Thời kỳ cổ đại (khoảng 3100 TCN - 525 TCN) Ai Cập cổ đại
Với những trang sử bắt đầu từ khoảng năm 5000 TCN (hoặc 3000 TCN nếu không tính các nước và các vua trước thời pharaon Menes) và kết thúc năm 332 TCN hoặc 30 TCN, thời Ai Cập cổ đại vẫn dài hơn tất cả các thời đại khác của lịch sử Ai Cập cộng lại, và có nhiều vương triều hơn tất cả các thời đại khác.
Đây cũng là thời đại duy nhất mà người Ai Cập nguyên thủy cai trị được toàn lãnh thổ Ai Cập.
Thời kỳ thuộc Ba Tư (525 TCN - 404 TCN ) (343 TCN - 332 TCN) Ai Cập thuộc Ba Tư
Năm 525 TCN, Ai Cập trở thành một vùng lãnh thổ thuộc đế quốc Ba Tư cổ đại. Các Shahanshah Ba Tư (tức Vua của các vua) trị vì trong thời này cũng dùng hiệu pharaon tại Ai Cập. Người Ai Cập khôi phục được độc lập trong 61 năm (404 TCN - 343 TCN), trước khi bị Ba Tư đô hộ lần thứ hai (343 TCN - 332 TCN).
Thời kỳ thuộc Hy Lạp (332 TCN - 30 TCN) Ai Cập thuộc Hy Lạp
Với cuộc chinh phục của Alexandros Đại Đế vua xứ Macedonia, và sự kế nghiệp của nhà Ptolemaios do một cận tướng của Đại Đế là Ptolemaios I Soter lập ra, Ai Cập trở thành một thành viên của đại gia đình các quốc gia nói tiếng Hy Lạp. Thủ đô Alexandria của Ai Cập cũng trở thành trung tâm lớn nhất và rực rỡ nhất của văn minh Hy Lạp. Các vua tộc Hy Lạp thời này cũng dùng hiệu Pharaon đối với người Ai Cập.
Thời kỳ thuộc La Mã (30 TCN - 642) Ai Cập thuộc La Mã
Ai Cập trở thành tỉnh của La Mã năm 30 TCN và người Ai Cập không được coi là công dân La Mã trong hơn hai thế kỷ. Đây là thời kỳ mà dân tộc cổ Ai Cập mất đi bản sắc, và là thời kỳ tôn giáo cổ Ai Cập biến mất, nhường chỗ cho Kitô giáo thành tôn giáo chính.
Cuối thời kỳ thuộc La Mã, có một thời gian ngắn Ai Cập bị lệ thuộc Ba Tư lần thứ ba (621 - 629).
Thời kỳ thuộc Ả Rập (642 - 935) Ai Cập thuộc Ả Rập
Trong cuộc chiến tranh giữa quốc gia Hồi giáo của người Ả Rập và đế quốc Đông La Mã, đất Ai Cập đổi sang quyền kiểm soát của người Ả Rập. Thời này cư dân Ai Cập phần lớn bị đồng hóa thành người Ả Rập. Kitô giáo dần dần trở thành tôn giáo thứ hai, sau đạo Hồi tôn giáo của giới cai trị.
Với thời gian, quốc gia Hồi giáo biến chất thành đế quốc Ả Rập, và khi đế quốc Ả Rập suy yếu thì Ai Cập lại có những triều đại địa phương cai trị.
Nhà Tulunid (868 - 905) Nhà Tulunid
Triều đại địa phương đầu tiên là nhà Tulunid của những tổng đốc người Thổ Nhĩ Kỳ. Triều đại này đã đặt được những nền móng kinh tế và quân sự vững chắc cho một nước Ai Cập tự chủ.
Nhà Ikhshidid (935 - 969) Nhà Ikhshidid
Sau nhà Tulunid, Ai Cập lại trực thuộc đế quốc Ả Rập thêm 30 năm (905 - 935). Khi đế quốc này suy yếu lần nữa thì Ai Cập thực thụ bước sang thời kỳ tự chủ với nhà Ikhshidid.
