CLB Sử Học Trẻ Việt Nam
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


CLB Sử Học Trẻ Việt Nam
 
Latest imagesTrang ChínhĐăng kýĐăng Nhập
DIỄN ĐÀN SỬ HỌC TRẺ - Điểm hẹn của những người đam mê Sử học từ khắp mọi miền Tổ quốc.
Most Viewed Topics
Chữ viết ở Đông Nam Á
Nguyễn Ái Quốc những hoạt động chủ yếu từ 1919-1930 và vai trò đối với CMVN
Tại sao giai cấp nông dân không thể là giai cấp lãnh đạo cách mạng?
Nguyên nhân chính của cao trào 30-31 là nguyên nhân nào ??
Điều lệ của Câu lạc bộ Sử học Trẻ; Nội quy của Forum Suhoctre
TỔ CHỨC BỘ MÁY NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT THỜI NGÔ - ĐINH - TIỀN LÊ
Đặc điểm con người nhà văn Nam Cao
Tư sản dân quyền
phong trào cách mạng 1936-1939 có mang tính dân tộc hay không?
Đặc điểm của cuộc cách mạng tư sản Anh thế kỉ XVII:

Share | 

 

 Vai trò và đóng góp của Hồ Chí Minh với cách mạng VN và quốc tế giai đoạn 1930 - 1939

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Vai trò và đóng góp của Hồ Chí Minh với cách mạng VN và quốc tế giai đoạn 1930 - 1939 I_icon_minitimeSat Dec 03, 2011 8:02 pm

doducdung.hnue
Khoa Lịch sử, ĐHSP HN

ĐIỀU HÀNH VIÊN

doducdung.hnue

ĐIỀU HÀNH VIÊN

Họ & tên Họ & tên : Đỗ Đức Dũng
Vai trò trong CLB Sử học Trẻ Vai trò trong CLB Sử học Trẻ : Ủy viên Ban điều hành Câu lạc bộ Sử học trẻ
Huy chương Cống hiến Huy chương Cống hiến : Vai trò và đóng góp của Hồ Chí Minh với cách mạng VN và quốc tế giai đoạn 1930 - 1939 42
Ngày tham gia Ngày tham gia : 07/05/2011
Tổng số bài gửi Tổng số bài gửi : 111
Đến từ Đến từ : THPT Chuyên Hùng Vương - Phú Thọ
Sở trường/ Sở thích Sở trường/ Sở thích : Khoa Lịch sử, ĐHSP HN
Điểm thành tích Điểm thành tích : 176
Được cám ơn Được cám ơn : 36

Bài gửiTiêu đề: Vai trò và đóng góp của Hồ Chí Minh với cách mạng VN và quốc tế giai đoạn 1930 - 1939

 
MỞ ĐẦU
Hồ Chí Minh là một nhân vật lịch sử lỗi lạc, không chỉ của dân tộcViệt Nam mà còn của nhân dân tiến bộ trên thế giới trong thế kỷ XX. Cuộc đời và sự nghiệp của Người gắn liền với cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội của nhân dân Việt Nam và nhiều nước khác. Sự xuất hiện và quá trình hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh không phải là một “biệt dị” mà phù hợp với tiến trình phát triển hợp lôgíc của lịch sử dân tộc và nhân loại.

Vì vậy, Hồ Chí Minh được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đi sâu tìm hiểu về nhiều lĩnh vực: cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, những đóng góp đối với nhiều ngành khoa học xã hội, nghệ thuật, đặt biệt là tư tưởng của Người. Bên cạnh đó, trong quá trình nghiên cứu về Hồ Chí Minh, cũng có nhiều giai đoạn chưa được nghiên cứu đầy đủ, toàn diện, thậm chí còn có sự xuyên tạc. Đặc biệt là những hoạt động và đóng góp của Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam từ sau tháng 2 – 1930 đến cuối năm 1939.

Trong các chủ đề nghiên cứu về Hồ Chí Minh của nhiều nhà khoa học ở nước ngoài, nổi lên vấn đề mối quan hệ giữa Hồ Chí Minh với dân tộc. Trong cuốn Hồ Chí Minh, William J. Duiker, một nhà nghiên cứu Mỹ, đã nêu rõ, qua việc tìm hiều cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh sẽ góp phần giải đáp “một câu hỏi dường như đơn giản về những động cơ xuyên suất cuộc đời Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng: Hồ Chí Minh là một người dân tộc chủ nghĩa hay một người cộng sản” [9; 2]. Hầu như nội dung sách tập trung làm sáng tỏ vấn đề này, mà theo ông cứ “để cho sự kiện tự nói lên” và không nên có “những suy nghĩ tưởng tượng hay những câu hội thoại, phù hợp với cách lý giải chủ quan của mình vè tính cách bên trong của ông Hồ” [9; 8]. Tiếc rằng, Duiker không thể thoát khỏi những quan điểm sai lệch, phi khoa học với việc sử dụng nhiều loại tài liệu bị xuyên tạc “giật gân”, “những luận điệu tâm lý chiến” để nói về “quyền lực và uy tín ngày càng giảm sút của Hồ Chí Minh”… Sự thật lịch sử của quá khứ, hiện tại và tương lai đã bác bỏ những luận điều sai trái này. Trắng trợn chống phá cách mạng Việt Nam, tấn công vào chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, một số tác giả ở nước ngoài đã ra sức tách rời, đối lập Hồ Chí Minh với dân tộc, “lên án” Hồ Chí Minh đã “cấy ghép chủ nghĩa cộng sản vào cơ thể của dân tộc Việt Nam một cách khiên cưỡng trái với quy luật và nhất định sẽ thất bại”. Tiêu biểu cho luận điểm này là Franỗois Revel và những tác giả viết cuốn Hồ Chí Minh, sự thật về thân thế và sự nghiệp (Paris, 1990), Trương Vĩnh Kính với cuốn Hồ Chí Minh tại Trung Quốc – Một kẻ ngụy trang chủ nghĩa dân tộc Việt Nam (Bản dịch Việt Ngữ, Văn nghệ xuất bản, California, USA, 1999).

Trong thời kỳ từ sau tháng 2 – 1930 đến cuối năm 1939, Hồ Chí Minh đang phải trải qua nhiều sóng gió trong tư tưởng và hành động. Một số nhà nghiên cứu phương Tây lại thổi phồng, xuyên tạc điều này. Tiêu biểu là Tôn Thất Thiện, trong bài “Cái đúng và cái giả dối về chuyện Hồ Chí Minh”, ông ta đã “xem xét luận đề thất sủng của Hồ Chí Minh” để đi đến kết luận vũ đoán, mang tính chất xuyên tạc.
Để làm rõ, đầy đủ, toàn diện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chí Minh, góp phần bác bỏ những quan điểm sai trái là Hồ Chí Minh bị “thất sủng”, những quan điểm xuyên tạc sự thật lịch sử, những tư tưởng không tin vào đường lối của Hồ Chí Minh, tác giả mạnh dạn nghiên cứu đề tài “Hoạt động và đóng góp của Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam từ sau tháng 2 – 1930 đến cuối năm 1939”.

