CLB Sử Học Trẻ Việt Nam
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


CLB Sử Học Trẻ Việt Nam
 
Latest imagesTrang ChínhĐăng kýĐăng Nhập
DIỄN ĐÀN SỬ HỌC TRẺ - Điểm hẹn của những người đam mê Sử học từ khắp mọi miền Tổ quốc.
Most Viewed Topics
Chữ viết ở Đông Nam Á
Nguyễn Ái Quốc những hoạt động chủ yếu từ 1919-1930 và vai trò đối với CMVN
Tại sao giai cấp nông dân không thể là giai cấp lãnh đạo cách mạng?
Nguyên nhân chính của cao trào 30-31 là nguyên nhân nào ??
Điều lệ của Câu lạc bộ Sử học Trẻ; Nội quy của Forum Suhoctre
TỔ CHỨC BỘ MÁY NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT THỜI NGÔ - ĐINH - TIỀN LÊ
Đặc điểm con người nhà văn Nam Cao
Tư sản dân quyền
phong trào cách mạng 1936-1939 có mang tính dân tộc hay không?
Đặc điểm của cuộc cách mạng tư sản Anh thế kỉ XVII:

Share | 

 

 Trần Quang Khải-Phụng Dương công chúa với Thái ấp Độc Lập

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Trần Quang Khải-Phụng Dương công chúa với Thái ấp Độc Lập I_icon_minitimeWed Apr 06, 2011 3:04 pm

phangxehana
lịch sử

Thành viên cấp 1

phangxehana

Thành viên cấp 1

Họ & tên Họ & tên : Nguyẽn Thị Én
Ngày tham gia Ngày tham gia : 11/10/2010
Tổng số bài gửi Tổng số bài gửi : 32
Đến từ Đến từ : Nam Định
Sở trường/ Sở thích Sở trường/ Sở thích : lịch sử
Điểm thành tích Điểm thành tích : 68
Được cám ơn Được cám ơn : 4

Bài gửiTiêu đề: Trần Quang Khải-Phụng Dương công chúa với Thái ấp Độc Lập

 
Xã Mỹ Thành nằm ở phía Tây Nam của huyện Mỹ Lộc. Dưới thời Trần Mỹ Thành thuộc thái ấp của Thượng Tướng Thái Sư Chiêu Minh Đại Vương Trần Quang Khải, mang tên là thôn Độc Lập (thuộc phủ Thiên Trường).

Người có công lớn trong việc xây dựng cứ điểm Ðộc Lập chính là công chúa Phụng Dương.


Trần Quang Khải (1241–1294), con thứ ba của Trần Thái Tông, là em cùng mẹ với Trần Thánh Tông (nghĩa là con thứ hai của hoàng đế Trần Thái Tông với Hiển Từ Thuận Thiên hoàng thái hậu Lý thị); đồng thời là đại tướng đời nhà Trần, làm đến chức Tướng quốc đời Trần Thánh Tông, coi cả mọi việc trong nước. Sang đời Trần Nhân Tông, năm Thiệu Bảo thứ tư, khi quân Nguyên xâm lăng bờ cõi nước Nam, ông được phong chức Thượng tướng Thái sư, lãnh binh trấn giữ mặt Nam đất Nghệ An, lập công lớn tại Chương Dương Độ. Khi dẹp tan quân Nguyên, triều đình xét công, ông đứng vào bậc nhất.

Trần Quang Khải là một trong những vị tướng văn võ song toàn thời nhà Trần, lập nhiều chiến công lớn trong ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông ở thế kỷ 13. Lần thứ nhất (1258) diễn ra khi Trần Quang Khải mới 17 tuổi, cho nên, ông chưa có cống hiến gì đáng kể.

Nhưng liên tục trong cả hai lần sau (1285 và 1288), Trần Quang Khải đã lập được rất nhiều chiến công xuất sắc Trong cuộc kháng chiến lần thứ hai, nhiệm vụ đầu tiên mà Trần Quang Khải được đích thân vua Trần giao phó là đi tăng viện cho các cánh quân ở vùng Thanh Hoá và Nghệ An ngày nay. Bấy giờ, quân Nguyên tiến vào nước ta bằng hai hướng khác nhau. Kế hoạch ban đầu của nhà Trần là quyết không để cho giặc có thể hội quân với nhau.

