SỰ KHÁC NHAU VỀ BỐI CẢNH QUỐC TẾ TRONG HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP VÀ ĐẾ QUỐC MỸ[b][justify]
Lịch sử Việt Nam từ sau năm 1945 trải qua cuộc chiến tranh cách mạng 30 năm (1945 - 1975) chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Cuộc chiến tranh cách mạng chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đều là những cuộc chiến đầy gian nan nhưng vô cùng hào hùng, bất khuất và vĩ đại. Hai kẻ thù mà dân tộc ta phải đương đầu đều là những thế lực phản động quốc tế lớn mạnh vào bậc nhất về mặt vật chất kỹ thuật và kinh tế, về bản chất âm mưu và ảnh hưởng quốc tế. Mặc dù vậy, ở mỗi cuộc kháng chiến, với mỗi kẻ thủ, bối cảnh quốc tế lại có sự khác biệt. Nói đúng hơn, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ bối cảnh quốc tế có sự khác nhau. Một điều dễ nhận thấy là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, bối cảnh quốc tế phức tạp hơn rất nhiều, như bất đồng trong phe xã hội chủ nghĩa, trong phong trào công nhân và cộng sản quốc tế.
Sau chiến tranh thế giới thứ hai (1939 - 1945), thực dân Pháp đã quay trở lại xâm lược Việt Nam (9 - 1945). Nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã kiên quyết kháng chiến chống Pháp xâm lược. Cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta diễn ra trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động sau chiến tranh thế giới thứ hai.
Khi chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc, Hội nghị Yalta được tổ chức (2 - 1945), các cường quốc đóng vai trò chủ yếu trong việc tiêu diệt phát xít là Mỹ, Liên Xô, Anh đã thỏa thuận và đưa ra những quyết định quan trọng, tạo thành những khuôn khổ thiết lập trật tự mới sau chiến tranh. Trật tự này từng bước được thiết lập trong những năm 1945 – 1947 và được gọi là Trật tự hai cực Yalta.
Những quyết định của Hội nghị Yalta và việc thiết lập trật tự thế giới mới sau chiến tranh đã ảnh hưởng trực tiếp tới “vận mệnh” của dân tộc Việt Nam. Trong quá trình phân chia khu vực ảnh hưởng ở châu Á, Hội nghị Yalta đã quyết định “Các vùng còn lại của châu Á (Đông Nam Á, Tây Á, Nam Á…) vẫn thuộc phạm vi ảnh hưởng truyền thống của các nước phương Tây” [7; 224]. Chính quyết định này là một trong những cơ sở đề thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam.
Đồng thời, sau chiến tranh thế giới thứ hai, bối cảnh quốc tế cũng có nhiều biến động, có tác động lớn tới Việt Nam. Đó là sự thay đổi về tương quan lực lượng trên thế giới. Đó là sự cân bằng lực lượng giữa hai cường quốc đứng đầu phe Đồng Minh là Liên Xô và Mỹ. Điều này gắn liền với sự nổi lên của hai cực Liên Xô và Mỹ trong trật tự thế giới mới.
Vai trò của Liên Xô sau chiến tranh thế giới thứ hai có sự thay đổi về chất so với trước chiến tranh thế giới thứ hai. Liên Xô hoàn toàn chủ động trong quan hệ quốc tế. Vị thế của Liên Xô sau chiến tranh thế giới thứ hai tương đương với Mỹ, tiềm lực quân sự của Liên Xô đứng đầu châu Âu. Năm 1949, Liên Xô chế tạo thành công bom nguyên tử, phá vỡ thế độc quyền của Mỹ về bom nguyên tử.
Bên cạnh đó, sau chiến tranh thế giới thứ hai, một loạt nước ở Trung, Đông Âu được giải phóng, lập nên chế độ dân chủ nhân dân và từng bước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội từ một nước là Liên Xô đã trở thành một hệ thống thế giới gồm nhiều nước và là chỗ dựa vững chắc cho phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, trong đó có cuộc chiến tranh cách mạng Việt Nam.
