CLB Sử Học Trẻ Việt Nam
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


CLB Sử Học Trẻ Việt Nam
 
Latest imagesTrang ChínhĐăng kýĐăng Nhập
DIỄN ĐÀN SỬ HỌC TRẺ - Điểm hẹn của những người đam mê Sử học từ khắp mọi miền Tổ quốc.
Most Viewed Topics
Chữ viết ở Đông Nam Á
Nguyễn Ái Quốc những hoạt động chủ yếu từ 1919-1930 và vai trò đối với CMVN
Tại sao giai cấp nông dân không thể là giai cấp lãnh đạo cách mạng?
Nguyên nhân chính của cao trào 30-31 là nguyên nhân nào ??
Điều lệ của Câu lạc bộ Sử học Trẻ; Nội quy của Forum Suhoctre
TỔ CHỨC BỘ MÁY NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT THỜI NGÔ - ĐINH - TIỀN LÊ
Đặc điểm con người nhà văn Nam Cao
Tư sản dân quyền
phong trào cách mạng 1936-1939 có mang tính dân tộc hay không?
Đặc điểm của cuộc cách mạng tư sản Anh thế kỉ XVII:

Share | 

 

 Tráng ca 307

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Tráng ca 307 I_icon_minitimeFri Jul 04, 2008 9:17 pm

Khai Tam hungson

CỐ VẤN CHUYÊN MÔN

Khai Tam hungson

CỐ VẤN CHUYÊN MÔN

Họ & tên Họ & tên : Nguyễn Hùng Sơn
Vai trò trong CLB Sử học Trẻ Vai trò trong CLB Sử học Trẻ : Uỷ viên danh dự Ban Điều hành Câu lạc bộ
Huy chương Cống hiến Huy chương Cống hiến : Tráng ca 307 42
Huy chương thành tích Huy chương thành tích : Tráng ca 307 40 Tráng ca 307 68

Ngày tham gia Ngày tham gia : 17/06/2008
Tổng số bài gửi Tổng số bài gửi : 138
Đến từ Đến từ : Bình Dương
Điểm thành tích Điểm thành tích : 330
Được cám ơn Được cám ơn : 20

Bài gửiTiêu đề: Tráng ca 307

 

Kỳ 1: Bài hát máu thịt

TT - “Ai đã từng đi qua sông Cửu Long Giang, Cửu Long Giang sóng trào nước xoáy. Ai đã từng nghe tiếng tiểu đoàn, tiếng tiểu đoàn ba trăm lẻ bảy...”, lời ca hùng tráng đã 60 năm rộn rã thúc giục người nghe tiến lên phía trước, bao năm qua vẫn còn là lời ca quen thuộc với rất nhiều người.

Ngày 5-7 này, những cựu binh năm xưa hội tụ về. Họ cùng nhớ lại một buổi chiều 60 năm trước, cùng xuất quân bước vào trận địa với tấm lòng sắt son.

Chúng tôi bắt đầu những câu chuyện về tiểu đoàn 307 anh hùng bằng ca khúc bất hủ Tiểu đoàn 307. Trở thành một trong 13 ca khúc được đưa vào quân lệnh "quân đội phải thuộc", ca từ và điệu nhạc hùng tráng đã đưa "tiếng tiểu đoàn ba trăm lẻ bảy" vang xa, vang mãi.

Tài hoa hội tụ

Bất ngờ thú vị đầu tiên là khi phát hiện những ca từ mạnh mẽ, chân chất đúng kiểu đồng bằng sông Cửu Long ấy lại là của Nguyễn Bính, cái tên luôn gắn liền với những vần thơ đậm chất trữ tình, ý nhị của đồng bằng Bắc bộ. Có lẽ những chiến công hiển hách liên tiếp của tiểu đoàn bộ đội chủ lực đầu tiên của miền Nam đã tác động mạnh khiến nhà thơ hương đồng gió nội phải tạm xa vị chân quê.

Nhịp đi nhanh, mạnh của những câu thơ trong bài Cửu Long Giang: "Trận Tháp Mười, trận Mộc Hóa, vang tiếng đồn với trận La Bang/ Lưỡi gươm vung với cánh tay sắt/ Đầu giặc rụng/ Nổ súng đồng, đồn giặc vỡ tan" thật lạ so với nhịp dìu dặt lục bát hoa cau vườn trầu, nhưng lại rất quen thuộc với nhịp hành quân, công đồn của các chiến sĩ tiểu đoàn 307 và với khí chất hào hùng của những năm kháng chiến chống Pháp.