Nghiên cứu đề tài góp phần làm sáng tỏ công lao, đóng góp của Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam. Làm rõ đường lối của Hồ Chí Minh là đúng đắn, sáng tạo. Qua đó, càng hiểu hơn công ơn, đóng góp của Hồ Chí Minh trong thời kỳ này. Càng hiểu rõ tư tưởng đạo đức của Hồ Chí Minh, là người kiên trung với lý tưởng cộng sản, chủ nghĩa Mác – Lênin, khó khăn không lùi bước, quyết chí bền gan, phấn đấu cho lý tưởng. Đây là tấm gương đạo đức cho thế hệ trẻ chúng ta. Đặc biệt là trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ta càng phải tin tưởng vào những bài học kinh nghiệm, củng cố niềm tin đối với sự nghiệp cách mạng mà Đảng và Bác đã chọn.



NỘI DUNG
Sau khi xác định được con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc – con đường cách mạng vô sản và trở thành người cộng sản trong những năm hoạt động ở Pháp (1920 - 1923), Nguyễn Ái Quốc đã tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin về nước, chuẩn bị về tư tưởng, chính trị và tổ chức cho sự thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 2 – 1930, người đã chủ trì Hội nghị thành lập Đảng, sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ sau tháng 2 – 1930 đến cuối 1930, Nguyễn Ái Quốc đã có nhiều hoạt động tích cực, đóng góp cho Đảng Cộng sản Việt Nam, cho phong trào cách mạng Việt Nam và cho Quốc tế cộng sản. Những hoạt động và đóng góp của Nguyễn Ái Quốc đối với cách mạng Việt Nam từ sau tháng 2 – 1930 đến cuối năm 1939 có thể chia làm hai giai đoạn: giai đoạn thứ nhất từ sau tháng 2 – 1930 đến hết năm 1935; giai đoạn thứ hai từ năm 1936 đến cuối năm 1939.

1. Hoạt động và đóng góp của Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam từ sau tháng 2 – 1930 đến hết năm 1935

Ngay sau khi Đảng ra đời, cuộc cách mạng giải phóng dân tộc phát triển mạnh mẽ trong cả nước, bao gồm các cuộc bãi công, biểu tình và nhiều hình thức đấu tranh khác. Tiêu biểu là cuộc bãi công của công nhân Đồn điền cao su Phú Riềng (2 - 1930), cuộc bãi công của 4000 công nhân Nhà máy sợi Nam Định, phong trào đấu tranh nhân ngày quốc tế lao động 1 – 5 – 1930. Đỉnh cao của phong trào cách mạng 1930 – 1931 do Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam lãnh đạo là phong trào ở Nghệ Tĩnh. Phong trào được mở đầu bằng cuộc biểu tình kỷ niệm Ngày 1 – 5 tại khu vực Vinh – Bến Thủy. Công nhân đã cùng nông dân các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc sát cánh cùng nhau trong cuộc đấu tranh yêu nước chống Pháp. Phong trào cách mạng ở Nghệ - Tĩnh dù bị thực dân Pháp đàn áp rất dã man, song vẫn phát triển thành một cuộc đấu tranh vũ trang, làm sụp đổ và tan rã bộ máy chính quyền của thực dân, phong kiến ở nhiều xã. Các tổ chức Đảng, Nông hội đỏ đã lãnh đạo nhân dân thực hiện quyền làm chủ, tự quản lý công việc trong đời sống xã hội. Các Xôviết đã làm nhiệm vụ của chính quyền nhân dân. Lần đầu tiên trong cuộc đấu tranh chống Pháp, nhân dân ta thực sự nắm chính quyền ở một số địa phương. Phong trào cách mạng 1930 – 1931, đặc biệt là Xôviết Nghệ - Tĩnh đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Trong đó, nổi lên hai bài học lớn: Thứ nhất là, sự lãnh đạo của Đảng; Thứ hai là, xây dựng khối liên minh công – nông.

Trong tình hình chung của cách mạng thế giới và trong nước, tuy chưa có điều kiện trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh ở Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc vẫn tìm mọi cách để đóng góp vào phong cách mạng của nhân dân ta lúc bấy giờ. Đồng thời, thể hiện vai trò to lớn đối với Đảng cộng sản Việt Nam, với Quốc tế cộng sản.
Trước hết, là những hoạt động và đóng góp của Hồ Chí Minh đối với Đảng cộng sản Việt Nam (Từ tháng 10 – 1930 là Đảng Cộng sản Đông Dương).

Ngay sau khi Đảng ra đời, Nguyễn Ái Quốc đã viết “Lời kêu gọi” công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, học sinh, anh chị em bị áp bức bóc lột. Lời kêu gọi có đoạn: “Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập. Đó là Đảng của giai cấp vô sản. Đảng sẽ dìu dắt giai cấp vô sản lãnh đạo cách mạng An Nam đấu tranh nhằm giải phóng cho toàn thể anh chị em bị áp bức, bóc lột chúng ta. Từ nay anh chị em chúng ta cần phải gia nhập Đảng, ủng hộ Đảng và đi theo Đảng…” [2; 10]. Đồng thời, Người còn gửi thư báo tin cho các tổ chức Đảng, Quốc tế Cộng sản, các cá nhân biết về việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tranh thủ sự ủng hộ, đồng tình, giúp đỡ, gây uy tín quốc tế cho Đảng. Như “Thư gửi đồng chí Sôta – Liên đoàn chống đế quốc – Béclin” (27 – 2 - 1930); “Thư gửi đại diện Tổng công hội thống nhất Pháp ở Quốc tế Công hội” (27 - 2 - 1930); “Thư gửi đại diện Đảng Cộng sản Pháp ở Quốc tế Cộng sản” (27 – 2 - 1930). Trong thư có đoạn viết: “Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập. Vấn đề tổ chức, tôi đã gửi báo cáo cho Ban phương Đông. Do đó, tôi thấy không cần nhắc lại ở đây, các đồng chí sẽ xem báo cáo đó ở Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản” [2; 21].

Để tạo niềm tin vào Liên Xô, Người viết cuốn Nhật ký chìm tàu. Nhật ký chìm tàu nói về ba người bạn – một người châu Âu, một người châu Phi, một người Việt Nam cùng đi trên một chiếc tàu và tàu bị đắm chìm. Những người Xô viết đã cứu được họ và đưa về Liên Xô. Ở quê hương cách mạng tháng Mười, họ sống những ngày tươi đẹp của chế độ xã hội mới. Đây là điều mà họ chưa thể tưởng tượng cụ thể trong cảnh nô lệ đen tối của tổ quốc mình. Từ thực tế này, họ tin tưởng vững chắc rằng quê hương, đồng bào mình sẽ như Liên Xô, như nhân dân Xôviết. Họ càng quyết tâm đấu tranh, vì chỉ có cách mạng mới biến người nô lệ thành người tự do. Cuốn Nhật ký chìm tàu được in thành nhiều bản và bí mật lưu hành rộng rãi ở Việt Nam vào cuối năm 1930, góp phần xây dựng cho nhân dân lòng tin vào Đảng Cộng sản, vào con đường cách mạng giải phóng dân tộc mà Cách mạng tháng Mười đã vạch ra.

Việc báo tin sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam còn được Nguyễn Ái Quốc thực hiện thông qua những hoạt động của mình ở châu Á, với tư cách là cán bộ của Quốc tế cộng sản trong Ban phương Đông. Cuối tháng 4 – 1930, sau khi rời Hồng Công, Nguyễn Ái Quốc đến Đông Bắc nước Xiêm, báo tin cho một số đồng chí ở đây biết Đảng Cộng sản Việt Nam đã thành lập và trình bày vắn tắt các văn kiện thành lập Đảng.

