Phân loại câu hỏi và cách trả lời
Căn cứ vào cơ cấu đề thi môn địa lý nhiều năm gần đây, có thể khái quát đề thi bao gồm hai phần: phần lý thuyết với số điểm dao động từ 6,5-7 điểm, thường có hai câu hỏi, mỗi câu từ 3-4 điểm; phần thực hành với số điểm từ 3-3,5 điểm, tùy mức độ các bài tập khác nhau.
.......
Với cơ cấu đề thi và biểu điểm trên, thí sinh (TS) không thể tập trung vào một trong hai phần lý thuyết hoặc thực hành được mà phải ôn tập đồng đều cả hai.
Trong đó, việc nắm vững các kiến thức cơ bản của toàn bộ chương trình và bản chất các kiến thức là khâu quan trọng nhất. Tuy nhiên việc nắm vững kiến thức cơ bản không phải là tất cả, biết vận dụng những kiến thức đó để trả lời đúng các yêu cầu của từng loại câu hỏi trong đề thi mới là khâu quyết định, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả bài thi môn địa lý.
Vì vậy ngay từ khi ôn tập, TS nên phân loại các câu hỏi và cách trả lời từng dạng câu hỏi (lý thuyết cũng như thực hành). Cách làm này rất có hiệu quả, giúp TS nhanh chóng có định hướng làm bài ngay sau khi đọc đề thi.
Đối với câu hỏi lý thuyết môn địa lý, qua các kỳ thi tuyển sinh những năm gần đây thường có năm dạng chủ yếu:
- Dạng trình bày: đây là dạng câu hỏi đơn giản nhất, chỉ cần TS trình bày lại các kiến thức cơ bản, sắp xếp các kiến thức đó một cách hợp lý, phù hợp với yêu cầu các câu hỏi là được.
- Dạng chứng minh: đòi hỏi TS phải biết vận dụng các kiến thức cơ bản, nhất là các số liệu đã được chọn lọc để chứng minh một hiện tượng địa lý nào đó.
- Dạng so sánh: dạng câu hỏi này yêu cầu TS phải nêu bật được sự giống nhau, khác nhau giữa hai hay nhiều hiện tượng địa lý.
- Dạng giải thích: đây là một dạng khó, yêu cầu TS trả lời câu hỏi “Tại sao”. Để làm được, TS không chỉ đơn thuần nắm vững các kiến thức cơ bản mà còn phải biết vận dụng các kiến thức đó để giải thích một hiện tượng địa lý.
- Dạng phân tích mối quan hệ: dạng câu hỏi này đòi hỏi TS phải thấy được mối quan hệ nhân quả và tác động qua lại của các hiện tượng địa lý với nhau.
Đối với các bài tập thực hành, chủ yếu là vẽ, nhận xét, giải thích các loại biểu đồ địa lý, TS ngoài việc thể hiện các biểu đồ đó một cách chính xác, rõ ràng và đẹp, còn phải biết thể hiện loại biểu đồ nào thích hợp nhất đối với từng bài tập thực hành địa lý.
Việc xác định tính chất của các loại biểu đồ chính là giúp TS dễ dàng lựa chọn biểu đồ thích hợp nhất để thể hiện yêu cầu của đề bài. Có thể chia làm ba dạng biểu đồ thể hiện các tính chất cơ bản:
- Biểu đồ động thái: thể hiện sự phát triển, thường sử dụng biểu đồ cột, đồ thị hoặc biểu đồ kết hợp.
- Biểu đồ cơ cấu: thể hiện tỉ lệ phần trăm các thành phần của một tổng thể, thường thể hiện bằng biểu đồ hình tròn.
- Biểu đồ thể hiện sự biến đổi cơ cấu thường thể hiện bằng biểu đồ miền là thích hợp nhất
Như vậy ứng với phần lý thuyết và thực hành là các dạng câu hỏi khác nhau và tất nhiên cách giải cũng khác nhau.
Trình tự và cách trình bày bài thi cũng góp phần không nhỏ vào kết quả làm bài của TS. Trong đó cần lưu ý làm đề cương cho mỗi câu hỏi trên giấy nháp. Đây là một đặc trưng của môn địa lý, điểm cho theo ý nhưng bài làm lại phải viết thành một bài có kết cấu trình tự. Vì vậy TS cần phác thảo các ý chính và ý phụ cho từng câu hỏi. Việc làm đề cương giúp TS khi làm bài không bị bỏ sót ý.