Năm 1949, cách mạng Trung Quốc thắng lợi, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời, tạo điều kiện cho hệ thống xã hội chủ nghĩa mở rộng từ Âu sang Á, tạo chỗ dựa vững chắc cho phong trào đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Đồng thời tạo điều kiện trực tiếp cho sự tiếp xúc của cách mạng nước ta với phe xã hội chủ nghĩa trong quá trình phát triển của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Cùng với sự ra đời của hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhiều nước Châu Á, châu Phi cũng ngày một dâng cao. Nhân dân các nước Lào, Mianma, Campuchia, Maliaxia… đứng lên chống thực dân Anh, Pháp, Mĩ, Hà Lan… giành độc lập và ngày càng lớn mạnh.
Cùng với đó, ở châu Âu, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản ở một số nước như Pháp, Ý,… giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ, ủng hộ phong trào đấu tranh của nhân dân các nước thuộc địa. Những phong trào đấu tranh này ngày càng mạnh mẽ và có những ảnh hưởng tích cực tới cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam.
Bên cạnh đó, từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, các Đảng cộng sản trên thế giới đều phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng và chiều sâu, trưởng thành qua nhiều thử thách. Cùng với sự ra đời của Quốc tế xã hội chủ nghĩa (1950), “phong trào cộng sản quốc tế đã chuyển từ một tổ chức quốc tế tập chung thống nhất cao, có kỷ luật nghiêm ngặt trước đây sang một phong trào chính trị quốc tế của các Đảng Cộng sản tương đối độc lập, tự chủ, quan hệ với nhau bằng tình đoàn kết giai cấp có tính quốc tế với những nguyên tắc tư tưởng và chiến lược chung” [7; 483]. Mặu dù, trong giai đoạn này, phong trào công nhân và cộng sản quốc tế đã có những bất đồng. Sự bất đồng này diễn ra từ cuối những năm 40, bắt đầu từ Đảng Cộng sản Liên Xô và Nam Tư, để rồi Đảng Cộng sản Nam Tư bị khai trừ ra khỏi Cục thông tin quốc tế [ ] vào tháng 2 – 1948. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, sự thống nhất và lớn mạnh là xu hướng phát triển chính của phong trào công nhân và cộng sản quốc tế. Biểu hiện rõ nét của sự thống nhất này là sự hợp tác giữa Liên Xô và Trung Quốc. Năm 1950, Hiệp ước hợp tác và hữu nghị Xô – Trung được ký kết. Sự hợp tác hữu nghị giữa Liên Xô và Trung Quốc thời gian này tạo điều kiện to lớn cho cách mạng Việt Nam.
Nhìn một cách tổng thể, sự thống nhất trong hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa và phong trào công nhân và cộng sản quốc tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam. Đây là cơ sở quan trọng cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam nhận được sự đồng tình, viện trợ một cách thống nhất của các nước xã hội chủ nghĩa.
Như thế, sự lớn mạnh của hệ thống xã hội chủ nghĩa, những thắng lợi bước đầu của phong trào giải phóng dân tộc, phong trào công nhân và cộng sản quốc tế là những tiền đề quan trọng cho cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đến năm 1950, cùng với sự lớn mạnh của lực lượng kháng chiến, uy tín của Nhà nước ta được nâng lên, tình hình quốc tế có những chuyển biến theo chiều hướng thuận lợi cho ta. Trong bối cảnh ấy, Đảng và Chính phủ chủ trương đẩy mạnh hoạt động ngoại giao, tranh thủ sự ủng hộ của các lực lượng hòa bình, dân chủ thế giới cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Ngày 14 – 1 – 1950, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với các nước trên thế giới. Ngày 18 – 1 – 1950, Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và ngày 30 – 1 – 1950 Chính phủ Liên Xô đã công nhận Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong vòng một tháng sau, hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa cũng lần lượt công nhận Chính phủ ta.
Việc các nước xã hội chủ nghĩa công nhận Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một thắng lợi lớn, ảnh hưởng lớn tới cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Từ đây, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta nhận được sự ủng hộ, viện trợ to lớn của các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là Liên Xô và Trung Quốc.