Tháng 5 – 1930, Người đi Malaixia, rồi đi qua Inđônêxia, Xinhgapo. Người đến Xinhgapo với tư cách là đại diện người Việt Nam tham dự hội nghị dưới sự bảo trợ của đồng chí Bí thư Liên hiệp các nhóm cộng sản ở Inđônêxia. Cuối tháng 5, sau cuộc hành chính đến một số nước Đông Nam Á, Nguyễn Ái Quốc trở lại Hồng Công với giấy tờ mang tên Tống Văn Sơ, một viên chức Trung Hoa. Người dọn đến ở và làm việc tại ngôi nhà số 186, phố Tam Lung. Người thường xuyên lui tới làm việc với cơ quan đại diện Cục Viễn Đông của Quốc tế Cộng sản, đặt trụ sở ở tầng ba của một ngôi nhà cách phố Tam Lung chừng ba dặm. Từ đây, Nguyễn Ái Quốc thường đi công tác trên tuyến đường Hồng Công – Thượng Hải – Quảng Châu – Hồng Công.

Những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc và nhiều cán bộ cách mạng Việt Nam khác làm cho Pháp lo sợ, tung nhiều mật thám dò la, bắt bớ các các bộ lãnh đạo của Đảng. Ngày 6 – 6 – 1931, Nguyễn Ái Quốc bị bắt ở phố Tam Lung (Hồng Công – Trung Quốc). Nhờ có sự giúp đỡ tận tình, hiệu quả của luật sư Lôdơbi, vụ án Tống Văn Sơ (tên của Nguyễn Ái Quốc lúc đó) phải đưa ra xét xử công khai và Tòa án tuyên bố tha bổng [6; 181].

Trong thời gian này, dù không trực tiếp lãnh đạo Đảng, phải hoạt động bí mật ở nước ngoài và có thời gian còn bị thực dân Pháp bắt nhưng Nguyễn Ái Quốc vẫn tích cực hoạt động, đóng góp cho hoạt động của Đảng.
Người theo dõi hoạt động, góp ý để Đảng sửa chữa, điều chỉnh phương pháp hoạt động. Trong “Thư gửi Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương” (4 - 1931), có đoạn viết:
“Đây là tôi phê bình về cuộc Hội nghị Xứ ủy Trung và Bắc.
A- Cách khai hội – Trước khi khai hội, từ đảng viên cho đến các đồng chí phụ trách chưa nghiên cứu kỹ vấn đề. Đến khi khai hội, mới đem ra bàn thì chắc thảo luận không kỹ…
B – Cách thảo luận – Bắc không thảo luận một cách thiết thực mà thảo luận một cách “tầm chương trích cú”…
C – Vấn đề công tác – Trong hai hội nghị, các lời đề nghị đều có ý mênh mông, không thấy đề nghị nào để tất cả đảng viên, tất cả chi bộ thảo luận và thực hành được các nghị quyết án của Trung ương; không thấy đề nghị kế hoạch thiết thực cho mỗi địa phương.
D – Vấn đề tên Đảng – Trung đề nghị chờ bao giờ Cao Miên và Lào có Đảng rồi sẽ nhập các Đảng lại và đổi tên. Thế là các đồng chí Trung không hiểu chỉ thị của Quốc tế nói rằng Đảng là phải gồm cả vô sản ở Đông Dương và không hiểu nhiệm vụ Đảng là phải làm cho Lào và Cao Miên có đảng bộ…” [2; 73].

Dù ở nước ngoài, nhưng người luôn dõi theo những hoạt động của Đảng, có những đóng góp quan trọng cho hoạt động của Đảng. Người gửi thư cho Quốc tế Cộng sản gửi sách báo, tài liệu về chủ nghĩa Mác – Lênin để tiếp tục tuyên truyền: “Cần giáo dục các đồng chí An Nam chúng tôi, vì trình độ tư tưởng, lý luận và kinh nghiệm chính trị của các đồng chí đó còn rất thấp. Tôi yêu cầu các đồng chí: (a) cho chúng tôi một tủ sách về các tác phẩm của chủ nghĩa Mác – Lênin, và các sách khác cần thiết cho việc giáo dục cộng sản chủ nghĩa; (b) gửi cho chúng tôi báo L’Humanité và tạp chí Inprekorr và cả Điều lệ, Cương lĩnh của Đảng và Đoàn Thanh niên cộng sản…” [2; 20].
Hè năm 1931, Nguyễn Ái Quốc sang Liên Xô hoạt động cách mạng. Ở Liên Xô, người giúp đỡ, chỉ bảo, góp ý đối với học sinh, sinh viên, các các bộ Đảng học tập tại trường Đại học phương Đông về mọi mặt. Trong thư gửi đồng chí Zao[ ] và các học sinh Việt Nam đang học ở Liên Xô, Người viết: “…Đi ra ngoài, gặp những việc tốt, thì phải báo cáo cho anh em trong Đại biểu chú ý, để so sánh với tình cảnh trong nước mình. Gặp những sự không vẻ vang, như lang thang cơ nhỡ, vân vân, phải hết sức giải thích cho anh em hiểu, chớ để họ có ấn tượng không tốt. Nói tóm lại là làm sao cho anh em đại biểu hiểu, hăng hái, và yêu mến Xô – Nga, lại có cảm tình với anh em lao động các nước. Tất cả anh em học sinh, nhất là người phụ trách, đối với đại biểu lao động phải tỏ tình thân mật. Chớ để người ta trông thấy sự phân biệt trí thức và vô sản…”[2; 40-41].

Năm 1935, trong Đại hội quốc tế Cộng sản lần thứ VII, tuy không được làm đại biểu chính thức, rất tích cực giúp đỡ, hướng dẫn để Đảng cộng sản Đông Dương dự hội nghị tốt. Tại Đại hội này, Đảng Cộng sản Đông Dương được công nhận là một bộ phận của Quốc tế Cộng sản.
Nhìn chung, đối với Đảng, dù gặp nhiều khó khăn, bị nghi ngờ, phê bình của Quốc tế Cộng sản, góp ý của các đồng chí trong Đảng Cộng sản Đông Dương, nhưng Hồ Chí Minh không có tư tưởng sai lầm, vẫn trung thành với lý tưởng của Đảng, hoàn thành tốt nhiệm vụ của người sáng lập ra Đảng, giúp đỡ Đảng hoạt động tốt.

Thứ hai, hoạt động và đóng góp của Hồ Chí Minh đối với phong trào cách mạng Việt Nam.

Cùng với việc quan tâm lãnh đạo Đảng, Người luôn luôn quan tâm, lãnh đạo cách mạng Việt Nam., mặc dù đang hoạt động ở nước ngoài, không thể trực tiếp lãnh đạo cuộc cách mạng trong nước, song người đã theo dõi sát diễn biến của phong trào, đặc biệt là phong trào Xôviết – Nghệ Tĩnh. Từ đó, Người gửi thư và chỉ thị, kịp thời cổ vũ, động viên nhân dân ta vượt qua khó khăn, tiếp tục đấu tranh, đưa cách mạng phát triển. Qua các bài viết “Phong trào cách mạng ở Đông Dương”, “Thư gửi Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản”, bài “Khủng bố trắng ở Đông Dương”, bài “Nghệ - Tĩnh đỏ”… đã trình bày rất cụ thể diễn biến của phong trào cách mạng 1930 – 1931 ở Việt Nam nói chung và phong trào Xôviết Nghệ - Tĩnh nói riêng.

