Hôm ấy là ngày 24/1/1963, tức 30 Tết, các đồng chí bảo vệ hóa trang cho Bác thành một công nhân già đi sắm Tết. Bác đeo kính trắng mắt tròn, gọng kính nhỏ như kính lão các cụ đồ thường dùng.
Khoảng một tuần trước Tết Quý Mão (1963), Bác Hồ nhắc Văn phòng Chủ tịch nước báo cho Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn, Tết này Bác muốn thăm chợ Đồng Xuân - khu thương mại sầm uất, nhộn nhịp nhất ở Hà Nội.
Người được phân công trực tiếp đi theo bảo vệ Bác là ông Phan Văn Xoàn, sau này là Thiếu tướng Tư lệnh - Bộ Tư lệnh Cảnh vệ. Ông hồi tưởng lại vào dịp giáp Tết năm ấy, người mua kẻ bán khắp nơi đổ về Hà Nội rất đông nên công tác bảo vệ có phần khó khăn. Nếu để Bác đi công khai thì nhân dân ai cũng biết, và sẽ ùa tới chào đón Người. Như vậy việc bảo vệ lại càng phức tạp, khó khăn hơn.
Sau khi nghiên cứu cụ thể, lãnh đạo Cục Cảnh vệ đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công an phương án bảo vệ, trong đó có biện pháp Bác hóa trang thành một công nhân già đi sắm Tết.
Hôm ấy là ngày 24/1/1963, tức 30 Tết. Sáng hôm đó, Bác rất vui, các đồng chí bảo vệ hóa trang cho Bác. Bác đeo kính trắng mắt tròn, gọng kính nhỏ như kính lão các cụ đồ thường dùng. Bác mặc quần áo cũ vải gụ đã bạc và khoác chiếc áo mưa vải bạt có vài chỗ đã sờn, cổ quàng chiếc khăn len màu tối, quấn nhiều vòng để vừa ấm cổ, vừa che bớt chòm râu, đầu đội mũ cát trắng, chân mang tất màu cỏ úa, đi đôi dép cao su đen.
Theo phương án, ba người cùng đi chợ Tết với mối quan hệ gia đình. Bác là bố, đồng chí Xoàn là con, đồng chí Phan Đĩnh, vệ sỹ trực tiếp là cháu của Bác. Khoảng 9h sáng, ôtô đưa Bác theo đường Phan Đình Phùng đến phố Hàng Đậu dừng lại một lúc, Bác xuống xe rồi đi bộ theo phố Nguyễn Tiệp, rẽ qua phố Hàng Khoai, lẽo đẽo theo sau là "nguời cháu" xách chiếc làn mây đi chợ. Bác cháu hòa lẫn trong dòng người đông vui giữa phiên chợ sáng 30 Tết.
Thiếu tướng Phan Văn Xoàn nhớ lại, lúc ấy khi ba Bác cháu đi đến cửa sau chợ Đồng Xuân, trước khi vào chợ như hành trình đã định, bỗng nhiên Bác dừng lại, với dáng vẻ thư thái, Người đứng ngắm quanh cảnh nhộn nhịp, tấp nập người mua kẻ bán chen chúc nhau ở đầu chợ Bắc Qua, rồi Bác ngoặt vào chợ. Thấy vậy, cả tổ bảo vệ rất lo. Đồng chí Xoàn làm như vẻ thấy bố mình đi nhầm chỗ, bèn gọi: "Bố ơi, đường này cơ mà, đường đó chật lắm không đi được đâu bố ạ".
Nghe vậy, Bác quay lại mỉm cười khẽ nói: "Bố con ta đi vào đây đã". Chợ Bắc Qua lúc này đông nghẹt. Sau một lúc quan sát cảnh hàng hóa chợ Tết bày la liệt, đồng bào vui vẻ mua bán sắm sửa, Bác tỏ ý rất vui, sau đó mới qua chợ Đồng Xuân.
Vào trong chợ, Bác dừng lại hồi lâu trước một số quầy tạp hóa, đồ dùng gia đình, quần áo may sẵn... để biết giá cả và sức mua của dân.
Sau một hồi quan sát trong chợ, đồng chí Xoàn mời Bác sang thăm quầy bán hoa tươi cạnh đó. Cạnh các quầy hoa là mấy cụ đồ áo dài the, khăn xếp đen, đeo mục kỉnh, ngồi chấm phá những câu đối bằng mực tàu trên những khổ giấy đỏ dài. Bác rảo bước tới một quầy bán hoa huệ gần đấy, chọn một bó huệ rất đẹp, đưa lên ngắm nhìn tỏ vẻ rất vừa ý, rồi hỏi chị hàng hoa: "Chị ơi, bó huệ này bao nhiêu? "Dạ thưa cụ 5 hào".
Lúc này đồng chí Đĩnh đứng sát sau lưng Bác. Thấy Bác ngồi lâu sợ bị lộ vì Bác trực tiếp trao đổi mua bán, e rằng những người tinh ý sẽ phát hiện ra Bác nên đồng chí Xoàn vội bước tới nói với Bác: "Bố để con mua cho" rồi mặc cả bó hoa với giá hai hào. Thiếu tướng Xoàn kể lại: "Sở dĩ lúc ấy tôi trả với giá thấp cốt để chị hàng hoa không bán, lấy cớ mời Bác đi về cho an toàn".
Khi nghe chị hàng hoa trả lời không bán, Bác liền đứng dậy, một thoáng nhìn theo bó huệ rồi đi ngay. Ra chỗ vắng Bác quay lại nói: "Chú trả như vậy thì đi chợ cả ngày cũng chẳng mua được gì" và trên mặt phúc hậu của Người lộ nét trầm lặng không vui.
Xuân này qua xuân khác, mỗi lần chuẩn bị đón năm mới, khi kể với anh em bảo vệ và các nhà báo chuyện này, Thiếu tướng Xoàn vẫn bùi ngùi với cả nỗi niềm thương nhớ vời vợi. Câu chuyện Bác hồi đi chợ Tết hơn 40 năm trước vẫn luôn đọng sâu trong lòng ông.
(Ghi theo lời kể của Thiếu tướng Phan Văn Xoàn)