Bài thơ được đăng trên báo Tổ Quốc của Khu 8, và một nghệ sĩ khác đã bắt được đúng nhịp tim đập mạnh của các chiến sĩ tiểu đoàn 307 khi đọc bài thơ viết về mình: Nguyễn Hữu Trí - một nhạc sĩ Công giáo lúc đó đang là phó ban quân nhạc Khu 8. Và bài thơ Cửu Long Giang đã được thăng hoa thành tráng ca Tiểu đoàn 307. Trước đó, Nguyễn Hữu Trí đã từng phổ nhạc bài thơ Phá đường của Tố Hữu, Ba người chiến sĩ năm 40…

Năm 1948, Khu ủy, Bộ tư lệnh Khu 8 quyết định thành lập tiểu đoàn chủ lực cơ động đầu tiên, gọi là "tiểu đoàn liên quân lưu động" để có thể đương đầu với lực lượng đối phương. Sau khi tập trung huấn luyện, ngày 5-7-1948 làm lễ xuất quân lấy phiên hiệu là tiểu đoàn 307.

Cho đến ngày ký Hiệp định Gèneve 7-1954, tiểu đoàn 307 đã đánh 110 trận lớn nhỏ, đạt những thành tích đặc biệt xuất sắc. Tiểu đoàn 307 được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2004.
Sau 1954, không tập kết ra Bắc được, ông về quê vợ ở Bạc Liêu dạy học và dạy nhạc. Bị đặt trong danh sách theo dõi, đề phòng của chính quyền Sài Gòn, ông không công bố thêm sáng tác nào nữa từ đó. Đến 1978 trở bệnh nặng, tất cả tài sản, ruộng đất đội nón ra đi để lo tiền thuốc, ông mới gửi một lá thư về Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM đề nghị cho nhận nhuận bút ca khúc Tiểu đoàn 307. Nguyễn Hữu Trí qua đời năm 1979, chưa bao giờ nói gì về những nốt nhạc mình đã chọn, nhưng các thế hệ chiến sĩ 307 thì không bao giờ quên cảm ơn ông đã chọn nền nhạc cho Tiểu đoàn 307 chính là điệu kèn xung phong: Lá lá/ Đô là đô fá - Lẻ bảy/Tiểu đoàn lẻ bảy...

Thêm một nghệ sĩ nữa được lịch sử chọn để chắp cánh cho ca khúc Tiểu đoàn 307 bay thẳng vào lịch sử: ca sĩ Quốc Hương. Nói như bà Nguyễn Lê Thu An - vợ ca sĩ Quốc Hương, Quốc Hương nhập hồn vào từng từ, từng nốt của Tiểu đoàn 307 và ngược lại, khí chất lạc quan, hào hùng, anh dũng của ca khúc cũng nhập vào ông. Từ ngày 1-10-1950, khi bài hát được phát lần đầu trên Đài Tiếng nói VN Nam bộ kháng chiến cho đến cuối đời, mọi người bắt đầu gọi ca sĩ Quốc Hương là "ông 307".

Tâm ý của ba người nghệ sĩ tài hoa hội tụ, hòa quyện và ca khúc Tiểu đoàn 307 vút cao, truyền lửa, dẫn đầu toàn quân đã gần 60 năm.

Từ máu thịt trở về máu thịt

Một tiểu đội của tiểu đoàn 307. Ảnh tư liệu trích từ phim của ban Điện ảnh Khu 8

Và tiểu đoàn 307 không chỉ có một bản hòa ca tuyệt vời mà hình ảnh những trận công đồn Mộc Hóa, La Bang, Cầu Kè của 307 còn được ghi lại trong những thước phim tài liệu đầu tiên của điện ảnh kháng chiến miền Nam. Đạo diễn Mai Lộc vẫn nhớ như in nỗi hồi hộp khi một anh quay phim trẻ như ông lại được ngồi dự nghe bộ tư lệnh bàn chiến thuật công đồn.