Nhà Fatima (969 - 1171) Nhà Fatima
Nhà Fatima đã bắt đầu tại Tunisia từ năm 910, nhưng khi họ chiếm được Ai Cập năm 969 thì họ lập tức cho xây thành phố Cairo ở Ai Cập và dời đô về đấy. Do đó, đối với Ai Cập thì nhà Fatima bắt đầu vào năm 969.
Nhà Ayyub (1171 - 1250) Nhà Ayyub
Nhà Ayyubid khởi nghiệp tại Ai Cập, nhưng dựa trên lực lượng đến từ Syria. Có nhiều lúc họ cai trị từ Syria.
Nhà Mamluk (1250 - 1517) Nhà Mamluk
Nhà Mamluk là một triều đại của những người nô lệ trở thành tướng và nối nhau lên ngôi sultan trị nước. Đây là một hiện tượng đặc biệt có lẽ chỉ có trong lịch sử Ai Cập và lịch sử Ấn Độ.
Nhà Mamluk nhiều khi được coi là hai triều đại: nhà Bahri (1250 - 1390) với các lãnh tụ người Thổ Nhĩ Kỳ và nhà Burji (1390 - 1517) người Circassian.
Thời kỳ thuộc Thổ Nhĩ Kỳ (1517 - 1805) Lịch sử Ai Cập thuộc Ottoman và Lãnh thổ Ai Cập, Đế quốc Ottoman
Năm 1517, Ai Cập bị sáp nhập vào đế quốc Ottoman. Các nô tướng Mamluk và con cháu nhà Burji vẫn được người Ottoman trọng dụng trong chính quyền.
Vào cuối giai đoạn này, Ai Cập bị quân Pháp của Napoléon Bonaparte vào chiếm 3 năm (1798 - 1801).
Nhà Muhammad Ali (1805 - 1953) Ai Cập dưới thời nhà Muhammad Ali
Năm 1805, sultan nhà Ottoman phong cho tướng Muhammad Ali làm tổng đốc Ai Cập. Từ đó, Ai Cập trở thành một giang sơn tự trị của nhà Muhammad Ali. Ngoài mặt, Ai Cập vẫn là tỉnh hay nước chư hầu của đế quốc Ottoman cho đến năm 1914.
Ai Cập cũng bị đế quốc Anh chiếm đóng từ năm 1882, và lập cuộc Bảo Hộ trong khoảng (1914 - 1922). Người Anh chỉ hoàn toàn rút khỏi Ai Cập năm 1956, sau khi nhà Muhammad Ali đã bị truất phế.
Mặc dù không lúc nào có được trọn chủ quyền cai trị Ai Cập trên cả danh nghĩa lẫn thực tế, nhà Muhammad Ali đã có công lớn canh tân đất nước, khiến Ai Cập trở thành một nước hiện đại bậc nhất thế giới bên ngoài châu Âu và Bắc Mỹ.
Song song với cuộc canh tân, khoa khảo cổ học Ai Cập, chủ yếu do người Âu đẩy mạnh, cũng đạt được nhiều thành quả vang dội, đáng kể nhất là chữ viết cổ Ai Cập được giải mã và đọc được trở lại.
Thời cận đại và hiện đại (1953 - nay) Ai Cập hiện đại
Ảnh hưởng phong trào dân chủ từ châu Âu, người Ai Cập lập các đảng phái chính trị, đưa đến một cuộc đảo chính do quân đội thực hiện năm 1952 và sự khai sinh nước Cộng hòa Ả Rập Ai Cập năm 1953.
Ai Cập giữ một vai trò quan trọng hàng đầu trong những cố gắng thống nhất các xứ nói tiếng Ả Rập, trong những tiến trình chiến tranh và hoà bình giữa khối Ả Rập và quốc gia Do Thái, và trong lãnh vực văn hóa đối với các nước bờ nam Địa Trung Hải.
theo internet