Bài này mình viết, còn nhiều thiếu sót, hi vọng giúp được bạn phần nào ;)
Có những tháp chàm ngóng trông ra biển xa xôi như tiếc nuối một thời huy hoàng đã xa.
Người Chàm có rất nhiều vàng, có kĩ nghệ gạch phát triển, có nghề dệt, có giống lúa Chiêm, có nhiều hơn nữa, đến mức gọi là nền văn minh, không kém cạnh gì Đại Việt.
Lưu dân Việt cũng ít dám đến các nơi từng là địa bàn sinh hoạt chính trị - tôn giáo của người Chàm: vùng Trà Kiệu tuy năm 1472 đã thuộc về Đại Việt mà mãi tới năm 1623 mới có các gia đình theo đạo đến ở, vậy mà vẫn truyền tụng các câu chuyện về Ma Hời, chứng tỏ rằng khi tiếp xúc với một nền văn hóa lạ lẫm, tâm lí chung của họ là vẫn “ngao ngán”, muốn được yên ổn làm ăn hơn là đi phiêu lưu mạo hiểm.
Ai đến Huế cũng sẽ nghe qua cái tên Thành Lồi, hay Phật Thệ. Đó là thành của người Chàm xây dựng dưới đời vua Phạm Văn. Tên Phạm Văn thì nghe như họ và tên của người Việt, nhưng thực không phải: Phạm Văn cũng như chữ Bê Mi Thuế, Sạ Đẩu, Trà Toàn,...là phiên âm của Nho gia xưa, chớ tên thật thì khác (Fan wen – en.wikipedia.org). Thành Lồi cũng là Khu Lật, là phiên âm chữ K'iu sou mà ra.
Đấy là một câu chuyện dài, từ khi một đất nước hơn trăm năm đánh nhau liên miên với Giao Châu, rồi Đại Cồ Việt, Đại Việt, cuối cùng mảnh đất Panduranga-Champa bị vua Minh Mệnh sát nhập vào Đại Nam.
Người Chàm từ khi lập nước đã luôn gây hấn và đánh nhau liên miên với Giao Châu bấy giờ là thuộc địa của Trung Hoa. Sử ghi nước Lâm Ấp xây thành Khu Túc chống nhau với quân Tàu trong hai thế kỉ 4 và 5. Năm 443, Đàn Hòa Chi nhậm chức Thứ Sử Giao Châu mang quân tiến xuống Lâm Ấp cướp phá rất nhiều vàng bạc, từ đó hễ có dịp là hay cướp của cải mang về.
Kinh đô của người Chàm ban đầu là Kandapurpura (có lẽ gần Huế ngày nay - Thành Lồi), sau chuyển về Simhapura (Sư tử thành) (Trà Kiệu - Quảng Nam). Năm 615 và sau đó dưới thời Hoàn Vương lại chuyển về Panduranga, đổi gọi thành Virapura (nam Phan Rang hiện nay). Năm 859, sau một loạt các biến cố, vua Indravarman II xưng Quốc hiệu là Campapura (đất nước của người Chăm), đặt kinh đô ở Đồng Dương, Quảng Nam ngày nay, Chiêm Thành theo sử Việt được ghi nhận lại.
Chiêm Thành bao gồm 5 tiểu vương quốc hợp lại: Indrapura (vùng Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế ngày nay), Amaravati (vùng Quảng Nam ngày nay), Vijaya (vùng Quảng Ngãi, Bình Định ngày nay), Kauthara (vùng Phú Yên, Khánh Hòa ngày nay) và Panduranga (vùng Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay). Một ông vua Chiêm Thành trên bàn ngọai giao xưng là Rajadiraja (vua của các vua) tức là đã đạt được sự đồng thuận của các tiểu vương quốc, nhưng như vậy không có nghĩa là các ông rajadiraja nắm trọn quyền đối với các tiểu vương quốc, cũng đồng nghĩa chuyện các ông tiểu quốc vương không mặn mà thực sự với vương quốc khác: bao lần Vijaya bị thất thủ mà Panduranga vẫn ngồi yên đứng nhìn. Đây là một trong số những nguyên nhân dẫn đến sự suy tàn của Chiêm Thành.
