|
Tiêu đề: Chuyên đề 1. Xã hội nguyên thuỷ (Phần B) | |
| | | | | | Chuyên đề 1 XÃ HỘI NGUYÊN THUỶ
B/ Xã hội nguyên thuỷ
Từ khi Người tinh khôn xuất hiện, thị tộc hình thành cũng là bước đầu tiên của tổ chức xã hội loài người.
1. Thị tộc và bộ lạc
Đến Người tinh khôn, số dân đã tăng lên. Từng nhóm người cũng đông đúc hơn. Mỗi nhóm có hơn 10 gia đình (tăng hơn trước gấp 2 – 3 lần) gồm 2 – 3 thế hệ già, trẻ cùng có chung dòng máu, được gọi là thị tộc - những người “cùng họ”.
Trong thị tộc, con cháu có thói quen tôn trọng lớp ông bà, cha mẹ. Ngược lại, ông bà, cha mẹ đều chăm lo, bảo đảm nuôi dạy tất cả con cháu của thị tộc.
Trên một vùng sinh sống thuận lợi như ven sông, suối… thường không chỉ có thị tộc mà còn có bộ lạc.
Bộ lạc là tập hợp một số thị tộc, sống cạnh nhau, có họ hàng với nhau và cùng một nguồn gốc tổ tiên xa xôi. Giữa các thị tộc trong một bộ lạc thường có quan hệ gắn bó với nhau, giúp đỡ nhau.
Đương nhiên, công việc thường xuyên và hàng đầu của thị tộc là kiếm thức ăn để nuôi sống thị tộc.
Những công việc như thế, nhất là việc săn đuổi, săn bẫy các con thú lớn, thú chạy nhanh, luôn đòi hỏi sự phân công hợp lí, sự “chung lưng đấu cật”, mỗi người một việc, phối hợp ăn ý với nhau.
Như thế, yêu cầu của công việc và trình độ lao động thời nguyên thuỷ đòi hỏi sự hợp tác lao động của nhiều người, của cả thị tộc.
Thức ăn kiếm được chưa nhiều, chưa có đều đặn. Mọi người còn phải cùng làm, cùng cố gắng đến mức cao nhất để kiếm sống nên tự nhiên người ta thấy cần phải công bằng, phải được hưởng thụ bằng nhau.
Thực ra ở thời đồ đá, con người cũng chưa có gì thừa mà để dành, chưa có gì riêng mà cất giữ. Người ta sống cùng nhau mấy gia đình, thậm chí cả thị tộc, trong một ngôi nhà lớn. Bữa ăn dọn ra là thức ăn cùng nhau kiếm được, cùng ăn, cùng nhường nhịn, san sẻ đều nhau.
Như thế, trong thị tộc không chỉ có sự hợp tác mà mọi của cải, mọi sinh hoạt được coi là của chung, việc chung, làm chung, ăn chung, thậm chí ở chung một nhà.
2. Buổi đầu của thời đại kim khí
Thế giới năm 1000 TCN. Các khu vực sản xuất đồ sắt được chỉ ra với viền đỏ; sản xuất đồ đồng với viền màu hồng.
Từ chỗ dùng những công cụ bằng đá, bằng xương, tre, gỗ, người ta bắt đầu biết chế tạo đồ dùng và công cụ bằng đồng.
Cư dân ở Tây Á và Ai Cập sử dụng đồng sớm nhất. Thoạt tiên là đồng đỏ (vào khoảng 5500 năm trước đây), đến khoảng 4000 năm trước đây thì nhiều cư dân trên Trái Đất đã biết dùng đồng thau.
Đồng thau là hỗn hợp đồng pha thiếc (hoặc chì), nhiệt độ nóng chảy thấp hơn đồng, nhưng lại cứng hơn, có thể dùng để đúc vũ khí và công cụ. Tuy nhiên đồng, kể cả đồng thau, cũng chưa phải là vật liệu tốt nhất và sẵn có để chế tác mọi công cụ cần thiết.
Khoảng 3000 năm trước đây, cư dân ở Tây Á và Nam Âu là những người đầu tiên biết đúc và dùng đồ sắt.
Công cụ kim khí đã mở ra một thời đại mới mà tác dụng và năng suất lao động của nó vượt xa thời đại đồ đá. Đặc biệt là đồ sắt thì không có công cụ đá nào có thể so sánh được. Nhờ có đồ kim khí, nhất là sắt, người ta có thể khai phá những vùng đất đai mà trước kia chưa khai phá nổi, có thể cày sâu cuốc bẫm, có thể xẻ gỗ đóng thuyền đi biển, xẻ đá làm lâu đài và bản thân việc đúc sắt cũng là một thành tựu kỹ thuật, một ngành sản xuất quan trọng bậc nhất.
Đây thực sự là một cuộc cách mạng trong sản xuất. Lần đầu tiên trên chặng đường dài của lịch sử loài người, con người có thể làm ra một lượng sản phẩm thừa.
Suốt thời kỳ đồ đá, con người từ chỗ có cuộc sống bấp bênh tiến tới đủ sống. Buổi đầu của thời đại kim khí, con người sản xuất không những đủ sống ở mức còn thấp của hàng nghìn năm trước, mà còn có một lượng sản phẩm thừa thường xuyên.
3. Sự xuất hiện tư hữu và xã hội có giai cấp
Trong xã hội nguyên thuỷ, sự công bằng và bình đẳng là “nguyên tắc vàng”, bởi lúc ấy người ta sống trong cộng đồng, dựa vào nhau vì tình trạng đời sống còn quá thấp; nhưng khi bắt đầu có sản phẩm thừa thì lại không thể đem chia đều cho mọi người.
Các thành viên trong xã hội có những chức phận khác nhau, những người bình thường và những người phụ trách. Một số người được cử chỉ huy dân binh, chuyên trách lễ nghi hoặc điều hành các công việc chung của thị tộc, bộ lạc (Xây đền, làm nhà, làm đường, đắp đê…). Những người này đã lợi dụng chức phận của mình để chiếm một phần sản phẩm xã hội cho riêng mình khi chi dùng vào các công việc chung. Chẳng bao lâu, họ chiếm hữu được nhiều của cải vật chất hơn người khác. Thế là của tư hữu bắt đầu xuất hiện, quan hệ cộng đồng dần dần bị phá vỡ.
Gia đình cũng thay đổi theo. Đàn ông làm các việc nặng nhọc như cày bừa, làm thuỷ lợi, làm dân binh nên đã giữ vai trò trụ cột và giành quyền quyết định. Con cái lấy theo họ cha. Hình thức gia đình phụ hệ xuất hiện trong lòng thị tộc bình đẳng thời nguyên thuỷ.
Khả năng lao động của các gia đình khác nhau đã thúc đẩy thêm sự phân biệt giàu – nghèo. Kẻ giàu, người nghèo, người có quyền, kẻ bị lệ thuộc đã xuất hiện như cái bóng đi liền chế độ tư hữu tài sản. Thế là xã hội bắt đầu phân chia thành các giai cấp.
Xã hội nguyên thuỷ, hay còn gọi là công xã thị tộc bị rạn vỡ. Con người đang đứng trước ngưỡng cửa của thời đại xã hội có giai cấp đầu tiên – xã hội cổ đại.
( Trích Sách giáo khoa Lịch sử 10, nâng cao, Bộ giáo dục và đào tạo Việt Nam, NXB GD, năm 2006) | | | | |
|
|