Nhà nước chỉ có thể ra đời và tồn tại trong những điều kiện lịch sử nhất định. Xem xét sự vận động và chuyển hóa của xã hội nguyên thủy trong suốt thời đại đồ đồng, chúng ta thấy những tiền đề dẫn đến sự xuất hiện của Nhà nước ngày càng rõ nét.
Tiền đề kinh tế:
Bước vào thời đại đồng thau, nền nông nghiệp dùng cày đã đẩy lùi và thay thế dần nền nông nghiệp dùng cuốc. Những kinh nghiệm sản xuất cộng với kĩ thuật chế tạo công cụ mới làm cho năng suất trồng lúa cao hơn, sản phẩm nông nghiệp trở nên đa dạng hơn. Bên cạnh trồng trọt, ngành chăn nuôi cũng phát triển. Hầu hết các loại gia súc, gia cầm mà chúng ta quen thuộc ngày nay đều được thuần hóa và nuôi dưỡng.
Các nghề thủ công cũng phát triển mạnh mẽ. Lực lượng thợ thủ công và kĩ thuật chế tác đá tuy bị mai một, nhưng nghề làm đồ gốm, nghề mộc, nghề đan lát và nghề dệt vải ... trở nên hưng thịnh hơn trước. Có một nghề mới đã xuất hiện, đó là nghề sơn. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy một số hiện vật bằng gỗ có sơn nâu hoặc sơn đỏ và trang trí khá đẹp trong một khu mộ cổ Việt Khê. Tuy nhiên, nghề thủ công chiếm giữ vị trí quan trọng nhất vẫn là nghề luyện kim và đúc đồng.
Sự phát triển của nông nghiệp và thủ công nghiệp đã dẫn đến hiện tượng bắt đầu có sản phẩm thừa. Điều kiện ra đời và tồn tại của lực lượng bóc lột cũng từ đó mà nảy sinh.
Những tiêu đề về chính trị và xã hội:
Ở sơ kì của thời đại đồ đá mới, hình thái tổ chức xã hội phổ biến của người nguyên thủy trên đất nước ta là thị tộc mẫu hệ. Đến hậu kì thời đại đồ đá mới, tổ chức xã hội đã đạt đến một trình độ cao hơn, đó là công xã thị tộc mẫu hệ phát triển. Hai hình thái này, cao thấp tuy có khác nhau, nhưng đều giống nhau ở chỗ đều là xã hội thị tộc mẫu hệ. Bước vào sơ kì thời đồng thau, các công xã thị tộc mẫu hệ đã bị thay thế dần bởi các công xã thị tộc phụ quyền. Sự chuyển đổi quyền lực và địa vị đã khiến cho vị trí của người đàn ông trong xã hội trở nên quan trọng hơn, nhưng trước sau thì hình thái thị tộc vẫn giữ nguyên, không thay đổi. Đến hậu kì của thời đại đồ đồng, hình thái tổ chức công xã nông thôn xuất hiện và nhanh chóng trở nên phổ biến. Đây là một bước tiến hết sức quan trọng, mở ra quá trình tan rã về mặt kết cấu của xã hội nguyên thủy. Đội ngũ quý tộc bộ lạc từ chỗ là lực lượng điều khiển mọi hoạt động của công xã dần dần trở thành tầng lớp bóc lột các thành viên của công xã. Giai cấp và mâu thuẫn giai cấp đã bắt đầu nảy sinh.
Nhu cầu thủy lợi, trị thủy:
Từ văn hóa Phùng Nguyên, cư dân bấy giờ đã mở rộng địa bàn sinh sống, tiến xuống khai phá vùng đồng bằng sông Hồng và các khu vực lân cận. Các cư dân này đều lấy hoạt động nông nghiệp trồng lúa làm hoạt động chính. Điều kiện tự nhiên ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ bên cạnh một số yếu tố thuận lợi, cũng gây ra không ít khó khăn cho nghề trồng lúa nước. Một yêu cầu bức thiết của cả cộng đồng cư dân bấy giờ là phải có những công trình tưới tiêu, đảm bảo nguồn nước cho cây trồng và đắp đê chống lũ lụt, đòi hỏi phải sớm có một số người tách khỏi lao động để đảm bảo công việc chung. Từ trong cuộc đấu tranh để khắc phúc những trở ngại của thiên nhiên (mưa, lũ lụt, hạn hán, bão ... ) đòi hỏi mọi thành viên của nhiều công xã, nhiều bộ lạc phải liên kết lại với nhau mới có thể khắc phục được. Đây là tiền đề để đưa đến sự ra đời của cộng đồng dân tộc, quốc gia, nhà nước Văn Lang.
Nhu cầu tự vệ, chống ngoại xâm:
Nước ta có một vị trí quan trọng trong khu vực Đông Nam Á, nằm trên các đầu mối giao thông thủy bộ từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, như một đầu cầu từ biển tiến vào đất liền. Từ thời cổ đại, vùng Đông Nam Á là nơi giao lưu kinh tế, văn hóa phát đạt, đồng thời cũng là nơi nhiều cuộc xung đột, nhiều mối đe dọa của ngoại xâm. Bởi vậy, yêu cầu đặt ra là phải liên kết, thống nhất lực lượng giữa các bộ lạc để tự vệ và bảo vệ lợi ích của từng bộ lạc, cũng là bảo vệ lợi ích của cả cộng đồng sống trên địa bàn Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Yêu cầu đó đã góp phần quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ sự liên kết, thống nhất cư dân sống trên các địa bàn khác nhau có cùng tiếng nói, phong tục, tập quán thành một cộng đồng dân tộc thống nhất.
Tuy bản thân nhân tố thủy lợi và chống ngoại xâm không thể làm sản sinh ra nhà nước, nhưng có tác dụng thúc đẩy quá trình hình thành và quy định thêm tính chất, chức năng của nhà nước đó. Có thể hiểu rằng, trên cơ sở có sự phân hóa xã hội, hình thành nên các tầng lớp xã hội, giàu, nghèo khác nhau là tiền đề vật chất quan trọng số một, và sau đó, nếu chưa có sự phân hóa xã hội sâu sắc , mâu thuẫn giai cấp quyết liệt, thì yêu cầu của cả cộng đồng cư dân đòi hỏi có một nhóm người tách khỏi lao động, đứng ra đảm nhận các công việc tổ chức các công trình thủy lợi ( tưới, tiêu nước và phòng chống thiên tai ) và yêu cầu tự vệ, bảo vệ cộng đồng, đấu tranh chống sự xâm nhập từ bên ngoài, làm cho nhà nước lúc ban đầu có chức năng xã hội, đại biểu cho lợi ích của tập thể cộng đồng, xã hội, dần dần chuyển sang địa vị độc lập đối với xã hội, thống trị xã hội.
( Theo: Hỏi Đáp Lịch Sử Việt Nam - Nhà Xuất bản Trẻ )