Hôm nay, ngày 19/8/2010, dân tộc Việt Nam đang hồi hộp đón chờ một sự kiện có ý nghĩa lịch sử, trong một ngày lịch sử: Giáo sư Ngô Bảo Châu có nhiều khả năng được nhận giải thưởng Fields, được mệnh danh Nobel toán học, vinh quang lớn nhất mà một nhà toán học có thể chạm tới.
Chỉ ít giờ nữa thôi, rất có thể, lần đầu tiên, trí tuệ Việt Nam sẽ được thế giới vinh danh ở đỉnh cao khoa học loài người: toán học.
Có lẽ không lời nào nói hết nỗi rưng rưng, niềm vui dâng tràn và niềm tự hào mãnh liệt đang rung lên trong triệu triệu con tim Việt hôm nay.
Riêng bản thân tôi, một cựu sinh viên toán, khi nhìn vào các công trình của GS Ngô Bảo Châu, tôi có niềm tin và linh cảm mạnh mẽ anh sẽ bước lên bục vinh quang ấy.
Vinh quang hôm nay, đâu chỉ của riêng Ngô Bảo Châu. Bởi anh đã hiện thực hóa được giấc mơ của bao thế hệ những người làm toán, yêu toán của Việt Nam mơ một ngày vươn tới tầm cao của toán học thế giới.
Có lẽ, không có mấy dân tộc nào lại yêu toán, mê toán như người Việt Nam. Chẳng thế mà, trong những năm tháng khốc liệt nhất của chiến tranh, nhà toán học có ảnh hưởng nhất nửa sau thế kỷ XX Grothendieck khi đến thăm đất nước này đã phải thốt lên: “có một nền toán học Việt Nam thật sự đúng nghĩa ở nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”.
Những năm ấy, toán học đã trở thành lựa chọn đầu tiên, là món ăn tinh thần, là không khí hít thở của biết bao bạn trẻ, trong đó có người viết bài này.
Dưới những mái nhà tranh sơ sài, bên ngọn đèn dầu leo lét, một thế hệ mới các nhà toán học Việt Nam đã hình thành.
Còn đối với bao thế hệ trẻ Việt Nam ngày ấy, đằng sau toán học là biết bao giấc mơ, khát vọng nhưng chưa thể tới đích. Nào ai có thể quên: từ những niềm đam mê giải toán , say mê đọc những trang giáo trình giải tích toán học , quy hoạch toán học của Hoàng Tụy trong hầm trú ẩn tránh máy bay ở miền Bắc những năm chiến tranh, rồi niềm vui vỡ òa lên khi lần đầu tiên Hoàng Lê Minh, Vũ Đình Hòa mang huy chương vàng, huy chương bạc đầu tiên cho Việt Nam ở Olympic toán quốc tế tại Đức năm 1974, cho đến những say mê tiếp cận với lý thuyết kỳ dị toán học còn mới mẻ trong những ngày khó khăn, phải ăn khoai lang luộc cho đỡ đói trong những đêm mùa đông giá lạnh thời kỳ đất nước còn đang trong thời kỳ kinh tế bao cấp ở một thành phố cao nguyên , những khát vọng trở thành nhà toán học của bao bạn trẻ thông minh, tài năng … nhưng vì những lý do khác nhau đã phải tìm lối đi khác trong cuộc đời …
Hôm nay, tất cả đã được đền đáp. Khát vọng chinh phục đỉnh cao toán học thế giới đã trở thành hiện thực.
Tự hào, hạnh phúc bao nhiêu, chúng ta trân trọng bấy nhiêu những thành quả Ngô Bảo Châu đã đóng góp cho toán học. Và giải thưởng Fields nếu được trao cũng chỉ là sự xác nhận của giới toán học thế giới với những công trình của Ngô Bảo Châu.
Cúi đầu trân trọng trước những công trình của Ngô Bảo Châu, chúng ta càng xúc động và kính trọng nhân cách Ngô Bảo Châu khi anh thể hiện rõ nhân cách trí thức của mình: thẳng thắn , chính trực, có trách nhiệm trước những vấn đề của xã hội, của đất nước , kể cả ý kiến thẳng thắn đó có thể làm cho ai đó phật lòng.
Một sự trùng hợp ngẫu nhiên thật lý thú. Đúng vào ngày này, thời khắc lịch sử 65 năm trước, ngày 19/8/1945 dân tộc Việt Nam vùng dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền để trở thành một quốc gia độc lập. Và ngày hôm nay 19/08/2010, một người con của Việt Nam, Giáo sư Ngô Bảo Châu nhận giải thưởng toán học lớn của nhân loại, vinh danh trí tuệ Việt Nam trên đỉnh cao toán học – môn khoa học cơ bản nhất của loài người.
Cũng từ hôm nay, người Việt Nam nói chung, và những nhà lãnh đạo, quản lý ở mọi cấp có quyền ngẩng cao đầu để tin rằng trí tuệ Việt Nam có thể vươn đến đỉnh cao nhân loại ở nhiều lĩnh vực khác nhau…
Làm thế nào để Việt Nam trở thành một nước có nền toán học sánh vai với các nền toán học lớn trên thế giới như Mỹ, Nga, Pháp với những tên tuối và những công trình lớn như nhóm Bourbaki , Konmogorop , Kendưts, David Mumford ? Làm thế nào để đất nước Việt Nam tiếp tục nuôi dưỡng, phát triển những mầm non tài năng hôm nay để đạt đến đỉnh cao như Ngô Bảo Châu trong tương lai ? Câu hỏi này cần sự trả lời từ mọi người Việt Nam nhưng có lẽ trước hết ở những nhà lãnh đạo.
http://vedinh.wordpress.com/2010/08/19/ngo-b%e1%ba%a3o-chau-va-ngay-l%e1%bb%8bch-s%e1%bb%ad-c%e1%bb%a7a-dan-t%e1%bb%99c-vi%e1%bb%87t-nam/