Đây là đề cương tham khảo dùng để ôn thi tốt nghiệp môn Lịch sử 12! Trước hết là phần Lịch sử thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ hai (1945 - 1991) gồm có 5 bài như sau: 1. Liên Xô và các nước Đông Âu 2. Phong trào giải phóng dân tộc ở Á - Phi - Mỹ latinh 3. Mỹ - Nhật - Các nước Tây Âu 4. Quan hệ quốc tế 5. Cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ hai * * * * * Bài 1: LIÊN XÔ VÀ CÁC NƯỚC ĐÔNG ÂU SAU CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ HAI
1- Liên Xô và các nước Đông Au xây dựng chủ nghĩa xã hội (từ năm 1945 đến nửa đầu những năm 70): 1.1- Liên Xô xây dựng chủ nghĩa xã hội (từ năm 1945 đến nửa đầu những năm 70): a- Bối cảnh lịch sử: - Trong nước: Trong cuộc chiến tranh chống phát xít, nhân dân Liên Xô phải gánh chịu những hy sinh và tổn thất nặng nề: hơn 27 triệu người chết, 1.710 thành phố và hơn 70.000 làng mạc bị thiêu hủy, 32.000 xí nghiệp bị tàn phá. - Thế giới: + Sau chiến tranh, các nước phương Tây do Mĩ cầm đầu, tiến hành bao vây kinh tế, chạy đua vũ trang, chuẩn bị một cuộc chiến tranh tổng lực nhằm tiêu diệt Liên Xô và các nước XHCN. + Phong trào giải phóng dân tộc phát triển mạnh mẽ, Liên Xô phải giúp đỡ các nước XHCN, ủng hộ phong trào cách mạng thế giới. b- Những thành tựu chính: - Về kinh tế: + Hoàn thành thắng lợi kế hoạch 5 năm khôi phục kinh tế (1946 – 1950) trong vòng 4 năm 3 tháng: • Năm 1950, tổng sản lượng công nghiệp tăng 73% so với mức trước chiến tranh. • Sản xuất nông nghiệp cũng vượt mức trước chiến tranh. + Thực hiện nhiều kế hoạch dài hạn nhằm tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất – kĩ thuật của chủ nghĩa xã hội và đã thu nhiều thành tựu to lớn: • Năm 1972, sản lượng công nghiệp tăng 321 lần so với năm 1922. • Trong thập niên 50, 60 và nửa đầu 70, Liên Xô là cường quốc công nghiệp thứ hai trên thế giới (sau Mĩ). • Giữa thập niên 70, Liên Xô chiếm gần 20% tổng sản lượng công nghiệp toàn thế giới. + Liên Xô còn đi đầu trong một số ngành công nghiệp mới như: công nghiệp vũ trụ, công nghiệp điện nguyên tử … - Về khoa học kỹ thuật: + 1949, Liên Xô chế tạo thành công bom nguyên tử. + 1957, Liên Xô là nước đầu tiên phóng thành công vệ tinh nhân tạo của Trái Đất. + 1961, Liên Xô phóng thành công tàu vũ trụ đưa nhà du hành vũ trụ Gagarin bay vòng quanh Trái Đất, mở đầu kỉ nguyên chinh phục vũ trụ của loài người. - Về quân sự: + Đầu những năm 70, Liên Xô kí kết với Mĩ các hiệp ước về hạn chế hệ thống phòng, chống tên lửa và hạn chế vũ khí tiến công chiến lược (gọi tắt là Hiệp ước ABM và Hiệp định SALT1, SALT2). + Liên Xô đã đạt được thế cân bằng chiến lược về sức mạnh quân sự nói chung và sức mạnh lực lượng hạt nhân nói riêng với các nước phương Tây. c- Ý nghĩa: - Thể hiện tính ưu việt của CNXH trên nhiều lĩnh vực: xây dựng kinh tế, nâng cao đời sống, củng cố quốc phòng. - Làm đảo lộn chiến lược toàn cầu của Mĩ và đồng minh của Mĩ. - Củng cố hòa bình và thúc đẩy phong trào cách mạng thế giới. 1.2- Các nước Đông Au xây dựng CNXH (từ năm 1950 đến nửa đầu những năm 70):a- Hoàn cảnh lịch sử: - Khó khăn: + Cơ sở vật chất kĩ thuật của các nước Đông Au còn rất lạc hậu. + Các nước đế quốc tiến hành bao vây kinh tế và can thiệp, phá hoại về chính trị + Các thế lực chống chủ nghĩa xã hội ở trong nước vẫn tồn tại và ra sức chống phá. - Thuận lợi: + Sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô. + Sự nỗ lực của nhân dân trong nước. b- Những thành tựu: - Bộ mặt đất nước của các nước Đông Au ngày càng thay đổi: + Ở Anbani: Trước 1945 là nước nghèo, chậm phát triển nhất châu Au, đến năm 1970, đã hoàn thành điện khí hóa cả nước, sản xuất nông nghiệp thỏa mãn nhu cầu lương thực của nhân dân. + Ở Ba Lan: Đầu những năm 70, sản xuất công nghiệp tăng 20 lần, sản xuất nông nghiệp tăng gấp đôi so với năm 1938. + Ở Bungari: Năm 1975, tổng sản phẩm công nghiệp tăng 55 lần so với năm 1939. + Ở CHDC Đức: Sau 30 năm xây dựng chế độ mới, đã đạt mức sản xuất công nghiệp bằng cả nước Đức cũ năm 1939. + Ở Hunggari: Sau hơn 20 năm xây dựng chế độ mới, đã trở thành một nước công – nông nghiệp, có nền văn hóa và khoa học, kĩ thuật tiên tiến. + Ở Rumani: Từ một nước nông nghiệp đã trở thành một nước công – nông nghiệp, trong đó sản xuất công nghiệp chiếm 70% thu nhập quốc dân. + Ở Tiệp Khắc: Năm 1970, sản lượng công nghiệp chiếm 1,75% tổng sản lượng công nghiệp toàn thế giới. - Cùng với sự phát triển về kinh tế, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các nước Đông Au ngày càng được nâng cao. - Tất cả mọi âm mưu chống phá do bọn đế quốc và các thế lực phản động trong nước gây ra đều lần lượt bị dập tắt. c- Những thiếu sót và sai lầm: - Rập khuôn một cách giáo điều theo mô hình xây dựng CNXH ở Liên Xô trong những hoàn cảnh và điều kiện đất nước khác biệt so với Liên Xô. - Thiếu dân chủ và công bằng xã hội. 2- Quan hệ hợp tác giữa Liên Xô, các nước Đông Au và các nước XHCN khác: - Quan hệ hợp tác giữa Liên Xô, các nước Đông Au và các nước XHCN khác thể hiện ở việc ra đời của Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV) và tổ chức liên minh phòng thủ Vacxava. + Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV) ra đời nhằm thúc đẩy sự hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau về kinh tế, văn hóa, khoa học – kĩ thuật giữa Liên Xô và các nước XHCN. + Tổ chức liên minh phòng thủ Vacxava ra đời nhằm giữ gìn an ninh của các nước thành viên, duy trì hòa bình ở châu Au và củng cố tình hữu nghị hợp tác giữa các nước XHCN anh em. - Ngoài ra, giữa Liên Xô, các nước Đông Au và các nước XHCN khác có nhiều mối quan hệ hợp tác về nhiều mặt. Quan hệ này nhìn chung là tốt đẹp song cũng không tránh khỏi những bất đồng. + Vào thập niên 50, quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc là hữu nghị, góp phần tăng cường sức mạnh của các nước XHCN. Nhưng từ thập niên 60, quan hệ giữa hai nước có những bất đồng đi đến đối đầu căng thẳng. Đến cuối thập niên 80, quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc trở lại bình thường. + Đầu thập niên 60, quan hệ giữa Liên Xô và Anbani cũng có sự bất hòa đi đến căng thẳng. Đầu thập niên 90, quan hệ hai nước đã bình thường hóa trở lại. + Liên Xô và nhiều nước XHCN khác còn tích cực giúp đỡ nhân dân các nước CHDCND Triều Tiên, Cuba, Việt Nam, Lào, … trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
