Hà Nội có xã Cổ Loa - nơi có tòa thành ốc nổi danh hàng nghìn năm nay, vốn được coi là tòa thành cổ nhất nước Việt và là nơi đóng đô của Thục Phán An Dương Vương, Ngô Quyền. Trải qua binh lửa nghìn năm Bắc thuộc, những dặm dài năm tháng chống chọi với cái đói, cái nghèo mà nay thành cũ còn đây, vẫn là dáng dấp của một Loa thành thuở xưa với vô vàn huyền thoại, huyền tích lưu truyền qua bao thế hệ.
“Cổ Loa là đất đế kinh/ Trông ra lại thấy tòa thành tiên xây’’ (Ca dao)
Hôm cuối cùng sang Cổ Loa vào cuối tháng trước, tôi có một buổi chiều ngồi với các cụ cao tuổi ở thôn Nhồi Dưới. Chuyện của người cao tuổi, lại là dân Đông Anh, nơi mạch nguồn văn hóa luôn tuôn trào mạnh mẽ, hẳn nhiên là thú vị vô cùng. Những hồi ức, nhận định đi liền với ca dao, điển tích, được tải bằng thứ ngôn ngữ đặc trưng ở đất này. Chuyện dài đến đâu, dẫu lan man sang kinh tế, sự no - đói hay thú chơi ngoại thành thì rồi cũng lại quay về với tòa thành ốc, hay Loa thành giờ đã là niềm tự hào và nguồn cơn suy ngẫm của người Cổ Loa hiện đại…
Hóa ra người Việt có lối kể thi vị, huyền thoại, chính sử lẫn vào nhau. “Tòa thành tiên xây” không chỉ có trong ca dao mà còn có trong truyện thiếu nhi “An Dương Vương xây thành ốc” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, cũng là người gốc Đông Anh (xã Dục Tú). Ông kể với thiếu nhi thế này: “...Cũng như những đêm trước, An Dương Vương và các tướng sĩ không trông thấy các nàng tiên gánh đất, không nghe thấy các nàng tiên ca nhạc. Chỉ thấy mây đuổi nhau, gió cuốn lốc, hương thơm ngào ngạt, say sưa. Và thành thì cứ cao dần. Đã quá nửa đêm. Đã gần đến sáng. Chợt vua reo lên sung sướng. Các tướng sĩ cũng reo lên. Thành đã đắp xong, cao chót vót, vòng trong, vòng ngoài sừng sững, y như cái thành vua đã trông thấy trong giấc chiêm bao. Vua đứng giữa cái thành xoáy trôn ốc, thấy rõ không có sức gì bên ngoài phá được”.
Thành ốc có thật ở Cổ Loa, do Thục Phán An Dương Vương cho xây sau ngày về định đô ở vùng đất xưa có tên gọi Phong Khê - “vùng cốt lõi của Cổ Loa nay” (GS Trần Quốc Vượng). Tòa thành ấy giờ vẫn còn hiện hữu nhưng xung quanh nó là một câu chuyện dài đến nay chưa dứt.
Từ quốc lộ 3 rẽ vào non cây số, qua cây cầu bắc ngang Hoàng Giang, sang bờ bên kia đã là chợ Sa nằm ngay sát chân thành cổ. Đi thêm chút nữa, qua thôn Vang rẽ vào Khu di tích đền thờ Thục Phán là có thể thấy ngay những đoạn thành Trong, thành Trung, thành Ngoại. Ở mạn Nam thành Cổ Loa, bằng mắt thường cũng có thể hình dung ra rằng tại sao người xưa, người nay vẫn gọi Loa thành là thành ốc. Ba vòng thành không đồng tâm, càng ra mạn Bắc thì vòng thành càng rộng; nhưng ở phía Nam, vòng xoáy thu hẹp lại, cả ba thành Trong, Trung, Ngoại gặp nhau ở một điểm, theo cách gọi dân dã là “miệng ốc”. Cái lạ của Loa thành là vậy, huyền tích phần nhiều cũng vì cái sự khác lạ về kiến trúc mà ra. Ở điểm gặp nhau của ba vòng thành đất, như còn có thể thấy bây giờ, người đời truyền tụng về cái gọi là loa khẩu. Người thì kể chuyện loa khẩu trước đây là một mạch nước ngầm rất mạnh, đủ nước tưới tắm ruộng đồng; người lại đồ rằng loa khẩu thời Thục Phán được dùng như cửa khẩu đường thủy dẫn tàu bè thuyền chiến chở quân vào thành. “Ngày ấy, con sông Hoàng còn rộng lớn lắm, chưa được phù sa bịt dòng như bây giờ”...
