CLB Sử Học Trẻ Việt Nam
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


CLB Sử Học Trẻ Việt Nam
 
Latest imagesTrang ChínhĐăng kýĐăng Nhập
DIỄN ĐÀN SỬ HỌC TRẺ - Điểm hẹn của những người đam mê Sử học từ khắp mọi miền Tổ quốc.
Most Viewed Topics
Chữ viết ở Đông Nam Á
Nguyễn Ái Quốc những hoạt động chủ yếu từ 1919-1930 và vai trò đối với CMVN
Tại sao giai cấp nông dân không thể là giai cấp lãnh đạo cách mạng?
Nguyên nhân chính của cao trào 30-31 là nguyên nhân nào ??
Điều lệ của Câu lạc bộ Sử học Trẻ; Nội quy của Forum Suhoctre
TỔ CHỨC BỘ MÁY NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT THỜI NGÔ - ĐINH - TIỀN LÊ
Đặc điểm con người nhà văn Nam Cao
Tư sản dân quyền
phong trào cách mạng 1936-1939 có mang tính dân tộc hay không?
Đặc điểm của cuộc cách mạng tư sản Anh thế kỉ XVII:

Share | 

 

 Vua Lê Lợi giành lại được lãnh thổ

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Vua Lê Lợi giành lại được lãnh thổ I_icon_minitimeFri Jul 11, 2008 12:11 pm

ChauTienLoc
SV ngành Quản lý Nhà nước - Học viện Hành chính Quốc gia

CỐ VẤN CHUYÊN MÔN

ChauTienLoc

CỐ VẤN CHUYÊN MÔN

https://suhoctre.forumvi.net
Họ & tên Họ & tên : CHÂU TIẾN LỘC
Vai trò trong CLB Sử học Trẻ Vai trò trong CLB Sử học Trẻ : Sáng lập viên, Cựu Chủ nhiệm CLB Sử học Trẻ (từ tháng 06/2008 đến 01/2011)
Huy chương Cống hiến Huy chương Cống hiến : Vua Lê Lợi giành lại được lãnh thổ 42
Huy chương thành tích Huy chương thành tích : Vua Lê Lợi giành lại được lãnh thổ Laodong1 Vua Lê Lợi giành lại được lãnh thổ DHVgioi Vua Lê Lợi giành lại được lãnh thổ Medal124 Vua Lê Lợi giành lại được lãnh thổ 36Vua Lê Lợi giành lại được lãnh thổ 40Vua Lê Lợi giành lại được lãnh thổ 102Vua Lê Lợi giành lại được lãnh thổ 68
Ngày tham gia Ngày tham gia : 17/06/2008
Tổng số bài gửi Tổng số bài gửi : 823
Đến từ Đến từ : TP. Hồ Chí Minh
Sở trường/ Sở thích Sở trường/ Sở thích : SV ngành Quản lý Nhà nước - Học viện Hành chính Quốc gia
Điểm thành tích Điểm thành tích : 1969
Được cám ơn Được cám ơn : 665

Bài gửiTiêu đề: Vua Lê Lợi giành lại được lãnh thổ

 
Hồ Bạch Thảo
Vua Lê Lợi giành lại được lãnh thổ

Vụ án xẩy ra dưới triều vua Hiến Tông nhà Minh [1464], liên quan đến việc truy tố viên Tri phủ Lâm An, tỉnh Vân Nam đã che dấu không trình báo việc dân Di Trắng (có lẽ là dân tộc Thái Trắng) từ châu Ninh Viễn nước ta (nay thuộc các tỉnh Lai Châu, Điện Biên) đến đánh phá vùng La Mai thuộc phủ Lâm An. Nội dung văn bản về vụ án còn tiết lộ rằng dưới thời vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi), nước ta đã lấy lại được từ Trung Quốc vùng đất Lộc Châu phía đông bắc tỉnh Lạng Sơn và ngay cả châu Ninh Viễn:

Ngày 4 tháng 7 năm Thiên Thuận thứ 8 [6/8/1464]