Phim Trận Mộc Hóa của Mai Lộc chỉ dài 15 phút nhưng khắc họa được rõ nét toàn trận đánh từ phục kích, xung phong, bắn, bắt tù binh... Buổi chiếu đầu tiên bên kênh Dương Văn Dương với hội trường lợp cỏ đưng, xuồng ba lá ken đầy, tiếng vỗ tay vang dội, quân dân nức lòng và những hình ảnh hào hùng của kháng chiến cứ thế lan xa.

Nhà văn Trần Kim Trắc, nguyên là cán bộ chính trị của 307, kể: "Một buổi chiều tôi đi công tác về gặp Nguyễn Hữu Trí. Anh gọi tôi ra bờ kênh, cầm cây violon, kéo vài nốt nhạc và cất lời: Ai đã từng đi qua sông Cửu Long Giang, Cửu Long Giang sóng trào nước xoáy… Lập tức tôi nghe như là máu thịt của mình".

Đạo diễn Nguyễn Kế Nghiệp, nguyên là trung đội trưởng của 307, xuýt xoa mãi rằng bao năm theo nghiệp phim ảnh mà ông vẫn còn một món nợ với đồng đội, với chính mình: chưa tái hiện được hình ảnh tiểu đoàn 307 vượt sông với hàng trăm chiếc ghe tam bản dàn hàng ngang lao vun vút trên sóng bạc đầu. "Hùng vĩ, hoành tráng, sóng trào nước xoáy là đó, niềm tự hào của anh em 307. Là tiểu đoàn lưu động duy nhất hoạt động suốt dọc sáu tỉnh nên chỉ 307 mới có điều kiện di chuyển, vượt qua các cửa sông, nhánh sông. Nhà thơ Nguyễn Bính, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí đã bắt được hình ảnh thần thái nhất của 307", ông Nghiệp nói.

Tiểu đoàn 307 vừa ra đời đã vang tiếng "đánh đâu được đấy", không chỉ vì sự mưu trí trong chiến thuật, gan dạ trong tấn công, mà còn rất hào sảng khi luôn công đồn với tiếng kèn xung trận. Tiểu đoàn có cả một đội kèn đồng clairon chia đều ra các đại đội. Nghe tiếng kèn vang trên đồng trống, "bao nhiêu quân Pháp run rẩy sợ hãi" biết 307 đã đến rồi. Sau khi ca khúc Tiểu đoàn 307 ra đời, giai điệu "lẻ bảy/ tiểu đoàn lẻ bảy" nổi lên giữa trận đánh lại càng giục lòng chiến sĩ...

PHẠM VŨ


Chữ ký của Khai Tam hungson





Tráng ca 307 I_icon_minitimeMon Jul 07, 2008 10:20 pm

Khai Tam hungson

CỐ VẤN CHUYÊN MÔN

Khai Tam hungson

CỐ VẤN CHUYÊN MÔN

Họ & tên Họ & tên : Nguyễn Hùng Sơn
Vai trò trong CLB Sử học Trẻ Vai trò trong CLB Sử học Trẻ : Uỷ viên danh dự Ban Điều hành Câu lạc bộ
Huy chương Cống hiến Huy chương Cống hiến : Tráng ca 307 42
Huy chương thành tích Huy chương thành tích : Tráng ca 307 40 Tráng ca 307 68

Ngày tham gia Ngày tham gia : 17/06/2008
Tổng số bài gửi Tổng số bài gửi : 138
Đến từ Đến từ : Bình Dương
Điểm thành tích Điểm thành tích : 330
Được cám ơn Được cám ơn : 20

Bài gửiTiêu đề: Re: Tráng ca 307

 

TT - "Buổi xuất quân năm ấy/Cả tiểu đoàn thề dưới sao vàng/Người chiến sĩ tiếc gì máu rơi"... Đó là chiều tối 5-7-1948, lễ xuất quân tiểu đoàn 307 được tổ chức tại căn cứ Giồng Luông, xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.

Hơn 1.000 chiến sĩ từ các đại đội địa phương tập trung về đã hoàn tất khóa huấn luyện, hàng ngũ chỉnh tề, súng trên tay và mã tấu trên lưng, sẵn sàng đứng vào đơn vị chủ lực của toàn khu, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ "yếu hơn đối phương ở toàn trận địa, nhưng phải mạnh hơn đối phương ở mỗi trận đánh". Và họ thề: gắn bó với cuộc chiến đấu cho đến ngày độc lập - quyết tử.