Trong bài viết “Phong trào cách mạng ở Đông Dương” (20 – 9 - 1930), có đoạn: “Theo tư liệu chúng tôi hiện có, nông dân Nam Đàn và Thanh Chương cương quyết không nộp thuế mà không một ai làm gì được họ. Họ đã lấy tài sản của bọn địa chủ chia cho dân nghèo, hủy bỏ tất cả mọi mệnh lệnh, quy định của quan lại bản xứ và bọn đế quốc Pháp. (Họ tổ chức ra Xôviết nông thôn, hoặc cơ quan gần như Xôviết nông thôn). Nông dân tuyên bố công khai: “Tất cả chúng tôi đều là cộng sản”…
Hỡi những người công nhân và nông dân toàn thế giới! Những người anh em! Hãy giúp đỡ công nhân và nông dân Đông Dương, những người đang đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc Pháp!”. [2; 50]
Trong bài “Nghệ Tĩnh đỏ” (19 – 2 - 1931), có đoạn: “Từ tháng 5 đến tháng 12, công nhân Nghệ An (Vinh) đã tám lần bãi công và biểu tình có 2.500 người tham gia. Cũng trong thời gian đó, 137 cuộc biểu tình đã nổ ra bao gồm tất cả 300.000 nông dân.
Thiệt hại: 625 nông dân bị máy bay ném bom và súng máy giết chết, 8 làng bị triệt hạ, hơn 1.000 chiến sĩ bị bắt giam, hàng trăm người bị đem đi đày.
Ở cả hai tỉnh, hơn 60.000 nông dân (đàn ông, đàn bà và thanh niên) đã được tổ chức vào Hội.
Nghệ - Tĩnh thật xứng đáng với danh hiệu “đỏ” !” [2; 71].

Người ca ngợi cao trào cách mạng 1930 – 1931, ca ngợi những cá nhân và những địa phương có đóng góp cho cách mạng. Nhận định chung về cao trào cách mạng 1930 – 1931, Nguyễn Ái Quốc kết luận: “Bom đạn, súng máy, đốt nhà, đồn binh (28 mới được dựng ở riêng Nghệ An), tuyên truyền của chính phủ, báo chí…, đều bất lực, không dập tắt nổi phong trào cách mạng của Nghệ Tĩnh” [2; 73].
Đồng thời, Nguyễn Ái Quốc có những báo cáo về tình hình cách mạng Đông Dương gửi Quốc tế Cộng sản, xin chị thị và sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản đối với cách mạng Việt Nam. Trong “Thư gửi Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản”, có đoạn viết “Chúng tôi khẩn thiết yêu cầu các đồng chí làm những việc có thể được để giúp đỡ các nạn nhân của cuộc đàn áp đẫm máu. Đề nghị cho biết ngay chúng tôi phải làm gì và các đồng chí có thể làm gì giúp họ thông qua tổ chức Quốc tế cứu tế đỏ” [2; 52].

Những sự kiện và hoạt động trên góp phần cổ vũ, động viên mọi tầng lớp nhân dân ta trong phong trào và thoái trào cách mạng, giữ vững phong trào cách mạng, đưa phong trào cách mạng đi lên.

Thứ ba, hoạt động và đóng góp của Hồ Chí Minh đối với Quốc tế Cộng sản.

Đối với Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc dù không được Quốc tế Cộng sản phân công, nhưng vẫn giữ mối liên hệ thường xuyên với Quốc tế cộng sản.
Người thường xuyên viết thư, gửi báo cáo về tình hình cách mạng Đông Dương cho Quốc tế Cộng sản, như “Báo cáo gửi Quốc tế cộng sản” (18 – 2 - 1930), “Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản về phong trào cách mạng ở An Nam” (5 – 3 - 1930), “Thư gửi Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản ” (29 – 9 - 1930), “Báo cáo gửi Ban phương Đông” (8 – 2 - 1931), “Thư gửi Ban phương Đông” (12 – 2 – 1931; 16 – 2 – 1931 và 16 – 1 - 1935). Các bức thư, các báo cáo không chỉ phản ánh tình hình Đông Dương, còn giúp Quốc tế Cộng sản nắm bắt chắc và chính xác tình hình cách mạng Đông Dương, từ đó có những chỉ đạo kịp thời, đúng đắn.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn này, Nguyễn Ái Quốc đang phải trải qua nhiều sóng gió trong tư tưởng và hành động. Một số nhà nghiên cứu phương Tây lại thổi phồng, xuyên tạc điều này. Tiêu biểu là Tôn Thất Thiện, trong bài “Cái đúng và cái giả dối về chuyện Hồ Chí Minh”, ông ta đã “xem xét luận đề thất sủng của Hồ Chí Minh” để đi tới kết luận vũ đoán, mang tính chất xuyên tạc rằng, “trung thành với đường lối Quốc tế Cộng sản, đặc biệt chú ý đến việc bônsêvích hóa”, Hồ Chí Minh đã “phất cao ngọn cờ độc lập dân tộc, hoãn lại về sau cuộc cách mạng xã hội, che dấu kĩ các mục tiêu cộng sản thật của Đảng, thành lập một mặt trận thống nhất rộng rãi…” [7; 75].

Trên thực tế, do nhiều điều kiện khách quan và yếu tố chủ quan, đã xảy ra sự mất đoàn kết trong nội bộ Quốc tế Cộng sản, về việc thanh trừng trong Đảng Cộng sản Liên Xô. Bên cạnh những ưu điểm, những mặt tích cực của việc đề ra những biện pháp đúng đắn nhằm thúc đẩy phong trào cách mạng thế giới, Quốc tế Cộng sản cũng có những sai lầm, thiếu sót về lí luận và chỉ đạo thực tiễn cách mạng. Do chủ quan, duy ý chí, một số người lãnh đạo Quốc tế Cộng sản khẳng định thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản “có thể diễn ra trong vài tuần” và “trong một năm nữa châu Âu sẽ trở thành châu Âu cộng sản” [4; 264]. Đối với phong trào đấu tranh của nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc, từ Đại hội VI của Quốc tế Cộng sản đã không đánh giá đúng vai trò của giai cấp tư sản dân tộc, đặt giai cấp này ra ngoài phong trào đấu tranh chung của dân tộc, không cho họ cùng đấu tranh trong hàng ngũ những người chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Về phương pháp hoạt động, Quốc tế Cộng sản không tính đến đặc thù riêng của từng dân tộc, từng khu vực, từng thời kỳ mà áp đặp một cách công thức, giáo điều đường lối chung cho các dân tộc. Nhận thức như vậy dẫn đến những chủ trương “tả khuynh”, gây nhiều tổn thất cho cách mạng, làm suy yếu mặt trận đoàn kết dân tộc chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa phát xít. Việc vận dụng máy móc quan điểm đặt “đấu tranh giai cấp lên trên hết”, làm nảy sinh tư tưởng “tả khuynh”, chỉ lo làm “cách mạng thế giới” mà coi nhẹ nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Điều này làm cho tình hình thế giới căng thẳng không cần thiết, làm phân tán lực lượng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, cần tập chung vào cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít và nguy cơ chiến tranh thế giới. Điều này có ảnh hưởng không nhỏ tới sự lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam.

