Kinh tế, khoa học - kỹ thuật
Sau chiến tranh, là nước chiến bại, Nhật Bản bị mất hết thuộc địa và bản thân nước Nhật bị quân đội Mĩ chiếm đóng theo chế độ quân quản. Kinh tế Nhật bị chiến tranh tàn phá nặng nề: 34% máy móc, 25% công trình, 80% tàu biển… bị hưu hại, sản xuất công nghiệp năm 1946 chỉ bằng ¼ so với mức trước chiến tranh.
Do thị trường bị thu hẹp, nguyên liệu và lương thực trong nước thiếu thốn cho nên những năm đầu sau chiến tranh, kinh tế Nhật Bản lâm vào tình trạng khó khăn nghiêm trọng. Nhật Bản phải dựa vào các “viện trợ” kinh tế của Mĩ dưới hình thức vay nợ để có thể phục hồi kinh tế ( trong những năm 1945 – 1950), nhận viện trợ và đầu tư của Mĩ và nước ngoài (khoảng gần 14 tỉ đôla).
Từ năm 1945 đến năm 1950, kinh tế Nhật Bản phát triển chậm chạp và phụ thuộc chặt chẽ vào kinh tế Mĩ. Nhưng từ sau cuộc chiến tranh Triều Tiên (tháng 6 – 1950), công nghiệp Nhật Bản phát triển mạnh mẽ hẳn lên nhờ những đơn đặt hàng quân sự của Mĩ. Bước sang những năm 60, khi Mĩ gây ra cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, nền kinh tế Nhật Bản lại có thêm cơ hội để đạt được bước phát triển “thần kì”, đuổi kịp rồi vượt các nước Tây Âu, vươn lên đứng hàng thứ hai (sau Mĩ) trong thế giới tư bản chủ nghĩa.
Về tổng sản phẩm quốc dân năm 1950, Nhật Bản chỉ mới đạt 20 tỉ đôla, bằng 1/3 của Anh (59 tỉ đôla), ½ của Pháp (39 tỉ đôla), 1/17 của Mĩ (349,5 tỉ đôla), nhưng đến năm 1968, đã vượt qua các nước Tây Âu - đứng hàng thứ hai sau Mĩ với 183 tỉ đôla (Mĩ là 830 tỉ đôla). Năm 1973, Nhật Bản đạt 402 tỉ đôla, như thế trong khoảng hơn 20 năm (1950 – 1973), tổng sản phẩm quốc dân tăng 20 lần và đến năm 1989 đạt tới 2828,3 tỉ đôla. Đến năm 1990, thu nhập bình quân theo đầu người của Nhật Bản lên tới 23796 đôla, đứng thứ hai trên thế giới sau Thuỵ Sĩ (29850 đôla).
Trong công nghiệp, lĩnh vực sản xuất vật chất then chốt, Nhật Bản đã đạt được những bước phát triển mạnh nhất và nhanh nhất. Năm 1950, giá trị sản lượng công nghiệp của Nhật Bản mới chỉ đạt 4,1 tỉ đôla, bằng 1/28 của Mĩ (113,9 tỉ đôla), nhưng đến năm 1969 đã vươn lên tới 56,4 tỉ đôla, vượt tất cả các nước Tây Âu và chỉ thua Mĩ với tỉ lệ ¼. Hiện nay, Nhật Bản đứng đầu thế giới về sản lượng tàu biển (trên 50%), ôtô (năm 1985 sản xuất 12,3 triệu chiếc, trong đó 2/3 là ôtô con), thep, xe máy, máy điện tử (máy thu thanh, thu hình, ghi âm, ghi hình), máy khâu, máy ảnh, đồng hồ.
Về nông nghiệp, Nhật Bản phát triển theo hướng thâm canh với trình độ cơ giới hoá, hoá học hoá, thuỷ lợi hoá và điện khí hoá rất cao. Những năm 1967 – 1969, sản lượng lương thực đủ cung cấp hơn 80% nhu cầu trong nước, ngành chăn nuôi tự giải quyết được 2/3 nhu cầu thịt sữa, còn ngành đánh cá rất phát triển, chỉ đứng sau Pêru với sản lượng cá tính theo đầu người hàng năm là 86 kilôgam.