* Một số câu hỏi và gợi ý trả lời: 1- Hãy phân tích những thành tựu trong công cuộc xây dựng CNXH ở Liên Xô từ 1945 đến nửa đầu những năm 70 và ý nghĩa của nó. => Gợi ý trả lời: - Bối cảnh lịch sử (trong nước và thế giới). - Những thành tựu chính. - Ý nghĩa lịch sử. 2- Hãy nêu những thành tựu mà nhân dân các nước Đông Au đã đạt được trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội từ 1950 đến nửa đầu những năm 70. => Gợi ý trả lời: - Hoàn cảnh lịch sử (khó khăn và thuận lợi). - Những thành tựu chính. - Những thiếu sót và sai lầm. 3- Mối quan hệ giữa Liên Xô, các nước Đông Au và các nước XHCN khác thể hiện như thế nào? Hãy kể rõ sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN khác đối với Việt Nam từ năm 1950 đến nay. Sự giúp đỡ này đã có ý nghĩa như thế nào đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam? => Gợi ý trả lời: - Trình bày mối quan hệ giữa Liên Xô, các nước Đông Au và các nước XHCN khác. - Sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN khác đối với Việt Nam từ năm 1950 đến nay thể hiện ở một số điểm sau: + Công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với nước ta, góp phần nâng cao địa vị và uy tín của Nhà nước ta trên trường quốc tế. + Luôn tỏ rõ sự ủng hộ đối với cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ của ta. + Viện trợ vũ khí cho ta … - Ý nghĩa: Sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN khác đối với Việt Nam đã góp phần làm cho cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ và tay sai của dân tộc ta đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Mon Jul 21, 2008 1:17 pm
Đá bóng, game AOE
Thành viên cấp 2
DoQuangHop
Họ & tên : Đỗ Quang Hợp
Ngày tham gia : 18/06/2008
Tổng số bài gửi : 59
Đến từ : Thái Nguyên
Sở trường/ Sở thích : Đá bóng, game AOE
Điểm thành tích : 5
Được cám ơn : 0
Tiêu đề: Re: Ôn thi tốt nghiệp Lịch sử thế giới
Bài 2 CÁC NƯỚC Á, PHI, MĨ LA TINH SAU CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ HAI
1- Cuộc nội chiến 1946 – 1949 ở Trung Quốc: a- Hoàn cảnh lịch sử: Sau chiến tranh chống Nhật thắng lợi, TQ vẫn tồn tại hai thế lực đối lập là Đảng Cộng sản do Mao Trạch Đông làm chủ tịch và Quốc dân đảng do Tưởng Giới Thạch đứng đầu: + Lực lượng cách mạng do ĐCS TQ lãnh đạo đã lớn mạnh hơn trước: có 120 vạn quân chủ lực, 200 vạn dân quân, vùng giải phóng đã có 19 khu căn cứ bao gồm 1/4 đất đai và 1/3 dân số cả nước. Ngoài ra, Liên Xô còn chuyển giao cho ĐCS TQ nhiều vũ khí và vùng Đông Bắc TQ quan trọng về chiến lược, càng tạo thêm thuận lợi cho cách mạng TQ. + Được sự giúp đỡ của đế quốc Mĩ, tập đoàn phản động Tưởng Giới Thạch âm mưu phát động cuộc nội chiến nhằm tiêu diệt ĐCS TQ và phong trào cách mạng TQ. b- Diễn biến: - Ngày 20/7/1946, Tưởng Giới Thạch đã huy động toàn bộ lực lượng quân chính quy (khoảng 160 vạn quân) mở cuộc tấn công toàn diện vào các vùng giải phóng của ĐCS TQ. Cuộc nội chiến bùng nổ. - Giai đoạn 1: (từ 7/1946 – 6/1947) + Do so sánh lực lượng lúc đầu còn chênh lệch, ĐCS TQ đã thực hiện chiến lược phòng ngự tích cực, chủ yếu tiêu diệt sinh lực địch và xây dựng củng cố lực lượng mình. + Qua một năm chiến đấu, quân giải phóng đã tiêu diệt được hơn 1 triệu quân chủ lực Quốc dân đảng và phát triển lực lượng của mình lên tới 2 triệu người. - Giai đoạn 2: (từ 6/1947 – 10/1949) + Quân giải phóng chuyển sang phản công, tiến quân vào giải phóng các vùng do Quốc dân đảng thống trị. + Từ 9/1948 đến 1/1949, quân giải phóng lần lượt mở 3 chiến dịch lớn (Liêu – Thẩm, Hoài – Hải, Bình – Tân) tiêu diệt hơn 1,5 triệu quân Quốc dân đảng làm cho lực lương chủ lực của địch về cơ bản bị tiêu diệt. + Tháng 4/1949, quân giải phóng vượt sông Trường Giang, giải phóng Nam Kinh (23/4/1949), nền thống trị của Quốc dân đảng bị sụp đổ. + Ngày 1/10/1949, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thành lập, đánh dấu cách mạng dân tộc dân chủ TQ đã hoàn thành. c- Ý nghĩa: - Kết thúc sự thống trị của đế quốc, phong kiến và tư sản mại bản, mở ra kỉ nguyên độc lập, tự do, tiến lên chủ nghĩa xã hội. - Góp phần tăng cường lực lượng của CNXH trên phạm vi thế giới. - Có ảnh hưởng sâu sắc đến phong trào giải phóng dân tộc và cách mạng thế giới, nhất là ở các nước Đông Nam Á. 2- Cách mạng giải phóng dân tộc Lào từ 1945 đến 1975: - Sau chiến tranh thế giới thứ hai, phong trào giải phóng dân tộc ở Lào phát triển mạnh mẽ và trải qua các giai đoạn. - Giai đoạn 1945 – 1954: Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. + Ngày 23/8/1945, lợi dụng phát xít Nhật đầu hàng, nhân dân Lào đã nổi dậy thành lập chính quyền cách mạng ở nhiều nơi. + Ngày 12/10/1945, nhân dân thủ đô Viêng Chăn khởi nghĩa giành chính quyền và tuyên bố nền độc lập của Lào. + Tháng 3/1946, thực dân Pháp quay lại xâm lược Lào. Nhân dân Lào đã đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp. + Ngày 20/1/1949, Quân giải phóng nhân dân Lào thành lập do ông Cayxỏn Phômvihản chỉ huy. + Ngày 13/8/1950, Mặt trận Lào tự do và chính phủ kháng chiến Lào được thành lập do hoàng thân Xuphanuvông đứng đầu đã đánh dấu bước ngoặt phát triển của cách mạng Lào. + Từ năm 1953 – 1954, Quân giải phóng nhân dân Lào cùng với quân tình nguyện Việt Nam đã mở nhiều chiến dịch lớn, đặc biệt là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ của Việt Nam giành thắng lợi đã buộc Pháp phải kí hiệp định Giơnevơ (21/7/1954), công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Lào. - Giai đoạn 1954 – 1975: Chống chiến tranh thực dân mới của đế quốc Mĩ. + Sau khi chủ nghĩa thực dân cũ Pháp bị đánh bại, Mĩ tìm cách thay chân Pháp nắm quyền chi phối mọi hoạt động của Lào. + Dưới sự lãnh đạo của Đảng nhân dân cách mạng Lào (thành lập từ 1955), quân dân Lào đã đánh bại các cuộc tấn công quân sự của địch, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn. + Năm 1964, Mĩ tiến hành “chiến tranh đặc biệt” rồi chuyển sang “chiến tranh đặc biệt tăng cường” ở Lào. Mĩ tăng cường ném bom xuống Lào và liên tiếp mở những cuộc hành quân lớn nhằm đánh chiếm vùng giải phóng, tiêu diệt lực lượng cách mạng Lào. + Quân dân Lào đã từng bước đánh bại các kế hoạch leo thang chiến tranh của đế quốc Mĩ. Ngày 21/2/1973, Mĩ và tay sai phải kí hiệp định Viêng Chăn lập lại hòa bình, thực hiện hoà hợp dân tộc ở Lào. + Thắng lợi của cách mạng Việt Nam (30/4/1975) đã cổ vũ và tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng Lào tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. + Ngày 2/12/1975, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào thành lập. Từ đó, cách mạng Lào bước sang một thời kỳ phát triển mới: xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên theo định hướng XHCN. 3- Quá trình thành lập và phát triển của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN): - Quá trình thành lập và phát triển: + Ngày 8/8/1967, Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) ra đời ở Băng Cốc (Thái Lan) gồm 5 thành viên là Thái Lan, Inđônêxia, Malaixia, Xingapo, Philippin. + Ngày 7/1/1984, ASEAN kết nạp thêm Brunây. + Ngày 28/7/1995, Việt Nam trở thành thành viên chính thức thứ 7 của ASEAN. + Ngày 23/7/1997, ASEAN kết nạp thêm Lào và Mianma. + Ngày 30/4/1999, Campuchia là thành viên thứ 10 của ASEAN. + Hiện nay, Đông Timo vẫn chưa gia nhập ASEAN. Trong tương lai, Đông Timo cũng sẽ là thành viên của ASEAN. Như vậy, ASEAN sẽ trở thành “ASEAN toàn Đông Nam Á”. - Mục tiêu: + Xây dựng những mối quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác giữa các nước trong khu vực, tạo nên một cộng đồng Đông Nam Á hùng mạnh trên cơ sở tự cường khu vực. + Thiết lập một khu vực hòa bình, tự do, trung lập ở Đông Nam Á. => Như vậy, ASEAN là tổ chức liên minh chính trị – kinh tế của khu vực Đông Nam Á. - Quan hệ giữa ASEAN và Việt Nam: + Từ 1979, do vấn đề Campuchia, ASEAN có quan hệ đối đầu với ba nước Đông Dương. + Từ cuối những năm 80 đến nay, vấn đề Campuchia được giải quyết nên mối quan hệ giữa ASEAN và ba nước Đông Dương đã chuyển từ đối đầu sang đối thoại, mở ra khả năng mới cho quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực ở ĐNÁ. + Chính phủ Việt Nam đã có nhiều hoạt động tích cực nhằm đi tới một quan điểm thống nhất để xây dựng một khu vực ĐNÁ hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. 4- Các giai đoạn phát triển và thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc ở châu Phi từ 1945 đến nay: - Sau chiến tranh thế giới thứ hai, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở châu Phi đã nổ ra sôi nổi, mệnh danh là “lục địa mới trỗi dậy”. - Các giai đoạn: + Giai đoạn 1945 – 1954: Phong trào nổ ra ở Bắc Phi, điển hình là phong trào đấu tranh của nhân dân Ai Cập (7/1952) dẫn đến nước Cộng hòa Ai Cập ra đời (18/6/1953). + Giai đoạn 1954 – 1960: Phong trào nổ ra ở Bắc Phi và Tây Phi, có nhiều quốc gia giành được độc lập: Tuynidi, Marốc, Xuđăng (1956), Gana (1957), Ghinê (1958) … + Giai đoạn 1960 – 1975: Năm 1960 có 17 nước ở châu Phi giành độc lập (“Năm châu Phi”). Tiếp đó là thắng lợi của Angiêri (1962), Êtiôpia (1974), Môdămbich (1975), đặc biệt là thắng lợi của Angôla dẫn đến ra đời nước Cộng hòa nhân dân Angôla (11/1975) đánh dấu sự sụp đổ về căn bản chủ nghĩa thực dân cũ ở châu Phi. + Giai đoạn 1975 – nay: Giai đoạn hoàn thành cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ giành độc lập với sự ra đời của nước Cộng hòa Namibia (3/1991). - Ngày nay, hầu hết các nước châu Phi đang gặp rất nhiều khó khăn thách thức: sự xâm nhập của chủ nghĩa thực dân mới, nợ chồng chất, nạn mù chữ, đói rét, bệnh tật, bùng nổ dân số, tình hình chính trị không ổn định … 5- Các giai đoạn phát triển và thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc ở Mĩ la tinh từ 1945 đến nay: - Sau chiến tranh thế giới thứ hai, cao trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở Mĩ la tinh đã nổ ra sôi nổi, được mệnh danh là “đại lục núi lửa”. - Các giai đoạn: + Giai đoạn 1945 – 1959: Cao trào cách mạng nổ ra với nhiều hình thức: • Bãi công của công nhân ở Chilê (1955) • Nổi dậy của nông dân ở Pêru, Êcuađo, Mêhicô, Braxin, Vênêxuêla … • Khởi nghĩa vũ trang ở Panama (1947), Bôlivia (1949) • Đấu tranh nghị viện ở Goatêmala (1951), Achentina (1957) … + Giai đoạn 1959 – cuối những năm 80: • Năm 1959, cách mạng Cuba thắng lợi đánh dấu bước phát triển mới của phong trào giải phóng dân tộc ở Mĩ la tinh. • Phong trào đấu tranh vũ trang đã liên tiếp nổ ra ở nhiều nước như Bôlôvia, Vênêxuêla, … đặc biệt là thắng lợi của Nicaragoa (1979), Chilê (1970 – 1973). Mĩ la tinh trở thành “lục địa bùng cháy”. • Với những hình thức đấu tranh khác nhau, các nước Mĩ la tinh đã lần lượt giành lại độc lập chủ quyền cho dân tộc mình. + Giai đoạn cuối những năm 80 – nay: • Lợi dụng những biến động ở Liên Xô và Đông Âu không có lợi cho cách mạng thế giới, Mĩ đã tăng cường chống phá phong trào cách mạng ở Mĩ la tinh. • Mở đầu là cuộc đàn áp cách mạng ở Grênađa (1983), Panama (1990), Nicaragoa (1991) … Cách mạng ở Mĩ la tinh gặp nhiều khó khăn thử thách. - Tuy khó khăn nhưng các nước Mĩ la tinh vẫn cố gắng giành độc lập tự chủ, nền kinh tế ngày càng phát triển.