Tiếc gì máu rơi

Các thế hệ chiến sĩ của tiểu đoàn 307 không bao giờ quên câu chuyện về Tạ Văn Bang. Ngay lần công đồn đầu tiên, trận Mộc Hóa, quân đối phương rút chạy, xả đạn lại phía sau như vãi trấu, Bang lao lên truy kích. Viên đạn trúng cườm tay trái anh, xương thịt dập nát, máu tuôn dầm dề. Tiếng kèn gọi xung phong vang lộng, Bang như không biết đau, vẫn lao lên theo hiệu lệnh nhưng bàn tay trái lại treo lủng lẳng. Anh gọi một đồng đội đến bảo cắt giúp cho đỡ vướng. Những người lính dạn dày chinh chiến run tay, quay mặt đi. Bang rút mã tấu, khuỵu xuống đặt bàn tay trái trên mặt đất, nghiến răng... Tay phải của anh chặt bàn tay trái đứt phăng. Bang lại tiếp tục xông lên phía trước, ôm tiểu liên bằng một tay. Sau này, trong đại đội trinh sát của 307, Bang thoăn thoắt chèo xuồng một tay, ngang dọc điều nghiên địa bàn.

"Yếu hơn đối phương ở toàn trận địa, nhưng phải mạnh hơn đối phương ở mỗi trận đánh"

Đến trận Đồng Tháp Mười (1949), những câu chuyện bi tráng càng làm dày thêm lịch sử 307. Cán cân lực lượng nghiêng lệch, ban chỉ huy ra lệnh lui quân, đổi chiến thuật nhưng Nguyễn Văn Nơi trúng một loạt đạn bị thương nặng. Không thể trở thành gánh nặng cho đồng đội, cũng không muốn phải rơi vào tay kẻ thù, trong khi bạn bè đang tìm cách đưa Nơi đi thì anh đã rút dao rạch vết thương, tự mổ bụng mình tử tiết. Năm đó anh 22 tuổi.

Cũng trong trận này, 307 đã mất người tiểu đoàn trưởng đầu tiên. Sau khi bị đánh tơi bời đến không bám được vào bờ kênh Xáng tại chùa Ô Môi, quân Pháp rút ra hướng kênh Xà Tư. Không để chúng thoát, tiểu đoàn trưởng Đỗ Huy Rừa tiếp tục chỉ huy đơn vị chặn đường rút của đối phương. Giữa trận đánh xáp lá cà ác liệt, anh hạ quyết tâm: "Tôi cùng các đồng chí quyết tử phen này". Trận ấy 307 diệt được gần 400 tên địch nhưng người tiểu đoàn trưởng anh dũng hi sinh.

Và lịch sử 307 còn ghi tên một chiến sĩ đặc biệt: em Nguyễn Văn Xe. Khi gặp bộ đội 307 hành quân đến Trà Vinh đánh đồn Bắc Xa Ma, mở màn chiến dịch Cầu Kè, Xe nằng nặc xin được đi theo, góp sức hạ đồn địch đã đóng bao lâu trên quê nhà em. Chưa biết bắn súng, chưa biết cầm mã tấu, Xe xin các anh cho được cầm cờ để cắm khi chiếm lô cốt. Cậu bé cầm cờ đỏ sao vàng phất phới chạy trong trận địa, vượt ào lên trước khi có hiệu lệnh xung phong. Đạn bay đến, máu em đã thấm cho cờ thêm đỏ, cho quyết tâm của các anh thêm sục sôi. Xe hi sinh ở tuổi 13 với một ngày tuổi quân duy nhất.

Lòng son, dạ sắt, gan vàng

Bảy năm chiến đấu, quân số của 307 luôn duy trì dao động 1.200-1.500 người, nhưng số quân được phát ra lên tới hơn 3.000. "Một số luân chuyển sang các đơn vị bạn, còn lại thì hi sinh...", những cựu binh của 307 chùng xuống khi nhắc tới những con số.

