Quan hệ công ty Đông Ấn Hà Lan với Vương quốc Ayuthaya thế kỷ XVII
Thu Jul 14, 2011 7:29 am
Khoa Lịch sử, ĐHSP HN
ĐIỀU HÀNH VIÊN
doducdung.hnue
Họ & tên : Đỗ Đức Dũng
Vai trò trong CLB Sử học Trẻ : Ủy viên Ban điều hành Câu lạc bộ Sử học trẻ
Huy chương Cống hiến :
Ngày tham gia : 07/05/2011
Tổng số bài gửi : 111
Đến từ : THPT Chuyên Hùng Vương - Phú Thọ
Sở trường/ Sở thích : Khoa Lịch sử, ĐHSP HN
Điểm thành tích : 176
Được cám ơn : 36
Tiêu đề: Quan hệ công ty Đông Ấn Hà Lan với Vương quốc Ayuthaya thế kỷ XVII
Tôi xin giới thiệu với mọi người bài nghiên cứu về "Quan hệ giữa công ty Đông Ấn Hà Lan với vương quốc Ayuthaya thế kỷ XVII". Mọi người tham khảo và cho ý kiến.
MỤC LỤC MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề 3. Mục đích nghiên cứu của đề tài 4. Phương pháp nghiên cứu 5. Đóng góp của đề tài 6. Cấu trúc của đề tài NỘI DUNG Chương 1: NHỮNG TIỀN ĐỀ CỦA MỐI QUAN HỆ GIỮA CÔNG TY ĐÔNG ẤN HÀ LAN VỚI VƯƠNG QUỐC AYUTHAYA 1.1 Sự thành lập Công ty Đông Ấn Hà Lan và quá trình mở rộng buôn bán với phương Đông của công ty này trong thập niên đầu thế kỷ XVII 1.1.1 Sự thành lập Công ty Đông Ấn Hà Lan 1.1.1.1 Những cơ sở cho sự ra đời của Công ty Đông Ấn Hà Lan 1.1.1.2 Sự thành lập Công ty Đông Ấn Hà Lan 1.1.2 Quá trình mở rộng buôn bán với phương Đông của Công ty Đông Ấn Hà Lan trong thập niên đầu thế kỷ XVII 1.2 Vị trí của Vương quốc Ayuthaya trong quan hệ thương mại hướng Đông của Công ty Đông Ấn Hà Lan Chương 2: QUAN HỆ GIỮA CÔNG TY ĐÔNG ẤN HÀ LAN VỚI VƯƠNG QUỐC AYUTHAYA THẾ KỶ XVII VÀ TÁC ĐỘNG CỦA MỐI QUAN HỆ NÀY ĐỐI VỚI AYUTHAYA 2.1 Quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với Vương quốc Ayuthaya thế kỷ XVII 2.1.1 Thời kỳ xâm nhập hòa bình và thiết lập quan hệ thương mại bình đẳng giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với Vương quốc Ayuthaya (1608 - 1663) 2.1.1.1 Sự xâm nhập của Công ty Đông Ấn Hà Lan vào Ayuthaya và bước đầu phát triển mối quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với Ayuthaya 2.1.1.2 Sự cạnh tranh giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với các thế lực phương Tây khác nhằm độc chiếm thị trường Ayuthaya 2.1.1.3 Sự bành trướng thế lực của Công ty Đông Ấn Hà Lan ở Ayuthaya 2.1.2 Thời kỳ Công ty Đông Ấn Hà Lan đẩy mạnh các hoạt động quân sự nhằm độc chiếm thị trường Ayuthaya (1663 - 1688) 2.1.2.1 Những yếu tố tác động đến mối quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với vương quốc Ayuthaya 2.1.2.2 Sự căng thẳng trong quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với vương quốc Ayuthaya và sự đóng cửa các thương điếm của Công ty Đông Ấn Hà Lan 2.2 Tác động của mối quan hệ Công ty Đông Ấn Hà Lan – Ayuthaya đối với Ayuthaya 2.2.1. Những tác động đối với kinh tế, xã hội và văn hóa Ayuthaya trong thế kỷ XVII 2.2.2. Những tác động đối với chính sách đối ngoại của nhà nước Ayuthaya trong thế kỷ XVII KẾT LUẬN TÀI LIỆU THAM KHẢO
[center]MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài Bước vào thế kỷ XVII, các Công ty Đông Ấn được thành lập ồ ạt ở các nước châu Âu đã thúc đẩy sự hình thành của thị trường thương mại Âu – Á. Khi toàn bộ các Công ty Đông Ấn tham gia vào lộ trình thương mại giữa hai châu lục này đã làm bùng nổ “Cuộc cách mạng thương mại Châu Á” (The Asia trade revolution). Giao lưu thương mại giữa các nước phương Tây với các nước phương Đông đã phát triển nhanh chóng. Trong đó, phải kể đến quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với Vương quốc Ayuthaya trong thế kỷ XVII. Vương triều Ayuthaya (1350 – 1767) đã xây dựng được một nhà nước phong kiến trung ương tập quyền vững mạnh, phát triển kinh tế, văn hóa, đưa Ayuthaya trở thành một quốc gia phong kiến hùng mạnh ở khu vực Đông Nam Á. Trên cơ sở đó, chính quyền Ayuthaya đã thực hiện một đường lối đối ngoại rất linh hoạt và khôn khéo. Trong mối quan hệ với các nước Phương Tây, Ayuthaya đã thực hiện chính sách ngoại giao thân thiện, đặt quan hệ với cường quốc này để giữ thế đối phó với cường quốc kia; đồng thời còn tranh thủ các mối quan hệ để phát triển kinh tế đất nước. Quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với Vương quốc Ayuthaya thời kỳ cận đại diễn ra dưới nhiều góc độ. Tuy nhiên, mối quan hệ này lại ít được đề cập và trình bày hệ thống. Cho nên, nghiên cứu quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với Vương quốc Ayuthaya trong thế kỷ XVII nhằm góp phần khôi phục bức tranh toàn cảnh về mối quan hệ này là cần thiết. Đồng thời, một phần làm sáng tỏ hơn tình hình kinh tế, chính sách đối ngoại của Vương quốc Ayuthaya trong giai đoạn nói trên. Xuất phát từ những lý do trên, tác giả chọn đề tài “Quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với vương quốc Ayuthaya thế kỷ XVII”. 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề Vấn đề quan hệ giữa vương quốc Ayuthaya với các nước phương Tây trong lịch sử là một đề tài hấp dẫn đã thu hút nhiều nhà nghiên cứu, nhiều học giả Thái Lan, Việt Nam và các nhà nghiên cứu thế giới. Các công trình nghiên cứu về lịch sử, quan hệ giữa vương quốc Ayuthaya với các nước phương Tây, đặc biệt là với các Công ty Đông Ấn được công bố ngày càng nhiều. Trong đó, quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với vương quốc Ayuthaya thế kỷ XVII là một vấn đề có ý nghĩa khoa học. Vì vậy, vấn đề này lôi cuốn được các học giả quan tâm, đề cập dưới nhiều góc độ khác nhau. Cuốn “Lịch sử Đông Nam Á” của D.G.E.Hall, xuất bản ở Luân Đôn năm 1956 là một công trình nghiên cứu tổng hợp về lịch sử Đông Nam Á. Trong đó, tác giả trình bày toàn bộ lịch sử Đông Nam Á với tư cách là một khu vực địa lý - lịch sử - văn hóa qua từng thời kỳ phát triển. Ở chương XX tác giả có đề cập đến quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với Vương quốc Ayuthaya. Tuy nhiên, do bố cục của cuốn sách và mục đích nghiên cứu nên mối quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với Vương quốc Ayuthaya trong thế kỷ XVII chưa được tác giả trình bày thành một vấn đề riêng có hệ thống. Trong cuốn “Lịch sử Thái Lan” (tóm lược) của E.O.Becdin (Đinh Ngọc Bảo dịch, Thư viện Đại học Sư Phạm Hà Nội, 1973), tác giả đề cập đến nhà nước Ayuthaya và quan hệ với các nước phương Đông, các nước phương Tây. Tuy vậy, trong khuôn khổ một cuốn giáo trình đại cương nên quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với Vương quốc Ayuthaya chưa được tác giả nghiên cứu thành một vấn đề riêng có hệ thống. Ở đây, mối quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với vương quốc Ayuthaya được trình bày sơ lược trên phương diện thương mại và chính trị - ngoại giao. Ở Việt Nam, đã có nhiều tác giả quan tâm nghiên cứu về lịch sử, văn hóa Thái Lan, trong đó có nhiều công trình đã đề cập đến vấn đề quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với Vương quốc Ayuthaya thế kỷ XVII ở nhiều góc độ, khía cạnh khác nhau. Cuốn “Lịch sử Vương quốc Thái Lan” của Lê Văn Quang (Nhà xuất bản TP Hồ Chí Minh, 1995) đã cung cấp những hiểu biết cơ bản về tiến trình phát triển của lịch sử Thái Lan từ thời tối cổ đến cuối những năm 80 của thế kỷ XX. Trong khi trình bày về lịch sử Vương quốc Ayuthaya, tác giả đã đề cập đôi nét về quan hệ giữa Ayuthaya với Công ty Đông Ấn Hà Lan thế kỷ XVII dưới hình thức thương mại và chính trị - ngoại giao. Cuốn “Lịch sử Thái Lan” (1998) do Phạm Nguyên Long, Nguyễn Tương Lai đồng chủ biên đã trình bày những nét cơ bản của lịch sử Thái Lan từ thời tiền sử đến những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX trên phương diện kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội. Tuy nhiên, quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với vương quốc Ayuthaya mới được các tác giả trình bày lồng ghép với các vấn đề lịch sử, kinh tế, đối ngoại ở dạng khái quát mà chưa trở thành một vấn đề riêng. Ngoài những công trình trên, còn có một số cuốn giáo trình, bài viết khác có đề cập đến quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với Vương quốc Ayuthaya như: “Vương quốc Thái Lan – lịch sử và hiện tại” của Vũ Dương Ninh (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, 1990). “Lịch sử Thái Lan từ thế kỷ XIII đến những năm của thập niên 80” của Huỳnh Văn Tòng, Khoa Đông Nam Á, Học viện đào tạo và mở rộng TP Hồ Chí Minh, 1993. Cuốn “Lịch sử Đông Nam Á” của Lương Ninh (chủ biên), nhà xuất bản Giáo dục, 2005. Bên cạnh đó có một số bài viết, công trình nghiên cứu khác như: “Cuộc tấn công ồ ạt của các cường quốc Châu Âu vào Xiêm thế kỷ XVII” của Viện nghiên cứu Đông Nam Á, 1985; Luận văn Thạc sĩ Khoa học Lịch sử “Chính sách đối ngoại của Thái Lan trước sự xâm nhập của chủ nghĩa tư bản Phương Tây từ đầu thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX” của Lê Thanh Thủy, 2004,… Trong các công trình, các bài nghiên cứu trên, các tác giả đã đề cập đến quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với Vương quốc Ayutthaya đan xen với mối quan hệ của Ayutthaya với các nước khác và tác động của nó ở nhiều khía cạnh khác nhau. Nhưng tất cả những bài viết, những công trình nghiên cứu này mới chỉ nêu lên một cách khái quát mà chưa trình bày thành một vấn đề riêng có hệ thống. Tuy vậy, những công trình, bài nghiên cứu đó sẽ là nguồn tài liệu tham khảo có giá trị cho tác giả khi nghiên cứu về mối quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với Vương quốc Ayuthaya thế kỷ XVII. 3. Mục đích nghiên cứu của đề tài Nghiên cứu đề tài “Quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với vương quốc Ayuthaya thế kỷ XVII” nhằm những mục đích: - Phân tích những tiền đề cho mối quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với vương quốc Ayuthaya trong thế kỷ XVII. - Đi sâu vào tìm hiểu mối quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với vương quốc Ayuthaya trên phương diện chính trị - ngoại giao và thương mại trong thế kỷ XVII nhằm khôi phục và làm sáng tỏ mối quan hệ này trong lịch sử. - Thông qua việc tái hiện những nét cơ bản nhất của mối quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với vương quốc Ayuthaya, đề tài đi vào phân tích tác động của mối quan hệ này đối với Ayutthaya trên một số phương diện: kinh tế - chính trị, văn hóa, xã hội. 4. Phương pháp nghiên cứu Đây là một đề tài thuộc phạm trù lịch sử nên phương pháp nghiên cứu chủ yếu mà tác giả sử dụng trong đề tài này là phương pháp lịch sử và phương pháp logic. Những sự kiện lịch sử được nghiên cứu đều đặt trong bối cảnh lịch sử cụ thể và nằm trong mối liên hệ biện chứng với các sự kiện khác. Bên cạnh đó, tác giả còn sử dụng phương pháp sưu tầm, hệ thống hóa tư liệu, đồng thời so sánh, phân tích và xử lý tư liệu. Dựa trên những tư liệu đúng, đáng tin cậy để làm sáng tỏ mục đích và nhiệm vụ của đề tài đặt ra. 5. Đóng góp của đề tài Trên cơ sở kế thừa thành quả của những người đi trước và thông qua việc trình bày một cách tương đối có hệ thống mối quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với vương quốc Ayuthaya thế kỷ XVII, đề tài mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé vào việc cung cấp cái nhìn toàn diện về quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với vương quốc Ayuthaya trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao và thương mại trong thế kỷ XVII. Thông qua đó, đề tài còn cho thấy chính sách ngoại giao “thân thiện”, “cởi mở” của vương quốc Ayuthaya đối với các nước phương Tây nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển của đất nước. Mặt khác, đề tài cũng phác thảo một phần về chính sách đối ngoại truyền thống của Ayuthaya và tác động của nó đối với sự phát triển của lịch sử nước này. 6. Cấu trúc của đề tài Ngoài phần mở đầu và kết luận, đề tài gồm hai chương: Chương 1: Những tiền đề của mối quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với Vương quốc Ayuthaya thế kỷ XVII. Chương 2: Quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với Vương quốc Ayuthaya thế kỷ XVII và tác động của mối quan hệ này đối với Ayuthaya.