* Một số câu hỏi và gợi ý trả lời: 1- Cách mạng Trung Quốc thành công đã có tác động như thế nào đối với cách mạng nước ta? => Gợi ý trả lời: - Xem lại gợi ý trả lời ở phần Liên Xô và hoàn cảnh thuận lợi trước khi ta mở chiến dịch Biên giới thu đông 1950. 2- Nêu những sự kiện lịch sử tiêu biểu thể hiện tình đoàn kết chiến đấu giữa hai dân tộc Việt Nam và Lào trong thời kì chống Pháp và chống Mĩ (1945 – 1975)? => Gợi ý trả lời: - Trong kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954): + Tháng 4/1953, bộ đội Việt Nam phối hợp với bộ đội Pa thét Lào mở chiến dịch Thượng Lào, giải phóng tỉnh Sầm Nưa, một phần tỉnh Xiêng Khoảng và tỉnh Phong Xa Lì. + Tháng 12/1953, ta phối hợp cùng bộ đội Pathét Lào tấn công ở Trung Lào, giải phóng Thà Khẹt và Khăm Muộn, uy hiếp Sênô. + Đầu 1954, ta phối hợp với bộ đội Lào mở cuộc tấn công vào Thượng Lào, giải phóng hoàn toàn tỉnh Phongxalì, uy hiếp Luông Phabang. + Những thắng lợi của quân dân Việt – Lào trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp đã buộc Pháp phải kí Hiệp định Giơnevơ (21/7/1954), công nhận các quyền dân tộc cơ bản của ba nước Đông Dương. - Trong kháng chiến chống Mĩ (1954 – 1975): + Ngày 24 – 25/4/1970, Hội nghị cấp cao ba nước Việt Nam – Lào - Campuchia họp để biểu thị quyết tâm đoàn kết chiến đấu chống Mĩ. + Nửa đầu 1970, quân tình nguyện Việt Nam ở Lào cùng quân dân Lào đập tan cuộc hành quân lấn chiếm Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng, giải phóng một vùng rộng lớn ở Lào. + Từ 12/2 đến 21/3/1971, quân dân ta có sự hỗ trợ và phối hợp chiến đấu của quân dân Lào, đã đập tan cuộc hành quân “Lam Sơn – 719” nhằm chiếm giữ đường 9 – Nam Lào của Mĩ ngụy Sài Gòn. + Thắng lợi của cách mạng buộc Mĩ phải kí Hiệp định Pari với Việt Nam (27/1/1973), sau đó Mĩ phải kí Hiệp định Viêng Chăn với Lào (21/2/1973). Thắng lợi của cách mạng Việt Nam (30/4/1975) đã cổ vũ và tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng Lào tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Ngày 2/12/1975, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào thành lập. => Tình đoàn kết, phối hợp chiến đấu giữa hai dân tộc Việt – Lào đã trở thành yếu tố thúc đẩy sự phát triển và thắng lợi của cuộc kháng chiến ở mỗi nước. 3- Cơ hội và thách thức của Việt Nam khi gia nhập tổ chức ASEAN là gì? => Gợi ý trả lời: - Cơ hội: + Tạo điều kiện cho Việt Nam được hòa nhập vào cộng đồng khu vực, vào thị trường các nước ĐNÁ. + Thu hút được vốn đầu tư, mở ra cơ hội giao lưu học tập, tiếp thu trình độ khoa học – kĩ thuật, công nghệ và văn hóa … để phát triển đất nước ta. - Thách thức: + Việt Nam phải chịu sự cạnh tranh quyết liệt, nhất là về kinh tế. + Hòa nhập nếu không đứng vững thì dễ bị tụt hậu về kinh tế và bị “hòa tan” về chính trị, văn hóa, xã hội … 4- So với phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á và Mĩ la tinh thì phong trào ở châu Phi có những điểm khác biệt gì? => Gợi ý trả lời: + Các nước châu Phi đã thành lập tổ chức thống nhất châu Phi (1963) để phối hợp thống nhất hành động và thúc đẩy sự nghiệp đấu tranh cách mạng của các nước châu Phi. + Lãnh đạo phong trào cách mạng là do các chính đảng hoặc các tổ chức chính trị của giai cấp tư sản dân tộc. + Hình thức đấu tranh chủ yếu là đấu tranh chính trị hợp pháp, thương lượng với các nước phương Tây để được công nhận độc lập. + Mức độ độc lập và sự phát triển của đất nước sau khi giành độc lập rất không đồng đều nhau
Mon Jul 21, 2008 1:23 pm
Đá bóng, game AOE
Thành viên cấp 2
DoQuangHop
Họ & tên : Đỗ Quang Hợp
Ngày tham gia : 18/06/2008
Tổng số bài gửi : 59
Đến từ : Thái Nguyên
Sở trường/ Sở thích : Đá bóng, game AOE
Điểm thành tích : 5
Được cám ơn : 0
Tiêu đề: Re: Ôn thi tốt nghiệp Lịch sử thế giới
Bài 3: MĨ, NHẬT BẢN, TÂY ÂU SAU CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ HAI
I- MĨ: 1- Sự phát triển của nền kinh tế Mĩ sau Chiến tranh thế giới thứ hai: - Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Mĩ nắm ưu thế về kinh tế, tài chính trên toàn thế giới. - Về kinh tế: + Trong những năm 1945 – 1949, sản lượng công nghiệp chiếm hơn một nửa sản lượng công nghiệp toàn thế giới (56,4% vào năm 1948). + Năm 1949, sản lượng nông nghiệp gấp 2 lần sản lượng nông nghiệp của Anh, Pháp, CHLB Đức, Ý, Nhật Bản cộng lại. - Về tài chính: + Nắm trong tay gần 3/ 4 dự trữ vàng của thế giới (khoảng 25 tỉ đôla vào năm 1949). + Có trên 50% tàu bè đi lại trên biển. => Trong khoảng hai thập niên đầu sau chiến tranh, Mĩ là trung tâm kinh tế, tài chính duy nhất của thế giới. * Nguyên nhân phát triển của nền kinh tế Mĩ: + Dựa vào những thành tựu cách mạng khoa học – kĩ thuật, Mĩ điều chỉnh hợp lí cơ cấu sản xuất, cải tiến kĩ thuật và nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm. + Trình độ tập trung sản xuất và tập trung tư bản cao, dẫn đến hình thành các công ti độc quyền Mĩ là những công ti khổng lồ, tập trung hàng chục vạn công nhân, có doanh thu hàng chục tỉ đôla, vươn ra khống chế, lũng đoạn các ngành sản xuất trên phạm vi toàn thế giới. + Nhờ quân sự hóa nền kinh tế để buôn bán vũ khí, thu được trên 50% tổng lợi nhuận hàng năm. + Ngoài ra, các điều kiện thuận lợi như nguồn tài nguyên phong phú, nhân công dồi dào, đất nước không bị chiến tranh tàn phá … cũng là những nguyên nhân làm nền kinh tế Mĩ phát triển nhanh chóng. * Những hạn chế của nền kinh tế Mĩ: + Vị trí kinh tế ngày càng giảm sút do sự cạnh tranh quyết liệt của các nước Tây Au, Nhật Bản. + Tuy phát triển nhanh, nhưng không ổn định vì thường xảy ra những cuộc suy thoái về kinh tế (8 lần từ 1945 đến nay). + Sự chênh lệch giàu nghèo giữa các tầng lớp trong xã hội tạo nên sự không ổn định về kinh tế, chính trị và xã hội Mĩ. 2- Những thành tựu về khoa học – kĩ thuật của Mĩ: - Vào giữa những năm 40 của TK XX, Mĩ là nước khởi đầu cuộc cách mạng khoa học – kĩ thuật lần thứ hai trên thế giới. - Mĩ đã đạt nhiều thành tựu kì diệu trong tất cả các lĩnh vực khoa học kĩ thuật như: sáng tạo ra công cụ sản xuất mới (máy tính, máy tự động …), nguồn năng lượng mới (nguyên tử, nhiệt hạch, mặt trời …), những vật liệu mới (chất pôlime), cuộc cách mạng xanh trong nông nghiệp, cách mạng trong giao thông và thông tin liên lạc, trong khoa học chinh phục vũ trụ và trong sản xuất vũ khí hiện đại (tên lửa chiến lược, máy bay tàng hình …). - Nhờ những thành tựu đó, nền kinh tế Mĩ phát triển nhanh chóng và đời sống nhân dân có nhiều thay đổi. 3- Chính sách đối nội của Mĩ sau Chiến tranh thế giới thứ hai: - Sau 1945, Mĩ vẫn tiếp tục duy trì chế độ dân chủ tư sản. - Chính sách phân biệt chủng tộc giữa người da trắng với người da màu vẫn tồn tại. - Mâu thuẫn xã hội gay gắt do sự phân hóa giàu nghèo, phân biệt chủng tộc, tệ nạn xã hội … - Trong nội bộ giới cầm quyền Mĩ cũng diễn ra những vụ bê bối về chính trị và kinh tế như vụ Tổng thống Mĩ Kennơđi bị ám sát 1963, vụ Oatơghết buộc Nichxơn phải từ chức 1974 … 4- Chính sách đối ngoại của Mĩ sau Chiến tranh thế giới thứ hai: - Sau 1945, các Tổng thống Mĩ từ Tơruman đến Aixenhao, Kennơđi, Giônxơn, Nichxơn … đều nêu ra học thuyết hoặc đường lối của mình để thực hiện “chiến lược toàn cầu”, mưu đồ làm bá chủ thế giới. - Mục tiêu: + Ngăn chặn, đẩy lùi và tiến tới tiêu diệt các nước xã hội chủ nghĩa. + Đàn áp phong trào giải phóng dân tộc, phong trào công nhân, phong trào hòa bình dân chủ thế giới. + Khống chế, nô dịch các nước đồng minh của Mĩ. - Biện pháp thực hiện: + Thi hành “chính sách thực lực”, tức chính sách dựa vào sức mạnh của Mĩ. + Thành lập các khối quân sự như NATO, SEATO, ANZUS, CENTO … trải ra khắp mọi nơi trên thế giới. + Viện trợ kinh tế và quân sự cho các nước đồng minh của Mĩ. + Tăng cường chạy đua vũ trang, gây “chiến tranh lạnh” nhằm tiêu diệt Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. + Tiến hành bao vây, cấm vận về kinh tế, cô lập về chính trị chống lại các nước xã hội chủ nghĩa. + Phát động chiến tranh xâm lược hoặc can thiệp vũ trang ở các nước. - Kết quả: + Mĩ đã vấp phải những thất bại nặng nề ở Trung Quốc, Cuba, Việt Nam … + Mặt khác, Mĩ cũng thực hiện một số mưu đồ như góp phần làm sụp đổ chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Au.