Nhà văn Trần Kim Trắc trầm ngâm: "Chiến tranh, đổ máu, hi sinh là chuyện tất yếu. Nhớ về những ngày ấy, tôi muốn nhắc đến một sự hi sinh khác cũng không kém phần khốc liệt: hi sinh tuổi thanh xuân. Ngày ấy chúng tôi là những thanh niên mười tám, đôi mươi, còn tinh tướng, nghịch ngợm, sức trẻ phơi phới, lại ở giữa vùng gạo trắng nước trong, được bà con thương yêu quí mến, thế mà phải khép mình trong kỷ luật, phải rèn cho mình lòng son, dạ sắt, gan vàng".

Và phần lớn tác phẩm của Trần Kim Trắc là "viết để mọi người thương anh bộ đội hơn" từ những câu chuyện thật ở tiểu đoàn 307. Là mấy buổi cả tiểu đoàn "ngay lưng nghe kiểm thảo công tác dân vận" sau khi trót nhận mỗi người một trái khóm của cô gái có lòng thơm thảo mời các anh giải khát giữa đường hành quân. Là anh lính trẻ phải nhận kỷ luật sau một lần lỡ hẹn hò với con gái ông chủ nhà, mặc cảm không dám nhìn bạn bè, để rồi ngay buổi chiều hôm đó anh đã phải trở về trên một chiếc cáng thương...

Người chiến sĩ hi sinh cuối cùng của tiểu đoàn ngay trước ngày hiệp định đình chiến được ký kết là Ru. Đau xót như chưa bao giờ phải tiếp nhận sự hi sinh, anh em soạn balô của Ru, chỉ có một bộ quần áo, một cuộn thừng, một mẩu bút chì và một cái bọc gói thật kỹ. Mở ra là một cái ấm độc ẩm và cái chén hạt mít bằng đất nung.

Mọi người nhớ trận đánh đồn Bảy Ngàn cách đó đã hai năm, sau khi tiếp quản Ru bị kiểm điểm vì tội "xâm phạm chiến lợi phẩm" chính là bộ ấm chén nhỏ xíu trong nhà viên đồn trưởng. Ru nhận lỗi rồi rơi nước mắt kể về những ngày thơ ấu, hai cha con anh cùng đi ở đợ giữ trâu cho ông hội đồng. Nhìn ông chủ ngồi trên sập gụ uống trà sau mỗi bữa cơm, cha anh thở dài: "Biết khi nào cha mới được thảnh thơi, ngồi uống chén trà như ông hội đồng". Ru đã từ chuồng trâu đi thẳng vào bộ đội, và chưa khi nào quên ước mơ nhỏ bé của cha mình. Sau lửa đạn đánh đồn, khói tan, anh nhìn thấy bộ ấm chén và chợt bùng lên ý muốn được lấy nó...

Sau buổi kiểm điểm, chính trị viên đã giao cho Ru bộ ấm chén, và nó vẫn nguyên vẹn dưới đáy balô cho đến khi anh hi sinh. Các đồng đội của Ru đã tìm về tận Cà Mau để giao bộ ấm chén cho người cha già, và mấy chục năm sau này nó vẫn yên vị trên tủ thờ như một vật gia bảo của gia đình anh.

Người chiến sĩ 307 ngày ấy là như thế. Như đại tá Nguyễn Thành Út, nguyên là chiến sĩ 307, được phong Anh hùng lực lượng vũ trang năm 1956, cười vui kể lại câu chuyện đã khiến ông chậm được kết nạp Đảng: "Thấy tôi chiến đấu cũng khá, thành tích cũng nhiều, được phong là anh hùng xung kích, thủ trưởng xuống hỏi: độc lập rồi về làm gì mày? Tôi trả lời: Độc lập rồi chắc cũng phải tính chuyện vợ con, rồi về quê kiếm miếng đất trồng khóm, nuôi cá, vậy thôi anh Hai!".