Năm 982, hai sứ giả của Lê Hoàn phái xuống phía Nam là Từ Mục, Ngô Tử Cảnh (chắc là để bàn thảo về chuyện ông Ngô Nhật Khánh dẫn binh Chàm về định đánh lên Hoa Lư nhưng tan vỡ ở cửa Thần Phù) bị Paraves'Varavarman I bắt giữ. Lê Hoàn liền nhân cớ đó đem đại quân đi đánh, cướp phá được rất nhiều của cải, lại bắt về cả trăm kĩ nữ, một nhà sư Thiên Trúc, đốt phá tông miếu.
Những cuộc cướp phá vào thời này mang nặng tính chất cướp bóc để làm giàu hơn là vì mục đích bành trướng lãnh thổ như dưới thời vua Lê Thánh Tông hay các chúa Nguyễn, một phần vì thực lực Đại Cồ Việt còn chưa đủ sức để Nam tiến (năm 982 đánh Chiêm xong đói to), các cuộc chinh phạt dẹp loạn liên miên trong nước không cho phép nhà Tiền Lê đánh mạnh xuống Chiêm Thành. Nhưng sự kiện bắt cung nữ về có lẽ cho ta thêm phần nào lời giải thích về chuyện vua Lê Long Đĩnh (Lê Ngoạ Triều): lấy thạch sùng làm gỏi mà ăn, ăn mèo, tự tay làm thịt trâu bò. Thạch sùng là con vật nhỏ, trong sách sử, trong các món ăn của người Việt cũng rất, rất ít thấy lấy nó để ăn, huống hồ để làm gỏi, lại còn có bọn người theo hầu tranh nhau mà ăn. Liên tưởng với chuyện các cung nữ của Bê Mi Thuế bị bắt hẳn cho ta một nghi vấn: liệu ông vua này có dính dáng gì tới người Chàm không?
Cũng những tù binh Chàm bị bắt về hay các “xê dịch không gian sinh tồn dân tộc” giữa Chàm-Việt-các dân tộc khác, làm nảy sinh mối giao thoa văn hóa giữa người Kinh với phần còn lại trên mảnh đất Việt Nam.
Sau sự kiện 982, kinh đô của Chiêm Thành được dời vào Vijaya (Bình Thuận) (988).
Qua thời Lí, các cuộc tấn công của nhà Lí phát triển lên mức cao hơn về qui mô và mục đích: bắt 5 ngàn người Chàm (1044), rồi 15 năm sau bắt về 5 vạn người, lấy 3 châu Địa Lí, Ma Châu và Bố Chính. Triều đình dàn trải số tù binh này không biết thế nào mà mãi đến thời Trần, sử gia vẫn còn ghi: Lí Thánh Tông bắt vua nước ấy là Chế Củ, bắt làm tù dân nước ấy năm vạn người, đến nay vẫn phải còn chịu làm tôi tớ..”;
Số tù binh năm 1044 và rải rác về sau có tham dự xây dựng Tháp Báp Thiên (một trong An Nam Tứ Đại Khí) (theo An Nam Chí Lược của Lê Tắc). Khi bà Thái Hậu mất, vua Nhân Tôn cho 3 tì nữ hỏa táng theo (1117), đến khi mình mất, cũng có các cung nữ hỏa táng theo, đối chiếu với tục lệ của người Chàm ta không khỏi ngạc nhiên hành động kì lạ này của ông vua sống giữa hàng chục vạn tù binh chàm trên tổng số vài triệu dân Việt.
Cũng lệnh năm 1044 cho phép người Chàm đặt lại tên nơi ở theo địa danh cũ ở Chiêm Thành. Chuyện Trần Nhật Duật kể về một thôn Bà Già cho ta thấy thêm một tình tiết mới, không lớn mà cũng không nhỏ: Người Chàm vẫn giữ một nền văn hóa khá riêng biệt trong bối cảnh làm tôi tớ, phận con cháu tù binh: thôn Bà Già: Vijaya - Phú Đa Gia - Bà Già. Những cách đọc chệch, trại từ tiếng Chàm sang tiếng ta có rất nhiều: Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết, Phan Lâm, Phan Sơn; Cửa Thi Lị Bì Nại – Sriboney; Trà Kiệu - Ya Keo (Ya:sông, keo:ngọc) đến tiếng nói hằng ngày: ni, mô, răng, ri, rứa...
Giai đoạn này thì chúng ta phải kể đến giống lúa Chiêm có ảnh hưởng khá lớn với nông nghiệp Việt Nam và Trung Quốc.