Việc không nhất trí giữa Quốc tế Cộng sản và Nguyễn Ái Quốc về các vấn đề “tên Đảng”, đánh giá vai trò, tính chất của tư sản dân tộc, trung, tiểu địa chủ… đã làm cho một số nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam lúc bấy giờ không nhận thức rõ đường lối cách mạng đầy sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc. Hơn thế nữa, có người còn phê phán Nguyễn Ái Quốc đã phạm sai lầm về “dân tộc chủ nghĩa”, “coi nhẹ đấu tranh giai cấp”. Trong “Thư của Ban lãnh đạo hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương gửi Quốc tế Cộng sản” ngày 31 – 3 – 1935 đã nêu: “Ở Xiêm và Đông Dương, các tổ chức cộng sản tiến hành một cuộc đấu tranh công khai chống lại những tàn dư của tư tưởng dân tộc cách mạng pha trộn với chủ nghĩa cải lương, chủ nghĩa duy tâm của Đảng của các đồng chí Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên và của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, những tàn dư ấy rất mạnh và tạo thành một chướng ngại vật nghiêm trọng cho sự phát triển chủ nghĩa cộng sản. Cuộc đấu tranh không nhân nhượng chống những học thuyết cơ hội này của Quốc tế và của Đảng Thanh niên là rất cần thiết. Hai Đảng Cộng sản Xiêm và Đông Dương sẽ viết một quyển sách chống lại những khuynh hướng này. Chúng ta đề nghị đồng chí Lin (tức Nguyễn Ái Quốc – PNL chú) viết một quyển sách để tự phê bình những khuyết điểm đã qua” [1; 203-204].

Rõ ràng, những quan điểm của Ban lãnh đạo hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương vào năm 1935 đã không phản ánh kịp thời sự thay đổi trong nhận thức và chủ trương của Quốc tế cộng sản. Trước sự xuất hiện của chủ nghĩa phát xít và nguy cơ chiến tranh do bọn phát xít gây nên, tháng 7 – 1935, Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản đã thống nhất nhận định về bản chất của chủ nghĩa phát xít và chủ trương thành lập mặt trận nhân dân chống phát xít và chiến tranh.

Như vậy, nhận thức và chủ trương mới của Quốc tế Cộng sản tại Đại hội lần thứ VII phù hợp với nhận thức của Nguyễn Ái Quốc về nhiều điểm, nổi bật là việc tập hợp mọi lực lượng để đoàn kết đấu tranh chống bọn phản động trước mắt và tiến hành cuộc đấu tranh chống đế quốc là mục tiêu cách mạng lâu dài. Trên thực tế, Nguyễn Ái Quốc đã vận dụng sáng tạo Nghị quyết đại Hội lần thứ VI của Quốc tế Cộng sản: việc xác định hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến phải được tiến hành đồng thời ở các nước thuộc địa và phụ thuộc. Người đã kết hợp quy luật phổ biến của cách mạng xã hội trong thời đại mới với đặc điểm của Việt Nam, cũng như các nước thuộc địa và phụ thuộc khác. Đặc điểm này thể hiện ở việc phát huy tinh thần yêu nước đoàn kết dân tộc để hoàn thành trước tiên việc giải phóng dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Lý luận và thực tiễn cách mạng Việt Nam đã xác nhận tính đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh, song phải trải qua cuộc đấu tranh gay go, phức tạp, tư tưởng Hồ Chí Minh mới xác lập sự thắng lợi hoàn toàn trong quá trình cách mạng Việt Nam, đi đến thắng lợi của công cuộc giải phóng dân tộc.

Nguyễn Ái Quốc luôn giữ vững nguyên tắc chủ nghĩa Mác – Lênin, tuân thủ Nghị quyết của Quốc tế Cộng sản về mối quan hệ giữa “dân tộc” và “giai cấp” trong cuộc đấu tranh của nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc. Nhưng khi xuất phát từ chủ nghĩa Mác – Lênin về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, “Hồ Chí Minh đặt lợi ích dân tộc lên trên hết và trước hết, nhưng người không hề coi nhẹ lợi ích của giai cấp và không đi chệch quan điểm của giai cấp vô sản trong đấu tranh cách mạng… Xét cho cùng, “dân tộc cách mạng” cũng thể hiện tính chất giai cấp rõ rệt” [5; 67-69]. Sự khẳng định mối quan hệ giữa “dân tộc” và “giai cấp” ở Hồ Chí Minh chứng tỏ Người hiểu rõ và vận dụng đúng tính tất yếu của con đường giải phóng dân tộc mà không rơi vào công thức, giáo điều.
Mùa xuân năm 1934, khi đến Mátxcơva, Nguyễn Ái Quốc đã gặp gỡ nhiều nhà hoạt động nổi tiếng của Quốc tế Cộng sản như D.Manuinxki (Ủy viên Chủ tịch đoàn và Ủy viên Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản), V.Vaxiliêva và cả G.Đimitơrốp (người đã chiến thắng bọn phát xít tại toàn án Laixích)… Qua những buổi gặp gỡ, Nguyễn Ái Quốc đã trao đổi với các đồng chí nhiều vấn đề về tình hình quốc tế, về phong trào cách mạng ở Đông Dương, Trung Quốc, Thái Lan…

Trong thời kỳ ở Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc mong muốn được hoạt động, cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và phong trào cách mạng thế giới. Nhưng do tình hình của Liên Xô, do một số điều khác biệt về quan điểm của Người và một số nhà lãnh đạo của Quốc tế Cộng sản, của Ban lãnh đạo nước ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương lúc bấy giờ mà những yêu cầu, nguyện vọng của Nguyễn Ái Quốc chưa được giải quyết. Tuy vậy, Người vẫn giữ nhiệt huyết công tác cho phong trào cách mạng thế giới, đặc biệt với các nước thuộc địa và phụ thuộc, giữ vững tinh thần, ý thức tổ chức kỷ luật.

Xuất phát từ sự hiểu biết về thực tiễn khi hoạt động ở Hoa Nam, Đông Dương, Xiêm và Malaixia, trong “Thư gửi Ban phương Đông” ngày 16 - 1- 1935, Nguyễn Ái Quốc đã trình bày sự non yếu về trình độ của đại đa số cán bộ ở các nước phương Đông. Theo Nguyễn Ái Quốc “những người này có trình độ lý luận và chính trị rất thấp” [2; 83]. Vì vậy họ mong muốn “…chúng ta phải giúp đỡ các đồng chí của chúng ta khắc phục những khó khăn ấy bằng cách tạo điều kiện cho các đồng chí tiếp thu được những kiến thức sơ đẳng nhất mà mỗi chiến sĩ đều phải có”. Người đề ra “biện pháp duy nhất có hiệu quả để giúp đỡ các đồng chí theo phương hướng là cho xuất bản các cuốn sách nhỏ”, như “Tuyên ngôn cộng sản”, “Lịch sử Quốc tế Cộng sản”, “Lịch sử Đảng Cộng sản Bônsêvích toàn Liên bang Xôviết”, “Các tổ chức quốc tế”, “Những vấn đề dân tộc”, “Vấn đề ruộng đất”, về chủ nghĩa quốc tế, công tác Đảng, công tác quần chúng… Những nội dung bồi dưỡng nêu trên rất thiết thực, nó nâng cao về mặt lý luận và kinh nghiệm công tác cho cán bộ cách mạng các nước thuộc địa và phụ thuộc. Người cũng lưu ý cách biên soạn các loại sách này là “phải ngắn, từ ngữ phải rất đơn giản, rất rõ ràng và dễ hiểu với quần chúng. Nếu có thể được, nội dung nên trình bày dưới dạng câu hỏi và trả lời”. Ý nghĩa thiết thực và giá trị lớn của loại sách nói trên được Nguyễn Ái Quốc khẳng định. Người nhấn mạnh việc bồi dưỡng nâng cao trình độ đối với cán bộ cách mạng ở nhiều nước thuộc địa là cấp thiết và cần thiết. Bởi vì, ở đây “Đảng hoạt động bất hợp pháp và trình độ của những người lao động còn thấp” [2; 87].