Vì thế, nhà Trần đã sai Trần Quốc Khang và con là Trần Kiện, đem quân trấn giữ vùng Nghệ An và Thanh Hoá, tổ chức đánh trả kịch liệt để cản phá lực lượng của Toa Đô. Sau đó, tướng Trần Nhật Duật lại được cử vào để tăng viện. Nhưng, Trần Nhật Duật chưa vào đến nơi thì Trần Kiện đã đầu hàng quân Nguyên. Tình hình chiến trường phía Nam trở nên rất khó khăn và phức tạp. Vì lí do đó, Trần Quang Khải được vua Trần sai đem quân đi tăng viện cho Trần Nhật Duật. Sự có mặt của Trần Quang Khải đã khiến cho đạo quân của Toa Đô bối rối và sa lầy. Chúng buộc phải đóng lại ở vùng Thanh Hoá và Nghệ An ngày nay.

Tháng 4 năm Ất Dậu (1285), nhà Trần tổ chức phản công. Một loạt chiến dịch lớn được tổ chức. Trần Nhật Duật và Trần Quang Khải được lệnh bí mật vượt qua vùng tạm chiến để tiến ra Bắc. Chiến dịch Hàm Tử do Trần Nhật Duật chỉ huy và người giữ vai trò hợp đồng tác chiến một cách tích cực, linh hoạt và đầy hiệu quả là Trần Quang Khải. Toàn bộ lực lượng quân Nguyên đóng giữ ở Hàm Tử nhanh chóng bị đánh tan tành.

Cũng tháng 4 năm ất Dậu (1285), Trần Quang Khải vinh dự được cử làm tướng tổng chỉ huy chiến dịch Chương Dương và Thăng Long. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, lực lượng của Trần Quang Khải đã đẩy lùi quân Nguyên ra khỏi hai vị trí trọng yếu này. Nguy cơ bị đại bại của quân Nguyên bộc lộ rõ rệt. Cộng với các chiến dịch khác ta đã hoàn toàn quét sạch quân Nguyên ra khỏi bờ cõi. Ngày 6 tháng 6 năm ất Dậu, Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông, cùng đại quân nhà Trần trở về kinh đô Thăng Long để tổ chức ăn mừng đại thắng. Trần Quang Khải đã cảm khái mà viết rằng:

Đoạt sáo Chương Dương độ
Cầm Hồ Hàm Tử quan.
Thái bình tu trí lực,
Vạn cổ thử giang san.

Nghĩa là:

Cướp giáo giặc ở bến đò Chương Dương,
Bắt giặc Hồ (tức giặc Nguyên) ở cửa Hàm Tử
Thời thái bình nên gắng đem hết trí tuệ và sức lực (để xây dựng),
Muôn đời (còn mãi) sông núi này.

Trong cuộc kháng chiến lần thứ 3 (1288), Trần Quang Khải được bố trí theo hầu bên cạnh vua Trần Nhân Tông và Thượng hoàng Trần Thánh Tông. Ông vừa lo bảo vệ nhà vua và Thượng hoàng, vừa sẵn sàng tham gia trận mạc dưới quyền chỉ huy trực tiếp của vua và Thượng hoàng. Trong trận quyết chiến chiến lược lịch sử tại Bạch Đằng (9-4-1288), cùng với nhiều tướng lĩnh xuất sắc khác, Trần Quang Khải đã góp phần to lớn vào việc đạp tan toàn bộ đạo quân hùng hậu và thiện chiến của quân Nguyên do tướng Ô Mã Nhi cầm đầu.

Sau chiến thắng Bạch Đằng, Trần Quang Khải tiếp tục tận tuỵ phò tá nhà Trần. Ông nổi tiếng là người có tài giúp vua trị nước, thanh liêm và ngay thẳng. Sách "Khâm định Việt sử thông giám cương mục" có ghi rằng: Trần Quang Khải lúc thì làm tướng võ, khi thì làm tướng văn, giúp cho đế nghiệp của nhà Trần, uy danh sánh ngang với Trần Quốc Tuấn. Ngày 3 tháng 7 năm Giáp Ngọ (1294), Thượng Tướng Thái Sư, Chiêu Minh Đại Vương Trần Quang Khải qua đời, hưởng thọ 54 tuổi.

Vì bận nhiều công việc triều chính, lúc ở Tức Mạc, Thiên Trường, lúc lên Thăng Long nên việc cai quản ấp Ðộc Lập được ông giao cho vợ là công chúa Phụng Dương nắm giữ.