PHẠM VŨ

Chữ ký của Khai Tam hungson





Tráng ca 307 I_icon_minitimeMon Jul 07, 2008 10:22 pm

Khai Tam hungson

CỐ VẤN CHUYÊN MÔN

Khai Tam hungson

CỐ VẤN CHUYÊN MÔN

Họ & tên Họ & tên : Nguyễn Hùng Sơn
Vai trò trong CLB Sử học Trẻ Vai trò trong CLB Sử học Trẻ : Uỷ viên danh dự Ban Điều hành Câu lạc bộ
Huy chương Cống hiến Huy chương Cống hiến : Tráng ca 307 42
Huy chương thành tích Huy chương thành tích : Tráng ca 307 40 Tráng ca 307 68

Ngày tham gia Ngày tham gia : 17/06/2008
Tổng số bài gửi Tổng số bài gửi : 138
Đến từ Đến từ : Bình Dương
Điểm thành tích Điểm thành tích : 330
Được cám ơn Được cám ơn : 20

Bài gửiTiêu đề: Re: Tráng ca 307

 

TT - Cuối năm 1951, sau nhiều chiến công hiển hách và đà phát triển mạnh, tiểu đoàn 307 thành lập thêm một đại đội trợ chiến, chuyên sử dụng súng lớn để phá thành, bắn tàu và máy bay. Trong số cán bộ chiến sĩ được tuyển chọn để hình thành đại đội này có một "ông Tây" tóc vàng, mắt xanh, cao tới 1,9m, nói tiếng Việt giọng Nam bộ.

Anh tên Nguyễn Văn Thành, đến từ trung đoàn 99 Bến Tre. Trước nữa thì anh tên Platon Alexandrovich, người Nga. Từ đó, 307 có Thành Nga.

Con đường vòng

Câu chuyện đẩy đưa Thành Nga đến với 307 thật ly kỳ. Thế chiến thứ hai xảy ra, như mọi thanh niên Nga, Platon gia nhập Hồng quân Liên Xô, nguyện hi sinh thân mình cho chiến tranh vệ quốc. Trong một trận đánh, Platon bị quân Đức bắt làm tù binh. Trải qua nhiều trại tù, Platon bị bắt làm lao dịch, rồi bị đưa vào đội quân phát xít tấn công nước Pháp. Quân Đức bại trận, số tù binh được bàn giao cho quân đồng minh, quân đồng minh giao luôn cho quân đội Pháp. Platon lại một lần nữa bị bắt buộc đổi quân phục, bị biến thành quân lê dương và bị đưa sang VN, về đồn Cái Cối, Bến Tre.

Platon chưa bao giờ biết VN. Cầm khẩu súng đứng lạc lõng trong đồn, lý tưởng vệ quốc, tinh thần quốc tế vô sản của một chiến sĩ Hồng quân trong Platon mách bảo những tiếng súng phát ra sau những lũy tre kia không phải là quân phiến loạn ở thuộc địa Pháp. Platon để tâm tìm hiểu và một ngày kia, trong mớ chiến lợi phẩm quân lê dương Pháp thu về có một tập tài liệu và mấy tấm ảnh. Thành Nga vẫn còn xúc động khi kể cho chúng tôi nghe giây phút ấy: "Thoáng thấy mấy tấm hình bọn chúng giơ cao, tôi suýt nữa bật đứng nghiêm và hô ua-ra như thói quen ở Liên Xô. Đó là ảnh Lênin, Stalin, Mao Trạch Đông và một người mà sau này tôi biết là Hồ Chí Minh. Ngay lập tức, tôi hiểu VN đứng về phía nào, những người lính phía bên kia là ai. Những tấm ảnh đã cứu linh hồn tôi và đó là việc duy nhất tôi phải cảm ơn quân Pháp".

Từ đó Platon tìm cách lân la đến gần những người Việt. Anh tận dụng mọi cơ hội, chọn một quán nước để "ngồi đồng", biểu lộ tâm tư bất mãn, chán nản của mình. Nhưng cả tháng vẫn không thấy tín hiệu khả quan, Platon sốt ruột đánh liều, anh lấy mảnh giấy viết một câu tiếng Pháp: "Tôi muốn liên lạc với Việt Minh" để lên bàn trước khi rời quán. Mảnh giấy lập tức được bà con chuyển đến ban công tác thành Bến Tre.

Một cuộc thăm dò công khai nhưng âm thầm được tiến hành. Ngày nào Platon cũng đến đúng chiếc bàn ấy chờ. Ban công tác nhận định tay lính này quả là có thiện ý móc nối. Một lần nữa Platon viết mấy chữ vào mảnh giấy, cô chủ quán đến lau bàn rồi cầm nó đi luôn. Platon sững người vì bất ngờ và vui mừng. Anh ra về, cố ý đi qua cô chủ. Cô nói khẽ, rất nhanh: "Sáng mai ông đến sớm, cà phê ngon hơn". Cuộc tiếp xúc với Việt Minh sáng hôm sau diễn ra chóng vánh. Thêm một tuần lễ chuẩn bị, nhân một cuộc đi càn, Platon vác một khẩu súng máy và một bao đạn, theo hướng dẫn của giao liên đi sâu vào vùng giải phóng.