Thu Jul 14, 2011 7:33 am
Khoa Lịch sử, ĐHSP HN
ĐIỀU HÀNH VIÊN
doducdung.hnue
Họ & tên : Đỗ Đức Dũng
Vai trò trong CLB Sử học Trẻ : Ủy viên Ban điều hành Câu lạc bộ Sử học trẻ
Huy chương Cống hiến :
Ngày tham gia : 07/05/2011
Tổng số bài gửi : 111
Đến từ : THPT Chuyên Hùng Vương - Phú Thọ
Sở trường/ Sở thích : Khoa Lịch sử, ĐHSP HN
Điểm thành tích : 176
Được cám ơn : 36
Tiêu đề: Re: Quan hệ công ty Đông Ấn Hà Lan với Vương quốc Ayuthaya thế kỷ XVII
NỘI DUNG Chương 1 NHỮNG TIỀN ĐỀ CỦA MỐI QUAN HỆ GIỮA CÔNG TY ĐÔNG ẤN HÀ LAN VỚI VƯƠNG QUỐC AYUTHAYA 1.1 Sự thành lập Công ty Đông Ấn Hà Lan và quá trình mở rộng buôn bán với phương Đông của công ty này trong thập niên đầu thế kỷ XVII Sau những cuộc Phát kiến địa lý (cuối thế kỷ XV – đầu thế kỷ XVI), quan hệ thương mại Đông – Tây được thúc đẩy mạnh mẽ và phát triển vô cùng nhanh chóng. Trong bối cảnh chung của tình hình thương mại thế giới, Công ty Đông Ấn Hà Lan được thành lập, đã không ngừng mở rộng phạm vi buôn bán và ảnh hưởng của mình ở phương Đông. 1.1.1 Sự thành lập Công ty Đông Ấn Hà Lan 1.1.1.1 Những cơ sở cho sự ra đời của Công ty Đông Ấn Hà Lan Sau những cuộc Phát kiến địa lý, Hà Lan có những điều kiện vô cùng thuận lợi để mở rộng hoạt động thương mại của mình trên thế giới. Phát huy những thuận lợi của điều kiện tự nhiên, thương nhân Hà Lan với kinh nghiệm được tích luỹ từ lâu đời chiến đấu với Biển Bắc để tồn tại đã nhanh chóng trở thành những thương nhân xông xáo, hoạt động buôn bán trên khắp các tuyến đường hàng hải quốc tế. Nhờ vậy, Vùng đất thấp ngày càng phát triển nhanh chóng về kinh tế đặc biệt là thương mại. Sự phát triển về kinh tế, đặc biệt là thương mại tạo cơ sở quan trọng cho sự ra đời và hoạt động của Công ty Đông Ấn Hà Lan. Hà Lan nằm ở phía Tây Bắc của châu Âu, giáp Biển Bắc bởi một bờ biển dài khoảng 500km. “Bờ biển Hà Lan không dài nhưng tạo hóa thật khéo tạo nên cho xứ sở này một địa hình bờ biển lý tưởng cho việc neo đậu, ra vào của đủ các loại tàu biển – tàu buôn, tàu đánh cá, tàu chở khách... Với những trọng tải lớn nhỏ khác nhau, các loại tàu đều có thể vào ra các cảng vùng này rất thuận tiện. Nếu kể từ vùng biển Bantích của Đan Mạch từ Bắc Âu đổ xuống, qua các nước có bờ biển phía Tây như Nga, Đức, Ba Lan, Pháp rồi Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, thì đoạn bờ biển của Hà Lan là nơi thuận lợi nhất cho việc tàu bè ra vào. Bờ biển khúc khuỷu, lồi lõm, lòng biển sâu lại được che chắn bởi những dải đất ổn định, nên khi có gió bão, hoặc Biển Bắc nổi cơn sóng lớn thét gào, thì tàu thuyền vẫn có thể về vùng này thả neo, đậu an toàn, tạm dừng chân rồi lại khởi hành tới hàng trăm hải cảng khác ở khắp nơi trên thế giới. Lòng cảng sâu, sóng nhỏ, thuận tiện cho tàu vào ra nên việc nhận và trao hàng lên bến rất nhộn nhịp” [9; 15]. Có thể thấy thiên nhiên đã ban tặng cho Hà Lan một vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên vô cùng thuận lợi. Đây là cơ sở quan trọng để cho Hà Lan đẩy mạnh hoạt động thương mại của mình sau Phát kiến địa lý. Bên cạnh vị trí địa lý thuận lợi, Hà Lan còn có một đội thương thuyền mạnh, hoạt động ở khắp các tuyến đường hàng hải trên thế giới. Ngay từ khi còn nằm dưới sự cai trị của triều đình Tây Ban Nha, Vùng đất thấp đã là một khu vực phát triển mạnh mẽ không chỉ về thương mại mà còn về công nghiệp. Một trong những ngành công nghiệp truyền thống của Hà Lan đó là công nghiệp đóng tàu. Các công xưởng đóng tàu của Hà Lan vào thời điểm những thập niên cuối thế kỷ XVI đã trở thành những trung tâm đóng tàu lớn nhất châu Âu. Thuyền của Hà Lan không chỉ phong phú về số lượng, kích cỡ, mẫu mã mà có chất lượng tốt, kỹ thuật lại không ngừng được cải tiến. Đây là sở trường của Hà Lan mà không nước nào có thể vượt qua được. Chính vì thế, ngay từ thế kỷ XVI, Hà Lan đã vượt những nước khác về phương tiện vận chuyển: “Từ cuối thế kỷ XVI, đội thương thuyền của Hà Lan đã có hơn 16.000 chiếc thường xuyên hoạt động trên thương trường và hơn 200.000 chiếc thuyền trở hàng thuê trên các đại dương. Tổng số tàu thuyền của Hà Lan cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII đã nhiều hơn tổng số tàu thuyền của tất cả các nước châu Âu. Do vậy, tổng trọng tải trên biển hàng năm của Hà Lan cũng vượt xa tổng trọng tải của Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức... cộng lại. Nếu so với Anh thì lớn gấp 3 lần” [13; 73]. Từ thế kỷ XVI, Hà Lan đã hạ thủy được một loại thuyền có tên là fluitschip, một loại thuyền nhẹ, mỏng nhưng lại có rất nhiều tính năng: chở được những hàng hóa nặng cồng kềnh, phương tiện đi lại, đánh bắt cá hoặc dùng để chiến đấu... cho nên loại thuyền này rất được thị trường ưa chuộng. Vào đầu thế kỷ XVII, ngành đóng tàu của Hà Lan được mở rộng và thúc đẩy phát triển nhanh chóng. Các công xưởng đóng tàu thường được mở rộng ngay ở các bến cảng thuộc bờ biển Bắc, thuận tiện cho việc chuyên chở nguyên vật liệu được mua từ vùng Baltic xuống như gỗ, hắc ín, bồ tạt.. Bên cạnh đó, không chỉ mạnh về số lượng tàu thuyền, Hà Lan còn lớn mạnh về đội ngũ thủy thủ. Thủy thủ Hà Lan là những người có nhiều kinh nghiệm với biển cả, đánh bắt cá và vận chuyển hàng hóa hơn nhiều so với thủy thủ các nước khác. Bên cạnh thủy thủ người Hà Lan thì việc sử dụng thủy thủ người nước ngoài cũng là một nhân tố quan trọng tạo dựng sự hùng mạnh của hạm đội Hà Lan: “Trên những chiếc tàu đó, người Hà Lan sử dụng người nước ngoài, với tiền công thấp hơn, vì vào thời điểm đó thủy thủ trở thành những người lao động hư hỏng. Các đội tàu chịu một kỷ luật nghiêm ngặt, phải giữ sạch sẽ và được nuôi đạm bạc. Chỉ riêng hạm đội Hà Lan năm 1614 đã dùng nhiều thủy thủ hơn các hạm đội Tây Ban Nha, Pháp, Anh và Scotland cộng lại” [2; 58]. Nói về sự lớn mạnh của hạm đội Hà Lan, tác giả Văn Sinh Nguyên viết: “Hà Lan cường thịnh lên chủ yếu là vì có ngành hàng hải lớn mạnh. Khi đó, nhà máy đóng thuyền của Hà Lan mỗi ngày có thể đóng một con thuyền mới, nó còn có một đội thương thuyền hơn 1 vạn chiếc, đồng thời nước này lại có một hạm đội “họ hàng” đồ sộ chuyên việc bảo vệ các thương thuyền, những hạm đội này đủ sức mạnh đánh bại bất kỳ một thuyền cướp biển nào có ý đồ cướp bóc” [14; 50]. Với những điều kiện trên, trong hai thập niên cuối thế kỷ XVI, nền kinh tế mới tư bản chủ nghĩa của Hà Lan phát triển nhanh chóng, đặc biệt là về thương mại. Sự phát triển này đã tạo cơ sở, tiền đề vật chất cho sự xuất hiện của các công ty thương mại, trong đó có Công ty Đông Ấn Hà Lan. Mặt khác, sự vững mạnh và uy tín của nhà nước Cộng hòa non trẻ đã tạo sức mạnh tinh thần, bảo trợ, giúp đỡ giới công thương Hà Lan có thể vươn lên trên những tầm xa hơn trong cuộc cạnh tranh quyết liệt với các địch thủ để giành quyền bá chủ. Minh chứng tiêu biểu cho điều này là việc, năm 1588, liên quân Hà Lan – Anh đánh bại “Hạm đội vô địch Admara” của Tây Ban Nha trên biển Măngsơ. Với xu thế chung của sức sản xuất mới, đang trên đà phát triển kinh tế công thương, Hà Lan cũng như nhiều nước Châu Âu khác bị lôi cuốn mạnh mẽ vào cuộc cạnh tranh quyết liệt để tìm kiếm thị trường. Do vậy, “không khí” hòa bình hữu hảo trong quan hệ quốc tế, nhất là giữa các nước lớn không thể tồn tại lâu bền. Từ thập niên cuối của thế kỷ XVI, cuộc cạnh tranh thương mại trên thị trường thế giới giữa các quốc gia Tây Âu ngày cảng trở nên gay gắt, quyết liệt, vượt ra ngoài khuôn khổ một cá nhân hoặc một nhóm các công thương gia. Vấn đề thị trường ngày càng trở nên cấp bách và trở thành trung tâm trong chính sách đối ngoại của các quốc gia Tây Âu. Trong khi đó, ở thời kỳ này, cơ sở của đường lối đối ngoại lại phụ thuộc trước hết vào sức mạnh vũ lực, vào sự chiến thắng trong những cuộc chiến tranh, xung đột. Do vậy, từ cuối thế kỷ XVI, nhiều công ty thương mại đã xuất hiện ở nhiều quốc gia Châu Âu. Sau những thất bại về quân sự, đặc biệt là sau sự kiện năm 1588, hải quân Tây Ban Nha không đủ sức mạnh hoành hành ngang dọc trên bờ Đại Tây Dương. Mà hải quân Hà Lan và hải quân Anh hầu như đã làm chủ khu vực này. Đề dễ bề làm ăn, nhiều thương gia Tây Âu, trước hết là Hà Lan và Anh, đã hợp đã hợp sức và vốn liếng, thành lập các công ty thương mại. Các “Công ty Viễn Đông”, “Công ty Bantíc”, “Công ty Địa Trung Hải”,… lần lượt xuất hiện ở cuối thế kỷ XVI. Các công ty nhỏ này rất tích cực trong việc tìm kiếm thị trường mới ở khắp nơi, từ châu Á, châu Mỹ, châu Phi. Trong số nhiều công ty nhỏ, thì Công ty Viễn Đông của Hà Lan có tầm cỡ và hoạt động sôi động, náo nhiệt nhất. Sau khi ra đời (năm 1594), công ty này đã nhanh chóng sục sạo ở Ấn Độ, Đông Nam Á và cạnh tranh quyết liệt với Bồ Đào Nha. Jacob Van Neck, một trong những giám đốc của công ty Đông Ấn đã tuyên bố rằng “không ai có thể mua nổi một số lượng lớn gia vị như thế ở xứ sở này ngoài chúng tôi” và “lợi nhuận từ việc buôn bán gia vị rất lớn, tới 400%” [12; 88]. Vì lợi nhuận trong việc buôn bán với phương Đông rất lớn và đầy hấp dẫn nên không chỉ thương nhân Hà Lan cạnh tranh quyết liệt với thương nhân các nước phương Tây khác mà ngay cả các công ty Hà Lan cũng tranh giành, mâu thuẫn với nhau. Sự cạnh tranh mua hàng giữa các thương nhân của nhiều công ty khác nhau khiến giá cả hương liệu tăng lên nhanh chóng. Điều cấp bách là phải nhanh chóng chấm dứt “thời kỳ đi biển một cách bừa bãi” (thời kỳ wilde vaart) [5; 451]. Do đó, cuối năm 1598, các quan chức cao cấp của nhà nước cộng hòa đã ra sắc lệnh hợp nhất tất cả các công ty phương Đông lại nhằm tránh cho Hà Lan những tổn thất không đáng có, để có thêm sức mạnh trong cuộc cạnh tranh với các địch thủ như Bồ Đào Nha, Anh, Pháp,… 1.1.1.2 Sự thành lập Công ty Đông Ấn Hà Lan Trong thời đại bùng nổ của cuộc cách mạng trong lĩnh vực thương nghiệp, thế giới chứng kiến sự ra đời của hàng loạt các công ty thương mại trong những thập niên đầu thời cận đại. Sớm nhất trong đó phải kể đến sự thành lập của công ty Đông Ấn Anh năm 1600, rồi đến công ty Đông Ấn của Hà Lan, Pháp, Đan Mạch,... Trong sự bùng nổ và phát triển mạnh mẽ của các công ty thương mại ấy, công ty Đông Ấn Hà Lan đã khẳng định được vai trò của mình đối với sự phát triển kinh tế của Hà Lan, trở thành trụ cột vững chắc đưa Cộng hòa Hà Lan lên vị thế cường quốc thương mại số một thế giới. Ngày 20 - 3 - 1602, thống chế Maurice Orange cùng các quan chức cao cấp trong chính phủ cộng hòa đã ra quyết định chính thức thành lập Công ty Đông Ấn Hà Lan (Vereenigde Oostindische Compagnie – V.O.C). Công ty được trao cho nhiệm vụ độc quyền buôn bán trong các khu vực từ Mũi Hảo vọng đến eo biển Magenllan cho thời kỳ ban đầu là 21 năm, cùng với quyền ký các hiệp ước, xây dựng các pháo đài, duy trì lực lượng quân sự và thiết lập các cơ quan tư pháp. Tại mỗi thành phố, đều có các