Đầu mục châu Ninh Viễn Thứ Mãnh Thứ Tiễn dẫn thổ dân Di Trắng chân đen đến cướp phá vùng La Mai thuộc phủ Lâm An, Vân Nam; viên Tri phủ Chu Anh dấu việc này không trình. Rồi có một số hơn 80 người gồm cả trai gái thuộc trại La tại An Nam đến theo; y trưng công việc này và che dấu lỗi cũ. Bọn quan Tổng binh Đô đốc Đồng tri Mộc Toản tâu lên. Đô sát viện xin Tuần án Ngự sử bắt và điều tra. Châu Ninh Viễn vốn là đất của Trung Quốc, hồi đầu triều [Minh] thuộc ty Bố chánh Vân Nam; năm đầu Tuyên Đức, Lê Lợi làm phản, triều đình cho lại đất cũ. Chúng bèn chiếm cả châu Ninh Viễn và Lộc Châu thuộc phủ Thái Bình, Quảng Tây; lúc bấy giờ cơ quan hữu trách không kiểm soát, nên nay bị mất vào tay người Di. [1]

Tuy công nhận sự kiện hai vùng đất Lộc Châu và Ninh Viễn đã trở về lãnh thổ nước ta, nhưng ý hai câu văn cuối cùng có điểm tương phản:

Trong câu:

“Châu Ninh Viễn vốn là đất của Trung Quốc, hồi đầu triều Minh thuộc ty Bố chánh Vân Nam, năm đầu Tuyên Đức Lê Lợi làm phản, triều đình cho lại đất cũ.” [2]

Có nghĩa triều đình nhà Minh cho ta đất cũ.

Nhưng câu cuối lại bảo vì không kiểm soát, nên bị mất vào tay nước ta:

“Chúng bèn chiếm cả châu Ninh Viễn và Lộc Châu thuộc phủ Thái Bình Quảng Tây; lúc bấy giờ cơ quan hữu trách không kiểm soát, nên nay bị mất vào tay người Di.” [3]

Với lối hành văn trịch thượng của Thiên triều, người đọc có thể hiểu lầm vua Tuyên Tông nhà Minh có hảo ý trả lại cho ta đất cũ. Ngay Đào Duy Anh trong Đất nước Việt Nam qua các đời cũng đã dẫn từ sách địa chí của Phương Đình Nguyễn Văn Siêu, và Phương Đình lại dẫn lại từ sách địa chí của Trung Quốc Thái Bình phủ chí, nói rằng: Năm Tuyên Đức thứ Nhất [1426] nhà Minh đem châu Lộc cùng châu Tây Bình trả lại cho nước ta, nhà Lê họp hai châu ấy làm châu Lộc Bình. [4]

Nhằm làm sáng tỏ vấn đề, hãy lần lượt xét lại từ đầu hai vụ tranh chấp châu Ninh Viễn và châu Lộc:


A. Ninh Viễn

Theo Đại Nam nhất thống chí, châu Ninh Viễn còn có tên Mường Lễ; thời nhà Lý nằm trong đạo Lâm Tây, nhà Trần đặt ra đạo Đà Giang, cuối đời Trần đổi là trấn Thiên Hưng. Mường Lễ thuộc dân tộc thiểu số, nên thời xưa được triều đình ta cai trị theo lối ky my, nghĩa là cai trị một cách lỏng lẻo, các Tù trưởng có quyền tự trị, chỉ hàng năm theo lệ nạp cống. Đến thời nhà Hồ, trong nước có nhiều sự cải cách, nên sự đòi hỏi của triều đình không còn đơn giản như trước; về điểm này Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi đã vẽ ra những nét khái quát như sau:

Vừa rồi:
Vì họ Hồ chính sự phiền hà,
Để đến nổi lòng người oán hận.

Hậu quả là Tù trưởng châu Ninh Viễn kết oán với nhà Hồ, rồi dâng biểu tố cáo với Trung Quốc:

Ngày 6 tháng 2 năm Vĩnh Lạc thứ 3 [6/3/1405]

Thổ quan châu Ninh Viễn, Vân Nam là Đèo Cát Hãn tâu rằng “Hạt của thần có 7 trại tại Mãnh Mạn, vốn đất xưa của tổ tông, mới đây bị An Nam đánh chiếm; lại bắt rể và con gái thần cùng nhân dân súc vật. Ngoài ra còn bắt trưng nạp phục dịch trăm lối. Thần đời đời phụng cống Trung Quốc, nay bị ngược hại không thể chịu nổi, xin được triều đình thương xót.