Bên cạnh sự ra đời và lớn mạnh của hệ thống xã hội chủ nghĩa sau chiến tranh thế giới thứ hai, hệ thống tư bản chủ nghĩa cũng có những biến động. Sau thế chiến thứ hai, châu Âu đổ nát, hoang tàn và không còn là trung tâm của thế giới. Trong khi đó, Mỹ là Trung tâm, là đầu tàu của chủ nghĩa tư bản. Mỹ nổi lên với vị thế tuyệt đối, đứng đầu nền kinh tế thế giới với ưu thế tuyệt đối. Mỹ có ưu thế quân sư tuyệt đối, hải quân và không quân đứng đầu thế giới. Trong thời gian đầu sau chiến tranh, Mỹ nắm độc quyền bom nguyên tử. Về kinh tế, tài chính, Mỹ có khối lượng dự trữ vàng lớn nhất thế giới, chiếm gần 3/4 lượng vàng của thế giới tư bản. Sản lượng công nghiệp của Mỹ chiếm 56,4% tổng sản lượng công nghiệp của thế giới tư bản, tổng sản phẩm xã hội của Mỹ chiếm 52% tổng sản phẩm xã hội của thế giới [7; 286]. Với sức mạnh kinh tế và tiềm lực hùng hậu về khoa học kỹ thuật, đế quốc Mĩ nuôi âm mưu bá chủ thế giới.
Thực hiện mưu đồ trên, Mỹ đưa ra kế hoạch Marshall để khống chế các nước đồng minh, triển khai Chiến lược toàn cầu nhằm ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản và phong trào giải phóng dân tộc. Cùng với việc chạy đua vũ trang, cuộc Chiến tranh lạnh mà Mĩ phát động (năm 1947) nhằm chống Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ngày càng quyết liệt.
Các nước tư bản chủ nghĩa, mà đứng đầu là Mỹ đã thống nhất trong việc tiến hành cuộc Chiến tranh lạnh nhằm chống lại Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, chống lại phong trào công nhân và cộng sản quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc, vì hòa bình độc lập dân tộc.
Biểu hiện của sự thống nhất này ở Việt Nam là việc năm 1945, thực dân Anh đã tạo điều kiện cho Pháp trở lại xâm lược Việt Nam. Đặc biệt, từ sau năm 1950, lợi dụng sự sa lầy của Pháp trong chiến tranh Việt Nam, đế quốc Mĩ dần dần tìm cách can thiệp sâu hơn vào Việt Nam, nhằm ngăn chặn phong trào cộng sản lan tràn xuống Đông Nam Á. Tháng 7 – 1950, Mỹ đặt phái đoàn cố vấn quân sự MAAG, từng bước điều khiển chiến tranh ở Đông Dương. Tiếp đó, tháng 12 - 1950, Mỹ kí với Pháp Hiệp định phòng thủ chung Đông Dương. Tháng 9 - 1951, Mỹ kí với Chính quyền Bảo Đại Hiệp ước hợp tác kinh tế Việt – Mỹ, nhằm trực tiếp ràng buộc Chính phủ Bảo Đại vào Mỹ. Dựa vào các bản hiệp định trên, Mỹ tăng cường viện trợ cho Pháp trong chiến tranh Việt Nam. Năm 1950, Mỹ viện trợ 52 tỉ Phơrăng (19% ngân sách); năm 1952: 200 tỉ Phơrăng (35% ngân sách); năm 1954 là 555 tỉ Phơrăng (73% ngân sách) [4; 124].
Như thế, trong bối cảnh thế giới diễn ra cuộc chiến tranh lạnh, sự đối đầu giữa hai phe: phe tư bản chủ nghĩa (do Mỹ đứng đầu) và xã hội chủ nghĩa (do Liên Xô đóng vai trò chủ chốt), cuộc chiến tranh ở Việt Nam vừa là biểu hiện, vừa chịu sự chi phối, tác động của cuộc chiến tranh này. Trong cuộc chiến tranh này, Pháp được sự hậu thuẫn, viện trợ của Mỹ, Việt Nam nhận được sự ủng hộ, viện trợ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa. Trong cuộc chiến này, trong nội bộ phe tư bản chủ nghĩa và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa có thống nhất cao, không có những mâu thuẫn, bất đồng, chia rẽ lớn trong nội bộ. Chính vì thế, sự ủng hộ, viện trợ của Mỹ và các nước tư bản chủ yếu cho Pháp và sự ủng hộ của Liên Xô, cùng các nước xã hội chủ nghĩa cho Việt Nam là thống nhất.
Như vậy, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bối cảnh quốc tế có nhiều biến động, có tác động lớn tới cuộc chiến tranh cách mạng Việt Nam. Đó là sự lớn mạnh của ba dòng thác cách mạng cùng tấn công vào chủ nghĩa đế quốc từ nhiều phía, với những mức độ khác nhau. Mặt khác, đế quốc Mỹ cũng ra sức vươn lên cầm đầu phe tư bản chủ nghĩa nhằm chống lại các nước xã hội chủ nghĩa, chống lại phong trào giải phóng dân tộc, đàn áp cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư bản. Do đó, mâu thuẫn giữa một bên là hệ thống xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu cùng với các lực lượng dân chủ hòa bình và tiến bộ với một bên là phe đế quốc do Mỹ cầm đầu ngày càng quyết liệt. Tất cả tình hình trên tác động trực tiếp tới cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bảo vệ độc lập của nhân dân Việt Nam.