II- NHẬT BẢN: 1- Sự phát triển của nền kinh tế Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ hai: - Kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản là một nước bại trận, bị mất hết thuộc địa, kinh tế bị chiến tranh tàn phá nặng nề … - Từ 1945 – 1950, kinh tế Nhật Bản phát triển chậm chạp, phải dựa vào viện trợ và đầu tư của Mĩ nên phụ thuộc chặt chẽ vào kinh tế Mĩ. - Từ 1950, kinh tế Nhật phát triển nhanh chóng nhờ những đơn đặt hàng quân sự của Mĩ. - Từ 1960, do Mĩ sa lầy trong chiến tranh Việt Nam, kinh tế Nhật có cơ hội phát triển nhanh chóng, đuổi kịp rồi vượt các nước Tây Au, vươn lên đứng thứ hai (sau Mĩ) trong thế giới tư bản chủ nghĩa. + Về công nghiệp: ở nhiều lĩnh vực then chốt, Nhật Bản đã đạt được những bước phát triển mạnh nhất và nhanh nhất. Năm 1950, giá trị sản lượng công nghiệp chỉ đạt 4,1 tỉ đôla (bằng 1/ 28 của Mĩ), nhưng đến năm 1969 đã vươn lên tới 56,4 tỉ đôla, vượt các nước Tây Au và chỉ còn thua Mĩ (bằng 1/ 4 của Mĩ). + Về nông nghiệp: Nhật Bản cũng đạt được những bước nhảy vọt. Những năm 1967 – 1969, sản lượng lương thực đủ cung cấp hơn 80% nhu cầu trong nước. - Từ 1970 đến nay, Nhật Bản là một trong ba trung tâm kinh tế tài chính của thế giới, trở thành một siêu cường kinh tế. * Nguyên nhân phát triển của nền kinh tế Nhật Bản: + Thu hút nguồn vốn của nước ngoài, tập trung đầu tư vào các ngành kinh tế then chốt nhất như cơ khí, luyện kim, hóa chất, điện tử … Đồng thời, lợi dụng sự bảo hộ của Mĩ, Nhật Bản ít phải chi tiêu về quân sự và biên chế Nhà nước gọn nhẹ nên có điều kiện tập trung vốn đầu tư vào phát triển kinh tế. + Sử dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học – kĩ thuật để tăng năng suất, cải tiến kĩ thuật và hạ giá thành hàng hóa. + Biết cách len lách vào thị trường các nước, mở rộng thị trường quốc tế. + Những cải cách dân chủ sau chiến tranh như cải cách ruộng đất, xóa bỏ những tàn tích phong kiến … đã tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế phát triển. + Truyền thống “tự lực, tự cường” của nhân dân Nhật Bản cộng với tài năng điều hành kinh tế của giới lãnh đạo và kinh doanh Nhật Bản. * Những hạn chế của nền kinh tế Nhật Bản: + Sự không cân đối trong nền kinh tế giữa công nghiệp và nông nghiệp. + Những khó khăn về năng lượng, nguyên liệu và lương thực hầu như phải nhập từ bên ngoài. + Sự cạnh tranh, chèn ép của Mĩ, Tây Au và các nước công nghiệp mới. 2- Những thành tựu về khoa học – kĩ thuật của Nhật Bản: - Nhật Bản rất coi trọng sự phát triển khoa học – kĩ thuật, tập trung đi sâu vào công nghiệp dân dụng, ít chú ý đến công nghiệp quân sự và vũ trụ. - Nhật Bản vừa chú ý đến việc phát triển các cơ sở nghiên cứu trong nước, vừa chú ý mua các phát minh của nước ngoài. - Hiện nay, Nhật Bản đang đứng đầu về trình độ phát triển khoa học – kĩ thuật, đặc biệt trong các ngành công nghiệp dân dụng. - Nhật Bản đã đạt được thành tựu kì diệu về khoa học – kĩ thuật như: hoàn thành đường hầm ngầm dưới biển gần 54 km nối liền hai đảo Hônsu và Hôccaiđô, xây dựng chiếc cầu đường bộ dài hơn 9 km nối liền đảo Xicôcư với Hônsu, xây dựng các thành phố mới trên mặt biển … - Bên cạnh đó, Nhật Bản rất quan tâm đến công tác giáo dục, đào tạo những con người có ý chí vươn lên trong mọi hoàn cảnh, có năng lực, giữ vững bản sắc dân tộc mình. 3- Chính sách đối nội của Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ hai: - Sau 1945, quân đội Mĩ thay mặt Đồng minh chiếm đóng và quản chế Nhật Bản. - Dưới áp lực đấu tranh của nhân dân Nhật Bản và các lực lượng tiến bộ, môt số cải cách dân chủ đã được thực hiện ở Nhật Bản như: + Ban hành Hiến pháp 1946 với những nội dung tiến bộ như: • Công nhận và đảm bảo quyền tự do dân chủ, quyền lập hội, lập đảng của công dân. • Quốc hội là cơ quan quyền lực tối cao, Thiên hoàng đứng đầu Nhà nước một cách tượng trưng. • Nhật Bản không duy trì hải lục không quân và các lực lượng chiến đấu khác, không công nhận quyền tham gia chiến tranh với bất cứ nước nào. + Luật cải cách ruộng đất. + Luật giải tán Đaibatxư (các công ti lũng đoạn mang tính chất phong kiến). + Tiến hành xét xử tội phạm chiến tranh … - Hệ quả/ ý nghĩa: + Phá vỡ những cơ sở kinh tế, chính trị, xã hội của chế độ phong kiến. + Xác lập chế độ dân chủ đại nghị ở Nhật Bản. + Tạo điều kiện để Nhật Bản phát triển mạnh mẽ về mọi mặt. 4- Chính sách đối ngoại của Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ hai: - Ngày 8/ 9/ 1951, “Hiệp ước an ninh Mĩ – Nhật” được kí kết => Nhật Bản lệ thuộc vào Mĩ về chính trị và quân sự. - Năm 1960 và 1970 “Hiệp ước an ninh Mĩ – Nhật” đã được gia hạn, sau đó kéo dài vô thời hạn => hình thành một “liên minh Mĩ – Nhật” chống chủ nghĩa xã hội và phong trào giải phóng dân tộc. - Nhật Bản đã trở thành một “căn cứ chiến lược” để Mĩ thực hiện “chiến lược toàn cầu”. - Dựa vào tiềm lực kinh tế, tài chính lớn mạnh của mình, Nhật Bản đã tìm cách xâm nhập, giành giật thị trường thế giới, đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á => Nhật Bản trở thành một “đế quốc kinh tế”.