Trong hoạt động của Quốc tế Cộng sản, việc đề xuất công tác bồi dưỡng và nâng cao trình độ cho cán bộ cách mạng một cách cấp thiết là do nhận thức đúng của Nguyễn Ái Quốc về tình hình các nước thuộc địa và phụ thuộc.
Bên cạnh đó, giữa thập niên 30 của thế kỷ XX, khi cả thế giới tập trung đối phó với nguy cơ phát động chiến tranh của chủ nghĩa đế quốc, trong khi mặt trận nhân dân chống phát xít được thành lập ở nhiều nơi, đặc biệt là sự thắng thế của Mặt trận Nhân dân Pháp thì Nguyễn Ái Quốc vẫn cho rằng vấn đề dân tộc phải được nâng lên trong quan hệ quốc tế. Tiếc rằng, những nhận định và đề nghị của Người không được ủng hộ triệt để. Thậm chí, Người còn bị quy kết là “coi nhẹ đấu tranh giai cấp”, “mang nặng tư tưởng dân tộc chủ nghĩa”. Nhưng thực tiễn cách mạng đã chứng minh quan điểm của Nguyễn Ái Quốc là hoàn toàn đúng.

Tháng 7 – 1935, Nguyễn Ái Quốc được mời dự Đại hội VII của Quốc tế Cộng sản, với tư cách là đại biểu Ban phương Đông của Quốc tế Cộng sản [4; 271].
Trong “Bản khai mạc đại biểu tham dự Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản”, Nguyễn Ái Quốc đã điền ở mục 3 “Những công tác Đảng đã và đang tham gia từ Đại hội VI Quốc tế Cộng sản?” như sau:
- Từ năm 1928, tổ chức phong trào công nhân và nông dân Xiêm.
- Năm 1930 – 1931, tổ chức Đảng Cộng sản Đông Dương.
Còn mục 15 “Đã tham gia những Đại hội Đảng và Hội nghị quốc tế nào” (Quốc tế Thanh niên, Quốc tế Công đoàn…). Người ghi: “Đã tham gia Đại hội V Quốc tế Cộng sản với tư cách đại biểu và Đại hội Quốc tế Công đoàn” [3; 49-50].

Trong Đại hội VII của Quốc tế Cộng sản (7 - 1935), Người đã tích cực tham gia mọi công việc của Đại hội và đóng góp vào việc hoàn thành nhiệm vụ ở Đại hội của Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương.

Trong khi chờ về nước hoạt động, Người vẫn tham gia làm việc trong Viện nghiên cứu các dân tộc thuộc địa, nghiên cứu các vấn đề có liên quan đến lịch sử, như “Diễn biến Đông Dương”. Sau đó, Người được tuyển vào lớp nghiên cứu sinh do Viện tổ chức cho một số cán bộ, giảng viên phiên dịch của Viện, nhằm đào tạo giảng viên có trình độ cao về các môn kinh tế, lịch sử. Sau khi thi các môn Chủ nghĩa duy vật biện chứng, Lịch sử cổ đại, trung đại và cận đại, được sự giúp đỡ của các giáo sư, Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị đề tài để viết luận án “Cách mạng ruộng đất ở Đông Nam châu Á”.

Nhìn chung, đối với Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc vẫn kiên định, có những đóng góp nhất định cho hoạt động của Quốc tế Cộng sản. Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng Người vẫn giữ nhiệt huyết công tác cho phong trào cách mạng thế giới, đặc biệt với các nước thuộc địa và phụ thuộc, cho hoạt động của Quốc tế Cộng sản, giữ vững tinh thần, ý thức tổ chức kỷ luật.

2. Hoạt động và đóng góp của Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam từ năm 1936 đến cuối năm 1939

Từ năm 1936, tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến đổi phức tạp. Trên thế giới, bọn phát xít đã lên cầm quyền ở một số nước như Đức, Italia, Nhật Bản, ráo riết chạy đua vũ trang, chuẩn bị cho chiến tranh thế giới. Đại hội VII, Quốc tế Cộng sản đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng, xác định kẻ thù là chủ nghĩa phát xít và nhiệm vụ trước mắt của giai cấp công nhân là chống chủ nghĩa phát xít nhằm mục tiêu đấu tranh giành dân chủ, bảo vệ hòa bình, thành lập mặt trận nhân dân rộng rãi. Tháng 6 – 1936, Mặt trận Nhân dân Pháp lên cầm quyền ở Pháp. Chính phủ đã cho thi hành một số cải cách tiến bộ ở thuộc địa. Trong nước, Đảng Cộng sản Đông Dương đã phát động phong trào cách mạng theo đường lối chung của Quốc tế Cộng sản. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (7 - 1936) đề ra đường lối phù hợp với tình hình cụ thể, thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển. Phong trào được mở đầu bằng cuộc đấu tranh sôi nổi của quần chúng – “Phong trào Đại hội Đông Dương”. Cuộc đấu tranh diễn ra với các hình thức đấu tranh công khai và bí mật, kết hợp đấu tranh hợp pháp và không hợp pháp… Phong trào có tác động to lớn, làm thức tỉnh tinh thần đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ của quần chúng rộng khắp từ thành thị đến nông thôn. Thực dân Pháp đã nhượng bộ một phần đối với những yêu sách của nhân dân ta, như ban bố nghị định cải thiện một bước điều kiện lao động, thực hiện tiền lương tối thiểu của công nhân, ân xá cho hơn 3.000 chiến sĩ cách mạng [4; 262].

Trong thời kỳ này, Nguyễn Ái Quốc vẫn tích cực hoạt động và có những đóng góp to lớn đối với cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Đông Dương và Quốc tế Cộng sản.
Trong thời gian hoạt động ở Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc luôn mong muốn được về nước công tác. Trong “Thư gửi một đồng chí ở Quốc tế Cộng sản”, ngày 6 – 6 – 1938, Người đã nêu tâm trạng của mình nhân “ngày kỷ niệm lần thứ bảy việc tôi bị bắt giữ ở Hồng Công…, cũng là ngày mở đầu năm thứ tám tình trạng không hoạt động của tôi” và Người tha thiết yêu cầu “…Đồng chí hãy phân tôi đi đâu đó. Hoặc là giữ tôi lại ở đây. Hãy giao cho tôi làm một việc gì mà theo đồng chí là có ích. Điều đó tôi muốn đề nghị với đồng chí là đừng để tôi sống quá lâu trong tình trạng không hoạt động và giống như là sống bên cạnh, ở bên ngoài Đảng” [2; 90].

