Theo thống kê, có gần 100 quốc gia trên thế giới đã công bố Quốc hoa, coi đó là biểu tượng văn hóa của dân tộc mình như: hoa Chămpa (Lào), hoa Anh đào (Nhật Bản), hoa Tuylíp (Hà Lan)… Tại Việt Nam cũng đã có nhiều cuộc bàn thảo về việc chọn loài hoa nào là Quốc hoa. Điều đó cho thấy dư luận rất quan tâm đến vấn đề này. Gần đây, ngày 21-4, Bộ VH,TT&DL ra quyết định thành lập Ban biên soạn và Tổ biên soạn Đề án Quốc hoa Việt Nam và sau đó (ngày 16-6), có cuộc hội thảo phạm vi hẹp về sự cần thiết tôn vinh và tiêu chí lựa chọn Quốc hoa…
Hoa Sen, "ứng viên" nặng ký
Bản sắc văn hóa của một quốc gia được "phản chiếu" ở các biểu tượng. Nhìn vào đó, người ta nhận ra ngay diện mạo của quốc gia với đặc trưng về văn hóa, con người. Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa nên Việt Nam là xứ sở lý tưởng của các loài hoa. Và không lý gì lại không chọn và tôn vinh một loài hoa góp vào hệ thống các biểu tượng Việt Nam, để "hình ảnh" nước ta nổi bật và rõ nét hơn.
"Nặng ký" nhất trong các diễn dàn và hội thảo là hoa Sen. Như ông Nguyễn Trung Nhật, Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm lý giải: Hoa Sen vẫn được người dân Việt Nam coi là biểu trưng cho sự thanh khiết, cao quý và dung dị nhất. Ngoài vẻ đẹp hữu sắc, hương thơm thanh tao, loài hoa này còn gắn liền với nền văn hóa dân tộc và nền văn minh lúa nước, đồng thời sen có ở mọi miền đất nước. Sen đã đi vào thơ ca, truyền thuyết từ xa xưa. Sen gần gũi, thích dụng trong đời sống đến mức mỗi bộ phận (hoa, nụ, lá, thân, rễ) đều có thể được người dân chế biến thành những món ẩm thực ngon và tốt cho sức khỏe.
Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Rau quả Việt Nam, thì hoa Sen hội tụ nhiều nhất những tiêu chí để trở thành Quốc hoa của Việt Nam. Sen đã được trồng lâu đời, khoảng 2.000 năm và có sức sống mãnh liệt đến mức, hạt của nó "ngủ" đến 500 năm vẫn có thể "thức dậy". Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Trần Khánh Chương cũng cho ý kiến là chọn loài hoa này, cụ thể là Sen hồng. Bởi hoa Sen luôn đi liền với hình tượng Người cha già kính yêu của dân tộc. Nhắc đến Việt Nam là nghĩ đến Bác Hồ với hình ảnh "Tháp Mười đẹp nhất bông Sen, Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ". Ông Lê Đình, UV BCH Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, Phó TBT Tạp chí Việt Nam Hương Sắc cho biết, Tạp chí đã khảo sát và tiếp nhận nhiều ý kiến về Quốc hoa, "đề cử" nhiều nhất là: đào, mai và sen. Nhưng chỉ có hoa Sen là "thuận" được cả trong Nam, ngoài Bắc.
Hay hoa nào khác?
Tuy nhiên, hoa Sen lại khá phổ biến ở các quốc gia khu vực Đông Nam Á và cũng là Quốc hoa của nhiều quốc gia khác như Ấn Độ, Ma Cao, lại "trùng" cả với biểu tượng của Phật giáo... Và rõ ràng, nước ta còn có nhiều loài hoa khác khá "độc" mà đáp ứng được nhiều tiêu chí. Hoa Mai và hoa Đào đều rực rỡ lại chưa có nước nào chọn. "Nhưng có điều "tế nhị" là lấy Đào thì đa phần người miền Nam không hài lòng, còn lấy Mai thì người Bắc cũng không "ưng", ông Lê Đình nói. Hoa Gạo mang một ẩn ý về đất nước lúa gạo, có tạo hình đẹp như một ngọn lửa rực rỡ cũng đáng lưu ý. Hoa cau khá phổ biến, lại có hương thơm thanh cao, quả dùng trong ẩm thực và các vị thuốc. Hay có thể là hoa Quỳnh, hoa Trà, hoa Phượng, hoa Ban... Ngoài hoa thì cây, lá cũng có thể đưa vào để chọn lựa. Như Canada lấy lá Phong vậy. Bởi thế, có một gợi ý là cây Tre quật cường, bền bỉ. Trong tích chuyện xưa đã kể, năm mất mùa, may nhờ có ngày hoa Tre nở, người dân lấy về nấu ăn như cơm mà sống được...
Theo TS Phạm Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hội sinh vật cảnh Việt Nam, thì việc lựa chọn, tôn vinh Quốc hoa là một việc lớn, cần có sự tham gia của tất cả người dân. Bởi Quốc hoa thực sự có ý nghĩa khi do họ lựa chọn rồi yêu quý, trân trọng, gìn giữ và phát triển. Và đó cũng là trách nhiệm của mỗi người, vì khi tôn vinh Quốc hoa là tôn vinh những giá trị đích thực của con người, thiên nhiên, đất nước Việt Nam, trong đó có họ.
Để người dân cùng "vào cuộc" trong công việc này thì nên tạo ra các kênh thuận lợi cho họ tiếp cận; đặt ra các tiêu chí đơn giản, gợi mở và hướng dẫn đầy đủ. Chắc chắn, không người dân đất Việt nào lại không quan tâm và hẳn sẽ tham gia lựa chọn, tôn vinh biểu tượng cho đất nước mình