* Một số câu hỏi và gợi ý trả lời: 1- Nét chính về sự phát triển kinh tế Mĩ (/Nhật Bản) từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. 2- Trình bày những nguyên nhân dẫn đến sự phát triển của nền kinh tế Mĩ (/Nhật Bản) từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. 3- Theo anh (/chị) trong những nguyên nhân dẫn đến sự phát triển của nền kinh tế Mĩ (/Nhật Bản) kể trên, thì nguyên nhân nào là quan trọng nhất và nguyên nhân đó có thể giúp ích gì cho các nước đang phát triển trong việc xây dựng nền kinh tế của mình. => Gợi ý trả lời: + Nguyên nhân quan trọng nhất: Tận dụng thành tựu cuộc cách mạng khoa học – kĩ thuật. + Giúp ích các nước đang phát triển: Nhận rõ vai trò quan trọng của cuộc cách mạng khoa học – kĩ thuật trong việc xây dựng nền kinh tế của mình. 4- Trong các nguyên nhân phát triển kinh tế Mĩ và kinh tế Nhật Bản từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, có một nguyên nhân chung. Hãy trình bày và phân tích nguyên nhân đó. => Nguyên nhân chung đó là tận dụng thành tựu cuộc cách mạng khoa học – kĩ thuật (có trình bày những thành tựu về khoa học – kĩ thuật) 5- Những thách thức đối với nền kinh tế Mĩ (/Nhật Bản). => Trình bày những hạn chế của nền kinh tế Mĩ (/Nhật Bản). 6- Chính sách đối ngoại của Mĩ sau chiến tranh thế giới thứ hai: cơ sở, nội dung, mục tiêu, biện pháp và kết quả
Mon Jul 21, 2008 1:36 pm
Đá bóng, game AOE
Thành viên cấp 2
DoQuangHop
Họ & tên : Đỗ Quang Hợp
Ngày tham gia : 18/06/2008
Tổng số bài gửi : 59
Đến từ : Thái Nguyên
Sở trường/ Sở thích : Đá bóng, game AOE
Điểm thành tích : 5
Được cám ơn : 0
Tiêu đề: Re: Ôn thi tốt nghiệp Lịch sử thế giới
Bài 4: QUAN HỆ QUỐC TẾ SAU CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ HAI
1- Hội nghị Ianta và việc hình thành trật tự thế giới mới sau chiến tranh: - Hoàn cảnh lịch sử: + Đầu năm 1945, Chiến tranh thế giới thứ hai đi vào giai đoạn chót, nhiều mâu thuẫn, nhiều tranh chấp trong nội bộ phe Đồng minh nổi lên gay gắt, trong đó có 3 vấn đề bức thiết cần giải quyết: • Việc nhanh chóng kết thúc chiến tranh ở châu Au, châu Á – Thái Bình Dương. • Việc tổ chức lại trật tự thế giới mới sau chiến tranh. • Việc phân chia khu vực đóng quân theo chế độ quân quản ở các nước phát xít chiến bại và phân chia phạm vi ảnh hưởng của các nước tham gia chiến tranh chống phát xít. + Trong bối cảnh đó, từ ngày 4 đến ngày 12/2/1945, Hội nghị cấp cao ba cường quốc Liên Xô, Mĩ, Anh họp tại Ianta (Liên Xô). - Nội dung chủ yếu của Hội nghị: + Về việc kết thúc chiến tranh ở châu Au, châu Á – Thái Bình Dương, ba cường quốc thống nhất tiêu diệt tận gốc chủ nghĩa phát xít Đức và chủ nghĩa quân phiệt Nhật để nhanh chóng kết thúc chiến tranh, Liên Xô sẽ tham chiến chống Nhật khi chiến tranh kết thúc ở châu Au. + Ba cường quốc thống nhất thành lập tổ chức Liên Hợp Quốc dựa trên nền tảng và nguyên tắc cơ bản là sự nhất trí giữa 5 cường quốc Liên Xô, Mĩ, Anh, Pháp và Trung Quốc để giữ gìn hòa bình, an ninh và trật tự thế giới sau chiến tranh. + Hội nghị đã thỏa thuận việc đóng quân tại các nước nhằm giải giáp quân đội phát xít và phân chia phạm vi ảnh hưởng ở châu Au và châu Á. • Ở châu Au: quân đội Liên Xô sẽ chiếm đóng Đông Đức, Đông Béclin và các nước Đông Au do Liên Xô giải phóng => vùng Đông Au thuộc phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô. Còn quân đội Mĩ, Anh, Pháp chiếm đóng miền Tây Đức, Tây Beclin, Italia và một số nước Tây Au khác => vùng Tây Au thuộc phạm vi ảnh hưởng của Mĩ (trừ Ao và Phần Lan là 2 nước trung lập). • Ở châu Á: Hội nghị chấp nhận những điều kiện để đáp ứng việc Liên Xô tham gia chiến tranh chống Nhật như: Bảo vệ nguyên trạng và công nhận độc lập của Mông Cổ, trả lại cho Liên Xô những quyền lợi ở Viễn Đông trước 1904, Liên Xô chiếm 4 đảo Curin … Ngoài ra, ba cường quốc đã thỏa thuận: Quân đội Mĩ chiếm đóng Nhật Bản => Nhật Bản thuộc phạm vi ảnh hưởng của Mĩ,. Quân đội Liên Xô chiếm đóng miền Bắc Triều Tiên và quân Mĩ chiếm miền Nam Triều Tiên lấy vĩ tuyến 380 làm ranh giới … - Những quyết định của Hội nghị cấp cao Ianta (2/1945) đã trở thành những khuôn khổ của trật tự thế giới mới từng bước được thiết lập trong những năm 1945 – 1947, thường được gọi là “Trật tự hai cực Ianta”. 