Lúa Chiêm từ Champa đã được đưa vào Việt Nam từ thế kỷ 10. Theo Lê Quý Đôn (Vân đài loại ngữ, Nhà xuất bản văn hóa thông tin, 1995), có nhiều loại lúa từ Chiêm Thành đã được mang vào Trung quốc như lúa tẻ có lông, lúa tẻ chín sớm (lúa tiên), lúa tiễn tử (lúa 60 ngày, lúa chín trễ hơn gọi là lúa 80 ngày, lúa 100 ngày). Lúa Chiêm từ Việt Nam đã lan qua Trung quốc tạo nên một cuộc cách mạng kinh tế lớn lao. Có thể so sánh đây là cuộc cách mạng xanh (green revolution) đầu tiên trước cuộc cách mạng xanh sau này ở thế kỷ 20. Vua Tống Chân Tông (998-1022) đã mang lúa Chiêm vào Trung Quốc, sau này đã được áp dụng khắp nơi ở Nam Trung quốc, người Trung quốc gọi loại lúa này là “lúa tiên”. Lúa Chiêm Thành, theo sử Trung quốc, được nhà Tống mang áp dụng vào đầu thế kỷ 11, bắt đầu tữ tỉnh Phúc Kiến, mang đến Triết Giang để cấy trồng sau những vụ mất mùa do hạn hán và để tăng thêm thu hoạch. Lúa Chiêm Thành tăng trưởng và chín rất nhanh nên có thể trồng được hai vụ lúa trong năm. Năng xuất vì thế rất cao. Đến thời nhà Minh thì các tỉnh phía nam sông Dương Tử từ Triết Giang, Phúc Kiến đến Hải Nam đều dùng lúa Chiêm Thành. Cuộc cách mạng sản xuất nông nghiệp đã đưa đến sự tăng trưởng nhanh chóng về dân số và kinh tế với sự bành trướng và xuất hiện của các trung tâm đô thị mới. Người Trung quốc còn gọi lúa Chiêm Thành là lúa do trời ban cho (lúa tiên). Đại Việt và Trung quốc lớn mạnh cũng một phần do sự phát triển nông nghiệp qua lúa Chiêm.
Sang thế kỉ XIII, lịch sử chứng kiến lần hợp tác ăn ý hiếm hoi giữa Chiêm Thành và Đại Việt chống lại quân Mông Cổ hung hãn. Dễ hiểu bởi trước một kẻ thù hùng mạnh như thế thì đơn đả độc đấu chỉ làm mồi cho quân địch. Nhưng sau đó thì xung đột dâng lên cao trong vụ Huyền Trân Công Chúa - Chế Mân.
Có lẽ đây là một nước cờ ngoại giao không khôn khéo khi nhà Trần cho Khắc Chung cướp công chúa về, rồi cất quân đánh Chiêm Thành, bắt Chế Chí (Jaya Sinhavarman IV) giam cho đến chết. Người Chàm thù hận Đại Việt hơn từ độ đó, vài mươi năm sau sức mạnh của Chiêm Thành lên đến đỉnh cao khi Chế Bồng Nga đem quân mấy lần đánh ra Bắc, cướp phá cả Thăng Long của Đại Việt.
Xung đột trong vụ Huyền Trân - Chế Mân không đơn thuần là chuyện vụng trộm của Khắc Chung với cô công chúa góa phụ này, mà là sự tráo trở thấy rõ của Đại Việt đối với Chiêm Thành trên cả bàn ngoại giao và trong tình nghĩa sui gia, biết đâu hơn nữa là âm mưu ám hại Chế Mân khi ông vừa cưới Huyền Trân được một năm thì mất cách bí hiểm?
Theo tục của người Chàm thì vua mất, Hoàng hậu có thể có được vinh dự lớn lao là được hỏa táng cùng chồng. Nhưng lịch sử Chiêm Thành chỉ có rất ít vị hoàng hậu hỏa táng theo chồng, hẳn nhiên là phải được sự đồng ý của một hội đồng hoàng gia mới được phép táng cùng, tức là tuân theo 2 qui định sau đây:
a). Chỉ dành riêng cho bà hoàng hậu chính thức.
b) Phải có dòng máu Chàm. Bà Tapasi là hoàng hậu gốc người Java, dù đã giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong hoàng cung Champa thời đó mà bia kí thường nói đến, vẫn không nhận được ân huệ lên dàn hỏa với Chế Mân.
Còn Huyền Trân mới chỉ là thứ phi, lại mang máu Việt, có lẽ nào được vinh dự như thế?