Tuy nhiên, so với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của nhân dân ta diễn ra trong bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi phức tạp hơn. Đặc biệt là những bất đồng trong phe xã hội chủ nghĩa, trong phong trào công nhân và cộng sản quốc tế.
Vào cuối những năm 50 và những năm 60 của thế kỷ XX, đã diễn ra những bất đồng, mâu thuẫn về đường lối, chiến lược, sách lược trong nội bộ phong trào công nhân và cộng sản, trong nội bộ phe xã hội chủ nghĩa. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là sự xuất hiện chủ nghĩa cơ hội hữu huynh, chủ nghĩa xét lại trong ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô (lúc đó do N. Khơrutxốp đứng đầu) và chủ nghĩa cơ hội tả khuynh ở một số đảng khác. Đặc biệt là, mâu thuẫn giữa Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc – hai đảng cẩm quyền ở hai nước xã hội chủ nghĩa lớn nhất, dần trở thành mâu thuẫn giữa hai nước với nhau. Bên cạnh đó, chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa xét lại tác động tiêu cực đến sự thống nhất, đoàn kết của phong trào cộng sản quốc tế, làm cho hàng ngũ các Đảng Cộng sản bị chia rẽ, phân liệt. Sự bất đồng trong phe xã hội chủ nghĩa, mà tiêu biểu là mâu thuẫn, bất đồng giữa Trung Quốc và Liên Xô ngày càng trở nên gay gắt đã ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta. Đây là điểm khác biệt cơ bản trong bối cảnh quốc tế của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ so với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Bên cạnh đó, sự lạc hậu về lí luận và đường lối chiến lược, sách lược thiếu căn cứ khoa học xác đáng đã dẫn đến việc sự nghiệp cách mạng của nhiều Đảng Cộng sản trong giai đoạn này bị tổn thất lớn hoặc gặp nhiều khó khăn. Đó là khủng hoảng trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Hunggari (1956), ở Ba Lan (1956, 1970 - 1971), ở Tiệp Khắc (1968), ở Trung Quốc trong thời kỳ “đại nhảy vọt’’ và “cách mạng văn hóa vô sản’’ (1959 - 1976), thất bại của đường lối xây dựng chủ nghĩa cộng sản đầu những năm 60 của Khơrutxốp,... Đó là thất bại nặng nề của phong trào cộng sản ở nhiều nước Đông Nam Á giữa năm 60, trong đó Đảng Cộng sản Indonesia với hơn 3 triệu đảng viên, có cơ sở quần chúng rộng rãi. Một số Đảng Cộng sản không còn đóng vai trò trong cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc như ở Angiêri... Tình hình trên đã có những ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của dân tộc Việt Nam.
Mặt khác, sự bất đồng trong phong trào công nhân và cộng sản quốc tế thể hiện ở việc trào lưu xã hội dân chủ ngày càng lớn mạnh, đặc biệt là ở các nước tư bản phát triển, làm phân hóa sâu sắc nội bộ phong trào công nhân quốc tế. Qua đó làm suy giảm sức mạnh đấu tranh cũng như đóng góp của phong trào này đối với phong trào cách mạng nói chung, trong đó có cuộc chiến tranh cách mạng Việt Nam.
Bên cạnh đó, ba dòng thác cách mạng không ngừng lớn mạnh, tiếp tục tấn công mạnh mẽ vào chủ nghĩa đế quốc mà đứng đầu là đế quốc Mỹ. Trong đó, ở giai đoạn này, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trở thành mũi nhọn hàng đầu để tấn công chủ nghĩa đế quốc. Hệ thống thuộc địa của các nước thực dân kiểu cũ dần sụp đổ. Trong khi, đến thời điểm này các nước đế quốc đã nhận thấy phong trào công nhân có khả năng làm suy yếu và kiểm soát được nếu sử dụng một loạt các biện pháp nhằm ổn định xã hội như lợi dụng thành tựu của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, nâng cao đời sống của nhân dân, tăng cường phúc lợi xã hội… Qua cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953), cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba (năm 1962), đã cho thấy Mỹ và phe tư bản chưa thể tiêu diệt được Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa cũng chưa áp đảo chủ nghĩa đế quốc. Điều này phản ánh sự cân bằng quyền lực và sức mạnh của cả hai phe xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa. Do đó, phe đế quốc mà đứng đầu là Mỹ dồn sức vào phong trào giải phóng dân tộc, ngăn chặn sự lan tràn của chủ nghĩa cộng sản mà Việt Nam chính là một tiền đồn của chủ nghĩa xã hội ở khu vực Đông Nam Á.
