Hậu Hán thư nói về khởi nghĩa Hai Bà
Hậu Hán thư do Thái thú Phạm Việp viết vào thế kỷ V (trước Thủy kinh chú). Trong tài liệu này không hề đề cập đến tên của chồng bà Trưng TrắcLâu nay trong tất cả tài liệu sách báo chúng ta đều nói rằng chồng của bà Trưng Trắc là Thi Sách, con trai của quan Lạc tướng huyện Châu Diên. Thi Sách bị Thái thú Giao Chỉ là Tô Định giết chết. Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị nổi dậy đánh đuổi Tô Định chạy về Tàu để trả thù cho chồng, rửa hờn cho nước. Sự việc xảy ra vào năm 40 Công nguyên.
Một tài liệu lịch sử được viết một cách rất nghiêm túc lại cho rằng thực tế chồng Trưng Trắc tên là Thi chứ không phải là Thi Sách. Đó là quyển Phương pháp sử học của Nguyễn Phương do Viện đại học Huế xuất bản năm 1964.
Trong tài liệu đó tác giả Nguyễn Phương đã đưa ra những chứng ký hết sức thú vị và rất chặt chẽ để biện dẫn cho ý kiến của mình và giải thích nguyên nhân dẫn đến sự sai lầm này.
Theo tác giả Nguyễn Phương thì tài liệu sử đầu tiên nói về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng là quyển Hậu Hán thư do Thái thú Phạm Việp viết vào thế kỷ V. Trong tài liệu này không hề đề cập đến tên của chồng bà Trưng Trắc. Sách chỉ viết "Hữu Giao Chỉ nữ tử Trưng Trắc cập nữ đệ nhị Trưng Nhị phản công dịch kỳ quận".
Tạm dịch :"Giao Chỉ có nữ tử Trưng Trắc cùng em gái là Trưng Nhị làm phản đóng chiếm (ở) quận ấy".
Tiếp theo Hậu Hán thư, vào thế kỷ thứ VI, Lệ Đào Nguyên là người đầu tiên đề cập đến tên chồng bà Trưng Trắc trong tác phẩm Thuỷ kinh chú. Lệ Đào Nguyên viết "châu diên lạc tướng tử danh thi sách mê linh lạc tướng nữ tử danh trưng trắc vi thê trắc vi nhân hữu đảm dũng tương thi khỉ tặc mã viện tương binh phạt trắc thi tẩu nhập kim khê" (Đoạn này trích nguyên Thuỷ Kinh chú không viết hoa và chấm phẩy ngắt câu theo tinh thần chữ Hán cổ).
Đến thế kỷ thứ 8, Thái tử Hiền đã chú thích cho bộ Hậu Hán thư và đã dùng đoạn trên trong Thuỷ kinh chú để nói rõ hơn về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng.
Sau các chữ "Trưng nhị phản...." của Hậu Hán thư như vừa trích ở trên, Thái tử Hiền viết thêm lời chú: "Trưng Trắc giả Mê Linh huyện Lạc Sách thê, thậm hùng dũng". Tạm dịch: "Trưng Trắc, con gái của Lạc tướng huyện Mê Linh, (là) vợ của Thi Sách người Châu Diên, rất hùng mạnh".
Ở đây câu văn nguyên của Thuỷ kinh chú đã bị rút khỏi ngữ cảnh và vì thế khi đọc lên người đọc thấy ngay rằng ý của Thái Tử Hiền lấy Thi Sách làm một tên riêng.
Sai lầm bắt đầu từ đây.
Về sau các sử gia Việt Nam khi viết về cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng đều dựa vào Hậu Hán thư để viết, vì vậy đều cho rằng: chồng của bà Trưng Trắc tên là Thi Sách. (Có thể Lê Văn Hưu dựa theo Hậu Hán thư có lời chú của Thái tử Hiền sai, sau này Ngô Sĩ Liên dựa theo Lê Văn Hưu nên cũng sai nốt - nên nhớ Lê Văn Hưu viết Đại Việt sử ký vào thế kỷ 13, còn Ngô Sĩ Liên viết Đại Việt sử ký toàn thư vào thế kỷ 15. Còn các sử gia sau này cứ tiếp tục theo Lê Văn Hưu và Ngô Sĩ Liên mà viết, nên cứ đinh ninh rằng chồng bà Trưng Trắc tên là Thi Sách cho mãi đến bây giờ).