Đó là một dấu hỏi. Còn về phía người Chàm thì từ khi mất châu Ulik (Châu Ô Lí), Vùng đất từ Bình Định đến Phú Yên là nơi người Chàm rút về tập trung ra sức chống chọi lại cuộc nam tiến của Đại Việt. Khi dân Việt đi vào định cư, thì người Chăm có đặc tính và khuynh hướng là không bám trụ ở lại. Đa số họ dời đi ở chổ khác xuống phía Nam, chứ không ở lại với người Việt. Có thể đây là vì hai văn hóa có sự khác biệt nhiều.
Dù thế nào thì chiến tranh liên miên giữa Đại Việt và Chiêm Thành đều làm suy yếu hai quốc gia, đến khi Đại Ngu bị quân Minh chiếm đóng thì Chiêm Thành cũng suy yếu, 2 vương quốc Vijaya-Champa và Panduranga-Champa mới được phục hồi sau khi quân Minh rút về, để đến năm 1471 thì vua Lê Thánh Tôn của Đại Việt nhấn chìm mãi mãi danh xưng Chiêm Thành với tư cách một quốc gia, mất Đồ Bàn, Chiêm Thành không còn gượng dậy nổi nữa. Đối với Đại Việt thì ông là một bậc minh quân, làm sáng ngời tên tuổi đất nước và triều đại, nhưng đối với người Chàm thì ông là một tên bạo chúa không hơn không kém: Phá hủy hầu hết đền đài, cung điện, tháp, bia ký, tư liệu phản ảnh đặc trưng của văn hoá Chàm đều bị phá hủy, quân dân và nghệ nhân bị tàn sát hay bị bắt đi. Và cũng từ những hành vi mang tính hủy diệt về văn hóa và nhân chủng (bắt 3 vạn người, giết cũng tầm số ấy, tính riêng trên vùng đất tiểu vương quốc Vijaya) của ông vua này cùng hết thảy những cuộc chiến tranh xâm lược của các nước với nhau trong lịch sử, chúng ta thấy rằng hễ mỗi khi xâm lược nước nào là kẻ thù luôn luôn muốn hủy diệt văn hóa nạn nhân, dân số đông không tiêu diệt được thì tách từng cụm: chia để mà trị, vẻ ngoài thì ra vẻ muốn “chiêu dụ nhân tài” nhưng thực ra là vừa tìm một số người làm ngụy vừa bắt giết những ai có tài nhưng khờ khạo trao thân cho giặc, lại thêm đốt sách, tịch thâu sách... làm cho gián đoạn nền văn hiến nước nạn nhân, từng bước đánh gục tinh thần quật cường của họ trên bình diện văn hóa - xã hội. Điều đó thật khủng khiếp.
Song song với chuyện Đại Việt thôn tính Chiêm Thành thì người Chàm cũng du nhập và để lại một số di sản văn hóa cho chúng ta, không đến cao độ như văn minh Trung Hoa nhưng cũng khắc dấu ấn vào tâm linh người Việt:
tại Thừa Thiên - Huế có một nơi là Điện Hòn Chén thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na nguyên là nữ thần Poh Nagar của Chàm. Giáo sư Trần Quốc Vượng viết: Điều đáng lưu ý nữa là tượng nữ thần được thể hiện rất khác với các Uma trinh nữ. Vì tượng có bộ ngực lớn, căng, nhưng hơi sệ; trên làn da bụng có những nếp nhăn của một người nữ đã nhiều lần sinh nở. Rất tiếc, hiện nay pho tượng đã được khoác xiêm y, mũ miện sặc sỡ, làm che khuất những đường nét và vóc dáng tràn trề sinh lạc mà mềm mại, dịu dàng của Bà Mẹ xứ sở(Lược theo GS. Trần Quốc Vượng Theo dòng lịch sử, Nxb Văn hóa, 1996, tr. 551-552.)
Không rõ từ khi nào mà vị Thánh Mẫu này ban phép lành cho dân hái trầm nữa. Trầm hương vùng Vạn Giã được dân xem trọng, chí ít là từ thế kỉ XIX thì triều đình nhận ra lợi tức kha khá của việc này nên ban lệnh: Vùng núi các huyện đều có kỳ nam, trầm hương. Dân xã An Thành huyện Tân Định hàng năm đi kiếm để nạp, năm nào không có kỳ nam phải nạp thay bằng trầm hương (Đại Nam Nhất thống chí, phần viết về thổ sản tỉnh Khánh Hòa). Nhưng Thánh Mẫu Thiên Y A Na thì du nhập vào dân gian Việt từ thế kỉ XVI (theo Ô Châu Cận Lục), tức vùng địa bàn ngày nay là Thừa Thiên Huế khi được lưu dân Việt tiếp thu cũng đã thâu nhận luôn ảnh hưởng của Chàm, việc này không phải là không xảy ra, mà xảy ra với cường độ chậm, nhịp nhàng, cũng như chính sách tầm ăn dâu sau này của chúa Nguyễn đối với các vùng đất còn lại của người Chàm từ thế kỉ XVII về sau.