Thiên tử mệnh bộ Lễ sai Sứ mang sắc dụ Hồ Đê [vua Hồ Hán Thương] nước An Nam rằng:

“Trước đây đã sai Ngự sử Lý Kỳ hỏi ngươi về việc giết chúa, tiếm vị, cải quốc hiệu. nay châu Ninh Viễn lại tâu rằng ngươi chiếm đoạt 7 trại tại Mãnh Mạn, bắt trai gái, cướp người vật; trưng thu, sưu dịch trăm cách; sự việc như thế nào ngươi hãy tâu sự thực.” [5]

Lúc này nhà Minh đang tìm mọi cách gây sức ép với nhà Hồ, trong đó có những vấn đề như:
+ Trần Thiêm Bình thuộc dòng dõi nhà Trần, tố cáo Hồ Quí Ly giết vua cướp nước.
+ Chiêm Thành tố cáo nhà Hồ xâm lăng.
+ Tù trưởng phủ Tư Minh tố cáo chiếm đất.
+ Rồi đến vụ châu Ninh Viễn.

Trước mối đe dọa nghiêm trọng nhà Minh sắp xâm lăng nước ta, cha con họ Hồ buộc phải sai Sứ thần Nguyễn Cảnh Chân sang Trung Quốc trần tình xoa dịu, trả các vùng đất như Lộc Châu, trại Mãnh Mạn thuộc châu Ninh Viễn:

Ngày 26 tháng 6 năm Vĩnh Lạc thứ 3 [22/7/1405]

Hồ Đê nước An Nam sai sứ là bọn Nguyễn Cảnh Chân theo Giám Sát Ngự sử Lý Kỳ vào triều tạ tội Thiên tử và tâu:

“Thần Đê cha con, quả thực là Bồi thần lại kết liên hôn nhân, trước đây tận tâm thờ tiên Vương, đâu dám làm điều soán thí để phạm đại tội. Vì họ Trần gặp nhiều nạn, con cháu chết hết, Thần là cháu ngoại được dân chúng cử lên quyền coi việc quốc sự, lo việc cúng tế; lại được Thánh triều ban tước, chỉ mong cẩn thận sợ bị sai lầm. Là nước nhỏ bé ở nơi cùng tịch hoang vu, đâu dám thay triều đại, dối trời, phạm thượng. Thiên Bình vốn người họ Trần, bị đuổi ra ngoài từ lâu, không ngờ còn sống; biết tin tức này nên được Thiên tử rộng ơn cho người đến hỏi. Thần xin đón Thiên Bình về thờ làm vua, các xứ Lộc Châu, các trại Mãnh Mạn cũng ra lệnh trả lại, đã sai người đến các xứ đó để giao cắt đất đai. Cúi đầu xin Hoàng thượng như trời đất cha mẹ, tha cho Thần sự ngu dại, tội đáng chết. Thần sợ hãi khôn cùng, hết sức trông mong. Thiên tử vui và chấp nhận. [6]

Tuy đã trả đất, nhưng trong tờ tuyên cáo kết án nhà Hồ với 20 tội được ban bố lúc mang quân sang xâm lăng nước ta, Minh Thái Tông vẫn còn nêu vụ Ninh Viễn trong các tội thứ 9 và 10:

+ Châu Ninh Viễn đời đời triều cống Trung Quốc. Giặc họ Lê cậy mạnh chiếm 7 trại; rồi cai trị dân chúng, giết cả nam lẫn nữ; tội thứ chín.
+ Giết rể của Thổ quan Đèo Cát Hãn là Đèo Mãnh Mạn; bắt con gái y để dễ bề sai khiến, đòi nạp tiền, phục dịch trăm thứ; tội thứ mười.

Trong giai đoạn này, Đèo Cát Hãn qui phụ nhà Minh, đất Ninh Viễn được giao cho Vân Nam cai trị theo lối ky my. Tuy nhiên đến đời vua Tuyên Tông nhà Minh, trong nước ta có nhiều cuộc nổi dậy như giặc Áo Đỏ, vua Lê Lợi vv..; Đèo Cát Hãn bị kẹp giữa hai thế lực nhà Minh và phe nổi dậy nên đành phải dung hòa, để lờ cho phe nổi dậy hoạt động. Qua văn bản dưới đây, vua Tuyên Tông ra lệnh cho quan Tổng binh Mộc Thạnh đòi hỏi Đèo Cát Hãn phải đánh bắt phe nổi dậy:
Chữ ký của ChauTienLoc





Vua Lê Lợi giành lại được lãnh thổ I_icon_minitimeFri Jul 11, 2008 12:19 pm

ChauTienLoc
SV ngành Quản lý Nhà nước - Học viện Hành chính Quốc gia

CỐ VẤN CHUYÊN MÔN

ChauTienLoc

CỐ VẤN CHUYÊN MÔN

https://suhoctre.forumvi.net
Họ & tên Họ & tên : CHÂU TIẾN LỘC
Vai trò trong CLB Sử học Trẻ Vai trò trong CLB Sử học Trẻ : Sáng lập viên, Cựu Chủ nhiệm CLB Sử học Trẻ (từ tháng 06/2008 đến 01/2011)
Huy chương Cống hiến Huy chương Cống hiến : Vua Lê Lợi giành lại được lãnh thổ 42
Huy chương thành tích Huy chương thành tích : Vua Lê Lợi giành lại được lãnh thổ Laodong1 Vua Lê Lợi giành lại được lãnh thổ DHVgioi Vua Lê Lợi giành lại được lãnh thổ Medal124 Vua Lê Lợi giành lại được lãnh thổ 36Vua Lê Lợi giành lại được lãnh thổ 40Vua Lê Lợi giành lại được lãnh thổ 102Vua Lê Lợi giành lại được lãnh thổ 68
Ngày tham gia Ngày tham gia : 17/06/2008
Tổng số bài gửi Tổng số bài gửi : 823
Đến từ Đến từ : TP. Hồ Chí Minh
Sở trường/ Sở thích Sở trường/ Sở thích : SV ngành Quản lý Nhà nước - Học viện Hành chính Quốc gia
Điểm thành tích Điểm thành tích : 1969
Được cám ơn Được cám ơn : 665

Bài gửiTiêu đề: Re: Vua Lê Lợi giành lại được lãnh thổ

 
Ngày 3 tháng 3 năm Tuyên Đức thứ nhất [10/4/1426]

Mệnh quan Tổng binh Thái truyền Kiềm Quốc công Mộc Thạnh đôn đốc thổ quan châu Ninh Viễn Tri châu Đèo Cát Hãn bắt giặc tại châu Ninh Viễn. Tham tướng Vinh Xương bá Trần Trí chiêu hàng và bắt bọn giặc tại các phủ Tuyên Hóa, Thái Nguyên thuộc Giao Chỉ. Lúc bấy giờ Đô đốc Trần Tuấn giữ chức Đô ty Giao Chỉ tâu rằng:

“Bọn giặc tại các phủ Tuyên Hóa, Gia Hưng, đầu đảng là bọn Chu Trang cấu kết với giặc Áo Đỏ bọn Trương Kình tại Vân Nam và châu Ninh Viễn; chúng cướp giết nhân dân, thiêu hủy châu huyện nhà cửa. Tại châu Qui Hóa, bọn giặc Hoàng Am tụ họp đám đông trộm cướp; lại thêm tại huyện Phù Lưu, giặc Phan Khả Lợi theo tên đầu đảng Lê Lợi cướp phá. Vì hai phủ Thái nguyên, Tuyên Hóa có những châu huyện lân cận với Vân Nam; riêng tại châu Ninh Viễn có bọn giặc mặc áo đỏ bụng đen, nên gọi là giặc áo đỏ; thổ quan Tri châu Đèo Cát Hãn để chúng lộng hành cướp phá, quan quân mang quân thảo phạt thì trốn sâu vào trong rừng, quân rút lại xuất hiện cướp phá; xin mang quân đánh dẹp.”