Sử cũ chép về Cổ Loa không ít, nhưng cũng không đủ nhiều cho sự tranh cãi về một tòa thành - quân thành, kinh thành - có từ thế kỷ III trước Công nguyên, tức cách nay hơn hai nghìn năm. Xung quanh sự ra đời của thành Cổ Loa còn những tồn nghi mà dần dà, dù đã qua hơn năm chục năm kể từ ngày giới khảo cổ đào được kho mũi tên đồng tại đây, lại liên tục thám sát ở Đồng Vông, Bãi Mèn, Đình Tràng (có tài liệu viết là Đình Chàng), Xuân Kiều, Tiên Hội…, mà người ta vẫn chưa thể trả lời nhiều câu hỏi khó. Dân gian truyền tụng câu chuyện Loa thành ngày mới đắp có những chín lớp, sao giờ chỉ có dấu vết của ba? Dấu ấn của vương triều Ngô Quyền, dẫu ngắn ngủi nhưng liệu có gì để lại ở tòa thành này? Trong ba vòng thành còn thấy ngày nay thì thành Trong liệu có đồng niên đại với hai vòng thành bao bọc nó? Những ụ hỏa hồi đắp nhô ra khỏi mặt thành, mà có người cho rằng lên tới hơn chục chiếc, cái hình dáng “vuông thành sắc cạnh” nhất của thành Trong so với hai vòng thành kia liệu có phải dấu ấn kiến trúc quân thành Đông Hán trong giai đoạn nước Việt chìm đắm trong tăm tối Bắc thuộc sau những lần chinh phạt của quốc gia phương Bắc?
Những câu chuyện về Loa thành gắn liền với Thục Phán An Dương Vương và Nhà nước Âu Lạc - sự tiếp nối của nhà nước sơ khai Văn Lang thời các Vua Hùng lập nước, định đô trên đất Phong Châu - Phú Thọ bây giờ. Đi kèm chuyện lạ Vua Thục dựng thành “lớn nhất Đông Nam Á” chỉ trong một đêm là huyền thoại nỏ thần, chuyện tình Mỵ Châu - Trọng Thủy... Thực, hư đan cài nhưng tòa thành đất đồ sộ là hiện thực.
Những mô tả của giới khoa học cho thấy Loa thành là một phức hợp kiến trúc của thành và hào. Nếu đi từ ngoài vào trong, điều có thể thấy trước tiên là thành Ngoại có chu vi chừng 8.000m, cao trung bình 3-4m, chân thành rộng từ 12 đến 20m, được bao bọc bởi hệ thống hào tự nhiên và nhân tạo. Tường thành Trung cũng có hào nước xung quanh, chu vi khoảng 6.500m. Vòng thành giữa này chạy từ hướng chợ Sa bây giờ, dịch lên phía Đông bắc, qua những gò Voi, đầm Cả rồi vòng lại phía Nam, khép lại ở nơi cũng là điểm - đầu - cuối của thành Trong, thành Ngoại, thành Trung, nơi giao tiếp với Hoàng Giang. Thành Trong, còn được gọi là thành Nội, thậm chí dân gian còn dùng từ chỉ “Hoàng thành”, được xem là nơi ở của vua, có chu vi hơn một cây số rưỡi. “Nhà cửa hay cung điện không còn nữa. Cái còn lại là vết tích của rãnh đào, cống thoát nước, bên phải là nhà ở, có đường thông ra vườn thượng uyển và hồ sen. Cổng chính của thành Nội ở giữa bờ thành phía Nam. Từ cổng này nhìn vào, trước kia hẳn có nhà ở hay cung điện mà tiếng dân gian gọi là Điện Ngự triều di quy. Hai bên cổng có đắp hai ụ công sự cao hơn mặt thành và nhô hẳn về phía trước, ở bên góc thành Nội còn đếm được 18 ụ công sự. Bao quanh thành là hào sâu và rộng” (bản mô tả thành Trong của TS Nguyễn Doãn Tuân).