công ty hợp nhất như Amsterdam, Middelburg, Delft, Rotterdam, Hoorn, Enkhuizen và có một Phòng thương mại của Công ty V.O.C. Mỗi cơ quan của V.O.C sẽ trang bị các tàu một cách độc lập, nhưng lợi nhuận và thua lỗ sẽ do tất cả cùng gánh vác. Cuối cùng, công ty này sẽ tiếp quản tất cả các cơ quan thương mại do các công ty tiền nhiệm thiết lập ở phương Đông, ở Ternate thuộc khu vực Molucca, Banda, Bantam và Gresik ở bờ biển Bắc của Java, Patini và Johore ở bán đảo Mã Lai và Acheh ở mũi tây bắc của Sumatra [5; 453]. Đây là sự hợp nhất đã hài hòa được các lợi ích của các công ty nhỏ, của các địa phương và sự chỉ đạo của trung ương đã tập chung nỗ lực của quốc gia một cách cao độ để V.O.C tham gia vào cuộc “chiến tranh thương mại” ở phương Đông. Ngay từ khi mới thành lập, Công ty Đông Ấn Hà Lan đã có những ưu thế về tài chính so với những đối thủ khác. Với số vốn ban đầu khi mới thành lập là 6,5 triệu guilder. Ngay cả Công ty Đông Ấn của Anh – một công ty giàu có, thành lập vào năm 1600 và được Nữ hoàng Elizabeth hết sức nâng đỡ nhưng số vốn của công ty này cũng chỉ bằng 1/10 số vốn của của Công ty Đông Ấn Hà Lan [12;73]. Với sự giúp đỡ nhiệt thành và những tham vọng chính phủ Hà Lan đặt vào Công ty Đông Ấn đã khiến “công ty này không hẳn là một công ty đặc biệt, mà nó là một chính phủ đặc biệt. Nó không những chuyên về buôn bán, mà còn có quân đội và hạm đội riêng, nó còn có quyền tuyên chiến, chinh phục, cướp đoạt, giết chóc. Công ty mậu dịch đặc thù này như một con bạch tuộc khổng lồ đã vươn cái vòi của nó từ châu Phi sang châu Á, từ quần đảo Đông Ấn Độ sang đảo Tây Ấn Độ” [14; 51-52]. Công ty Đông Ấn Hà Lan ra đời là kết quả của quá trình phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Hà Lan, đặc biệt là về thương mại trong những thập niên cuối của thế kỷ XVI. Đồng thời, sự ra đời của V.O.C là sự kế thừa và hoàn thiện tất yếu của các thiết chế thương mại trước đó, nhằm thực hiện “sứ mệnh” buôn bán (sau này là chinh phục thuộc địa) với phương Đông, trong đó có vương quốc Ayuthaya. 1.1.2 Quá trình mở rộng buôn bán với phương Đông của Công ty Đông Ấn Hà Lan trong thập niên đầu thế kỷ XVII Ngay sau khi thành lập, Công ty Đông Ấn Hà Lan đã bắt tay ngay vào tổ chức các chuyến đi về phương Đông. Với tiềm lực vững mạnh, trong khoảng thập niên đầu thế kỷ XVII, Công ty Đông Ấn Hà Lan đã vươn tới và thiết lập được những thương điếm của mình trên nhiều khu vực ở phương Đông. Chuyến đi đầu tiên sang phương Đông của Công ty Đông Ấn Hà Lan do Wybrand van Warwijck chỉ huy. Trong vòng ba năm, 38 chiếc tàu được trang bị và phái sang phương Đông. Những chiếc tàu này nằm trong các hạm đội hùng mạnh, được trang bị vũ trang đầy đủ nhằm chống trả bất kỳ lực lượng nào dám “cả gan” xúc phạm, tranh giành. Trong quá trình mở rộng buôn bán ở phương Đông, Công ty Đông Ấn Hà Lan đã vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt của thương nhân Bồ Đào Nha. Nhưng với sức mạnh của mình, Công ty Đông Ấn Hà Lan đã chống trả quyết liệt và phá vỡ sự bá quyền của người Bồ Đào Nha ở khu vực này. Năm 1604, Công ty đã kiểm soát được hoạt động buôn bán ở Bantam, gạt bỏ ảnh hưởng của người Bồ Đào Nha ở đây. Tiếp đó, V.O.C đã tới Ambonia, buộc người Bồ Đào Nha phải đầu hàng và ngăn cản việc buôn bán của Công ty Đông Ấn Anh ở khu vực này. Tháng 6 – 1605, Công ty Đông Ấn Hà Lan đã chiếm được Tidore và đẩy mạnh các hoạt động thương mại ở khu vực này. Cũng trong năm 1605, người Hà Lan xây pháo đài đầu tiên ở phương Đông sau khi đã củng cố chỗ đứng của mình trên đảo Ambon. Sau đó, V.O.C đã xây dựng được các cơ quan thương mại ở Java, Celebes (tại Macassar), trên lục địa Ấn Độ (tại Surat, Masulipatam và Petapoli) và thiết lập được quan hệ thương mại với Srilanka – nơi người Bồ Đào Nha đang nắm độc quyền buôn bán quế [5; 454]. Tuy nhiên, khi bị đẩy vào chân tường, người Bồ Đào Nha đã kháng cự với một sức mạnh không ngờ và họ nhận dược sự giúp đỡ từ phía người Tây Ban Nha tại Manila. Do vậy, cuộc phản công đánh vào người Bồ Đào Nha của V.O.C có lúc thắng, lúc thất bại. Năm 1603, V.O.C đã đánh bại một hạm đội của Bồ Đào Nha ở ngoài khơi khu vực Johore. Hai năm sau, Hà Lan thu được thắng lợi đáng kể tại quần đảo Spice. Họ đã chiếm được các pháo đài của Bồ Đào Nha tại Amboina và ở khu vực Molucca. Nhưng năm 1606, cuộc tấn công của V.O.C vào Malacca đã bị người Bồ Đào Nha đánh bại, trong khi một hạm đội của Tây Ban Nha từ Philippin đến đã chiếm được các trạm buôn bán ở Molucca. Năm 1607, mặc dù Công ty Đông Ấn Hà Lan đã giành lại được miền đông Ternate từ tay người Tây Ban Nha, nhưng các cuộc tấn công của họ vào Mô Dăm Bích và Goa vào năm sau đã hoàn toàn thất bại và họ đã lãng phí những nguồn lực của mình vào việc cố gắng đánh chiếm thành Manila, nhưng không thành công. Bên cạnh đó, trong quá trình mở rộng buôn bán ở phương Đông, Công ty Đông Ấn Hà Lan không chỉ đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt của người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nhà mà cả những người Anh. J.S.Furnivall đã viết rằng “từ đầu thế kỷ người Anh, dù sức mạnh yếu hơn nhiều, đã đi theo người Hà Lan vòng quanh quần đảo, và bám riết họ như những con mòng”. Và Bernard Vlekke thì viết rằng: “các thương gia Luôn Đôn đã đi theo những người láng giềng hùng mạnh hơn đến bất cứ nơi nào, hy vọng thu lợi từ hoạt động mở đường của người khác. Anh để cho Hà Lan chịu mọi chi phí chiến tranh chống lại người Tây Ban Nha, nhằm bảo đảm cho các hoạt động buôn bán của các quốc gia phương Bắc với Inđônêxia và ở bất cứ nơi nào Công ty Hà Lan thiết lập được một trạm buôn bán thì chắc chắn người Anh cũng theo đến: tại Patani, Jacatra và rất nhiều nơi khác” [5; 455]. Mặt khác, theo kinh nghiệm của những người làm trung gian, thương nhân Hà Lan nhận thấy một điều mà người Anh không thể hiểu được thị trường hương liệu ở phương Đông là hạn chế, cạnh tranh sẽ làm tăng giá mua ở phương Đông và gây ra tình trạng thừa hương liệu ở phương Tây, do đó sẽ giảm một cách nghiêm trọng các khả năng buôn bán sinh lợi. Vì thế, Công ty Đông Ấn Hà Lan tập chung vào việc thiết lập độc quyền và chuần bị dùng mọi biện pháp tốt hoặc xấu xa, để loại bỏ những kẻ cạnh tranh. Năm 1609, tình hình đã được cải thiện bằng việc V.O.C đã chiếm đảo Banda-Neira và thiết lập pháo đài Nassau, người Hà Lan đã giành lại ưu thế ở quần đảo Spice. Trong khi đó, Hiệp định ngừng bắn mười hai năm ký với người Tây Ban Nha tại Antwerp đã tạo cho Hà Han có một thời gian “xả hơi” sau cuộc đấu tranh lau dài ở châu Âu, mà theo đó người Hà Lan vẫn có quyền giữ tất cả những đất đai mà họ đã xâm chiếm được từ tay người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Cũng trong năm đó, V.O.C đã tiến một bước dài và hết sức cần thiết trong việc củng cố quyền lực của mình ở phương Đông bằng việc chỉ định Pieter Both làm toàn quyền ở Ấn Độ, có quyền kiểm soát tất cả “các pháo đài, địa danh, cơ quan thương mại, nhân sự và kinh doanh của Công ty thống nhất”. Cùng làm việc với Pieter Both là “Hội đồng Ấn Độ” gồm bốn thành viên. Ông được chỉ thị chiếm quần đảo Spice có tầm quan trọng nhất đối với Công ty và phải gạt tất cả những đối thủ cạnh tranh ra khỏi quần đảo này [5; 455]. Bằng những hành động quyết đoán của Pieter Both, Công ty Đông Ấn Hà Lan đã kiểm soát được quần đảo Spice và nắm độc quyền thương mại ở đây. Tháng 2 – 1609, tại Bandas, Công ty Đông Ấn Hà Lan đã đàn áp mọi kháng cự, buộc các thủ lĩnh địa phương phải ký các hiệp định cho phép họ nắm độc quyền buôn bán hương liệu và gạt bỏ sự hiện diện của người Anh ở đây. Như vậy, trong vòng một thập niên sau khi ra đời, Công ty Đông Ấn Hà Lan đã không ngừng mở rộng phạm vi ảnh hưởng và thiết lập sự độc quyền buôn bán của mình ở hầu hết các khu vực quan trọng ở phương Đông, mà chủ yếu là khu vực Đông Nam Á. Đầu thế kỷ XVII, nghĩa là chỉ một thời gian ngắn sau khi thành lập, một trong những giám đốc của công ty đã kiêu hãnh tuyên bố rằng: “VOC chúng tôi đang có 400 tàu thuyền buôn bán ở châu Á, có 200 thuyền cùng 400 thủy thủ đang buôn bán ở bờ biển Ghinê, có hàng trăn thuyền và 5000 thủy thủ buôn bán ở Tây Ấn” [12; 74]. Với số lượng tàu thuyền lớn, số vốn lớn, lại được sự hậu thuẫn của chính phủ Hà Lan là những tiền đề, cơ sở quan trọng để Công ty Đông Ấn Hà Lan có thể mở rộng quan hệ thương mại tại các khu vực khác nhau trên thế giới. Trong quá trình mở rộng buôn bán ở phương Đông, Công ty Đông Ấn Hà Lan đã tới Ayuthaya vào năm 1604. Đây là những cơ sở quan trọng, những tiền đề cho sự thiết lập và phát triển của mối quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với vương quốc Ayuthaya trong thế kỷ XVII. 1.2 Vị trí của Vương quốc Ayuthaya trong quan hệ thương mại hướng Đông của Công ty Đông Ấn Hà Lan Vào thế kỷ XVI – XVII, hầu hết các đế chế trọng thương ở châu Âu đều tìm kiếm những cơ hội để có thể tiếp cận được với nền thương mại ở khu vực Viễn Đông giàu có. Trong bối cảnh đó, thương nhân Hà Lan cũng bắt đầu đẩy mạnh quá trình mở rộng buôn bán ở phương Đông. Trong quá trình đó, Công ty Đông Ấn Hà Lan được thành lập, thực hiện sứ mệnh buôn bán với phương Đông. Sau khi đã thâm nhập vào Ấn Độ và một số khu vực khác ở Đông Nam Á, V.O.C đã tiếp cận thị trường Ayuthaya – một thị trường đầy tiềm năng, có vị trí quan trọng trong quan hệ thương mại hướng Đông của Công ty Đông Ấn Hà Lan. Vương quốc Ayuthaya (1350 - 1767) nằm ở trung tâm Đông Nam Á lục địa, là một trong những quốc gia lớn trong khu vực. Với vị trí địa lí tự nhiên và vị thế ngày càng được nâng cao trong khu vực, Ayuthaya có một vị trí chiến lược quan trọng ở Đông Nam Á trên các phương diện kinh tế, chính trị và quân sự. Vì thế, Ayuthaya có vị trí quan trọng trong quan hệ thương mại hướng Đông của Công ty Đông Ấn Hà Lan. Nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, Ayuthaya có nhiều điều kiện để phát triển nông nghiệp, nhất là nghề trồng lúa nước. Với lượng mưa hàng năm dồi dào, nắng nhiều, ít bão lụt, thêm vào đó là đồng bằng miền trung rộng lớn, nhiều phù sa, Ayuthaya trở thành vựa lúa lớn nhất của khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, Ayuthaya còn có nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên, các sản vật rừng và biển có giá trị kinh tế cao như: gỗ tếch, gỗ cây thuốc nhuộm, gỗ cây lô hội, cánh kiến trắng, da chưa thuộc,... Đây là những mặt hàng rất hấp dẫn đối với thương nhân phương Tây nói chung và thương nhân Hà Lan nói riêng. Do đó, trong quan hệ thương mại với các nước phương Đông, Công ty Đông Ấn Hà Lan luôn xem Ayuthaya là một thị trường đầy tiềm năng và sớm có mưu đồ chinh phục thị trường này. Vị trí địa lí quan trọng của Ayuthaya làm cho việc buôn bán của họ với Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và các nước trong khu vực rất phát đạt. Nằm án ngữ trên con đường giao thông quốc tế qua Trung Quốc và Ấn Độ, với bờ biển dài tiếp giáp với Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, Ayuthaya là nơi quá cảnh của hầu hết các hoạt động thương mại giữa hai trung tâm Ấn Độ và Trung Quốc. Vì vậy, Ayuthaya đóng vai trò như một trạm trung chuyển hàng hóa giữa các nước. Phần lớn thương nhân Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia… khi đến Ayuthaya đều không muốn đưa hàng hóa đi xa nữa mà bán ngay tại chỗ để tìm mua ở đây những hàng hóa mà họ cần. Ayuthaya đã thực sự trở thành một “kho hàng” của Đông Nam Á. Đặc biệt, từ khi eo biển Malacca bị người Bồ Đào Nha chiếm, Ayuthaya càng có vai trò quan trọng hơn trong việc trung chuyển hoặc quá cảnh hàng hóa giữa hai khu vực đông – tây. Bởi vậy, trong quan hệ thương mại hướng Đông, Công ty Đông Ấn Hà Lan sớm có dã tâm kiểm soát vùng đất này, con đường này. Đầu thế kỷ XVII, vương quốc Ayuthaya có một lãnh thổ rộng lớn với hệ thống các nước chư hầu hùng hậu, gồm có Campuchia, các tiểu quốc phía bắc và các tiểu quốc trên bán đảo Malacca, thậm chí cả những đối thủ sừng sỏ như Myanmar cũng phải chịu thần phục. Vì thế, Công ty Đông Ấn Hà Lan đã coi Ayuthaya là chìa khóa để mở cửa vào các nước Đông Nam Á, nắm được Ayuthaya thì việc vào các nước Đông Nam Á trở nên hết sức đễ dàng. Bởi vì theo họ Ayuthaya vừa có vị trí địa lí quan trọng (là trung tâm thương mại hàng hải) vừa có sự ảnh hưởng rộng lớn với các nước trong khu vực, do đó Ayuthaya sẽ là nơi “đồn trú” để từ đây V.O.C đến các nước khác trong khu vực. Mặt khác, trong khi nhiều nước Đông Nam Á đã suy yếu thì Ayuthaya vẫn còn mạnh, nếu chinh phục được nền thương mại Ayuthaya thì việc xâm nhập vào các nước còn lại trở nên không mấy khó khăn. Vì vậy, ngay từ đầu thế kỷ XVII, trong quá trình mở rộng buôn bán với phương Đông Công ty Đông Ấn Hà Lan đã sớm có mặt ở vương quốc Ayuthaya. Nằm ở trung tâm Đông Nam Á lục địa, Ayuthaya còn có vị trí chiến lược quan trọng về mặt quân sự. Lãnh thổ Ayuthaya có hai phần liền kề với hai khu vực Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo. Toàn bộ phần phía bắc, phía đông và đông nam gần Đông Nam Á lục địa (Đông Dương và Myanmar), phía nam giáp vùng chính của Đông Nam Á hải đảo (các đảo và quần đảo của Indonesia và Malaysia). Từ lãnh thổ Ayuthaya có thể triển khai lực lượng quân đội đến bất cứ vùng nào của Đông Nam Á một cách cơ động và nhanh chóng. Vì thế, nắm được Ayuthaya thì việc khống chế toàn bộ khu vực Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo rất dễ dàng. Hơn nữa, nếu có dược vịnh Ayuthaya (nay là vịnh Thái Lan) thì coi như đã khống chế được con đường biển từ đông sang tây và ngược lại. Với vị trí chiến lược quan trọng như vậy nên ngay từ khi mới đặt chân đến khu vực Đông Nam Á, các thương nhân, các Công ty Đông Ấn của phương Tây đã coi Ayuthaya là mục tiêu quan trọng hàng đầu cần phải chiếm lĩnh. Do đó, cuộc cạnh tranh quyết liệt ở Ayuthaya đã diễn ra giữa các Công ty Đông Ấn của các nước phương Tây. Mà ngày từ đầu thế kỷ XVII, người Hà Lan đã đụng độ gay gắt với người Bồ Đào Nha, sau đó là người Anh. Như vậy, với vị trí địa kinh tế, chính trị, quan trọng, Ayuthaya đã trở thành một thị trường quan trọng trong quan hệ thương mại hướng Đông của Công ty Đông Ấn Hà Lan thế kỷ XVII.
Thu Jul 14, 2011 7:39 am
Khoa Lịch sử, ĐHSP HN
ĐIỀU HÀNH VIÊN
doducdung.hnue
Họ & tên : Đỗ Đức Dũng
Vai trò trong CLB Sử học Trẻ : Ủy viên Ban điều hành Câu lạc bộ Sử học trẻ
Huy chương Cống hiến :
Ngày tham gia : 07/05/2011
Tổng số bài gửi : 111
Đến từ : THPT Chuyên Hùng Vương - Phú Thọ
Sở trường/ Sở thích : Khoa Lịch sử, ĐHSP HN
Điểm thành tích : 176
Được cám ơn : 36
Tiêu đề: Re: Quan hệ công ty Đông Ấn Hà Lan với Vương quốc Ayuthaya thế kỷ XVII
Chương 2 QUAN HỆ GIỮA CÔNG TY ĐÔNG ẤN HÀ LAN VỚI VƯƠNG QUỐC AYUTHAYA THẾ KỶ XVII VÀ TÁC ĐỘNG CỦA MỐI QUAN HỆ NÀY ĐỐI VỚI AYUTHAYA 2.1 Quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với Vương quốc Ayuthaya thế kỷ XVII 2.1.1 Thời kỳ xâm nhập hòa bình và thiết lập quan hệ thương mại bình đẳng giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với Vương quốc Ayuthaya (1608 - 1663) Đầu thế kỷ XVII, khi các công ty Đông Ấn được thành lập ồ ạt ở các nước châu Âu, cùng với quá trình mở rộng buôn bán với phương Đông của các Công ty này đã thúc đẩy sự hình thành của “thị trường thương mại Âu – Á” và đưa đến “cuộc chiến tranh thương mại” nhằm tranh giành những thị trường hấp dẫn này. Trong bối cảnh đó, Công ty Đông Ấn Hà Lan đã xâm nhập vào Ayuthaya. Trong khi quan hệ giữa Ayuthaya với các nước láng giềng thời kỳ này diễn ra căng thẳng thì Công ty Đông Ấn Hà Lan giành được sự ưu ái, cởi mở của chính quyền Ayuthaya. 2.1.1.1 Sự xâm nhập của Công ty Đông Ấn Hà Lan vào Ayuthaya và bước đầu phát triển mối quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với Ayuthaya Trong khoảng thời gian đầu thế kỷ XVII, là thời kỳ xâm nhập hòa bình vào Ayuthaya của thương nhân phương Tây nói chung và Công ty Đông Ấn Hà Lan nói riêng. V.O.C đến Ayuthaya với mục đích chính là thương mại, tham vọng của công ty này ở Ayuthaya chưa rõ ràng. Vì thế, tính chất cạnh tranh giữa các Công ty Đông Ấn của các nước phương Tây ở đây chưa khốc liệt. Do đó, áp lực đối với nền độc lập dân tộc cũng như lợi ích quốc gia của Ayuthaya chưa lớn. Đây là cơ sở quan trọng để mối quan hệ giao hảo được thiết lập giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với vương quốc Ayuthaya. Trong thế kỷ XVI, người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã có mặt ở Ayuthaya. Họ đến đây với mục đích thương mại, truyền đạo và được chính quyền Ayuthaya đón tiếp với thái độ nhiệt tình, cởi mở. Các thương điếm của Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha được thiết lập ở nhiều trung tâm kinh tế của Ayuthaya. Sang đầu thế kỷ XVII, Ayuthaya tiếp tục đón nhận thêm những người khách khác đến từ phương Tây là Hà Lan, Anh. Người Hà Lan bắt đầu đặt quan hệ với Ayuthaya khi họ đến Patani – một nước chư hầu của Ayuthaya vào năm 1601. Thời điểm này Ayuthaya đang trên đường phục hồi dưới triều đại Naresuon (1590 - 1605) sau những năm chiến tranh liên miên với các quốc gia trong khu vực. Kết thúc chiến tranh, không chỉ nền độc lập của đất nước được khôi phục mà lãnh thổ Ayuthaya được mở rộng và có thêm nhiều chư hầu phải thần phục, kể cả Miến Điện (nay là Myanmar) – đối thủ luôn cạnh tranh vị trí bá quyền khu vực của mình. Ayuthaya bắt đầu công cuộc phát triển đất nước. Trong thời gian cầm quyền, nhà vua Naresuon rất chú ý mở rộng phát triển ngoại thương, đặc biệt là trong quan hệ với các bạn hàng truyền thống ở phương Đông như Trung Hoa, Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia,…. và thiết lập quan hệ với các thương nhân các nước phương Tây. Trong hoàn cảnh đó, người Hà Lan ở Patani đã được đón tiếp với thái độ cởi mở của chính quyền sở tại, họ bắt đầu thiết lập thương điếm và xây dựng cơ sở cho việc phát triển thương mại của mình ở đây. Năm 1604, trên cơ sở những thuận lợi bước đầu ở Patani, người Hà Lan tới Ayuthaya. Phái đoàn của Công ty Đông Ấn Hà Lan đến kinh đô của Ayuthaya và ngay sau đó họ đã ký một bản thương ước với chính quyền Ayuthaya. Họ được chính quyền Ayuthaya cho phép buôn bán ở Ayuthaya như tất cả những người nước ngoài khác [1; 185]. Sau khi đã ký thương ước với Công ty Đông Ấn Hà Lan và cho họ những quyền thương mại nhất định ở Ayuthaya, triều đình Ayuthaya đã chủ động cử các phái đoàn ngoại giao đến Goa (Ấn Độ) thuộc Hà Lan và Netherlands vào các năm 1606 và 1608 để chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao và thương mại với Công ty Đông Ấn Hà Lan. Các đại sứ của Ayuthaya đã kiêu hãnh tuyên bố rằng: “vua của họ không cần gì cả và chỉ quan tâm đến đời sống và những phong tục của các dân tộc khác. Điều duy nhất mà Người muốn Hà Lan giúp đó là việc những người thợ mộc và thợ đóng tàu đến dạy người Xiêm”. Các đại thần của Ayuthaya được người Hà Lan đón tiếp trọng thể và khi từ biệt đã tặng họ một số đại bác [1;185-186]. Những hành động này của triều đình Ayuthaya làm cho quan hệ ngoại giao, thương mại giữa Hà Lan và Ayuthaya diễn ra hết sức thuận lợi, cởi mở. Công ty Đông Ấn Hà Lan quan tâm nhiều đến Ayuthaya bởi vì ngày từ những năm đầu xuất hiện ở khu vực Đông Nam Á, người Hà Lan bên cạnh việc mua hương liệu đưa về châu Âu, cũng đã bắt đầu làm trung gian buôn bán giữa các nước phương Đông. Mà Ayuthaya lại là nơi đặc biệt thuận lợi cho việc buôn bán này. Ở đây, người Hà Lan bị thu hút bởi sự trao đổi hàng hóa được thiết lập từ lâu giữa Ayuthaya và Nhật Bản, mà trong đó Ayuthaya xuất sang Nhật da trâu, da hươu, thiếc, diêm tiêu, ngà voi và các loại cây quý. Ngược lại, người Nhật lại đưa sang đây bạc, đồng, tơ và các hàng hóa khác [1; 186]. Công ty Đông Ấn Hà Lan cố gắng chiếm con đường thương mại hứa hẹn những lợi nhuận lớn này. Ở thị trường Ayuthaya thời kỳ này việc đổi vải Ấn Độ lấy những hàng hóa của địa phương và của các nước phương Đông có ý nghĩa quan trọng. Người Hà Lan cũng bắt đầu tham gia vào việc buôn bán này từ đầu thế kỷ XVII. Con đường thương mại giữa Ayuthaya và Indonesia cũng bị Công ty Đông Ấn Hà Lan dần dần chiếm giữ. Ayuthaya còn là nơi cung cấp lương thực và thực phẩm cho các pháo đài của Công ty Đông Ấn Hà Lan trong cuộc chiến tranh ở miền Nam Ayuthaya chống lại chính quyền các đảo Indonesia. Bên cạnh đó, Công ty Đông Ấn Hà Lan tham gia vào việc buôn bán hồ tiêu của miền Nam Ayuthaya. Trong nửa đầu thế kỷ XVII, người Hà Lan cố gắng tập chung vào tay mình toàn bộ việc buôn bán này. Việc làm này của V.O.C nhằm gạt bỏ khả năng mua hồ tiêu của các đối thủ Anh, Pháp và Bồ Đào Nha ở đây để họ được tự định giá ở châu Âu. Để thực hiện những nhiệm vụ thương mại của mình, V.O.C đã thiết lập một mạng lưới thương điếm của mình ở Ayuthaya. Năm 1610 thương điếm của V.O.C được thiết lập ở Ayuthaya, năm 1612 ở Ligor và Patalung. Sau vài năm, các thương điếm ở Xingo, Kêđác và đảo Giancơ được thiết lập. Như thế, bên cạnh thị trường trung tâm ở Ayuthaya, tất cả những trung tâm sản xuất thiếc và hồ tiêu quan trọng nằm ở miền Nam Ayuthaya đều bị các thương điếm của Công ty Đông Ấn Hà Lan vây chặt. Ở vùng này Công ty Đông Ấn Hà Lan hoạt động đặc biệt tích cực, lợi dụng sự xa cách trung tâm và tình trạng phân tán của các công quốc Mã Lai nửa phụ thuộc vào Ayuthaya. Đặc biệt, vào năm 1617, Công ty Đông Ấn Hà Lan đã ký một hiệp định với vua Ayuthaya là Songtam (1610 – 1628), theo đó, V.O.C được độc quyền mua da sống ở Ayuthaya. Hiệp định này đã tạo lợi thế cho Công ty Đông Ấn Hà Lan trong cuộc cạng tranh với các