Bên cạnh Thánh Mẫu, trong sách Lĩnh Nam Chích Quái kể lại truyện Dạ Xoa Vương gần như giống hệt Ramayana của người Ấn Độ, nhìn quanh Đại Việt, chỉ thấy mỗi Chiêm Thành là có tiếp thu văn hóa Ấn, vậy nên không ai khác mà chính là họ đã “nhượng lại bản quyền” truyện Ramayana cho chúng ta với tên gọi khác: Dạ Xoa Vương (Dạ Xoa = Rashasa).
Về nhạc thì phải kể đến việc vua Lí ra lệnh soạn khúc nhạc Chàm, khiến “nghe ai oán sầu thảm”, ông Đào Duy Anh cho rằng điệu cung nam bắt nguồn từ đó. Nét ai oán não nùng cũng thể hiện qua những tác phẩm đặc sắc nhất của ca nhạc Chăm với nhiều điệu hò, điệu lý Huế, với những bài bản u hoài hay ảo não thuộc điệu Nam hơi xuân, hơi dựng, hơi ai, hơi oán của ca nhạc Huế, đờn Quảng và đờn ca tài tử Nam Bộ: hò ô, hò mái nhì, hò mái đẫy, lý hoài xuân, lý tương tư, lý năm canh, cổ bản, phú lục, nam ai, nam bình, tứ đại oán, quả phụ hàm oan... Phải chăng lịch sử bi thương của người Chàm đã tạc nên âm hưởng của họ?
Nhiều chùa ở Hà Nội như chùa Châu Lâm, quận Ba Đình có các tượng “bà banh”, một số tượng đứng trên bệ đá có điêu khắc chim thần Garuda.
Nhưng vẫn còn một tiểu vương quốc khác, đó là Panduranga tồn tại thoi thóp đến năm 1832 thì bị vua Minh Mệnh chiếm hoàn toàn.
Người Chàm vẫn còn đó nhưng quốc gia của họ đã diệt vong. Việt Nam Cộng Hòa ra tay hào phóng cho người Chàm nhiều quyền lợi nhưng có vẻ như để giữ an họ trên mạn nam Trường Sơn, cùng với các sắc thiểu số khác trên vùng Tây Nguyên. Tổ chức Fulro ra đời trong thập niên 60 rồi đến khi Polpot lôi lần lượt các nhà lãnh đạo tổ chức nầy ra khỏi đại sứ quán Pháp, cướp cò súng, thì các tranh đấu về chính trị hình như bớt ồn ào đi. Cho đến ngày nay người Chàm tại miền Trung Việt Nam chỉ độ hơn trăm ngàn người, so với cái thời cướp phá kinh đô Thăng Long thì sa sút quá.
Ngày nay việc tìm kiếm, thâu thập tài liệu để hoàn chỉnh những vết mờ trong lịch sử của người Chàm thật khó khăn. Bởi lẽ qua nhiều lần chiến tranh, nhiều tài liệu đã không còn. Người Chàm hay giữ một vật là các lá buông, nhiều người không biết nó viết gì nhưng vẫn giữ vì sợ đắc tội với cổ nhân. Phần lớn lá buông ghi lại lời sấm, văn học, biên niên sử, các truyền thuyết, bùa chú...Nhưng đáng tiếc một điều rằng những lá buông này khi mục thì bị thả trôi sông, “trả về trời đất” chứ không biếu tặng hay mua bán gì nhiều. Một điểm gây khó khăn cho việc bảo tồn văn hóa lịch sử của người Chàm là các đền tháp hay bị ăn trộm, hoặc trải qua nhiều nắng mưa không còn vững chãi như xưa nữa. Thời gian sẽ xóa mờ đi nhiều thứ, và nếu không nhanh chóng giữ lại những nét đẹp văn hóa này, ngày nào đó chúng sẽ biến mất vĩnh viễn, như vương quốc Chiêm Thành đã tuyệt diệt ngày hôm nay.