Công chúa Phụng Dương (1244-1291) là con Tướng quốc Thái sư Trần Thủ Độ, mẹ là phu nhân Bảo Châu. Từ nhỏ, Phụng Dương đã nổi tiếng thông minh và rất mực hiền hậu. Vua Thái Tông Trần Cảnh yêu quý đem về cung nhận làm con nuôi, cho hiệu là Phụng Dương. Từ đó Phụng Dương trưởng thành trong hoàng cung như một nàng công chúa.

Lớn lên Phụng Dương được gả cho Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải. Nghi lễ đúng lệ như con gái vua lấy chồng. Nhưng thật không may cho Phụng Dương, lúc ấy Thái sư Trần Quang Khải đang say mê một người thiếp nên nhạt tình với vợ mới. Chuyện đến tai Trần Thủ Độ khiến ông nổi giận cho gọi con gái về hỏi han cặn kẽ rồi quyết định không cho phép Quang Khải được làm như thế. Ở phủ tể tướng, Quang Khải có nhiều thê thiếp nhưng về danh nghĩa, Phụng Dương là chánh phi, tuy nhiên, Phụng Dương đối xử với các thứ thiếp của chồng hết sức bao dung. Bà ân cần chỉ bảo cho họ cách làm ăn, cư xử. Hoặc họ làm điều gì khiến Quang Khải la mắng thì Phụng Dương lại nhẹ nhàng khuyên giải để họ biết lỗi mà sửa. Nhưng trong nội tộc ai không có tài thì "thà cho tiền bạc chứ không giao trọng trách".

Trần Quang Khải bàn việc nước, bà lo quán xuyến việc nhà, cư xử với người già người trẻ có phép tắc, sắp xếp công việc đâu ra đấy, nên tiền tài không hao phí mà vẫn sinh lợi khiến chồng rất hài lòng. Bà là một phụ nữ đảm đang quán xuyến mọi công việc trong Thái ấp như trồng cấy, chăn nuôi, dệt vải, may quần áo cho binh sĩ... Đi lấy chồng nhưng Phụng Dương vẫn săn sóc, phụng dưỡng cha mẹ chu đáo. Khi cha mất, bà đích thân lo cơm nước hầu hạ mẹ hệt như một cô gái thường dân nết na hiếu thảo.

Năm Giáp Thân (1284) quân Nguyên xâm lược nước ta. Thái sư và bà xuôi thuyền cùng triều đình về Thiên Trường. Thình lình nửa đêm có chiếc thuyền bị bốc cháy. Nghe tiếng hoảng loạn, ai nấy tưởng giặc đến nơi rồi. Bà bình tĩnh đánh thức Thái Sư dậy, đưa lá mộc che tên cho chồng. Bà được Thái sư thực sự yêu phục. Khi tuổi đã cao, công chúa Phụng Dương đem hết tài sản của mình chia cho anh em nội tộc, nhiều gia nô được cấp ruộng đất cày cấy...

Bà còn tiến cúng một số tiền lớn để xây chùa Ðộc Lập, ngôi chùa này trong kháng chiến chống Pháp nhân dân đã buộc phải phá đi để tránh việc thực dân Pháp lợi dụng làm nơi đóng quân xâm lược. Ngày nay chùa đã được xây dựng lại khang trang, to đẹp ngay trên nền của ngôi chùa cũ. Bà mất ngày 22 tháng 3 năm Tân Mão (22-4-1291). Thi thể của bà được Thái sư an táng ngay tại nơi bà đã gắn bó cả đời mình. Nhân cách bà được chính Thái sư đánh giá:

- Làm điều thiện, nói điều nhân, sống nết na, chết lưu danh, vượng phu ích tử.

Khu mộ của bà bây giờ to đẹp, được dân làng hương khói quanh năm.
Sau khi Độc Lập trở thành Thái ấp, Trần Quang Khải lập khu phủ Ðệ, xây dựng các công trình lớn có tường cao, hào sâu bảo vệ. Quanh các gò đống là nhà ở của binh lính, gia nô cùng các xưởng rèn, xưởng mộc, làm gốm, nung gạch, nung vôi... Trên cánh đồng người dân trồng bông, nuôi tằm, dệt vải. Tại đây còn có nhiều giếng nước ăn của vương phủ, binh lính và dân chúng.