Từ những năm 70 trở đi, Nhật Bản trở thành một trong ba trung tâm kinh tế, tài chính của thế giới (Mĩ, Tây Âu, Nhật Bản), dự trữ vàng và ngoại tệ của Nhật Bản đã vượt qua Mĩ. Hàng hoá Nhật Bản len lỏi, cạnh tranh khắp các thị trường thế giới (ôtô, máy móc điện tử, máy ghi hình, thu hình v.v…), ngay cả ở Mĩ và các nước Tây Âu.
Từ một nước chiến bại, mất hết thuộc địa, đất nước bị chiến tranh tàn phá, dân số đông mà lương thực, thực phẩm lại rất thiếu thốn, nhưng chỉ sau vài ba thập niên, Nhật Bản đã vươn lên thành một siêu cường kinh tế, nhiều người gọi đó là “thần kì Nhật Bản”.
Kinh tế Nhật Bản có bước phát triển “nhẩy vọt” như thế, vì: 1 – Nhật Bản lợi dụng vốn của nước ngoài để tập trung đầu tư vào những ngành công nghiệp then chốt nhất như cơ khí, luyện kim, hoá chất, điện tử v.v… Ngoài ra, Nhật Bản ít phải chi tiêu về quân sự (do Mĩ gánh vác) và biên chế Nhà nước gọn nhẹ nên có điều kiện tập trung vốn đầu tư vào kinh tế; 2 – Nhật Bản biết lợi dụng những thành tựu khoa học – kỹ thuật để tăng năng suất, cải tiến kỹ thuật và hạ giá thành hàng hoá; 3 - Biết “len lách”, xâm nhập vào thị trường các nước khác, qua đó không ngừng mở rộng thị trường trên toàn thế giới; 4 - Những cải cách dân chủ sau chiến tranh (cải cách ruộng đất, xoá bỏ những tàn tích phong kiến…) đã có tác dụng thúc đẩy kinh tế phát triển; 5 - Truyền thống “tự lực, tự cường” vươn lên xây dựng đất nước giàu mạnh trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn của nhân dân Nhật Bản kể từ Minh Trị duy tân.
Nhưng kinh tế Nhật Bản cũng bộc lộ những mặt hạn chế và nhược điểm: 1- Sự không cân đối trong nền kinh tế (giữa công nghiệp và nông nghiệp; tập trung vốn, công nhân và dân số vào ba trung tâm công nghiệp Tôkiô, Ôxaka, Nagôia với số dân trên 60 triệu người, trong 1,25% diện tích đất đai cả nước, tạo nên một nước Nhật hiện đại và một nước Nhật cũ lạc hậu đối lập nhau); 2 - Những khó khăn về năng lượng, nguyên liệu và lương thực (hầu hết phải nhập từ nước ngoài); 3 - Sự cạnh tranh, chèn ép của Mĩ, Tây Âu và sự vươn lên của các nước Công nghiệp mới (NICs).
Giới lãnh đạo Nhật Bản hết sức coi trọng việc phát triển khoa học – kỹ thuật và cải cách nền giáo dục quốc dân. Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng hàng trăm viện nghiên cứu về các ngành khoa học – kỹ thuật, chủ yếu tập trung đi sâu vào các ngành công nghiệp dân dụng và phục vụ cho mục tiêu dân dụng (khác một số nước chuyên đi sâu vào công nghiệp quân sự và chinh phục vũ trụ). Ngoài ra, Nhật Bản còn tìm mọi cách nhập những kỹ thuật hiện đại và phương pháp sản xuất tiên tiến của nước ngoài bằng cách mua những bằng phát minh (tính đến năm 1968, Nhật Bản đã mua những bằng phát minh của nước ngoài trị giá lên tới 6 tỉ đôla, nhưng nếu tự nghiên cứu sẽ phải chi tiêu tới 200 tỉ đôla, bằng 1/3 tổng số tích luỹ tư bản cố định trong thời gian này). Hiện nay, Nhật Bản được xếp vào một số quốc gia đứng đầu về trình độ phát triển khoa học – kỹ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp dân dụng. Nhật Bản đã đạt được những thành tựu kì diệu về khoa học – kỹ thuật: hoàn thành đường hầm ngầm dưới biển dài 53,8 km nối liền hai đảo Hônsu và Hôccaiđô; xây dựng chiếc cầu đường bộ dài 9,4 km nối liền đảo Xicôcư với Hônsu; xây dựng các trung tâm công nghiệp, các thành phố mới trên mặt biển (lấn biển); đóng những tàu chở dầu 1 triệu tấn…