Platon đã trở thành Việt Minh, thành Thành Nga. Anh tận dụng lợi thế của mình mặc quân phục sĩ quan Pháp, đeo lon quan hai cùng đồng đội cải trang, đi xe jeep tiến hành những cuộc đánh úp chiếm đồn bót, đoạt vũ khí nhanh gọn, đối phương trở tay không kịp. Gần một năm kiểu cải trang đó mới bị quân Pháp phát hiện là do tên lính đào ngũ. Thành Nga được đưa về trung đoàn 99 Bến Tre rồi được chuyển sang tiểu đoàn 307, là một đại đội phó sử dụng súng 12 ly 7 và cối 60 rất dũng cảm.

Năm 1952, Thành Nga được kết nạp vào Đảng Lao động VN.

Xứ dừa thành quê ngoại


Thành Nga đã cùng anh em 307 chèo xuồng, lội ruộng, băng đồng xuôi ngược từ Tháp Mười tới mũi Cà Mau. Anh trầm tĩnh, ít nói, nghiêm túc, hiền lành và hòa hợp, cũng cắm câu soi cá, cũng giậm cù bắt chuột, cũng mắm muối tương chao, cũng áo cổ vuông, quần đùi túi hàm ếch, cũng rút xuống lỗ chân trâu rít hơi thuốc trong đêm hành quân...

Các má, các chị miền Tây cũng thương Thành Nga như thương tất cả các anh bộ đội khác, có phần còn ưu ái hơn cái đứa côi cút phải xa gia đình, xa quê hương, bản xứ. Các má vun đắp cho Thành Nga kết duyên với cô gái xinh đẹp nhất làng, chính là cô chủ quán nước hôm nào đã đem đến bước ngoặt cho đời anh. Dưới mái lá hạnh phúc, một cô con gái ra đời, ghi tên là Nguyễn Hồng Minh và gọi là Janine.

Đến ngày đình chiến, Thành Nga được lệnh tập kết. Anh bâng khuâng trước một cuộc ra đi nữa, xa nơi anh đã coi là quê hương thứ hai thì bà ngoại bế Janine xuống tận điểm tập kết ở Chắc Băng, Cà Mau trao vào tay. "Kẻo nó đi bơ vơ, tội nghiệp", bà chỉ nói đơn giản vậy nhưng mối dây nối với VN của Thành Nga sẽ không bao giờ đứt. Ra Hà Nội, một lần Janine 5 tuổi được theo thiếu nhi Liên Xô con các cán bộ đại sứ quán vào thăm Bác Hồ. Bác bế cháu lên nói chuyện bằng tiếng Nga, Janine không hiểu mà lại líu lo tiếng Việt. Bác Hồ vô cùng xúc động khi biết có một người Nga tham gia kháng chiến ở Nam bộ.

Về nước, Thành Nga vào làm biên tập viên chương trình tiếng Việt của Đài phát thanh Matxcơva. Cán bộ miền Nam nào sang Nga, Thành Nga cũng tìm đến để nói tiếng Việt và để hát "Cửu Long Giang sóng trào nước xoáy...". Anh dạy con gái tiếng Việt và Janine sau này cũng làm công việc như cha. Thành Nga bảo con về Hà Nội tu nghiệp thêm tiếng Việt ở ĐH Tổng hợp Hà Nội và tìm đường về quê ngoại, tìm các đồng đội xưa ở 307. Janine đã tìm được ban liên lạc tiểu đoàn 307, đã được các chú đưa về sông Cái Cối, bà ngoại và mẹ của Janine đã mất nhưng tình thương yêu mà bà con Bến Tre đã dành cho cô bé hai dòng máu thuở nào thì vẫn ắp đầy. Janine cúi lạy bên mộ bà và mẹ, bảo rằng từ nay cô có thêm một chốn để trở về.