Vì vậy nên ra sắc mệnh này. [7]

Đèo Cát Hãn đã từng có thái độ thiếu tích cực trong việc giúp nhà Minh đánh dẹp cuộc khởi nghĩa của vua Lê Lợi; tuy nhiên việc qui hàng của Đèo Cát Hãn đã biến châu Ninh Viễn nằm trong lãnh thổ Vân Nam. Để cho Trung Quốc có thể vây bọc thêm phía ngang hông tức miền tây nước ta, xét về lâu dài là một mối hiểm nguy cho đất nước; phải chăng vì lý do này nên vừa mới hoàn thành cuộc giải phóng dân tộc và lên ngôi được 5 năm, vua Lê Thái Tổ lại thân chinh đi đánh châu Ninh Viễn. Xét thêm về hai câu luận trong bài thơ Đường Luật khắc tại châu Đà Bắc vào tháng 3 năm Thuận Thiên thứ 5 [1432], nhà vua có nói rõ ý này:

Tính việc biên phòng cho vững chắc,
Toan bề xã tắc được bình an. [8]


Lẽ dĩ nhiên trước sức mạnh của quân ta, Đèo Cát Hãn không đương nổi, nên phải cầu viện Trung Quốc. Đô đốc Mộc Ngang thuộc tỉnh Vân Nam muốn mang quân đi cấp cứu; nhưng vua Tuyên Tông nhà Minh thì đã biết rõ thực lực nước ta, nên viện lẽ từ chối, không muốn can thiệp thêm một lần nữa:

Ngày 22 tháng 2 năm Tuyên Đức thứ 7 [23/3/1432]

Đô ty Vân Nam tâu rằng:

“Thổ quan châu Ninh Viễn Tri châu Đèo Cát Hãn mới đây bị giặc Giao Chỉ đánh, xin viện binh. Tam ty bàn định điều quan quân 6.000 người, do Đô đốc Mộc Ngang đốc suất, đến giúp.”

Thiên tử sai người mang sắc dụ Ngang rằng:

“Bọn Man Di ngụy trá, chưa thể khinh suất tin được. Trước đây nam chinh từng điều quân Ninh Viễn 7.000, nhưng quân Ninh Viễn không chịu đến, bọn chúng ngầm trợ Lê Lợi phản nghịch. Nay theo lời chúng xin, chắc có sự thù giết, cũng không biết được. Làm sao lại khinh động quan quân, vì bọn man di lao dịch nơi xa xôi. Phải quan sát sự thực mới nên tiến hay dừng. [9]


Đào Duy Anh, trong Đất nước Việt Nam qua các đời chép về giai đoạn lịch sử này như sau:

Thời nhà Trần, năm Quang Thái thứ 10 (1397) đổi lộ Đà giang thành trấn Thiên Hưng. Vào năm 1404, Tù trưởng Mường Lễ Đèo Cát Hãn cùng với quan lại phủ Khai Hóa, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đến yết kiến Hoàng đế nhà Minh vu cáo như sau:

“Đất Mãnh Mạn 7 trại (giáp với biên giới Vân Nam) là đất cũ của hạ thần mới đây bị An Nam cướp đoạt.”

Hoàng đế nhà Minh từng đưa việc nầy hạch hỏi vua nhà Hồ. Sau khi Lê Lợi đánh đuổi quân Minh, Đèo Cát Hãn vẫn không chịu thuần phục. Năm Thuận Thiên thứ hai vua Lê Thái Tổ đặt hai phủ Gia Hưng và Qui Hóa; sau đó thân suất đại quân đánh châu Mường Lễ. Ngày nay tại triền núi bên bờ sông Đà thuộc tỉnh Lai Châu còn lưu dấu bia khắc bài thơ ngũ ngôn cùng bài tự của vua Lê Thái Tổ. Bài tự như sau:

“Di địch là mối lo nơi biên thùy, từ xưa đã có như vậy. Hung Nô đời Hán, Đột Quyết đời Đường, các dân man tại Mường Lễ cũng như vậy. Trước đây dưới thời Trần Hồ, chính sự suy vi, phiên thần lộng hành; Cát Hãn noi theo thói cũ, cậy vào đất hiểm không chịu thuần phục. Nay Trẫm mang quân đi đánh dẹp, thủy bộ cùng tiến, bình định hoàn toàn, bèn chế bài thơ nầy để làm răn cho bọn tù trưởng man di đời sau không chịu hàng phục…”


Tại châu Đà Bắc lại có một bia đá khắc bài thơ thất ngôn của vua Lê Thái Tổ, cùng bài tự đề ngày 1 tháng 3 năm Thuận Thiên thứ 5 [1432], có đoạn ghi như sau “Trẫm đánh dẹp Cát Hãn trở về nơi nầy, bèn ngự chế bài thơ sau đây...” Lúc nầy Đèo Cát Hãn chạy trốn sang Ai Lao, nhà vua đổi Mường Lễ thành châu Phục Lễ [10] .