Để hiểu rõ lý giải của Nguyễn Phương xin mời đọc lại ý kiến của ông trong tác phẩm đã dẫn ở trên trang 96, 97.
"Các nhà học giả Việt Nam như Lê Văn Hưu và Ngô Sĩ Liên cũng như nhiều người khác chắc ít khi đọc đến những bộ sách dài dằng dặc và ít hứng thú như bộ Thuỷ Kinh chú, trái lại họ chỉ đọc có Hậu Hán thư và cứ đinh ninh rằng Thi Sách là tên chồng bà Trưng Trắc. Nhưng giả sử học có biết đến đoạn văn chính thức của Thuỷ Kinh chú như vừa trích ở trên thì nhất thiết họ phải nhận thấy tên ông đó chỉ là Thi mà thôi chứ không thể nào là Thi Sách được. Quả thế nếu chấm phẩy cho đúng thì câu văn của Lệ Đào Nguyên phải viết ra Hán Việt như thế này: "Châu Diên Lạc tướng tử danh Thi, sách Mê Linh lạc tướng nữ danh Trưng Trức vi thê. Trắc vi nhân hữu đảm dũng tương Thi khỉ tặc. Mã Viện tương binh phạt. Trắc Thi tẩu nhập Kim Khê" nghĩa là "Con trai của vị Lạc tướng Châu Diên tên là Thi, lấy con gái vị Lạc tướng Mê Linh tên là Trưng Trắc làm vợ. Trắc là người có đảm dũng đem Thi nổi dậy làm giặc. Mã Viện đem quân sang đánh. Trắc và Thi chạy vào Kim Khê".
Chúng ta thấy rằng tác giả Thuỷ Kinh chú khi gọi bà Trưng Trắc (cả 2 chữ) khi thì gọi bằng Trắc (1 chữ) và khi gọi bằng một chữ như vậy ông gọi với chữ sau (Trưng). Vậy giả sử tên chồng bà Trưng là Thi Sách thì khi gọi tắt bằng một chữ ông phải dùng chữ Sách chứ không phải chữ Thi, ấy thế mà hai lần sau ông vẫn cứ dùng chữ Thi chứ không lặp lại chữ Sách. Đằng khác chiếu theo nghĩa của câu văn thì phải hiểu rằng tên của chồng bà Trưng là Thi mà thôi mới đúng bơỉ vì "Sách vi thể" có nghĩa là lấy làm vợ" (Sđd, trang 96-97).
Nguyễn Phương cũng cho rằng không phải ông là người đầu tiên phát hiện ra sự sai lầm này. Người đầu tiên đề cập đến cái sai của Thái tử Hiền chính là Huệ Đồng, một cụ đồ nho người Tàu. Huệ Đồng đã đề cập đến cái sai lầm này khi bổ chú cho Hậu Hán thư. Lời bổ chú này được đăng trong phần phụ lục của chuyện Mã Viện, với nội dung như sau :"Cứu Triệu Nhất Thanh viết: Sách thê do ngôn thú thế. Pham sử tác "Gải vi châu diên nhân thi sách thê" mậu hỉ; án thủy kinh chú ngôn tương Thi" ngôn Trắc. Thi minh chỉ danh Thi (nghĩa là Xét Triệu Nhất Thanh nói rằng Sách thê còn có nghĩa là cưới vợ, quyển sử của Phạm chép "gả làm vợ người Châu diên tên là Thi Sách" là lầm vậy, xem Thuỷ Kinh chú thấy nói tương thi rồi nói Trắc và Thi chỉ rõ rằng tên ông đó là Thi). (Sđd, tr97).
Lê Thi
http://www.dactrung.net/forum/topic.asp?TOPIC_ID=6268