2- Mục đích, nguyên tắc hoạt động và tổ chức của Liên Hợp Quốc: - Sự ra đời: + Từ ngày 25/4 đến 26/6/1945, hội nghị đại biểu 50 nước họp tại Xan Phơranxixcô (Mĩ) thông qua Hiến chương LHQ. + Ngày 24/10/1945 phiên họp đầu tiên được triệu tập tại Luân Đôn, Hiến chương LHQ bắt đầu có hiệu lực => được xem là ngày thành lập LHQ. - Mục đích: + Nhằm duy trì hòa bình và an ninh thế giới. + Thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các nước trên thế giới. - Nguyên tắc hoạt động: + Tôn trọng quyền bình đẳng giữa các quốc gia và quyền dân tộc tự quyết. + Tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của tất cả các nước. + Giải quyết tranh chấp quốc tế bằng phương pháp hòa bình. + Sự nhất trí giữa 5 cường quốc: Liên Xô, Mĩ, Anh, Pháp, Trung Quốc. + Không can thiệp vào công việc nội bộ của bất cứ quốc gia nào. - Tổ chức của LHQ/ Các cơ quan: + Đại hội đồng: Hội nghị của tất cả các nước thành viên, mỗi năm họp 1 lần. Trong hội nghị, việc quyết định các vấn đề quan trọng phải được thông qua với 2/3 số phiếu, vấn đề ít quan trọng hơn thì thông qua với đa số phiếu thuận. + Hội đồng bảo an: Cơ quan chính trị quan trọng nhất và hoạt động thường xuyên của LHQ, chịu trách nhiệm chính về duy trì hòa bình và an ninh thế giới. Mọi nghị quyết của Hội đồng bảo an chỉ được thông qua khi được sự nhất trí của cả 5 ủy viên thường trực là Liên Xô, Mĩ, Anh, Pháp, Trung Quốc. Hội đồng bảo an không phục tùng Đại hội đồng. + Ban thư kí: Cơ quan hành chính của LHQ, đứng đầu là Tổng thư kí do Đại hội đồng bầu ra 5 năm 1 lần theo sự giới thiệu của Hội đồng bảo an. + Ngoài ra, LHQ còn có hàng trăm tổ chức chuyên môn khác như: Hội đồng kinh tế và xã hội, Tòa án quốc tế, Tổ chức Giáo dục – Khoa học – Văn hóa … 3- Cuộc “Chiến tranh lạnh” và âm mưu của Mĩ: - Bối cảnh lịch sử: + Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, trước ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ của Liên Xô, của chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới, Mĩ và các nước tư bản phương Tây cho rằng “chủ nghĩa cộng sản đang đe dọa thế giới tự do” và “Nga Xô đang bành trướng thuộc địa ở châu Au” … Vì vậy, Mĩ và các nước tư bản phương Tây đã cấu kết với nhau để chống lại sự “đe dọa” đó. + Tháng 3/1947, Tổng thống Mĩ Tơruman chính thức phát động cuộc “chiến tranh lạnh” nhằm chống lại Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. - Mục tiêu: Trong sự cấu kết này, Mĩ cho rằng mình phải đứng ra “đảm nhiệm sứ mạng thế giới tự do”, phải “giúp đỡ” các dân tộc trên thế giới chống lại sự “đe dọa của chủ nghĩa cộng sản”, chống lại sự “bành trướng của nước Nga”. - Biện pháp thực hiện: + Viện trợ kinh tế cho Nhật Bản, Tây Au. + Thành lập các khối quân sự như NATO, SEATO … + Ra sức “chạy đua vũ trang”, chuẩn bị cuộc “chiến tranh tổng lực” + Phát động các cuộc chiến tranh xâm lược dưới nhiều hình thức khác nhau. + Bao vây kinh tế, cô lập về chính trị … => Cuộc “chiến tranh lạnh” của Mĩ đã làm cho mối quan hệ quốc tế luôn luôn phức tạp, gay gắt.
* Một số câu hỏi và gợi ý trả lời: 1- Hội nghị Ianta và việc hình thành “Trật tự hai cực Ianta”: - Bối cảnh lịch sử - Nội dung chủ yếu - “Trật tự hai cực Ianta” đã hình thành như thế nào? => Gợi ý trả lời: Trình bày hội nghị Ianta và việc hình thành trật tự thế giới mới sau chiến tranh theo 3 nội dung trên. 2- Trình bày mục đích, các nguyên tắc hoạt động của Liên Hợp Quốc. Nêu ngắn gọn vai trò của LHQ. Hãy nêu dẫn chứng về vai trò của LHQ trong việc giải quyết các vụ tranh chấp quốc tế hoặc thúc đẩy các mối quan hệ giao lưu, hợp tác giữa các nước thành viên. 3- Đánh giá về vai trò của LHQ trước những biến động của tình hình thế giới hiện nay? => Gợi ý trả lời: - Liên Hợp Quốc là tổ chức quốc tế lớn nhất, giữ vai trò quan trọng trong việc: + Giữ gìn hòa bình, an ninh thế giới. + Góp phần thúc đẩy giải quyết các tranh chấp và xung đột khu vực; + Phát triển mối quan hệ giao lưu, hợp tác về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa của các nước thành viên. - Trước những biến động lớn của tình hình thế giới hiện nay, LHQ đã có nhiều cố gắng to lớn trong việc giữ gìn hòa bình, an ninh thế giới; góp phần giải quyết các tranh chấp và xung đột khu vực bằng phương pháp hòa bình; giúp đỡ các nước phát triển các mối quan hệ giao lưu, hợp tác về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa; các hoạt động nhân đạo … - Bên cạnh đó, LHQ cũng còn nhiều mặt chưa thực hiện được như chưa giải quyết dứt điểm xung đột kéo dài ở khu vực Trung Đông giữa Ixraen và Palextin; chưa có những biện pháp hữu hiệu trong việc ngăn chặn Mĩ gây chiến tranh ở Irắc, Nam Tư; chưa đề ra được biện pháp ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố đang đe dọa thế giới hiện nay … Những tồn tại trên đang được LHQ tìm cách giải quyết để thể hiện được đầy đủ nhất vai trò của mình đối với tình hình thế giới hiện nay. 4- LHQ bao gồm các tổ chức nào? Hãy kể ra ít nhất 5 tổ chức chuyên môn của LHQ đang còn hoạt động ở nước ta? => Gợi ý trả lời: - Kể các tổ chức của LHQ (Hội đồng bảo an, Đại hội đồng, Ban thư kí, các cơ quan khác …) - Việt Nam gia nhập LHQ vào 9/1977. - Các tổ chức LHQ đang còn hoạt động ở Việt Nam: + UNICEF (Qũy cứu trợ nhi đồng) + UNESCO (Uy ban về văn hóa, khoa học, giáo dục) + WHO (Tổ chức y tế thế giới) + FAO (Tổ chức lương thực thế giới) + IMF (Qũy tiền tệ quốc tế) + ILO (Tổ chức lao động quốc tế) + ICAO (Cơ quan hàng không quốc tế) … 5- Mĩ phát động cuộc “Chiến tranh lạnh” nhằm mục tiêu gì? Mĩ đã phát động cuộc “Chiến tranh lạnh” như thế nào? => Gợi ý trả lời: Trình bày cuộc “chiến tranh lạnh” và âm mưu của Mĩ.