thế lực phương Tây khác nhằm độc chiếm thị trường Ayuthaya. Như vậy, sau khi xâm nhập vào vương quốc Ayuthaya, Công ty Đông Ấn Hà Lan đã không ngừng thiết lập các thương điếm của mình ở đây. Trên cơ sở đó, V.O.C đã xâm nhập một cách mạnh mẽ vào các mối quan hệ buôn bán giữa Ayuthaya với các các nước phương Đông như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia,... và dần dần chiếm lĩnh các mối quan hệ thương mại này. Mặc dù nhận được sự ưu đãi của chính quyền Ayuthaya nhưng tại đây Công ty Đông Ấn Hà Lan đã vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt, gay gắt bởi các thế lực phương Tây khác, nhằm độc chiếm thị trường có vị trí chiến lược này. 2.1.1.2 Sự cạnh tranh giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với các thế lực phương Tây khác nhằm độc chiếm thị trường Ayuthaya Trong quá trình mở rộng buôn bán với phương Đông, Công ty Đông Ấn Hà Lan luôn cố gắng mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình. Để làm được điều đó, họ tập trung vào việc thiết lập độc quyền, dùng mọi biện pháp để loại bỏ đối thủ cạnh tranh. Tại Ayuthaya, Công ty Đông Ấn Hà Lan đã phải đối mặt với sự cạnh tranh của các thế lực phương Tây khác như thương nhân Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Anh. Như ở trên đã trình bày, với chính sách ngoại giao thân thiện, cởi mở của chính quyền Ayuthaya, quan hệ ngoại giao, thương mại giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với vương quốc đã được thiết lập chính thức vào năm 1608. V.O.C được phép tự do buôn bán và thiết lập các thương điểm ở Ayuthaya. Trong những năm tiếp theo, một loạt các thương điếm của Công ty đã được thiết lập ở các trung tâm kinh tế quan trọng như Jankceylan, Ligor, Sigora,… Chẳng mấy chốc thế lực kinh tế của Công ty Đông Ấn Hà Lan ở Ayuthaya đã len lỏi vào con đường ngoại thương trọng điểm truyền thống của Ayuthaya. Sự lớn mạnh nhanh chóng thế lực của Công ty Đông Ấn Hà Lan đã đụng trạm đến quyền lợi của Bồ Đào Nha ở đây. Ngay lập tức vua Bồ Đào Nha đã yêu cầu vua Ayuthaya đuổi người Hà Lan đi, nhưng với chủ trương thân thiện, bình đẳng với các nước phương Tây ở đây, vua Ayuthaya đã không đuổi người Hà Lan đi mà càng tăng thêm quyền lợi của họ. Chính quyền Ayuthaya “đã cho người Hà Lan quyền sử dụng đảo Merguy ở cửa sông Tennascerim” [24; 72]. Bên cạnh đó, trong cuộc đấu tranh giành quyền thống trị ở thị trường Ayuthaya, Công ty Đông Ấn Hà Lan sớm đụng độ với địch thủ là Công ty Đông Ấn Anh (E.I.C). Năm 1612, tàu Globe đã đến kinh đô Ayuthaya. Đại sứ đầu tiên của Anh là Adam Denton đã yết kiến triều đình Ayuthaya, dâng lên Vua Ekathotsarot thư của Hoàng đế nước Anh James I. Mặc dù có sự chống đối của người Hà Lan, Ekathotsarot đã cho phép Công ty Đông Ấn Anh được phép tự do buôn bán và thiết lập một cơ quan thương mại tại kinh đô Ayuthaya. Trong những năm tiếp theo, E.I.C đã mở rộng các hoạt động thương mại ở Ayuthaya. Sự lớn mạnh về thế lực của E.I.C ở Ayuthaya đã đụng trạm đến quyền lợi của các thế lực khác ở đây, trong đó có Công ty Đông Ấn Hà Lan. Do đó, đã nảy sinh sự cạnh tranh quyết liệt giữa hai Công ty này. Năm 1618, sự cạnh tranh giữa hai Công ty Đông Ấn của người Hà Lan và Anh ở khu vực Đông Nam Á nói chung và Ayuthaya nói riêng trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Tháng 6 – 1618, Jan Pieterszoon Coen trở thành toàn quyền ở khu vực Ấn Độ thuộc Hà Lan và đề nghị một chương trình lớn mở rộng lãnh thổ thực dân hóa trên cơ sở lấn chiếm lãnh thổ của người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, tiêu hủy tàu bè của các đối thủ cạnh tranh khác ở châu Âu. “Jan Pieterszoon Coen coi sự cạnh tranh của Anh là mối đe dọa nguy hiểm nhất” [5; 467]. Chính quyền Hà Lan đã yêu cầu Jan Pieterszoon Coen “phải trục xuất bằng vũ lực, nếu cần, tất cả những người ngoại quốc, bất kể là đồng minh hay kẻ thù, ra khỏi những nơi mà người Hà Lan đang buôn bán, phải khám xét các con tàu của họ và tịch thu hương liệu trên các con tàu đó” [5; 468]. Tháng 12 – 1618, sự cạnh tranh giữa hai Công ty Đông Ấn của người Hà Lan và Anh đã dẫn đến cuộc chiến tranh trực tiếp, công khai giữa hai quốc gia này ở Ayuthaya. Tại đây, người Hà Lan đã có lợi thế so với Anh do kết quả của Hiệp định mà họ ký với Vua Ekathotsarot năm 1617 về độc quyền mua da sống. Tháng 7 – 1619, người Anh bị người Hà Lan đánh bại. Trong những năm tiếp theo, hoạt động thương mại của Công ty Đông Ấn Anh ở Ayuthaya bị sa sút nghiêm trọng. Cuối cùng, năm 1623, Công ty Đông Ấn Anh buộc phải đóng cửa các cơ quan thương mại tại Ayuthaya và tạm dừng quan hệ với Ayuthaya trong vòng gần bốn thập niên sau đó (từ năm 1623 đến năm 1661). Như thế, Công ty Đông Ấn Hà Lan đã bước đầu giành thắng lợi trong cuộc cạnh tranh với Công ty Đông Ấn Anh nhằm độc chiếm thị trường Ayuthaya. Cuối những năm 20 của thế kỷ XVII, cuộc cạnh tranh thương mại khốc liệt giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với các thế lực phương Tây khác ở Ayuthaya tiếp tục diễn ra. Mặc dù nước nào cũng muốn lôi léo Ayuthaya làm liên minh trong cuộc xung đột với nước khác nhưng chính quyền Ayuthaya vẫn thực hiện chính sách trung lập và đối sử bình đẳng với tất cả các nước. Tuy nhiên, sự trung lập của Ayuthaya không làm thỏa mãn cho tất cả các thế lực phương Tây. Vì vậy, chúng lại sử dụng vũ lực để thay đổi chính sách của Ayuthaya theo hướng có lợi cho mình, để gạt bỏ sự cạnh tranh của các địch thủ. Tây Ban Nha và Đồ Đào Nha là những nước đầu tiên tiến hành những biện pháp quân sự chống lại Ayuthaya. Sau một loại công hàm ngoại giao đòi đuổi người Hà Lan, mùa xuân năm 1628 “người Tây Ban Nha chiếm các tàu buôn của Ayuthaya và đã đốt toàn bộ số tàu này cùng các thủy thủ trên tàu” [1;189]. Năm 1630, Bồ Đào Nha đã tham gia vào cuộc chiến chống Ayuthaya. Những hành động của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha nhằm loại bỏ địch thủ vô hình chung đã đưa đến sự thắt chặt trong quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với chính quyền Ayuthaya. Để đối phó với sự tấn công của liên minh Tây Ban Nha – Bồ Đào Nha, Ayuthaya đã nhờ sự giúp đỡ của Hà Lan. Cuộc xung đột kéo dài trong khoảng 5 năm (1630 - 1635), cuối cùng Ayuthaya đã giành thắng lợi. Năm 1639, một hòa ước chính thức được ký kết và Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha vẫn tiếp tục được hoạt động thương mại ở Ayuthaya. Trong cuộc chiến tranh giành thị trường Ayuthaya, Công ty Đông Ấn Hà Lan đã giành được lợi thế khi năm 1641, họ đã đánh bại thành trì chủ yếu của người Bồ Đào Nha ở Đông Nam Á là Malacca. Sau sự kiện này, thế lực của người Bồ Đào Nha ở Đông Nam Á suy yếu nhanh chóng. Đồng thời, vai trò của thương nhân Bồ Đào Nha ở thị trường Ayuthaya cũng không còn. Tây Ban Nha, sau khi cắt đứt liên minh với Bồ Đào Nha (1640), đã không quan tầm gì đến thị trường thương mại Ayuthaya. Như vậy, trong cuộc cạnh tranh với các thế lực phương Tây khác để độc chiếm thị trường Ayuthaya ở nửa đầu thế kỷ XVII, Công ty Đông Ấn Hà Lan đã giành được những thắng lợi quan trọng. Sự đóng cửa các thương điếm của Công ty Đông Ấn Anh ở Ayuthaya (năm 1623), sự trục xuất các thương nhân Nhật Bản vào (đầu năm 1930) và sự rút lui của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha vào đầu những năm 40 đã tạo điều kiện cho V.O.C bành trướng thế lực của mình ở thị trường Ayuthaya. 2.1.1.3 Sự bành trướng thế lực của Công ty Đông Ấn Hà Lan ở Ayuthaya Như ở trên đã trình bày, từ đầu thập kỷ 40 của thế kỷ XVII, Công ty Đông Ấn Hà Lan đã thực sự thống trị nền ngoại thương Ayuthaya khi các thế lực phương Tây khác như Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đã rút khỏi thị trường này. Những thắng lợi trong cuộc cạnh tranh của V.O.C với các thế lực phương Tây khác đã đưa đến những hệ quả quan trọng. Lợi nhuận thu được của Công ty Đông Ấn Hà Lan rất lớn. Vào giữa thế kỷ XVII, từ Ayuthaya, hàng năm xuất sang Nhật trên 300.000 bộ da hươu và da trâu. Phần lớn của việc xuất khẩu này thuộc Công ty Đông Ấn Hà Lan. Lợi nhuận của việc bán da ở Nhật có năm đạt trên 200% và thỉnh thoảng mới thấp dưới 100%. Việc buôn bán các hàng hóa khác của Ayuthaya cũng mang lại cho người Hà Lan những thu nhập không nhỏ hơn lợi nhuận do buôn bán da thú [1; 190]. Khát vọng của người Hà Lan thiết lập độc quyền của mình ở thị trường Ayuthaya tất nhiên không thể không gây nên sự chống đối của những người bản địa. Để hạn chế tham vọng của V.O.C, một mặt chính quyền Ayuthaya thiết lập những khu vực buôn bán độc quyền của nhà nước, mặt khác thiết lập các mối quan hệ buôn bán chặt chẽ với các nước phương Đông và khuyến khích thương nhân các nước này. Lúc này, ở thị trường Ayuthaya, Công ty Đông Ấn Hà Lan không phải va chạm với những thương nhân riêng lẻ, mà trực tiếp với nhà nước – người mua hàng hóa của những người sản xuất. Như thế là người bán độc quyền đối lập lại với người mua độc quyền. Những động thái của chính quyền Ayuthaya, cũng như của V.O.C làm cho quan hệ giữa hai bên xấu đi. Phía V.O.C liên tục có hành động khiêu khích, lấn tới; còn Ayuthaya thì một mặt ngầm chống cự lại sự bành trướng của V.O.C, mặt khác tỏ thái độ nhân nhượng, thỏa hiệp. Trong suốt những năm 40 của thế kỷ XVII, Công ty Đông Ấn Hà Lan liên tục có những hành động nhằm loại bỏ Ayuthaya ra khỏi thị trường Viễn Đông và Indonesia. Thông các các hiệp ước, Công ty Đông Ấn Hà Lan buộc các nước ở bán đảo Mã Lai và Indonesia không bán hồ tiêu và các hương liệu khác cho Ayuthaya. Hơn thế nữa, các thuyền buôn của Ayuthaya trên đường đến Trung Quốc và Nhật Bản thường bị các tàu Hà Lan tấn công. Đặc biệt, tình hình trở nên căng thẳng khi người Hà Lan chiếm chiếc tàu của một người Nhật đã nhập quốc tịch Ayuthaya ở bờ biển Đại Việt vào năm 1645. Phản ứng trước những hành động này, những người Nhật ở Ayuthaya định trả đũa bằng một cuộc tấn công vũ trang vào thương điếm của V.O.C ở Ayuthaya. Nhưng chính quyền Ayuthaya đã ngăn chặn kịp thời cuộc tấn công này. Lợi dụng cơ hội đó, Công ty Đông Ấn Hà Lan đã củng cố hơn nữa thương điếm ở Ayuthaya và biến nó thành một pháo đài nhỏ. Trong những năm tiếp theo, Công ty Đông Ấn Hà Lan tiếp tục mở rộng thế lực của mình ở thị trường Ayuthaya. Trong những năm đầu dưới thời trị vì của vua Narai (1656 - 1688), vị trí thương mại của Hà Lan càng được củng cố và phát triển mạnh. Những năm đầu khi mới lên ngôi, vua Narai phải tập chung củng cố quyền lực, chống lại sự nổi loạn của các lãnh chúa phong kiến, bỏ mặc cho người Hà Lan hoành hành. Đây là thời kỳ hoàng kim của Công ty Đông Ấn Hà Lan ở Ayuthaya. Những phương pháp mà V.O.C sử dụng để xác lập độc quyền của mình ở thị trường Ayuthaya rất đa dạng. Một trong những vũ khí rất mạnh trong cuộc đấu tranh