Trong kháng chiến chông Pháp, các hoạt động quân sự và địch vận của quân dân Hà Nội đã kìm hãm lực lượng địch ngay tại hậu cứ lớn nhất của chúng ở miền Bắc Đông Dương.
Tháng 3/1954, phối hợp với chiến dịch Điện Biên Phủ, Thành uỷ Hà Nội quyết định đánh sân bay Gia Lâm, căn cứ hậu cần bằng đường hàng không lớn nhất của thực dân Pháp ở miền Bắc Đông Dương, đồng thời vận động binh lính địch đảo ngũ, vận động trí thức đòi lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Chủ trương đánh sân bay Gia Lâm được đề ra từ tháng 5/1953. Sau 9 tháng điều tra, nắm tình hình địch kỹ càng, được tỉnh uỷ Bắc Ninh, huyện uỷ Gia Lâm giúp đỡ, nhân dân các thôn Ái Mộ, Thạch Cầu, Trạm, Nha che chở, nuôi dưỡng, các chiến sĩ quân báo của Đại đội 8 đã sẵn sàng tấn công sân bay.
Thành uỷ chỉ đạo Ban chỉ huy Mặt trận Hà Nội xây dựng chương trình kế hoạch tác chiến. Đêm ngày 3, rạng sáng ngày 4/3/1954, đồng chí Vũ Văn Sự, cán bộ Đại đội 8, chỉ huy 16 chiến sĩ, trong đó có 3 dân quân địa phương, từ vị trí tập kết ở làng Thạch Cầu, chia thành 4 bộ phận vượt qua hồ Lâm Du, dài gần 1km, tập kích sân bay.
Bị đánh bất ngờ, 18 máy bay các loại và kho xăng bốc cháy; 16 tên địch bị tiêu diệt. Sau trận đánh sân bay Bạch Mai, đây là trận đánh lớn thứ hai của lực lượng vũ trang Hà Nội làm cho địch khiếp đảm, kinh hoàng. Cùng với trận đánh căn cứ không quân Đồ Sơn (đêm 31/1/1954) và trận đánh sân bay Cát Bi (đêm 7/3/1954), trận đánh sân bay Gia Lâm đã gây nhiều khó khăn lớn cho địch trong việc tiếp tế ứng cứu cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bằng đường hàng không.
Chiều 4/4/1954, quân dân Gia Lâm lại đánh thắng một trận vang dội trên đường số 5, lật nhào một đoàn tầu 13 toa tiếp tế quân lương và vũ khí từ Hải Phòng lên Hà Nội. Cuối tháng 4/1954, giữa lúc tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đang bị vây hãm nguy ngập, công nhân Sở binh lương trong Citadelle đốt kho, làm cháy hàng ngàn chiếc dù, chặn nguồn tiếp tế lên chiến trường Điện Biên Phủ của địch.
Trong khi chiến dịch Điện Biên Phủ đang diễn ra ác liệt thì ở Hà Nội, ta tiếp tục đẩy mạnh công tác địch vận. Truyền đơn, giấy thông hành được in ngay trong nội thành để kịp thời tán phát trong binh lính. Ngoài ra, Ban địch vận của Mặt trận Hà Nội còn cho chụp truyền đơn vào phim rồi chuyển đến các cơ sở, in ra thành ảnh, binh lính địch có thể dùng thay cho “giấy thông hành” ra vùng tự do. Các ngành, các đoàn thể quần chúng đều tích cực tham gia địch vận. Sĩ quan, binh lính địch rã ngũ tập thể như Tiểu đoàn dù số 5 đóng ở trường Bưởi, Tiểu đoàn dù số 7 đóng ở Việt Nam học xá không muốn tham chiến ở Điện Biên Phủ, 1.200 lính đóng ở khu vực sân bay Bạch Mai đào ngũ.
Các hoạt động quân sự và địch vận của quân dân Hà Nội đã kìm hãm lực lượng địch ngay tại hậu cứ lớn nhất của chúng ở miền Bắc Đông Dương.
Trong thế thua, thực dân Pháp buộc phải ngồi vào bàn Hội nghị Geneva thương lượng với ta. Chấp hành chỉ thị của Trung ương Đảng vận động nhân dân đấu tranh mạnh mẽ chống chiến tranh xâm lược, ủng hộ lập trường của phái đoàn ta ở Hội nghị Geneva, Thành uỷ Hà Nội đã phát động phong trào đấu tranh đòi hoà bình, đòi Chính phủ Pháp phải thành thật thương lượng với Chính phủ Hồ Chí Minh. Thành uỷ chủ trương vận động rộng rãi quần chúng, trước hết là tầng lớp trí thức, đưa vấn đề ra công khai, trên cơ sở đó tiếp tục mở rộng phong trào. Ngày 26/3/1954, bản kiến nghị đòi lập lại hoà bình của trí thức Sài Gòn đứng đầu là kỹ sư Lưu Văn Lang, luật sư Trịnh Đình Thảo… được công bố trên báo chí Hà Nội.
Thành uỷ đã giao nhiệm vụ cho Ban cán sự trí thức vận, vận động nhóm trí thức trung kiên làm và ký kiến nghị đòi lập lại hoà bình. Ngày 12/4/1954, một số trí thức tiêu biểu: Bác sĩ Trần Văn Lai, luật sư Bùi Tường Chiểu, luật sư Vũ Văn Hiền, bác sĩ Phạm Khắc Quảng đã ký vào bản kiến nghị yêu cầu các bên tham chiến ở Đông Dương đáp ứng nguyện vọng bức thiết của nhân dân, cùng nhau thương lượng, chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình.
Bản kiến nghị được ông Nguyễn Mạnh Hà ở Paris gửi đăng trên báo chí nước Pháp có ảnh hưởng tích cực đối với dư luận trong nước và quốc tế.
Trong lúc đó, vấn đề ký kiến nghị đòi lập lại hoà bình cũng được đưa ra bàn bạc công khai trong sinh viên, thông qua Ban trị sự Tổng hội sinh viên. Cuộc vận động ký kiến nghị hoà bình được lấy lên và phát triển nhanh trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên, học sinh, viên chức, công nhân.
Qua cuộc vận động, nhân dân thấy rõ chiêu bài: “Độc lập, thống nhất” giả hiệu của địch. Do đó, ngày 30/4/1954, cuộc biểu tình để lôi kéo quần chúng chống thương lượng do bọn tay sai thân Mỹ tổ chức đã bị cô lập và thất bại.
Trong khí thế cả nước ra trận quyết đập tan kế hoạch Navarre, Thành uỷ Hà Nội đã kịp thời lãnh đạo đẩy mạnh đấu tranh, kết hợp các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá và quân sự, liên tục tiến công quân thù ở ngay nơi đầu não chỉ huy, hậu cứ an toàn của địch, góp phần cùng tiền tuyến giành thắng lợi.
Phong trào đấu tranh của nhân dân Hà Nội trong Đông - Xuân 1953 - 1954 là một bước phát triển mới của chiến tranh nhân dân ở thành thị bị tạm chiếm, tiêu biểu cho sự phối hợp chiến đấu giữa thành thị với rừng núi và nông thôn, góp phần phân tán, kìm chân, tiêu hao sinh lực địch, tạo điều kiện để bộ đội ta tấn công, tiêu diệt địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954, giành thắng lợi quyết định, buộc thực dân Pháp phải ký hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam và Đông Dương vào ngày 20/7/1954.
(http://thanglong.chinhphu.vn/Home/Ha-Noi-chia-lua-voi-mat-tran-Dien-Bien-Phu/20105/4822.vgp)