Như chúng ta đã biết, nhà nước đầu tiên được hình thành trên lãnh thổ nước ta là nhà nước Văn Lang - Âu Lạc ra đời vào khoảng thế kỷ thứ VII (TCN). Đây là nhà nước phong kiến đầu tiên của nước ta. Nhưng tại sao đó lại là nhà nước phong kiến chứ không phải là nhà nước chiếm hữu nô lệ giống như tiến trình phát triển của loài người? Để giải thích cho sự ra đời trên chúng ta hãy đối chiếu, so sánh với lịch sử thế giới lúc bấy giờ. Khi nhà nước Văn Lang - Âu Lạc ra đời thì kiểu nhà nước chiếm hữu nô lệ đang bước vào thời kỳ suy tàn, trong khi đó chế độ nhà nước phong kiến đang phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc. Xét về vị trí địa lý thì có thể nói sự ra đời của nhà nước đầu tiên của Việt Nam lúc bấy giờ cũng chịu ảnh hưởng lớn của chế độ nhà nước Trung Quốc lúc bấy giờ. Nhưng nếu nhìn nhận theo một phương diện khác thì sự ra đời của nhà nước Văn Lang - Âu Lạc không phải xuất phát từ sự đấu tranh giai cấp mà xuất phát từ yêu cầu của cuộc đấu tranh chống xâm lược, chống lại thiên nhiên, phát triển nông nghiệp.
Tóm lại, sự ra đời của nhà nước phong kiến đầu tiên ở nước ta là sự kết hợp của các nhân tố: sự suy tàn của chế độ chiếm hữu nô lệ; sự phát triển mạnh mẽ của kiểu nhà nước phong kiến ở Trung Quốc; yêu cầu của cuộc đấu tranh chống xâm lược, chống lại thiên nhiên, phát triển nông nghiệp.