Cuối cùng, nguyện vọng của Nguyễn Ái Quốc cũng được đáp ứng. Quốc tế Cộng sản đã đồng ý cho Người được về nước công tác. Vào một buổi chiều tháng 10 – 1938, Nguyễn Ái Quốc rời Mátxcơva về phương Đông, chấm dứt một thời kỳ hoạt động không ít chông gai, không thanh thản và mở ra một thời kỳ mới rất sôi động trong công tác cho cách mạng thế giới và dân tộc với tư cách một chiến sĩ quốc tế, một nhà yêu nước. Nhờ sự thông tin giữa Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc về chuyến đi của Nguyễn Ái Quốc nên Người vượt qua biên giới Liên Xô dễ dàng và đến Lan Châu (thủ phủ tỉnh Cam Túc, ở Tây Bắc Trung Quốc), rồi đi tiếp đến Tây An và Quảng Tây để tìm đường về nước hoạt động. Tuy vậy, con đường từ Trung Quốc về Việt Nam lại gặp nhiều khó khăn, trở ngại do hàng rào ngăn cách của thực dân Pháp dựng lên để đề phòng những chiến sĩ cộng sản Việt Nam trở về nước hoạt động. Nguyễn Ái Quốc phải tạm dừng chân ở Trung Quốc để chờ dịp thuận lợi về nước.

Trong những năm ở lại Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở vùng căn cứ cách mạng của bạn và đảm nhận một số công tác của Giải phóng quân Trung Quốc. Trong vai Thiếu tá, với tên Hồ Quang, Người làm việc tại Phòng Cứu vong thuộc Văn phòng Bát lộ quân ở Quế Lâm, phụ trách Ủy viên y tế kiêm Ủy viên bích báo và tham gia lãnh đạo Phòng. Người còn nhận nhiệm vụ biên tập từ Sinh hoạt tiểu báo – một tờ báo của nội bộ cơ quan.

Trong thời gian này, phát xít Nhật dang mở rộng việc xâm lược và thống trị Trung Quốc. Chúng đàn áp dã man, bóc lột thậm tệ nhân dân Trung Quốc. Nguyễn Ái Quốc đã viết một loại bài tố cáo tội ác của phát xít Nhật, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân Trung Quốc trong cuộc chiến đấu anh dũng chống phát xít xâm lược. Dưới danh nghĩa một nhà báo Trung Quốc có bút danh P.C.Line, Nguyễn Ái Quốc đã gửi nhiều bài viết, đăng trên các báo ở Việt Nam như bài “Người Nhật Bản muốn khai hóa Trung Quốc như thế nào?” (viết vào tháng 12 - 1938). Trong bài viết có đoạn “…Suốt hai ngày sau khi vào Nam Kinh, bọn Nhật vẫn tiếp tục tàn sát, cướp bóc và hãm hiếp hàng loạt. Đường phố đầy những xác đàn ông, đàn bà, trẻ con. Tất cả binh lính Trung Quốc không kịp ra khỏi thành phố và bị bắt đều bị tước vũ khí và bị xử bắn. Bọn Nhật không bắt làm tù binh. 400 người tị nạn bị bắt và bị lính Nhật dẫn đi, bọn này có mang theo súng trường và súng máy. Số phận những người tị nạn dã được quyết định. Bọn Nhật đã dùng hàng nghìn người Trung Quốc làm bia để tập bắn hoặc tập đâm lê…. Ở Nam Kinh, người ta đã chôn trên 40.000 tử thi những người bị tàn sát…” [2; 94-95].

Hay trong bài “Chủ nghĩa anh hùng của công nhân Trung Quốc trong chiến tranh chống Nhật” đã ca ngợi tinh thần chiến đấu anh dũng, ngoan cường của nhân dân Trung Quốc, đặc biệt là giai cấp công nhân. Trong bài viết có đoạn “Trong chiến tranh chống Nhật, công nhân Trung Quốc là những người yêu nước ưu tú nhất, trong vùng Mãn Châu những người thất nghiệp và công nhân đều được tuyển mộ hàng loạt vào quân đội nhân dân. Công nhân mỏ biến thành du kích. Hàng ngày, anh em công nhân đường sắt, không sợ nguy hiểm đến tính mệnh, đã hợp sức với lực lượng chống Nhật để cướp đoạt vũ khí và làm trật bánh những đoàn tàu của địch… Đằng sau phòng tuyến của quân thù và trên hai bên bờ sông Dương Tử, hàng nghìn và hàng triệu công nhân Hán Khẩu và Thượng Hãi đã chiến đấu anh dũng. Trong tỉnh Hồ Bắc, 7.000 công nhân mở ở Hân Định đã được tổ chức thành những đội du kích…” [2; 109-110].

Qua các bài viết trên, Nguyễn Ái Quốc đã tố cáo, vạch trần bộ mặt phản động của phát xít Nhật, khơi đậy lòng căm thù phát xít, quyết tâm đấu tranh chống phát xít, cảnh giác và không để mắc mưu tuyên truyền của bọn chúng. Bên cạnh đó, qua những bài viết của Nguyễn Ái Quốc về cuộc chiến đấu chống phát xít Nhật của nhân dân Trung Quốc cho thấy những bài học kinh nghiệm đánh du kích mà nhân dân ta có thể học hỏi.

Đồng thời, các bài viết “Thư từ Trung Quốc” (Quế Lâm, cuối tháng 2 – 1939; đầu tháng 3 – 1939; tháng 4 – 1939; tháng 5 – 1939; tháng 7 – 1939; tháng 8 - 1939), Nguyễn Ái Quốc chuyển đến Đảng Cộng sản Đông Dương, cho nhân dân Việt Nam những nội dung chính về đường lối, chủ trương được thông qua tại Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, đồng thời Người góp ý kiến về đường lối, chủ trương của Đảng ta trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936 - 1939). Qua bài “Những chỉ thị mà tôi nhớ và truyền đạt”, người đã chỉ rõ sự cần thiết phải thay đổi chủ trương cho phù hợp với tình hình mới: Người nhắc nhở, khi phải tập hợp mọi lực lượng yêu nước, tiến bộ chống chủ nghĩa phát xít và ngăn ngừa chiến tranh thế giới thì:
“Lúc này, Đảng không nên đưa ra những đòi hỏi quá cao (độc lập dân tộc, nghị viện…). Như vậy, sẽ rơi vào cạm bẫy của phát xít Nhật.
Chỉ nên đòi hỏi các quyền dân chủ, tự do tổ chức, tự do hội họp, tự do báo chí, tự do ngôn luận, đòi ân xá toàn thể chính trị phạm, đấu tranh để Đảng được hoạt động hợp pháp” [2; 138].

Mặc dù ở nước ngoài, nhưng Hồ Chí Minh vẫn theo dõi sát tình hình trong nước, chuẩn bị phương pháp, đường lối cách mạng mới cho phù hợp với những chuyển biến nhanh chóng của tình hình trong nước và thế giới. Ý kiến chỉ đạo của Nguyễn Ái Quốc đã được lãnh đạo Đảng thực hiện. Điều này chứng tỏ có sự “sửa sai của toàn Đảng” và tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn giữ vững vị trí trong Đảng.
Với mục đích trở về nước hoạt động, Nguyễn Ái Quốc đi dần về phía Nam Trung Quốc, tìm cách bắt liên lạc với Đảng và các tổ chức yêu nước Việt Nam. Trong khi chờ thời cơ thuận tiện về nước, người vẫn hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao trên cương vị một cán bộ Giải phóng quân Trung Quốc. Người đã tham gia các lớp huấn luyện du kích Nam Nhạc (Hồ Nam), phụ trách việc nghe đài, lất tin cho lớp huấn luyện (tháng 2 và tháng 6 - 1939).

