã làm cho hai nước tốn kém và bị suy giảm thế mạnh trên nhiều mặt so với các cường quốc khác, đang đứng trước thách thức của sự phát triển thế giới.
- Sự vươn lên mạnh mẽ của Nhật Bản và Tây Âu... Các nước nước này đã trở thành những đối thủ đáng gờm đối với Mĩ. Còn Liên Xô lúc này nền kinh tế ngày càng lâm vào tình trạng trì tệ, khủng hoảng.
- Cuộc khoa học - kĩ thuật và sự giao lưu quốc tế về kinh tế, thương mại, văn hoá ngày càng phát triển rộng rãi. Cuộc “chiến tranh kinh tế” mang tính toàn cầu đòi hỏi phải có cục diện ổn định, đối thoại, hợp tác cùng phát triển.
=
> Do vậy, hai siêu cường Liên Xô và Mĩ đều cần phải thoát khỏi thế đối đầu để ổn định và củng cố vị thế của mình. Tuy vậy, tình trạng Chiến tranh lạnh chỉ thực sự kết thúc sau khi Liên Xô tan rã, trật tự hai cực không còn.