Cương Mục chép thêm vào tháng 11 năm này cha con Đèo Cát Hãn xin hàng:

Tháng 11, mùa đông, Đèo Cát Hãn và con là Mạnh Vượng xin hàng. Nhà vua tha tội cho Cát Hãn và phong làm Tư Mã. [11]

B. Lộc Châu


Qua bài “Lần theo Minh sử đến Minh thực lục, tìm hiểu vụ tranh chấp lãnh thổ thời Trần” (talawas 09/4/2007), trong đó có bức thư của vua Trần Thuận Tông gửi cho triều đình nhà Minh trần tình về việc Tri phủ Tư Minh tố cáo ta chiếm đất. Lời thư rắn rỏi, lý lẽ đầy sức thuyết phục, đoạn kết có những câu như sau:

Hạ quốc với Tư Minh giáp giới, người phủ Tư Minh thường đến đất hạ quốc dành đất đai, cướp trâu, súc vật; hạ quốc là chỗ sơ viễn khó có thể tố cáo. Nay Tư Minh đã quen với thu hoạch nhỏ, nên mưu lợi lớn.

Nếu hạ quốc xâm chiếm thì trả lại có khó gì! Nay không xâm chiếm lấy gì mà thoái hoàn. Năm huyện này là của hạ quốc, đời nối đời truyền lại; đất để lại phải giữ vững, đâu dám để đất đai của tổ tiên, giao cho Tư Minh. Hai bên đóng giữ biên giới đã định sẵn để thờ thiên triều, đâu dám tham vọng xâm đoạt để phiền đến thượng ty. Duy thánh Thiên tử đối xử cùng một lòng nhân, cùng đức với trời đất, nên hạ quốc dựa vào đó để dốc hết gan ruột ra trình bày, làm phiền nghe những lời rờm rà, tội không thể tránh được. Nay đã trình bẩm lên, cúi mong các hạ trên thể theo lòng chí đức của Thiên tử, nhìn xuống dưới thương xót đến hạ quốc người xa xôi, thẩm xét giám sát, hạ quốc lấy làm may mắn vô cùng.”


Lời lẽ trong thư đã lay chuyển được phần nào ý định của vua Minh Thái Tổ, nên nhà vua đã ra lệnh bỏ qua việc này. Nhưng đến đời con là Minh Thái Tông; vị vua ưa dùng binh gây hấn, đã từng cậy sức mạnh tranh ngôi của cháu mà Minh sử gọi là “Tĩnh nạn”, lại chuẩn bị xâm lăng nước ta để bành trướng lãnh thổ. Giai đoạn này, vụ Lộc Châu được hâm nóng, bởi lời tố cáo tiếp của Tri phủ Tư Minh Hoàng Quảng Thành:

Ngày 3 tháng 4 năm Vĩnh Lạc thứ 2 [11/5/1404]

Tri phủ Tư Minh, Quảng Tây, Hoàng Quảng Thành tâu:

“Bản phủ tiếp giáp với An Nam; châu Lộc, châu Tây Bình, trại Vĩnh Bình đều là đất cũ của cha ông. Năm gần đây, An Nam mấy lần mang binh xâm lấn, rồi chiếm lấy. Nay gặp thánh nhân cai trị, nếp cũ được tôn trọng; nghĩ đến đất đai của thần truyền từ nhiều đời, hy vong Thiên tử anh minh soi xét cương vực, ra chỉ dụ bắt trả lại, thì thật may mắn.”