Bên cạnh đó, trong thời gian này, Nguyễn Ái Quốc vẫn viết “Thư gửi một đồng chí ở Ban phương Đông Quốc tế Cộng sản” (4 - 1939) và viết “Báo cáo gửi Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản” (cuối tháng 7 - 1939), báo cáo tình hình hoạt động của mình và “phản ánh những biến cố chính trị và quân sự, sự tàn ác của bọn Nhật Bản, tinh thần anh dũng của các chiến sĩ Trung Quốc, cuộc đấu tranh chống bọn tờrốtxkít.. để tuyên truyền quốc tế” [2; 140]. Qua đó, giúp Quốc tế Cộng sản nắm bắt được tình hình phát xít Nhật ở châu Á, phong trào đấu tranh chống phát xít ở Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung, từ đó có những chỉ đạo kịp thời, đúng đắn.

Nhìn chung, từ năm 1936 đến cuối năm 1939, Nguyễn Ái Quốc luôn theo dõi diễn biến của tình hình quốc tế và trong nước, tích cực hoạt động, và có đóng góp lớn đối với phong trào cách mạng Việt Nam, cho Đảng Cộng sản Việt Nam, cho cách mạng Trung Quốc và cho Quốc tế Cộng sản. Dù ở bất cứ nơi đâu, Người vẫn luôn dõi theo tình hình cách mạng Việt Nam, có những chỉ đạo kịp thời, đúng đắn cho Đảng. Người không chỉ có những đóng góp to lớn đối với cách mạng Việt Nam mà còn có đóng góp to lớn cho cách mạng thế giới, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh chống phát xít của toàn thể nhân loại.




KẾT LUẬN

Sau khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã cùng Đảng xác định đường lối đấu tranh, đưa cách mạng phát triển. Trong thời gian từ sau tháng 2 – 1930 đến cuối năm 1939, Nguyễn Ái Quốc đã đầu tư bao nhiêu trí tuệ, công sức, cống hiến cho Đảng Cộng sản Việt Nam, cho phong trào cách mạng Việt Nam, cho Quốc tế Cộng sản, góp phần to lớn sự phát triển và thắng lợi của cách mạng Việt Nam nói riêng và cách mạng thế giới nói chung. Song, trong quá trình ấy, Người cũng gặp nhiều cam go, thử thách. Từ việc bị thực dân Pháp kết án tử hình vắng mặt năm 1929, đến khi bị bọn đế quốc bắt tại Hông Công năm 1931, rồi được Tòa án tuyên bố tha bổng. Tiếp đó là những bất đồng, hiểu lầm của Quốc tế Cộng sản, của Đảng Cộng sản Đông Dương với Nguyễn Ái Quốc là “dân tộc chủ nghĩa”, “coi nhẹ đấu tranh giai cấp” và có thời gian Người “sống quá lâu trong tình trạng không hoạt động”,… Nhưng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, với tinh thần ngoan cường, sáng suốt, Người vẫn giữ vững tinh thần cách mạng, dũng khí của Người cộng sản, ý thức tổ chức kỷ luật, vẫn trung thành với lý tưởng cách mạng Việt Nam, chủ nghĩa Mác – Lênin, song kiên định với những nhận thức, chủ trương hoạt động đúng đắn của mình. Cuối cùng, tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn là ngọn cờ đấu tranh của nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Những chỉ đạo, góp ý của Hồ Chí Minh về chủ trương, đường lối, biện pháp cách mạng là kim chỉ nam cho Đảng lãnh đạo thắng lợi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Những hoạt động và đóng góp của Hồ Chí Minh trong giai đoạn từ sau tháng 2 – 1930 đến cuối năm 1939 tạo cơ sở, tiền đề cho sự phát triển và thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn sau (1939 - 1945). Hồ Chí Minh vẫn là người tổ chức, lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Sự thật lịch sử này bác bỏ quan điểm sai trái, chống phá cách mạng Việt Nam, tấn công vào chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh của các thế lực phản động.



TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2001.
2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3 (1930 - 1945), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000.
3. Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử, tập 2 (1930 - 1945), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993.
4. Phan Ngọc Liên, Hồ Chí Minh với tiến trình lịch sử dân tộc, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008.
5. Phan Ngọc Liên, Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về một số vấn đề quốc tế, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995.
6. Phan Ngọc Liên, Trịnh Vương Hồng, Hồ Chí Minh – chiến sĩ cách mạng quốc tế, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2005.
7. Franỗois Revel, Hồ Chí Minh, sự thật về thân thế và sự nghiệp, Paris, 1990.
8. Trương Vĩnh Kính, Hồ Chí Minh tại Trung Quốc – Một kẻ ngụy trang chủ nghĩa dân tộc Việt Nam, California, USA, 1999, Bản dịch Việt Ngữ.
9. William J. Duiker, Ho Chi Minh, Allen & Unwin, Australia, 2000, New York, 2000.


[center]
Chữ ký của doducdung.hnue





Số lần được cảm ơn : Message reputation : 100% (1 vote)



Được sửa bởi Couot_173 ngày Mon Dec 19, 2011 7:15 pm; sửa lần 1. (Reason for editing : Anh Dũng lần sau đăng nhớ sửa cho kĩ nha. thanks vì bài viết của anh)


Vai trò và đóng góp của Hồ Chí Minh với cách mạng VN và quốc tế giai đoạn 1930 - 1939 I_icon_minitimeWed Dec 21, 2011 10:14 am

duonghmd_kg

Thành viên mới gia nhập

duonghmd_kg

Thành viên mới gia nhập

Vai trò trong CLB Sử học Trẻ Vai trò trong CLB Sử học Trẻ : Thành viên
Ngày tham gia Ngày tham gia : 09/03/2011
Tổng số bài gửi Tổng số bài gửi : 5
Điểm thành tích Điểm thành tích : 5
Được cám ơn Được cám ơn : 0

Bài gửiTiêu đề: Re: Vai trò và đóng góp của Hồ Chí Minh với cách mạng VN và quốc tế giai đoạn 1930 - 1939

 
Đây là một bài viết hay. Anh Dũng có thể cho tôi xin bài này được không? Xin cảm ơn anh!

Nếu được anh gửi tôi xin qua địa chỉ: trandinhduongkg@gmail.com

Rất mong được anh chia sẻ!
Chữ ký của duonghmd_kg




 

Vai trò và đóng góp của Hồ Chí Minh với cách mạng VN và quốc tế giai đoạn 1930 - 1939

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
CLB Sử Học Trẻ Việt Nam :: VIỆT SỬ :: Lịch sử Việt Nam cận – hiện đại :: Giai đoạn 1930 – 1945-
________________________________________________________________________
Copyright ©2007 - 2009, Forumotion
Suhoctre ©2007- 2009 Phát triển bởi thành viên Diễn đàn
BQT Diễn đàn: Châu Tiến Lộc - Nguyễn Thị Trang - Phạm Ngọc Thạch

Sáng lập viên : Châu Tiến Lộc, Nguyễn Hùng Sơn, Nguyễn Thái Bình
Email : suhoctre@gmail.com - Forum : http://suhoctre.no1.vn
Xem trang web này tốt nhất với độ phân giải 1024x768 (hoặc cao hơn) với Firefox 3.0


Create a forum on Forumotion | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Cookies | Thảo luận mới nhất