Trong bối cảnh cuộc chiến tranh lạnh đang diễn ra căng thăng và chi phối lớn tới quan hệ quốc tế. Cùng với những biến động trong nội bộ các nước xã hội chủ nghĩa, trong phong trào công nhân và cộng sản quốc tế, ở giai đoạn này, nội bộ phe tư bản chủ nghĩa cũng có những thay đổi lớn so với trước. Đó là sự vươn lên mạnh mẽ của Tây Âu, Nhật Bản cuối những năm 60 – đầu những năm 70 của thế kỷ XX, trở thành đối trọng với Mỹ về kinh tế. Sự cạnh tranh, bất đồng trong nội bộ phe tư bản chủ nghĩa đã diễn ra. Các nước tư bản không còn thống nhất như trước trong hành động chống lại chủ nghĩa cộng sản, phong trào công nhân, phong trào giải phóng dân tộc, vì độc lập và tiến bộ xã hội. Biểu hiện là việc Chính phủ Pháp rút khỏi bộ chỉ huy NATO và yêu cầu triệt thoái tất cả các căn cứ quân sự Mỹ và quân đội Mỹ ra khỏi đất Pháp, đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh Việt Nam, củng cố quan hệ hữu nghị với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác.
Đối với Mỹ, trong giai đoạn này, Mỹ không còn chiếm ưu thế tuyệt đối trong thế giới tư bản. Lực lượng so sánh giữa cách mạng và phản cách mạng trên thế giới đã căn bản khác trước. Vì thế, Mỹ đã có những thay đổi trong đối sách với các nước xã hội chủ nghĩa. Mỹ “sẵn sàng thương lượng’’ nếu có lợi và thực hiện âm mưu chia rẽ, khiêu khích các nước xã hội chủ nghĩa, các lực lượng cách mạng trên thế giới.
Những biến động trong nội bộ phe tư bản chủ nghĩa và hệ thống xã hội chủ nghĩa là một trong những yếu tố quan trọng đưa đến sự xuất hiện một xu thế mới trong quan hệ quốc tế từ cuối thập niên 60 của thế kỷ XX. Đó là xu thế đối thoại, hòa hoãn giữa hai phe.
Thực chất, xu hướng hòa dịu với phương Tây của Liên Xô đã có trong thời gian đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta. Đây cũng là một trong những yếu tố gây ra những trở ngại cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam. Trong thời gian đầu của cuộc chiến, lập trường của Liên Xô đó là tránh dính líu hoặt có một cuộc đối đầu trực tiếp với Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Về sau, chỉ khi Mỹ có những hành động leo thang trong chiến tranh Việt Nam, cũng như do lo sợ ảnh hưởng ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc đối với Việt Nam, Liên Xô mới thực sự ra mặt trong cuộc chiến tranh Việt Nam chống lại đế quốc Mỹ. Mặc dù vậy, trước những biến động nhanh chóng của tình hình thế giới, Mỹ và Liên Xô đã bắt đầu có những hành động chuyền dần từ thế đối đầu sang đối thoại, hòa hoãn. Biểu hiện rõ nét của xu thế này là việc Mỹ thương lượng với Liên Xô về vấn đề Đức. Trên cơ sở những nguyên tắc được thỏa thuận giữa Liên Xô và Mỹ, tháng 11 – 1972, giữa Cộng hòa dân chủ Đức và Cộng hòa liên bang Đức đã ký kết Hiệp định về những cơ sở của quan hệ giữa Đông Đức và Tây Đức, thiếp lập quan hệ láng giềng thân thiện trên cơ sở bình đẳng. Tiếp đó, Liên Xô và Mỹ đã ký kết các hiệp định hạn chế vũ khí tấn công chiến lược ABM, SALT – 1 (1972). Kết quả này góp phần làm hòa hoãn tình hình thế giới, củng cố nền hòa bình, an ninh của tất cả các dân tộc. Sự hòa hoãn của Liên Xô với Mỹ đã có những ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc chiến tranh chống Mỹ của nhân dân Việt Nam.