Thái ấp Độc Lập nằm ở vị trí ngã ba sông Vị Hoàng và Ninh Giang, cận kề với Thiên Trường. Là một vùng đất trũng rộng chừng 300 mẫu, mỗi năm chỉ cấy được một vụ lúa chiêm. Nơi đây còn có nhiều sông ngòi nhỏ, rất thuận tiện trong giao thông đường thủy, lại có bến Ðình có thể neo đậu được nhiều thuyền lớn...

Về giao thông đường bộ, thái ấp nằm cạnh đường thiên lý (đường cái quan từ phủ Thiên Trường lên Thăng Long). Từ đường Thiên Lý vào thái ấp có một con đường thẳng, rộng bằng đường cái quan, quanh năm không hề bị ngập nước, dân gian gọi là đường Cao.

Về giao thông đường sông, từ thái ấp có thể theo đường sông Ninh (Ninh Giang) vào sông Châu ra sông Hồng để lên Kinh đô Thăng Long, lại có thể theo sông Vị Hoàng, sông Đáy vào sông Vân đến Trường Yên. Lại có thể theo sông Vĩnh đến cung Trùng Quang, nơi ngự của Thượng hoàng ở phủ Thiên Trường.

Từ sau hội nghị Bình Than (1282), nhà Trần ráo riết chuẩn bị đối phó với cuộc xâm lược lần thứ hai của quân Nguyên - Mông. Phủ Thiên Trường là một trong số các căn cứ chiến lược, trong đó Thái ấp Ðộc Lập (chỉ cách phủ Thiên Trường khoảng 15 km về phía tây-nam, lại gần đường từ Thiên Trường lên Thăng Long) có tầm quan trọng đặc biệt.

Độc Lập là một trong những phòng tuyến bảo vệ vùng phía Nam của đất nước Đại Việt, bảo vệ cung Thượng hoàng, bảo vệ cuộc rút lui chiến lược của hoàng tộc từ Kinh đô Thăng Long về Thiên Trường. Tuy thái ấp ở cách sông Hồng không xa, nhưng giặc Mông - Nguyên, mặc dù đã rải quân tạm chiếm đóng dọc sông Hồng từ Thăng Long đến Thiên Trường, vẫn không thể tiêu diệt được căn cứ - thái ấp Độc Lập, vì xung quanh thái ấp là sông, ngòi, lạch không thể di chuyển bằng thuyền lớn, lại là vùng trũng, nước mênh mông nên kỵ binh của giặc không thể vào được. Quân nhà Trần còn lập các trạm gác đường thủy tại bến Than, bến Miễu, bến Viện..., các trạm đường bộ tại các vùng lân cận...

Ngoài ra còn tích trữ lương thảo, chiêu tập dân binh, rèn thêm đao kiếm, mặt khác Trần Quang Khải còn thực hiện chính sách "Ngụ binh ư nông" (lúc thái bình là cơ sở kinh tế, lúc chiến tranh thành nơi cung cấp sức người, sức của), đồng thời chuẩn bị tinh thần "vườn không nhà trống" phòng khi quân giặc tràn vào.

Những công lao to lớn đó của Thượng Tướng Thái Sư Chiêu Minh Đại Vương Trần Quang Khải và công chúa Phụng Dương đã reo vào lòng người dân nơi đây sự biết ơn, kính trọng, tự hào. Khi Trần Quang Khải mất, người dân đã lập đình thờ tại nơi gia đình ông sinh sống, mang tên là đình Cao Đài (khu di tích lịch sử được nhà nước xếp hạng), nay thuộc xóm 2- Cao Đài- Mỹ Thành- Mỹ Lộc- Nam Định. Ngôi đình được thiết kế theo lối kiến trúc cổ xưa, mái ngói cong thâm nâu, hai con rồng uốn mình từ hai đỉnh nóc châu đầu vào nhau đã hàng trăm năm tuổi. Đình với 3 gian chính khang trang, sâu vào phía trong là cung cấm đặt tượng và bài vị Trần Quang Khải cùng vợ ông Phụng Dương công chúa.
Quý nhất tại khu di tích này là tấm bia, lập từ năm 1293, ghi công đức của công chúa Phụng Dương. Lời trong văn bia được chính Thái sư Trần Quang Khải và Thái bảo Lê Củng Viên biên soạn. Trước đình là 1 chiếc sân rộng, hai bên là hai dải vũ chạy dài năm gian với những hàng cột gỗ lim bóng đen chống đỡ. Cách con đường đất chạy sát cổng đình là dòng sông nhỏ nước lặng lờ trôi, in bóng cây cầu nhỏ cong cong giữa hai cây đa cổ thụ. Đó là hai hộ pháp canh giữ Phủ Rừng – nơi đặt mộ của Phụng Dương công chúa.