giành quyền thống trị này là hệ thống giấy phép của V.O.C, áp dụng với Ayuthaya từ nửa sau những năm 50 của thế kỷ XVII. Công ty Đông Ấn Hà Lan tự đặt cho mình quyền cấp giấy phép cho các tàu buôn ở Ayuthaya. Theo đó, các tàu buôn ở Ayuthaya khi ra khỏi cảng phải được sự cho phép của Công ty Đông Ấn Hà Lan. Tất các các tàu không có giấy phép khi gặp các tàu Hà Lan ngoài khơi hoặc ngay cả ở các cảng trung lập đều có thể bị tịch thu lập tức [1; 192]. Năm 1655, Công ty Đông Ấn Hà Lan đã chiếm độc quyền buôn bán da thú của Ayuthaya. Theo đó họ có thể kiểm soát thuế quan của bất kỳ tàu nào ở cảng Ayuthaya, tạo những khả năng lớn để trấn áp những kẻ cạnh tranh buôn bán [24; 74]. Trong khi đó, thủ tục kiểm soát mang lại những tổn thất nặng nề cho những thương nhân Ayuthaya có tàu. Tuy nhiên, từ đầu những năm 60 của thế kỷ XVII, sau khi đã ổn định tình hình trong nước, Narai bắt đầu xây dựng những đội thương thuyền lớn mạnh nhằm cạnh tranh với đội tàu của Công ty Đông Ấn Hà Lan. Quyết tâm của chính quyền Ayuthaya nhanh chóng có kết quả, quan hệ thương mại truyền thống giữa họ với thương nhận Trung Quốc, Nhật Bản được phục hồi nhanh chóng. Các tàu của Ayuthaya ở Nhật Bản và Trung Quốc ngày cảng mua được nhiều hàng hóa mà V.O.C đã quen coi là độc quyền của mình. Sự phát triển của ngành thương mại biển của Ayuthaya khiến cho Công ty Đông Ấn Hà lan lo ngại. Để đối phó với tình hình, từ đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XVII, V.O.C đã đẩy mạnh các hoạt động quân sự nhằm khống chế nền thương mại của Ayuthaya. Đến đây, thời kỳ xâm nhập hòa bình của Công ty Đông Ấn Hà Lan ở Ayuthaya khép lại, mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với vương quốc Ayuthaya – thời kỳ V.O.C đẩy mạnh các hoạt động quân sự nhằm chiếm lĩnh thị trường Ayuthaya. 2.1.2 Thời kỳ Công ty Đông Ấn Hà Lan đẩy mạnh các hoạt động quân sự nhằm độc chiếm thị trường Ayuthaya (1663 - 1688) 2.1.2.1 Những yếu tố tác động đến mối quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với vương quốc Ayuthaya Từ đầu những năm 60 của thế kỷ XVII, sự bành trước thế lực của Công ty Đông Ấn Hà Lan vấp phải sự chống đối ngầm nhưng ngày càng mạnh mẽ của chính quyền Ayuthaya. Mặt khác, ở Ayuthaya thời kỳ này cũng chứng kiến sự trở lại của Công ty Đông Ấn Anh sau gần 40 năm vắng bóng và sự xuất hiện của những nhà truyền giáo Pháp mà theo sau là đội thương thuyền của Công ty Đông Ấn Pháp (C.I.O). Trong giai đoạn này, triều đình Ayuthaya đã có sự điều chỉnh chính sách đối với thương nhân các nước phương Tây. Chính quyền Ayuthaya đã xóa bỏ chính sách “cân bằng”, “trung lập” và dành cho thương nhân các nước đến sau nhiều ưu đãi nhằm mục đích là giúp cho hoạt động thương mại của các nước này tại Ayuthaya phát triển để cạnh tranh và phá vỡ thế thế độc quyền của Công ty Đông Ấn Hà Lan. Trên thực tế, đầu những năm 60 của thế kỷ XVII, Công ty Đông Ấn Anh quan tâm trở lại thị trường Ayuthaya và được chính quyền Ayuthaya chào đón nồng nhiệt. Việc tái lập quan hệ với Công ty Đông Ấn Anh nằm trong chủ trương của nhà nước Ayuthaya. Bản thân Vua Narai là vị Vua Ayuthaya đầu tiên nhận thấy sự cần thiết cho việc phát triển đất nước theo đường hướng châu Âu. Hơn nữa, trong thời gian này, quan hệ giữa Ayuthaya với Hà Lan đang căng thẳng, Hà Lan ngày càng lấn tới uy hiếp người Thái phải nhượng bộ theo yêu cầu có lợi cho họ. Chính quyền Ayuthaya hy vọng sự trở lại hoạt động của Công ty Đông Ấn Anh sẽ phá vỡ sự độc quyền thương mại của Hà Lan. Vì vậy, họ đã dành cho người Anh những điều kiện thuận lợi nhất để phát triển thương mại tại đất nước mình. Năm 1659, Công ty Đông Ấn Anh cử người đến kinh đô Ayuthaya xin mở rộng việc buôn bán và được vua Narai tiếp đón niềm nở. Năm 1661, E.I.C đã phục hồi các đại lý buôn bán ở Ayuthaya. Chính quyền vương quốc Ayutthaya đã giao lại cho E.I.C những trụ sở thương điếm cũ mà phía E.I.C không phải trả tiền, xóa bỏ khoản nợ 120.000 bath cho E.I.C [27; 11]. Với sự ưu đãi của chính quyền bản địa, E.I.C đã nhanh chóng khôi phục lại hoạt động thương mại của mình ở thị trường Ayuthaya. Chẳng mấy chốc thế lực của Công ty Đông Ấn Anh đã lớn mạnh, đủ sức cạnh tranh với Công ty Đông Ấn Hà Lan ở thị trường Ayuthaya. Điều này đã ảnh hưởng lớn tới mối quan hệ giữa V.O.C với Ayuthaya. Bên cạnh đó, lịch sử Ayuthaya thời kỳ này cũng chứng kiến sự hiện diện của người Pháp. Những người trinh sát đầu tiên mở đường vào Ayuthaya cho các thương nhân Pháp (sau đó là quân đội) là những nhà truyền đạo. Năm 1662, giám mục Lambert de la Motte thuộc Hội truyền giáo nước ngoài của Pháp đã tới Mergui. Trong bối cảnh quan hệ giữa Ayuthaya và Công ty Đông Ấn Hà Lan căng thẳng, chính quyền Ayuthaya đang cố gắng tìm cho mình những người đồng minh. Những nhà truyền giáo Pháp đã lợi dụng hoàn cảnh này, nói cho vua Ayuthaya về sức mạnh, sự hào phóng và khả năng giúp đỡ của Pháp. Đến lượt mình, vua Narai dành cho những nhà truyền đạo Pháp sự ủng hộ rộng rãi nhất. Tại kinh đô Ayuthaya các giáo sĩ Pháp được phép xây dựng một nhà thờ và một trường dòng. Sự tuyên truyền của đoàn truyền đạo Pháp không vấp phải sự cản trở nào của chính quyền Ayuthaya [5; 549]. Theo sau đoàn truyền giáo là đội thương thuyền của Công ty Đông Ấn Pháp, với âm mưu chiếm lĩnh thị trường Ayuthaya. Được sự ưu đãi của chính quyền bản địa, thế lực của người Pháp ở Ayuthaya ngày càng lớn mạnh, cạnh tranh ngày càng gay gắt với Công ty Đông Ấn Hà Lan. Như vậy, từ thập kỷ 60 của thế kỷ XVII, ở Ayuthaya có sự hiện diện của ba thiết chế thương mại hùng mạnh nhất châu Âu: Công ty Đông Ấn Hà Lan, Công ty Đông Ấn Anh và Công ty Đông Ấn Pháp. Cả ba công ty này tuy có mâu thuẫn về quyền lợi nhưng cùng chung mục đích là chiếm lĩnh thị trường Ayuthaya. Trong bối cảnh quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với Ayuthaya đang căng thẳng, sự trở lại của Công ty Đông Ấn Anh, sự xuất hiện của người Pháp đã có những tác động lớn tới mối quan hệ này. Sự ưu đãi của triều đình Ayuthaya đối với người Anh và người Pháp đã làm cho người Hà Lan tức giận. Điều này làm cho quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với Ayuthaya trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. 2.1.2.2 Sự căng thẳng trong quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với vương quốc Ayuthaya và sự đóng cửa các thương điếm của Công ty Đông Ấn Hà Lan Những hành động của chính quyền Ayuthaya, đã khiến cho Công ty Đông Ấn Hà Lan lo ngại. Ân huệ của vua Narai đối với người Anh và người Pháp đã làm cho người Hà Lan phẫn nộ và họ đòi hỏi thêm các đặc quyền buôn bán. Khi chính quyền Ayuthaya bác bỏ yêu cầu đó người Hà Lan đã sử dụng vũ lực khiêu khích, gây ra nhiều vụ xung đột với Ayuthaya. Triều đình Ayuthaya thể hiện thái độ nhân nhượng để ngăn chặn những cuộc chiến tranh công khai có thể xảy ra từ những vụ xung đột giữa V.O.C và Ayuthaya. Tuy nhiên, dựa vào sức mạnh quân sự Hà Lan càng lấn tới. Tháng 10 – 1663, V.O.C bất ngờ chuyển thương điếm của mình khỏi Ayuthaya và không tuyên chiến, bắt đầu đánh đắm các tàu của Ayuthaya khi đến gần cửa sông Mê Nam. Mặt khác, V.O.C cho tàu đến Đài Loan để chiếm thuyền của nhà vua Ayuthaya trở hàng từ Nhật Bản về và một đoàn tàu khác tuần liễu ở vịnh Bengan để bắt các tàu Ayuthaya đến Ấn Độ. Để cô lập Ayuthaya, Công ty Đông Ấn Hà Lan đã đề nghị Anh không cung cấp vũ khí và thực phẩm cho Ayuthaya. Ở Giava, V.O.C buộc các chủ cảng người bản xứ đóng cửa cảng đối với những thương nhân buôn bán với Ayuthaya. Đối với vương quốc Acha (trên đảo Xumatơra) – người ủng hộ Ayuthaya, V.O.C đã tuyên bố chiến tranh và phong tỏa bờ biển của nước này. Ayuthaya bị cô lập, mất liên lạc với các đồng minh, mất phần lớn thương thuyền và hy vọng ở sự giúp đỡ của Anh đã buộc phải nhượng bộ hơn nữa. Ngày 22 – 8 – 1664, tại Ayuthaya, Hiệp định hòa bình – hiệp ước bất bình đẳng đầu tiên trong lịch sử Ayuthaya với một nước châu Âu được ký kết. Theo hiệp định này gồm 18 điều, Công ty Đông Ấn Hà Lan thực chất chỉ thực hiện hai trách nhiệm: không gây hại cho các tàu Ayuthaya nếu như chúng không đi đến nước thù địch với Công ty và không tiến hành hoạt động quân sự chống kẻ thù của mình trên lãnh thổ Ayuthaya, phần lớn các điều khoản là sự nhượng bộ đơn phương của Ayuthaya. Điều thứ hai của hiệp ước cho người Hà Lan “quyền tự do buôn bán tất cả các mặt hàng có trong nước”; quyền này được bổ xung ở điều 3 bằng quyền “buôn bán với bất kỳ người nào, theo sự lựa chọn của mình”. Điều này đánh một đòn nặng nề vào độc quyền nhà nước với những hàng hóa quan trọng của Ayuthaya. Ở điều 5, độc quyền của Hà Lan với việc xuất khẩu da trâu và da hươu được vĩnh viễn xác nhận. Ở điều 13, quy định: các thuyền buôn của vua hoặc thương nhân Ayuthaya có quyền đến Mã Cao, Manila, Quảng Đông hoặc các nơi khác khi Công ty có quan hệ hữu nghị và đồng minh với nước này. Hơn nữa, trong trường hợp này các tàu Ayuthaya cũng phải nhận giấy phép của V.O.C. Điều này đã vị pham nghiêm trọng chủ quyền quốc gia cũng như quyền tự do đi lại và thương mại của Ayuthaya. Chủ quyền quốc gia của Ayuthaya bị vi phạm nghiêm trọng hơn ở điều 8 của hiệp định. Điều này quy định “quyền lãnh sự tài phán” đối với tất cả công dân Hà Lan thuộc về Công ty Đông Ấn Hà Lan. Điều 8 của hiệp ước viết: “trong trường hợp nếu một người nào đó trong các nhân viên của công ty phạm tội nghiêm trọng ở Ayuthaya, vua Ayuthaya và các thẩm phán người Ayuthaya không có quyền sử anh ta mà phải chuyển cho người đứng đầu công ty ở Ayuthaya để trừng phạt theo pháp luật Hà Lan, còn nếu như người đứng đầu nhắc trên là đồng phạm trong tội ác nặng nề, vua Ayuthaya có quyền giam giữ cả hai tại nhà, chờ thông báo về sự việc sảy ra cho giám đốc Công ty Đông Ấn Hà Lan”. Đồng thời hiệp ước buộc chính quyền Ayuthaya phải trừng trị tất cả những người gây thiệt hại cho công ty, còn những con nợ của công ty phải “giam giữ nghiêm ngặt cho đến khi công ty nhận đủ tiền trả…” Điều cuối cùng – điều 18, tuyên bố rằng tất cả những điều khoản của hiệp ước phải được hai bên tuân theo mãi mãi [1; 194-195]. Sau khi ký hiệp ước 1664, Công ty Đông Ấn Hà Lan còn được nhận thêm một số quyền lợi quan trọng của triều đình Ayuthaya - quyền buôn bán không phải trả thuế trên toàn bộ lãnh thổ Ayuthaya. Cũng trong thời gian đó, Công ty Đông Ấn Hà Lan đã bất chấp sự phản đối của vua Narai, tiếp tục đánh thuế cao với các tàu Ayuthaya ghé qua các cảng do V.O.C kiểm soát. Mặc dù hiệp định hòa bình được ký kết, nhưng quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với vương quốc Ayuthaya trong những năm 60 – 80 của thế kỷ XVII vẫn tiếp tục căng thẳng. Thắng lợi của người Hà Lan càng làm cho chính quyền Ayuthaya tìm mọi cách để loại bỏ sự kiểm soát của họ. Ngược lại, Hà Lan tiếp tục sử dụng vũ lực trong quan hệ với Ayuthaya. Các tàu Hà Lan vẫn tiếp tục tấn công các tàu Ayuthaya ở ngoài khơi. Đầu năm 1666, tàu của V.O.C đã bắn phá và chiếm một tàu buôn bán của Ayuthaya ở Srilanka. Năm 1667, một tàu Ayuthaya trên đường sang Trung Quốc bị V.O.C cướp. Tiếp đó, năm 1672, người Hà Lan đã chiếm một tàu Ayuthaya chở hàng quý đi từ Bombay về [24; 76]. Thời kỳ này, Công ty Đông Ấn Hà Lan bằng cách đe dọa và sử dụng vũ lực để chiếm toàn bộ việc buôn bán thiếc của Ayuthaya. Từ đầu năm 1670, hạm đội của Công ty Đông Ấn Hà Lan đã liên tục phong tỏa trung tâm khai thác thiếc của Ayuthaya ở Srilanka, không cho một tàu nào không có giấy phép của V.O.C vào cảng của các khu vực này. Mùa hè năm 1675, sự phong tỏa này khiến nhân dân trên đảo phẫn nộ và họ đã vùng lên chống lại Công ty Đông Ấn Hà Lan. Nhân dân Srilanka bất chấp sự ngăn cản của tỉnh trưởng người Ayuthaya đã giết các thủy thủ của một tàu quân sự Hà Lan và buộc người Hà Lan phải giải tỏa và đưa các tàu của mình rời khỏi đảo. Lúc này, một cuộc chiến tranh mới, nghiêm trọng hơn giữa V.O.C và Ayuthaya là không thể tránh khỏi. Năm 1683, Thống đốc Hà Lan ở Giava đã ra lệnh đóng cửa các thương điếm ở Ayuthaya và Ligor. Song cuộc chiến tranh này vẫn không sảy ra. Sự xâm nhập của người Pháp và sự trở lại của người Anh ở Ayuthaya trong thời gian này đã khiến V.O.C thay đổi chiến lược. Đoán định trước cuộc xung đột không thể tránh khỏi giữa người Anh, người Pháp với triều đình Ayuthaya, Công ty Đông Ấn Hà Lan đã “giữ lập trường chờ đợi để bước lên diễn đàn khi lực lượng của tất cả các địch thủ đã kiệt quệ do cuộc đấu tranh giữa chúng với nhau” [1; 197]. Đúng như những toan tính của người Hà Lan, từ đầu những năm 80 của thế kỷ XVII, quan hệ giữa người Anh với triều đình Ayuthaya rạn nứt. Công ty Đông Ấn Anh đã có những hành động khiêu khích. Năm 1685, một đại sứ của E.I.C được cử đến Ayuthaya thương lượng với triều đình Ayuthaya nhường cho một hòn đảo nào đó ở bở biển để xây dựng pháo đài. Những đòi hỏi của người Anh không được chấp nhận nên họ đã tiến hành chiến tranh chống lại Ayuthaya từ năm 1686 đến 1688. Mục tiêu của E.I.C là chiếm đảo Merguy ở bờ biển phía tây nam của Ayuthaya. Nhưng sự nổi dậy của nhân dân đảo Merguy và sự hỗ trợ của quân đội triều đình đã đánh bại lực lượng Anh. Sau thất bại này, Công ty Đông Ấn Anh cũng đành “chờ thời cơ”, còn triều đình Ayuthaya lại chủ động thương lượng hòa bình vào năm 1688. Người Pháp đến Ayuthaya muộn hơn nhưng sự xuất hiện của họ là mối đe dọa nguy hiểm nhất cho nền độc lập của Ayuthaya ở thế kỷ XVII. Mặc dù đã được triều đình Ayuthaya nhượng bộ rất nhiều quyền lợi, nhưng người Pháp ngày càng lấn tới. Năm 1686, người Pháp đưa yêu sách nặng nề, đòi triều đình Ayuthaya trao quyền cho họ ở Merguy và Bangkok, hải quân Pháp khống chế vùng vịnh của Ayuthaya. Yêu sách này đã không được chính quyền Ayuthaya chấp nhận. Thương lượng không thành, người Pháp bắt đầu sử dụng vũ lực, buộc chính quyền Ayuthaya phải nhượng bộ. Ngày 16 – 10 – 1687, bản thỏa ước Pháp – Ayuthaya được ký kết, Pháp được toàn quyền chiếm Merguy và Bangkok, không chịu sự kiểm soát của chính quyền Ayuthaya. Sự lấn tới của người Pháp làm cho một bộ phận quý tộc và nhân dân Ayuthaya bất bình. Họ đã tập chung dưới ngọn cờ khởi nghĩa của tướng Pra Petracha chống lại người Pháp. Năm 1688, Pra Petracha lên ngôi (1688 - 1703) vừa lãnh đạo cuộc khởi nghĩa của nhân dân chống Pháp vừa thương lượng hòa bình. Trước sức mạnh của phong trào khởi nghĩa, tháng 8 – 1688, Pháp buộc phải ký hiệp ước rút quân khỏi Merguy và Bangkok. Như vậy, người Anh và người Pháp cùng sử dụng vũ lực nhằm độc chiếm thị trường Ayuthaya nhưng đều thất bại. Người Hà Lan cũng trong tình trạng tương tự. Sau những cuộc tấn công của người Hà Lan, người Anh và người Pháp, ở Ayuthaya phong trào bài ngoại đã diễn ra mãnh mẽ. Do đó, triều đình Ayuthaya phải rất thận trọng trong việc giao những đặc quyền cho người châu Âu. Thực vậy, tháng 11 – 1688, một hiệp định mới đã được ký kết giữa triều đình Ayuthaya và Công ty Đông Ấn Hà Lan, theo đó người Hà Lan được phục hồi một số nhượng quyền về thương mại, nhưng họ đã vĩnh viễn mất vị trí khống chế ở thị trường Ayuthaya. Sau khi đã đuổi được quân Anh, Pháp ra khỏi lãnh thổ của mình (vào năm 1688), Ayuthaya đã bảo vệ được nền độc lập dân tộc. Nhưng đó cũng là lúc vài trò trung gian trong quan hệ thương mại Đông – Tây của Ayuthaya không còn. Thực tế, Ayuthaya đã phải “đóng cửa” với người phương Tây. Lệnh cấm chính thức những người châu Âu đến Ayuthaya không được ban bố. Nhưng chính sách “đóng cửa” của Ayuthaya đã khiến cho quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với vương quốc Ayuthaya ngừng trệ. Trong những năm cuối thế kỷ XVII, người Hà Lan đã tự đóng cửa các thương điếm của mình ở Ayuthaya vì hoạt động không có lợi. Họ nhận thấy không còn hy vọng ở thị trường Ayuthaya nên đã chuyển sự chú ý sang trung tâm thương mại quốc tế mới ở Indonesia. Như vậy, quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với vương quốc Ayuthaya đã kết thúc sau gần một thế kỷ đầy sóng gió, có thời kỳ thịnh vượng, nhưng cũng có thời kỳ căng thẳng, xung đột. Bên cạnh đó, sự thiết lập và phát triển mối quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với vương quốc Ayuthaya đã những tác động lớn tới tình hình Ayuthaya trong thế kỷ XVII. 2.2 Tác động của mối quan hệ Công ty Đông Ấn Hà Lan – Ayuthaya đối với Ayuthaya 2.2.1. Những tác động đối với kinh tế, xã hội và văn hóa Ayuthaya trong thế kỷ XVII Trong quan hệ với Công ty Đông Ấn Hà Lan, chính quyền Ayuthaya luôn luôn thực hiện chính sách “thân thiện”, “cởi mở”, tạo điều kiện để V.O.C phát triển quan hệ thương mại tại đất nước mình. Mặt khác, sự thiết lập và phát triển quan hệ giữa Ayuthaya với Công ty Đông Ấn Hà Lan đã có những tác động không nhỏ đến đời sống kinh tế, xã hội và văn hóa Ayuthaya. Trước hết là những tác động của mối quan hệ này đối với nền kinh tế Ayuthaya. Trong mối quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với vương quốc Ayuthaya, đi cùng với việc thiết lập quan hệ chính trị - ngoại giao là mối quan hệ kinh tế - thương mại. Thông qua hoạt động buôn bán, cả hai phía Ayuthaya và V.O.C đều nhận được nhiều lợi ích về kinh tế. Phía Công ty Đông Ấn Hà Lan muốn xâm nhập rồi từng bước “độc chiếm” thị trường Authaya. Về phía Ayuthaya, bên cạnh mục đích dùng người Hà Lan để kiềm chế người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha thì mục đích tăng cường buôn bán với V.O.C nhằm thúc đẩy nền ngoại thương đất nước và thu về những khoản lợi nhuận từ thương mại cũng không kém phần quan trọng. Hoạt động thương mại của Công ty Đông Ấn Hà Lan ở Ayuthaya diễn ra khá sôi nổi, đặc biệt là ở những nơi Công ty đặt cơ quan thương mại, như kinh đô Ayuthaya, Patani, Ligor,... Từ các đại lý buôn bán này, Công ty Đông Ấn Hà Lan mở rộng hoạt động thương mại ra các vùng lân cận. Hoạt động thu mua lúa gạo, các nông sản của V.O.C đã góp phần làm cho nền kinh tế nông nghiệp truyền thống của Ayuthaya có bước chuyển dịch theo khuynh hướng hàng hóa tiền tệ. Do nguồn lợi kinh tế và nhu cầu cung cấp nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu nên diện tích trồng lúa và trồng các cây công nghiệp khác: bông, mía, hồ tiêu,… được mở rộng. Đồng thời, hoạt động thương mại phát triển đã tạo ra không khí sôi động, sầm uất tại các thương cảng như: Tenasserim, Ayuthaya, Ligor, Patani,…. Quan hệ thương mại giữa Ayuthaya với V.O.C cùng với sự sầm uất của thành thị cũng góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất ở Ayuthaya phát triển và mở rộng dung lượng thị trường nội địa. Nguồn hương liệu và các sản phẩm của Ayuthaya như: hồ tiêu, da thú, gỗ quý, thiếc, đồng, mía đường, gạo, bông, gỗ đóng tàu,… là những mặt hàng nhập khẩu chính của V.O.C. Cho nên, việc Công ty Đông Ấn Hà Lan thường xuyên mua các mặt hàng trên đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành khai thác và sản xuất. Kèm theo đó là sự phát triển của một số ngành thủ công: đóng tàu, khai thác mỏ, làm gốm, ép mía đường,… và khả năng khai thác tài nguyên tự nhiên không những đã nâng cao mức sống của một bộ phận xã hội mà còn tăng cường mối giao lưu giữa các vùng kinh tế trong nước. Mặt khác, còn khuyến khích các ngành sản xuất không trực tiếp tạo ra sản phẩm. Sự phồn thịnh này được thể hiện qua lời nhận xét của chính người Hà Lan Tcan Streya: “đi từ thành phố này đến thành phố khác, từ làng này sang làng khác, hàng nghìn người được nuôi sống bởi nghề buôn bán và họ sống luôn ở trong những chiếc thuyền hoặc trong những tàu buôn của họ” [11; 201]. Bên cạnh đó, sự phát triển của ngoại thương đã có những tác động không nhỏ đến đời sống xã hội Ayuthaya trong thế kỷ XVII. Sự phát triển của nền kinh tế đất nước, đặc biệt là về thương mại đã dẫn đến quy mô và mức độ tập chung dân số ở thành thị khá lớn, tầng lớp thị dân ngày càng đông, đặc biệt là ở các trung tâm như Ayuthaya, Patani. Mặt khác, sự phồn thịnh của thành thị cùng với sự phát triển của thương mại đã kéo theo sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp thương nhân Ayuthaya. Mặt khác, khi sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng nông sản như gạo, mía, hồ tiêu… phát triển mạnh, đất đai có giá trị lớn, đã bước đầu làm cho phương thức canh tác truyền thống thay đổi. Quý tộc phong kiến một mặt cho nông dân thuê đất, mặt khác bán đất đai để lấy tiền. Phương thức thu lợi mới này về sau phân hóa giai cấp phong kiến thành tầng lớp quý tộc mới hoặc tư sản hóa. Giai cấp nông dân bước đầu có sự phân hoá, đại đa số vẫn tiếp tục sản xuất nông nghiệp, một bộ phận nhỏ chuyển sang hoạt động sản xuất thủ công nghiệp hoặc tham gia vào hoạt động thương nghiệp. Nhìn chung, sự phồn thịnh của hoạt động thương mại đã có những tác động không nhỏ đến tình hình xã hội Ayuthaya trong thế kỷ XVII. Đặc biệt, sự mở rộng quan hệ chính trị - ngoại giao và thương mại giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với Vương quốc Ayuthaya trong thế kỷ XVII đã góp phần thúc đẩy sự truyền bá văn hóa phương Tây vào Ayuthaya. Theo dấu chân của các đoàn thương gia của V.O.C, các yếu tố văn hóa phương Tây từ lối sống, đến các yếu tố như tôn giáo, điêu khắc, kiến trúc,… được truyền bá ở các tụ điểm buôn bán mà họ đặt chân đến. Thông qua các mối quan hệ, giao lưu kinh tế, văn hóa đa dạng cư dân Ayuthaya không chỉ có được các thương phẩm quốc tế, tiếp nhận kĩ thuật chế tác, các sản phẩm thủ công nghiệp, mà còn tích lũy được kinh nghiệm buôn bán. Bên cạnh đó, họ cũng có những nhận thức tương đối đầy đủ về giá trị của từng nguồn thương phẩm cùng tiềm năng, sức mạnh kinh tế của nhiều quốc gia trong khu vực. Đó là một trong những yếu tố đem đến sự chuyển biến về kinh tế, xã hội và văn hóa Ayuthaya trong thế kỷ XVII. Như vậy, việc thiết lập quan hệ với Công ty Đông Ấn Hà Lan trong thế kỷ XVII đã có những tác động góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của vương quốc Ayuthaya, tạo nên những chuyển biến ban đầu về xã hội. Mặt khác, sự có mặt của thương nhân Hà Lan cùng thương nhân các nước phương Tây khác với các hoạt động thương mại đa dạng đã góp phần truyền bá văn hóa phương Tây vào Ayuthaya. 