Trong xu thế đối thoại, hòa hoãn giữa hai phe, Trung Quốc cũng bắt tay với Mỹ. Tháng 2 - 1972, Tổng thống Mỹ R. Níchxơn sang thăm Trung Quốc, mở đầu quan hệ mới theo chiều hướng hòa dịu giữa hai nước. Mỹ và Trung Quốc ra thông cáo Thượng Hải năm 1972, theo đó Trung Quốc đã “bật đèn xanh’’ cho Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại Miền Bắc, gây ra rất nhiều khó khăn và tổn thất cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta.
*
* *
Như vậy, có thể thấy bối cảnh quốc tế trong cuộc kháng chiến chống Mỹ phức tạp hơn rất nhiều so với bối cảnh cuộc kháng chiến chống Pháp. Cùng với sự phức tạp của quan hệ quốc tế trong bối cảnh cuộc chiến tranh lạnh là những biến động trong nội bộ phe xã hội chủ nghĩa, phe tư bản chủ nghĩa và trong quan hệ giữa hai phe. Trong đó, điểm khác biệt chủ yếu là những mẫu thuẫn, bất đồng nảy sinh trong nội bộ phe xã hội chủ nghĩa, trong phong trào công nhân và cộng sản quốc tế. Đồng thời, cũng phải kể đến những biến động trong nội bộ phe tư bản chủ nghĩa, là sự vươn lên mạnh mẽ của Tây Âu, Nhật Bản, cạnh tranh với Mỹ, khiến cho Mỹ phải có những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại. Mặt khác, trong quan hệ giữa hai phe tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa cũng có những thay đổi, xu thế đối thoại, hòa hoãn xuất hiện. Điều này có ảnh hưởng lớn tới cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta. Trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, vừa có những thuận lợi, vừa có những khó khăn, thử thách cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Vấn đề đặt ra cho Đảng và nhân dân ta là kịp thời nắm bắt những chuyển biến của tình hình thế giới, tranh thủ những điều kiện thuận lợi, đề ra chủ trương, đường lối đúng đắn, phù hợp cho cuộc kháng chiến. Đồng thời, Đảng và nhân dân ta nâng cao quyết tâm chiếu đấu giải phóng Miền Nam, thống nhất nước nhà, bảo vệ độc lập tự do và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Michel Beaud, Lịch sử chủ nghĩa tư bản từ 1500 – 2000, Huyền Giang dịch, Nxb Thế giới, Hà Nội 2002.
[2] Hoàng Chí Bảo, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Lam Sơn, Chủ nghĩa xã hội dân chủ: huyền thoại và bi kịch, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1994.
[3] Trần Bá Đệ (cb), Lê Cung, Giáo trình lịch sử Việt Nam, tập VII, từ 1954 đến 1975, Nxb Đại học sư phạm, Hà Nội, 2008.
[4] Trần Bá Đệ (cb), Nguyễn Xuân Minh, Giáo trình Lịch sử Việt Nam, tập VI, từ 1945 đến 1954, Nxb Đại học sư phạm, Hà Nội, 2008.
[5] Andre Fontain, Lịch sử chiến tranh lạnh, Lê Thanh Hoàng Dân dịch, Nxb Trẻ, Sài Gòn, 1972.
[6] Nguyễn Văn Minh (cb), Đỗ Xuân Huy, Trần Tiến Hoạt, Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954 – 1975, tập 4: Cuộc đụng đầu lịch sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1999.
[7] Nguyễn Anh Thái (cb), Lịch sử thế giới hiện đại, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2009.
[8] Lê Văn Sáu, Nguyễn Xuân Kỳ, Phan Ngọc Liên , Lich sử yếu lược phong trào công nhân và cộng sản quốc tế thời kỳ hiện đại 1917 – 1967, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1969.
[9] Trần Thị Vinh, Chủ nghĩa tư bản thế kỷ XX và thập niên đầu thế kỷ XXI – Một cách tiếp cận lịch sử, Nxb Đại học sư phạm Hà Nội, Hà Nội, 2011.
[10].http://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_tranh_Vi%E1%BB%87t_Nam