Phủ Rừng vẫn được giữ nguyên vẻ hoang sơ, huyền bí. Qua một khoảng đất rộng lớn, thẳng tắp từng hàng bạch đàn, phi lao là một vòm cây xanh rằng rịt. Bước vào trong sẽ có một cảm giác mát rượi, thanh trong dù mùa đông hay mùa hè, và cũng đầy vẻ uy nghiêm, linh thiêng, tĩnh mịch. Chính giữa là lối đi lát gạch đỏ, tay trái là miếu thờ thần, tay phải là mộ Phụng Dương công chúa. Những năm gần đây Phủ Rừng được nhân dân tu bổ, và xây dựng thêm lối đi cầu bậc thang phía sau ngôi mộ.

Hằng năm, cứ vào ngày giỗ công chúa Phụng Dương (22 tháng 3 âm lịch) và ngày giỗ của Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải (3 tháng 7 âm lịch) nhân dân khắp nơi nô nức về khu di tích Cao Ðài thắp hương tưởng nhớ người xưa có công với nước, với làng. Trước đó hai ngày đình làng đã mở hát trầu văn, kéo cờ và quét dọn. Rạng sáng ngày 22 tháng 3 và mùng 3 tháng 7, trống tế đã vang lên, sau đó lần lượt các đoàn tế nam và nữ của các xóm tụ hội về sân đình. Mỗi đoàn đều có một lễ riêng, gồm mâm xôi, thủ lợn, hoa tươi, ngũ quả, tiền vàng, và đèn nhang. Lễ tế kéo dài cả ngày. Cùng với đó người dân các xóm làng trong xã cũng nườm nượp kéo về đình, về phủ để dâng lễ tạ ơn, cầu mong Ngài phù hộ.

Cứ 7 năm một lần nhân dân nơi đây lại tổ chức lễ hội, diễn ra trong 3 ngày mùng 2, mùng 3 và mùng 4 tháng 7 âm lịch để tưởng nhớ công ơn của Thượng Tướng Thái Sư Chiêu Minh Đại Vương Trần Quang Khải. Ngày đầu tiên là ngày khai hội với lễ dâng hương, gọi là cáo giỗ. Ngày thứ hai là ngày hội chính, thực hiện lễ cúng tế của các già làng, các đoàn, hội. Và ngày thứ ba là ngày kết thúc lễ hội. Ngoài hoạt động tế lễ là phần chính, lễ hội còn diễn ra các trò chơi dân gian, hoạt động mô phỏng cuộc sống sinh hoạt và chiến đấu của nhân dân xưa, như: rước đuốc, lấy nước, lấy gạo từ các làng xa, ăn mía nấu cơm thi; đèn lồng kéo quân; kéo co; chơi cờ người; cờ tướng; múa võ; đặc biệt diễn lại tích thuyền chài đuổi bắt tầu Ngô…Khung cảnh đó khiến ta nhớ lại cuộc sống nơi ấp xưa trù phú, yên bình, nhưng cũng rất oai hùng, lẫm liệt, giáo dục con cháu về truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm. Các trò vui chơi như đu quay, ném vòng…cũng diễn ra sôi nổi.
Chữ ký của phangxehana




 

Trần Quang Khải-Phụng Dương công chúa với Thái ấp Độc Lập

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
CLB Sử Học Trẻ Việt Nam :: VĂN HOÁ NGHỆ THUẬT :: VĂN HOÁ - NGHỆ THUẬT VIỆT NAM :: Lễ hội dân gian-
________________________________________________________________________
Copyright ©2007 - 2009, Forumotion
Suhoctre ©2007- 2009 Phát triển bởi thành viên Diễn đàn
BQT Diễn đàn: Châu Tiến Lộc - Nguyễn Thị Trang - Phạm Ngọc Thạch

Sáng lập viên : Châu Tiến Lộc, Nguyễn Hùng Sơn, Nguyễn Thái Bình
Email : suhoctre@gmail.com - Forum : http://suhoctre.no1.vn
Xem trang web này tốt nhất với độ phân giải 1024x768 (hoặc cao hơn) với Firefox 3.0


Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Cookies | Thảo luận mới nhất