Thiên tử chấp thuận. [12]

Thực hiện lời nhượng bộ của Hồ Hán Thương [Hồ Đê] (phần trên); Hồ Quý Ly sai Hành khiển Hoàng Hối Khanh cắt đất:

Quý Ly sai Hoàng Hối Khanh làm cát địa sứ. Hối Khanh đem các thôn như Cổ Lâu, gồm cả thảy 59 thôn trả cho nhà Minh. Quý Ly trách mắng lăng nhục Hối Khanh vì trả lại đất nhiều quá. Những thổ quan do bên kia đặt, Quý Ly đều bí mật sai thổ nhân ở đó đánh thuốc độc giết đi. [13]

Dù đã trả quá nhiều đất,nhưng theo miệng lưỡi của vua Minh Thái Tông trong bản kết tội nhà Hồ, thì chỉ mới trả được hai, ba phần mười!

… Chiếm đất thuộc phủ Tư Minh, Lộc Châu, Tây Bình Châu, trại Vĩnh Bình. Triều đình sai sứ đòi lại, thì dùng lời lẽ chống chế, chỉ trả lại không đến hai hoặc ba phần mười; tội thứ mười hai.

Sau khi trả đất, lại sai đồ đảng đến cướp giết mệnh quan của triều đình tại châu Tây Bình, cùng mưu cướp phá tại tỉnh Quảng Tây; tội thứ mười ba… [14]


Bây giờ hãy trở lại với câu văn nói về sự kiện vua Lê Lợi lấy lại được đất Lộc Châu, trong văn bản đề cập ở phần trên:

… năm đầu Tuyên Đức Lê Lợi làm phản, triều đình cho lại đất cũ. Chúng bèn chiếm cả châu Ninh Viễn và Lộc Châu thuộc phủ Thái Bình, Quảng Tây; lúc bấy giờ cơ quan hữu trách không kiểm soát, nên nay bị mất vào tay người Di. [15]

Với những sự kiện mô tả, có thể hình dung được sự việc như sau: Sau chiến thắng tại ải Chi Lăng vào mùa thu năm 1427, quân ta tràn lên như nước vỡ bờ, khiến quân Minh phải rút lui ra khỏi những vùng đã từng chiếm được, trong đó có vùng Lộc Châu. Quân ta nghiễm nhiên chiếm lại vùng đất này; sự việc đã rồi, nhà Minh buộc phải thừa nhận vùng đất Lộc Châu thuộc lãnh thổ ta.

*

Qua những điều vừa đề cập, người đọc sử hiểu rằng vua Lê Thái Tổ đã thực hiện được những truyền thống tốt đẹp của dân tộc:

• Thứ nhất là giữ vững lãnh thổ, không nhường một tấc đất cho ngoại bang. Truyền thống này đã được vua Trần Thuận Tông đề cập trong thư gửi cho triều đình nhà Minh ghi ở phần trên:

Năm huyện này là của hạ quốc, đời nối đời truyền lại; đất để lại phải giữ vững, đâu dám để đất đai của tổ tiên, giao cho Tư Minh.

• Thứ hai là thừa kế việc làm của chính quyền trước. Do nhà Hồ đã bị ép phải nhường đất Ninh Viễn và Lộc Châu cho nhà Minh. Chính vua Lê Thái Tổ, ngoài sứ mạng giải phóng dân tộc thoát ách đô hộ, trước khi nhắm mắt đã lấy lại được những phần đất bị mất.

© 2007 talawas
________________________________________
[1]Minh Thực lục v. 39, tr. 163 164; Hiến Tông q. 7, tr.1a-1b.
[2]寜 遠 州 本 中 國, 地, 國 初 屬 雲 南 布 政 司, 宣 德 初 黎 利 叛, 朝 廷 予 之 故 地.
NINH VIễN CHÂU BảN TRUNG QUốC ĐịA, QUốC SƠ THUộC VÂN NAM Bố CHÁNH TY, TUYÊN ĐứC SƠ LÊ LợI BạN, TRIềU ĐÌNH Dữ CHI Cố ĐịA.