Người ta nói rằng nghệ thuật xây thành thời An Dương Vương tỏ rõ sự lợi hại. “Thành cao, hào sâu” rõ ràng là một phương án quân sự ưu việt lúc bấy giờ. Dựa vào tự nhiên, sự hiện hữu của Hoàng Giang phía Nam, đầm Cả ở phía Đông thành, được nối với nhau bằng những con ngòi, sự cơ động bằng đường thủy, bộ trong thành tỏ ra rất tiện lợi. Phương án phòng thủ còn dựa vào hệ thống hỏa hồi mà chỉ tính thành Trong thì số lượng hỏa hồi lên đến 12 chiếc.
“Tòa thành tiên xây” thực ra là kết quả lao động sáng tạo của con người. Đến giờ, vẫn không ai hình dung là Thục Phán đã xây thành trong bao lâu nhưng có lẽ lời truyền “thành xây trong một đêm” dựa trên thực tế là thành ốc được hình thành với tốc độ rất nhanh. Không phải không có cơ sở cho nhận định này. Cách nay 3 năm, tại một hội thảo về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của Khu di tích Cổ Loa, PGS Đỗ Văn Ninh, người đến nay vẫn đặt ra câu hỏi về niên đại của thành Trong và cho rằng vòng thành này không phải là đã có từ thời An Dương Vương, viết rằng: “Tường thành thật dài nhưng đặc điểm nổi bật là đắp nối các gò đống tự nhiên mà thành. Do phương pháp đắp như vậy đã khiến công sức bỏ ra chỉ đáng phân nửa nhưng đã nhân đôi được độ bền chắc, độ dài, độ cao của thành... Đó là công trình quân sự đầu tiên của người Âu Lạc. Đắp một tòa thành đầu tiên mà đã biết đào ngoại hào là một điều đáng kính phục. Đào ngoại hào để lấy đất đắp tường thành, người xưa đã đạt thành công kép, đó là giảm được nửa phần lao động mà lại nhân đôi được sự hiểm trở của thành. Đắp một tòa thành hình ốc, có nhiều vòng tường, rõ ràng là công trình sư đã biết nhân đôi tầm kiên cố. Vào thời mà vũ khí chủ yếu là kiếm, cung, lao, giáo, thành Cổ Loa quả là một thách thức đáng sợ đối với quân xâm lược”.
Cổ Loa không chỉ có thành cổ, mà còn có những đền, đình, di chỉ khảo cổ giá trị. Đã 6 thập kỷ nay, dù được thực hiện với tầm mức chưa tương xứng nhưng nghiên cứu về Cổ Loa cho ta thấy sự quý giá của khu di tích này. Ở vùng Cổ Loa - xét theo nghĩa rộng, sát mặt đất hay dưới tầng sâu, người ta đã tìm được dấu tích thuyết phục cho phép hình dung về một diễn trình phát triển liên tục từ sơ kỳ đồng thau. Những thống kê chưa đầy đủ, mà cũng chưa biết thế nào là đủ, dựa trên kết quả khai quật khảo cổ học tại Đồng Vông (Cổ Loa), Xuân Kiều (Dục Nội), Đình Tràng (lớp trên - Dục Tú), xóm Hương, Đường Mây, Bãi Mèn (Cổ Loa)... cho thấy dấu tích văn hóa Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn (hay giai đoạn văn hóa Cổ Loa) trên đất này, tức là từ trước cả thời An Dương Vương xây thành ốc.
Chẳng phải Cổ Loa là quý giá lắm sao!
Đức Huy - Báo Hà Nội mới 1/10/10