Mon Jul 21, 2008 1:38 pm
Đá bóng, game AOE
Thành viên cấp 2
DoQuangHop
Họ & tên : Đỗ Quang Hợp
Ngày tham gia : 18/06/2008
Tổng số bài gửi : 59
Đến từ : Thái Nguyên
Sở trường/ Sở thích : Đá bóng, game AOE
Điểm thành tích : 5
Được cám ơn : 0
Tiêu đề: Re: Ôn thi tốt nghiệp Lịch sử thế giới
Bài 5: SỰ PHÁT TRIỂN CỦA KHOA HỌC – KĨ THUẬT SAU CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ HAI
1- Nguồn gốc của cuộc cách mạng khoa học – kĩ thuật lần thứ hai: - Do yêu cầu của cuộc sống con người, cụ thể là yêu cầu của kĩ thuật và của sản xuất đã trở thành động lực và nguồn gốc sâu xa dẫn tới cuộc cách mạng khoa học – kĩ thuật lần thứ hai. Bước sang nền sản xuất hiện đại, do sự bùng nổ dân số, nhu cầu sinh hoạt con người ngày càng nâng cao, phức tạp; mặt khác do tài nguyên thiên nhiên cung cấp cho sự sống thì vơi cạn dần một cách nghiêm trọng. Vì vậy, những công cụ sản xuất mới có kĩ thuật cao, những nguồn năng lượng mới và những vật liệu mới được đặt ra một cách bức thiết đối với cuộc sống con người. - Do yêu cầu của chiến tranh, các bên tham chiến phải đi sâu nghiên cứu khoa học, kĩ thuật để cải tiến vũ khí, sáng tạo vũ khí có sức hủy diệt lớn để giành thắng lợi, tạo ra các phương tiện thông tin, liên lạc chỉ huy hiện đại. - Những thành tựu về khoa học, kĩ thuật cuối TK XIX đầu TK XX đã tạo tiền đề và thúc đẩy sự bùng nổ của cuộc cách mạng khoa học – kĩ thuật lần thứ hai. 2- Nội dung, thành tựu chính: a- Nội dung: phong phú, đa dạng. - Khoa học cơ bản gồm Toán học, Vật lí học, Hóa học, Sinh vật học đã tạo cơ sở lý thuyết cho các khoa học khác, cho kĩ thuật phát triển và là nền móng của tri thức. - Nhiều ngành khoa học mới như khoa học vũ trụ, khoa học du hành vũ trụ. - Những ngành khoa học mới kết hợp khoa học tự nhiên với kĩ thuật mới như điều khiển học, phân tử học … - Giải quyết những yêu cầu bức thiết phục vụ cuộc sống con người như tìm tòi những nguồn năng lượng mới, những vật liệu mới, những công cụ mới, cuộc “cách mạng xanh”, chinh phục vũ trụ … b- Những thành tựu chính: - Về khoa học cơ bản: + Toán học: có nhiều phát minh lớn, ngày càng thâm nhập sâu vào các ngành khoa học khác tạo thành quá trình toán học hóa khoa học. + Hóa học: có những thành tựu lớn tác động vào kĩ thuật và sản xuất. + Vật lí học: có những phát minh lớn về lí thuyết hạt nhân, sóng điện từ, trường điện từ, hiện tượng phóng xạ … góp phần sản xuất ra những công cụ mới, vật liệu mới, năng lượng nguyên tử, những phương tiện thông tin liên lạc hiện đại. + Sinh vật học: có những phát minh lớn trong nông nghiệp, sự ra đời của phỏng sinh học và công nghệ sinh học để chế biến thực phẩm, chống ô nhiễm môi trường … - Những công cụ sản xuất mới: sự ra đời của máy tính, máy tự động, hệ thống máy tự động, người máy … có ý nghĩa hết sức to lớn. - Những nguồn năng lượng mới: tìm ra năng lượng nguyên tử, năng lượng nhiệt hạch, năng lượng mặt trời, năng lượng thủy triều … hết sức phong phú, vô tận. - Những vật liệu mới: sáng chế ra thực phẩm nhân tạo, vải sợi nhân tạo, chất dẻo (pôlime) … đang giữ vị trí quan trọng trong đời sống hằng ngày. - Cuộc “cách mạng xanh” trong nông nghiệp: đã giải quyết được vấn đề lương thực cho con người. - Giao thông vận tải và thông tin liên lạc: xuất hiện những máy bay hành khách siêu âm khổng lồ, tàu hỏa siêu tốc, các hệ thống vệ tinh nhân tạo … - Chinh phục vũ trụ: đưa người lên thám hiểm Mặt Trăng, đưa máy móc lên tìm hiểu sự sống ở Sao Hỏa … 3- Vị trí và ý nghĩa: - Tác động tích cực: + Làm thay đổi một cách cơ bản các nhân tố sản xuất như công cụ và công nghệ, nguyên liệu, năng lượng … nhờ đó con người đã tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn trước kia. + Đưa loài người bước sang một nền văn minh mới: “văn minh hậu công nghiệp”, “văn minh truyền tin”, “văn minh trí tuệ” … mà con người có thể phát triển hơn nữa sự sáng tạo trong lao động, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và tiến lên làm chủ thiên nhiên, làm chủ cuộc sống. + Làm cho nền kinh tế thế giới ngày càng được quốc tế hóa cao, đang hình thành thị trường toàn thế giới gồm tất cả các nước có chế độ xã hội khác nhau, vừa đấu tranh vừa hợp tác với nhau, cùng tồn tại hòa bình. + Làm cho sự giao lưu, trao đổi về văn hóa, khoa học – kĩ thuật … ngày càng gắn bó và phát triển giữa các quốc gia, tạo ra nhiều cơ may cho sự phát triển của các dân tộc. - Tác động tiêu cực: + Việc tạo ra những vũ khí hủy diệt dẫn đến nguy cơ cuộc chiến tranh hủy diệt bằng bom nguyên tử, bom hóa học, máy bay tàng hình … + Nạn ô nhiễm môi trường, đe dọa sự sống như khói bụi, chất thải nhà máy … + Nhiều bệnh tật hiểm nghèo gắn liền với kĩ thuật hiện đại như ung thư, AIDS, … + Tai nạn lao động, tai nạn giao thông … + Tài nguyên cạn kiệt. + Nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội … => Những hậu quả nói trên đang đặt ra trước lương tri loài ngưòi nhiều vấn đề cấp bách đòi hỏi cần nghiên cứu giải quyết. Qua đó đặt vấn đề khai thác hợp lí, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, hướng tới mục đích hòa bình, nhân đạo trong sử dụng thành tựu khoa học – kĩ thuật. * Cơ hội và thách thức của Việt Nam trước sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ hiện nay: a- Cơ hội: + Mở ra cơ hội giao lưu học tập, tiếp thu trình độ khoa học – kĩ thuật, công nghệ và văn hóa … để phát triển đất nước ta. + Tạo điều kiện cho nền kinh tế Việt Nam được phát triển, hòa nhập vào cộng đồng khu vực, vào thị trường các nước trên thế giới. + Khơi dậy tiềm năng, sự sáng tạo trong lao động, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho mọi người. b- Thách thức: + Trình độ tiếp cận những thành tựu của khoa học – công nghệ thế giới của nước ta còn có hạn chế nhất định. + Việt Nam phải chịu sự cạnh tranh quyết liệt, nhất là về kinh tế. + Trong quá trình hội nhập quốc tế nếu không đứng vững thì dễ bị tụt hậu về kinh tế và bị “hòa tan” về chính trị, văn hóa, xã hội … + Những tác động tiêu cực của cuộc cách mạng KHKT như nạn ô nhiễm môi trường (khói bụi, chất thải nhà máy …), tai nạn lao động, tai nạn giao thông, nhiều bệnh tật hiểm nghèo, nhiều tệ nạn xã hội ... cũng đặt ra cho nước ta những khó khăn thách thức đòi hỏi cần nghiên cứu giải quyết một cách thấu đáo.
* Một số câu hỏi và gợi ý trả lời: 1- Cuộc cách mạng khoa học – kĩ thuật lần thứ hai có đặc điểm như thế nào? => Gợi ý trả lời: - Cách mạng khoa học và cách mạng kĩ thuật kết hợp chặt chẽ thành một cuộc cách mạng khoa học – kĩ thuật. - Nhịp độ nhanh chóng, quy mô lớn, thành tựu kì diệu chưa từng có. 2- Thế hệ trẻ phải làm gì để đưa trình độ khoa học – kĩ thuật của Việt Nam vươn lên đuổi kịp trình độ quốc tế? => Gợi ý trả lời: - Thế hệ trẻ phải ra sức học tập, nâng cao trình độ hiểu biết để có thể dễ dàng tiếp thu những thành tựu khoa học – kĩ thuật của thế giới. Trong quá trình tiếp thu những thành tựu khoa học – kĩ thuật của các nước thì phải có chọn lọc cho phù hợp với sự phát triển của nước ta. - Thường xuyên rèn luyện chuyên môn nghiệp vụ tay nghề để sử dụng có hiệu quả những thành tựu khoa học – kĩ thuật. - Bên cạnh đó, thế hệ trẻ phải không ngừng sáng tạo, tìm tòi, phát minh sáng kiến ứng dụng vào phục vụ học tập, lao động sản xuất để đạt hiệu quả cao nhất.