Chuyện về chiếc ghế đá lớn nhất Hà Nội
Chẳng ai có thể ngờ chiếc ghế đá lớn nhất Hà Nội lại nằm ở một nơi nhiều người biết đến thế. Rõ ràng ở vị trí trên phố Lê Thái Tổ, nhìn thẳng ra tháp Rùa, không thể nói nó là vật chứng bị lãng quên cùng năm tháng. Khác với những chiếc ghế đá thông thường của Hà Nội, chiếc ghế có mặt rộng bằng cả chiếc bàn to, bóng nhẫy và loang loáng một sắc đen vĩnh hằng.
Không mấy người biết về giá trị "kỷ lục" mà chiếc ghế đá đang giữ
Có lẽ, bàn về lai lịch cũng như khẳng định niên đại của một vật chẳng mấy quan trọng với dòng lịch sử Hà Nội này sẽ được hậu xét, nhưng những người yêu Hà Nội, việc công nhận đây là ghế đá lớn nhất Hà Nội này là việc chẳng thể làm ngơ. Trong những câu chuyện vụn vặt bên quán cóc ven hồ luôn đọng lại loáng thoáng những giai thoại Hồ Gươm. Chuyện về cây lộc vừng 9 gốc dâng trọn hai mùa hoa rực rỡ trong năm, chuyện về những quả mõ có nhựa dính chuồn chuồn, chuyện về chiếc ghế đá bị lãng quên... dường như đã thành một phần máu thịt của hồ Gươm dấu yêu trong trái tim người phố.
Họa sĩ Hà Huy, một người gốc Hàng Bạc kể lại: "Cách đây vài chục năm, thời chúng tôi cởi trần, vận quần đùi mỗi trưa hè đi bắt nòng nọc ven hồ, vẫn thường chọn chỗ này nghỉ chân. Vài ba đứa nhóc vừa ngồi vừa nằm lên trên mà chẳng hết nổi chiếc ghế. Cả bờ Hồ cũng chỉ duy nhất ở vườn hoa trước cửa khách sạn Phú Gia là có cái ghế to như thế.
Còn một cựu cầu thủ bóng đá Công an Hà Nội trước đây đã từng khoe, có những đêm mất điện không ngủ, lang thang ra chiếc ghế này hóng gió rồi đánh một giấc đến sáng lúc nào không hay. Đến bây giờ thì anh chàng cầu thủ này đã chuyển nhà xa trái tim hồ Gươm. Đến bây giờ thì thói quen lang thang ngủ đêm hóng mát của chàng lãng tử đã chẳng còn vì có bói ra cũng chẳng tìm đâu có cái ghế đá nào vừa vặn với khổ người lênh khênh 1m80, nếu không có những lúc lãng đãng quay về chốn cũ.
Nhưng trái với cái quy luật thông thường, ghế đá là một trong những minh chứng của tình yêu một thời, nhiều chứng nhân khẳng định suốt bao năm tồn tại của mình, chiếc ghế đặc biệt này chưa bao giờ dành cho những đôi lứa yêu nhau hẹn hò. Bởi theo cái logic thông thường, chẳng có đôi trẻ nào yêu nhau lựa chọn cho mình khoảng không gian trước cái nhìn của bao người như thế.
Có lẽ cũng vì cái phần đặc biệt như vậy mà chiếc ghế vẫn tồn tại dù đã bao lượt người ta thay đổi kiểu ghế mới cho phù hợp cảnh quan ven hồ. Biết bao tháng năm đã qua, biết bao người lữ hành mỏi mệt đã dừng chân trên chiếc ghế mà chẳng hề bận tâm với cái giá trị kỷ lục lớn nhất mà nó vẫn đang tạm giữ. Cũng như những người anh em khác ven hồ, họ hàng nhà ghế đá vốn bao dung nên luôn mở rộng vòng tay tri kỷ với lan man của người đời. Như vậy đã quá đủ cho những kỷ niệm một thời mãi khôn nguôi.
Đi trên đường Lê Thái Tổ vào những sớm tinh mơ, đoạn đường đẹp nhất Hà Nội chạy ven hồ, giữa ba hàng cây luôn được thiên nhiên bao dung, làm nên những khoảnh khắc lãng mạn. Dừng chân trên chiếc ghế đá in hằn màu thời gian lãng đãng, nhìn ra Tháp Rùa ẩn hiện, ngày xuân hạ mây bay, ngày thu đông sương phủ và cái khoan thai, sâu lắng của người Hà Nội trong nhịp chân tản bộ. Bao nhiêu điều nhỏ nhoi, vụn vặt hằng ngày đều tiêu tan trong một thoáng gió hồ mơn man mỗi ngày.
Hà Nội bước gần đến những ngày Đại lễ, những câu chuyện về Hồ Gươm càng thêm sống động và thổn thức. Chiếc ghế đá lớn nhất thành phố ấy vẫn độc thoại một kiểu dáng chẳng giống ai... và để khẳng định cho cái sự trường tồn của mình, mặt ghế ngày sáng bóng lên cùng năm tháng. Nói như cánh nghệ sĩ thì đó là sắc màu không hề tồn tại trong từ điển thông thường, bởi đó là màu thời gian.