2.2.2. Những tác động đối với chính sách đối ngoại của nhà nước Ayuthaya trong thế kỷ XVII Sự thiết lập quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với Vương quốc Ayuthaya và những hoạt động của Công ty này tại đây đã có những tác động không nhỏ đến chính sách đối ngoại của nhà nước Ayuthaya trong thế kỷ XVII. Như chúng ta đã biết, việc xác lập và phát triển mối quan hệ thương mại với V.O.C không chỉ có mục đích kinh tế mà còn chứa đựng những mưu đồ chính trị của nhà cầm quyền Ayuthaya. Thế kỷ XVII, với vị trí chiến lược quan trọng, Ayuthaya trở thành nơi tập chung hầu của hầu hết các thiết chế thương mại lớn nhất châu Âu. Thế kỷ XVI, người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã có mặt ở đây. Sang thế kỷ XVII, lần lượt là sự hiện diện người Hà Lan, người Anh và sau cùng là người Pháp. Trong quá trình xâm nhập vào Ayuthaya thương nhân các nước này không ngừng mở rộng thế lực của mình. Tất cả các thế lực phương Tây đều có âm mưu độc chiếm thị trường Ayuthaya. Để kìm hãm thế lực ngày càng lớn mạnh của người Bồ Đào Nha, đầu thế kỷ XVII, triều đình Ayuthaya đã thiết lập quan hệ với người Hà Lan với mục đích dùng người Hà Lan để kiềm chế người Bồ Đào Nha. Hơn nữa, việc Ayuthaya thiết lập quan hệ với Công ty Đông Ấn Hà Lan, cũng như với các thế lực phương Tây khác nhằm mục đích chính trị - dựa vào nước này để kiềm chế nước kia. Như thế, sự thiết lập và bước đầu phát triển của mối quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với Ayuthaya là một trong những nhân tố để chính quyền Ayuthaya thực hiện chính sách “trung lập”, “lợi dụng mâu thuẫn giữa các nước để dùng nước này kiềm chế nước kia” nhằm bảo vệ chủ quyền dân tộc. Vào thập kỷ 60 - 70 của thế kỷ XVII, quan hệ của Ayuthaya với Hà Lan trở nên căng thẳng, có nguy cơ bùng phát thành một cuộc chiến tranh. Điều này đã tác động đến chính sách đối ngoại của chính quyền Ayuthaya. Chính quyền Ayuthaya đã có sự điều chỉnh chính sách đối với thương nhân các nước phương Tây. Triều đình Ayuthaya đã xóa bỏ chính sách “cân bằng”, “trung lập” và dành cho thương nhân các nước đến sau nhiều ưu đãi. Như chúng ta đã biết, sau khi đã củng cố vững chắc địa vị tại Ayuthaya, Công ty Đông Ấn Hà Lan đã bắt đầu gây sức ép với chính quyền sở tại với những yêu cầu vô lý và những hành động mang tính chất khiêu khích. Điều này đã làm thay đổi cách nhìn nhận của triều đình Ayuthaya đối với người Hà Lan và họ đã có sự điều chỉnh trong chính sách đối ngoại. Khi mà quan hệ Ayuthaya – Hà Lan đang rất căng thẳng, thì chính quyền Ayuthaya đã hướng tới người Anh và người Pháp. Năm 1661, Công ty Đông Ấn Anh tái lập quan hệ với Ayuthaya. Sau đó, vào năm 1680 và năm 1684, vua Narai đã cử đại sứ Ayuthaya đến Pari với mong muốn thiết lập mối quan hệ thân thiện với nước Pháp. Năm 1685, Đại sứ quán Pháp được thiết lập ở Ayuthaya và quan hệ giữa Pháp với vương quốc Ayuthaya chính thức được thiết lập. Sự điều chỉnh này đã góp phần thúc đẩy ngành ngoại thương Ayuthaya phát triển, đồng thời tạo thế kiềm chế giữa các thế lực phương Tây ở Ayuthaya. Thông qua việc thiết lập và phát triển mối quan hệ với Công ty Đông Ấn Hà Lan, cũng như với các thế lực phương Tây khác, chính quyền Ayuthaya đã thành công trong mưu đồ dùng nước này để kiềm chế nước kia, bảo vệ chủ quyền quốc gia. Nhìn chung, thông qua quan hệ với Công ty Đông Ấn Hà Lan trong thế kỷ XVII đã góp phần vào quá trình hình thành, xác lập đường lối ngoại giao đặc trưng, bản chất của người Thái – “ngoại giao kiềm chế” hay “ngoại giao lựa chiều”. Tóm lại, trên cơ sở mối quan hệ thương mại, chính trị - ngoại giao giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với vương quốc Ayuthaya trong thế kỷ XVII, đã góp phần tạo nên những chuyển biến nền kinh tế, thúc đẩy quan hệ thương mại, truyền bá văn hóa phương Tây và tác động đến chính sách đối ngoại của Ayuthaya với các nước phương Tây khác.
Thu Jul 14, 2011 7:40 am
Khoa Lịch sử, ĐHSP HN
ĐIỀU HÀNH VIÊN
doducdung.hnue
Họ & tên : Đỗ Đức Dũng
Vai trò trong CLB Sử học Trẻ : Ủy viên Ban điều hành Câu lạc bộ Sử học trẻ
Huy chương Cống hiến :
Ngày tham gia : 07/05/2011
Tổng số bài gửi : 111
Đến từ : THPT Chuyên Hùng Vương - Phú Thọ
Sở trường/ Sở thích : Khoa Lịch sử, ĐHSP HN
Điểm thành tích : 176
Được cám ơn : 36
Tiêu đề: Re: Quan hệ công ty Đông Ấn Hà Lan với Vương quốc Ayuthaya thế kỷ XVII
KẾT LUẬN Thế kỷ XVII, Ayuthaya trở thành địa điểm thu hút gần như đông nhất các cường quốc thương mại từ châu Âu đến. Bằng các phương thức tiếp cận khác nhau, song các quốc gia châu Âu đều có mưu đồ chiếm lĩnh thị trường Ayuthaya, với mục đích đạt được lợi nhuận cao nhất từ việc buôn bán các sản phẩm có giá trị thương mại cao của Ayuthaya. Công ty Đông Ấn Hà Lan tiếp cận thị trường Ayuthaya trong bối cảnh phải cạnh tranh quyết liệt với các cường quốc thương mại châu Âu đến trước như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và cả những nước đến sau như Anh, Pháp. Năm 1608, quan hệ ngoại giao - thương mại giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với vương quốc Ayuthaya chính thức được thiết lập. Với chính sách cởi mở của chính quyền bản địa cộng với tiềm lực lớn, Công ty Đông Ấn Hà Lan đã nhanh chóng xâm nhập và chiếm lĩnh nhiều con đường ngoại thương trọng điểm truyền thống của Ayuthaya. Không dừng lại ở đó, để đạt được mục đích thương mại với lợi nhuận cao tại thị trường Ayuthaya, V.O.C đã tiến hành các hoạt động quân sự để gây sức ép với chính quyền Ayuthaya, mà thực chất là hỗ trợ cho hành động cướp bóc, vơ vét hàng hóa ở Ayuthaya. Tuy nhiên, các hoạt động quân sự của V.O.C tại Ayuthaya đã gây nên phản ứng mạnh mẽ từ phía nhân dân và chính quyền Ayuthaya. Công ty Đông Ấn Hà Lan đã mất đi sự ủng hộ từ phía nhà nước Ayuthaya và cuối cùng phải rút lui khỏi thị trường đầy tiềm năng này sau gần một thế kỷ thiết lập quan hệ thương mại. Bên cạnh đó, sự thiết lập và phát triển mối quan hệ giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với vương quốc Ayuthaya đã có những tác động tích cực tới Ayuthaya, đưa đến sự khởi sắc của các ngành kinh tế, sự chuyển biển về mặt xã hội, truyền bá văn hóa phương Tây, đồng thời góp phần hình thành nên đường lối ngoại giao đặc trưng của người Thái – “ngoại giao kiềm chế”.
TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] E.O. Becdin, 1973, Lịch sử Thái Lan, Nxb Khoa học Mátxcơva (bản dịch của Đinh Ngọc Bảo, Nguyễn Thị Thư, Hoài Anh), Thư viện Đại Học Sư phạm Hà Nội. [2] Michel Beaud, Huyền Giang (dịch), 2002, Lịch sử chủ nghĩa tư bản từ 1500 đến 2000, Nxb Thế giới, Hà Nội. [3] Ngô Văn Doanh, 1991, Tìm hiểu văn hóa Thái Lan, Nxb Văn hóa, Hà Nội. [4] Phạm Đức Dương, 1980, Nghiên cứu lịch sử văn hóa Thái Lan, Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Hà Nội. [5] D.G.E. Hall, 1997, Lịch sử Đông Nam Á, Bản dịch của Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. [6] Lâm Quang Huyên, 1992, Kinh tế Vương quốc Thái Lan, Nxb TP Hồ Chí Minh. [7] Quế Lai, 1999, Thái Lan – truyền thống và hiện đại, Nxb Thanh niên, Hà Nội. [8] Phan Ngọc Liên (chủ biên), Đào Tuấn Thành, Nguyễn Thị Huyền Sâm, Mai Phú Phương, 2008, Lịch sử thế giới cận đại, tập I, Nxb Đại Học Sư phạm Hà Nội. [9] Phan Ngọc Liên, Lại Bích Ngọc, Đặng Thanh Toán, Đinh Ngọc Bảo, 1999, Hà Lan: Đất nước, con người, lịch sử, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. [10] Phan Ngọc Liên (chủ biên), 1997, Lược sử Đông Nam Á, Nxb Giáo dục, Hà Nội. [11] Phạm Nguyên Long, Nguyễn Tương Lai (đồng chủ biên), 1998, Lịch sử Thái Lan, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. [12] Lại Bích Ngọc, 1997, Cộng hòa Hà Lan – một thời hoàng kim trên thị trường thế giới, Nxb Giáo dục, Hà Nội. [13] Lại Bích Ngọc, 2003, Về hoạt động của Công ty Đông Ấn Hà Lan ở châu Á thế kỷ XVII, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 2. [14] Văn Sinh Nguyên, 2004, Những câu chuyện về lịch sử phương Tây, Dịch: Vương Mộng Bưu, Nxb Lao động, Hà Nội. [15] Lương Ninh (chủ biên), Đỗ Thanh Bình, Trần Thị Vinh, 2005, Lịch sử Đông Nam Á, Nxb Giáo dục, Hà Nội. [16] Vũ Dương Ninh, 1990, Vương quốc Thái Lan lịch sử và hiện tại, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. [17] Vũ Dương Ninh (cb), 2006, Một số chuyên đề lịch sử thế giới, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội. [18] Vũ Dương Ninh, Nguyễn Văn Kim (cb), 2007, Một số chuyên đề lịch sử thế giới (tập II), Nxb Đại học quốc gia Hà Nội. [19] Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Văn Ánh, Đỗ Đình Hãng, Trần Văn La, 2006, Lịch sử thế giới trung đại, Nxb Giáo dục, Hà Nội. [20] F. Ia. Polianxki, 1978, Lịch sử kinh tế các nước, quyển 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. [21] F. Ia. Polianxki, 1978, Lịch sử kinh tế các nước, quyển 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. [22] Lê Văn Quang, 1995, Lịch sử Vương quốc Thái Lan, Nxb TP Hồ Chí Minh. [23] Vũ Công Quý, Quế Lai, Dương Xuân Cương, 1994, Tìm hiểu lịch sử - văn hóa Thái Lan, tập I, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. [24] Lê Thanh Thủy, 2004, Chính sách đối ngoại của Thái Lan trước sự xâm nhập của chủ nghĩa tư bản phương Tây từ đầu thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX, Luận văn thạc sĩ Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. [25] Huỳnh Văn Tòng, 1993, Lịch sử Thái Lan (thế kỷ XIII đến những thập niên 80), Khoa Đông Nam Á, Học viện đào tạo và mở rộng TP Hồ Chí Minh. [26] Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Viện nghiên cứu Đông Nam Á, 1998, 25 năm nghiên cứu các nước Đông Nam Á, Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Hà Nội. [27] Viện nghiên cứu Đông Nam Á, 1985, Cuộc tấn công ồ ạt của các cường quốc Châu Âu vào Xiêm thế kỷ XVII, Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Hà Nội. [28] Nguyễn Khắc Viện, 1988, Thái Lan một số nét chính về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa và lịch sử, Nxb Thông tin lý luận, Hà Nội.
Sponsored content
Tiêu đề: Re: Quan hệ công ty Đông Ấn Hà Lan với Vương quốc Ayuthaya thế kỷ XVII
Quan hệ công ty Đông Ấn Hà Lan với Vương quốc Ayuthaya thế kỷ XVII