Ning yuan Subprefecture was originally China’s territory. At the beginning of the dynasty, it was subject to the Yun Nan Provincial Administration Commission. At the beginning of the Xuan De reign [1426-35], Li Li rebelled against the court and was granted his former land. (Minh Thực lục, Hiến Tông, q. 7, tr. 1a-1b. Bản dịch Anh văn Asia Research Institute and the Singapore E Press.)
[3]乃 併 寜 遠 州, 及 廣 西 太 平 府 之 祿 州 爲 所 占, 當 時 有 司 失 於 檢 察, 今 遂 陷 於 夷.
Nãi tính Ninh Viễn châu, cập Quảng Tây Thái Bình phủ chi Lộc Châu vi sở chiếm, đương thời hữu ty thất ư kiểm sát, kim toại hãm ư Di.
He had also occupied Ning Yuan Subprefecture together with Lu Subprefecture in Tai Ping Prefecture, Guang Xi. At that time, the officials were careless in their examination and these areas had thus gradually reverted to the Yi.
(Minh Thực lục, Hiến Tông, q. 7, tr. 1a-1b. Bản dịch Anh văn Asia Research Institute and the Singapore E Press.)
[4]Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, NXB Thuận Hóa, tr. 147.
[5]Minh Thực lục q.v. 10, tr. 651; Thái Tông q. 39, tr. 2a.
[6]Minh Thực lục v. 10, tr.0687-0688; Thái Tông q. 43, tr. 4a-4b.
[7]Minh Thực lục v. 16, q. 15, tr. 0392; Tuyên Tông q. 15, tr.1
[8]Nguyên văn bài thơ của vua Lê Thái Tổ; khắc tại núi Khác Pha, xã Hào Tráng, châu Đà Bắc sau khi đánh dẹp Đèo Cát Hãn trở về, phiên âm như sau:
Kỳ khu hiểm lộ bất từ nan,
Lão ngã do tồn thích thạch can.
Hào khí tảo không thiên chướng vụ,
Tráng tâm di tận vạn trùng san.
Biên phòng hảo vị trù phương lược,
Xã tắc ưng tu kế cửu an.
Hư đạo nguy than tam bách khúc,
Như kim chỉ tác thuận hưu khan.

Bản dịch
Đường hiểm cheo leo cứ tiến tràn,
Ta già sắt đá vẫn bền gan.
Khí hào quét sạch hơi lam chướng,
Dạ vững san bằng núi ngút ngàn.
Tính việc biên phòng cho vững chắc,
Toan bề xã tắc được bình an.
Ai rằng thác réo ba trăm khúc,
Thuyền thả xuôi dòng hết hiểm gian.
(Nguyễn Văn Siêu, Phương Đình dư địa chí, Ngô Mạnh Nghinh dịch, NXB Văn hóa Thông tin, tái bản năm 2001, tr. 418-419)
[9]Minh Thực lục v. 20, tr. 2009; Tuyên Tông q. 87, tr.7a
[10]Dịch lại từ bản dịch Đất nước Việt Nam qua các đời của Đào Duy Anh do nhà xuất bản tại Bắc Kinh dịch từ bản in năm 1961 tại Hà Nội; bản dịch nhan đề “Việt Nam lịch đại cương vực”, người dịch Chung Dân Nam. Chúng tôi dùng bản này vì trong đó có chương thứ 15, “Biên giới Việt Nam qua các đời” (Ngã quốc lịch đại đích biên giới), mà bản trong nước hiện nay không có.
[11]Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, chính biên, q. 15; bản dịch tr. 407.
[12]Minh Thực lục v. 10, tr. 0538; Thái Tông q.30, tr. 3b
[13]Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 2, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, tr. 209.
[14]Minh Thực lục v. 11 tr.866-871; Thái Tông q. 60, tr. 1a-4a.
[15]Minh Thực lục v. 39, tr. 163-164; Hiến Tông q. 7, tr.1a-1b

Chữ ký của ChauTienLoc




 

Vua Lê Lợi giành lại được lãnh thổ

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
CLB Sử Học Trẻ Việt Nam :: VIỆT SỬ :: Lịch sử Việt Nam cổ - trung đại :: Thế kỷ XV-
________________________________________________________________________
Copyright ©2007 - 2009, Forumotion
Suhoctre ©2007- 2009 Phát triển bởi thành viên Diễn đàn
BQT Diễn đàn: Châu Tiến Lộc - Nguyễn Thị Trang - Phạm Ngọc Thạch

Sáng lập viên : Châu Tiến Lộc, Nguyễn Hùng Sơn, Nguyễn Thái Bình
Email : suhoctre@gmail.com - Forum : http://suhoctre.no1.vn
Xem trang web này tốt nhất với độ phân giải 1024x768 (hoặc cao hơn) với Firefox 3.0


Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Cookies | Thảo luận mới nhất