Dịp kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống 307 năm 1988, tỉnh Bến Tre đã mời Thành Nga trở về VN. Cuộc hội ngộ giữa những người cựu binh có nhiều nước mắt, nhiều tiếng cười. Sau khi cùng nhau hát vang "Ai đã từng đi qua sông Cửu Long Giang...", các đồng đội hỏi Thành Nga có ước muốn gì ở Bến Tre để cùng nhau thực hiện, anh bảo có hai điều: một là thăm mộ mẹ và vợ, hai là được ăn một bữa cơm với ba khía và rau lang luộc chấm chao.

NGUYỄN KẾ NGHIỆP
(nguyên trung đội trưởng bộ binh tiểu đoàn 307

Chữ ký của Khai Tam hungson





Tráng ca 307 I_icon_minitimeMon Jul 07, 2008 10:25 pm

Khai Tam hungson

CỐ VẤN CHUYÊN MÔN

Khai Tam hungson

CỐ VẤN CHUYÊN MÔN

Họ & tên Họ & tên : Nguyễn Hùng Sơn
Vai trò trong CLB Sử học Trẻ Vai trò trong CLB Sử học Trẻ : Uỷ viên danh dự Ban Điều hành Câu lạc bộ
Huy chương Cống hiến Huy chương Cống hiến : Tráng ca 307 42
Huy chương thành tích Huy chương thành tích : Tráng ca 307 40 Tráng ca 307 68

Ngày tham gia Ngày tham gia : 17/06/2008
Tổng số bài gửi Tổng số bài gửi : 138
Đến từ Đến từ : Bình Dương
Điểm thành tích Điểm thành tích : 330
Được cám ơn Được cám ơn : 20

Bài gửiTiêu đề: Re: Tráng ca 307

 

TT - Khi chúng tôi tìm hiểu về những người lính rất tài hoa của 307, câu thơ rất hay của nhà thơ Huy Cận cứ láy đi láy lại: "Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa". Câu thơ như vận vào từng người lính của tiểu đoàn vang tiếng.

Paven Việt Nam

Thép đã tôi thế đấy đã một thời là sách gối đầu giường của thanh niên Việt Nam, không chỉ vì nội dung tư tưởng và hình ảnh của nhân vật Paven Coocsaghin lấp lánh trong cuộc chiến tranh vệ quốc và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, mà còn vì ý chí và nghị lực của bản thân tác giả Nicolai Ostrovski đã vượt qua bóng tối mù lòa để thực hiện ước mơ trở thành nhà văn.

Đầu những năm 1960, ở Hà Nội có một người được mệnh danh là Paven Việt Nam, trở thành tấm gương sống động của "thép đã tôi" trong mắt bao chiến sĩ, thanh niên thời ấy: dịch giả Phạm Hồng Sơn, 13 năm nằm nghiêng trên giường bệnh, tự học tiếng Nga và dịch sách. Trước đó, anh là thương binh hạng 1, liệt nửa thân dưới, hai chân teo quắt. Trước đó nữa, anh là tiểu đoàn trưởng anh dũng thứ ba của tiểu đoàn 307.

Quê gốc Hà Tây, Phạm Hồng Sơn theo học trường của Pháp ở Hà Nội. Đang học dở dang khoa luật thì anh tự nguyện theo "đường kách mệnh", tham gia giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám. Anh vào bộ đội, theo học trường quân chính và trở thành một trong những sĩ quan trẻ của Bộ Tổng tham mưu được cử vào Nam bộ. Năm 1952, anh được bầu làm tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 307.

Trong hai năm, Phạm Hồng Sơn đã chỉ huy 307 đánh những trận nổi tiếng như Bảy Ngàn (Cần Thơ), An Xuyên, Nhị Nguyệt (Cà Mau), An Biên (Kiên Giang), làm tan rã các tiểu đoàn đối phương, chiếm đồn, mở rộng vùng giải phóng, phối hợp nhịp nhàng với chiến dịch Điện Biên Phủ. Trận truy quét tại Long Châu Hà tháng 7-1954 là trận đánh cuối cùng của tiểu đoàn 307. Quân đối phương đã chạy xa, thỉnh thoảng quay lại bắn vu vơ những loạt đạn mà các chiến sĩ 307 gọi là đạn mồ côi.

Một viên đạn mồ côi ấy trúng vào tiểu đoàn trưởng đang dẫn đầu đoàn quân truy kích, ác nghiệt nằm lại trong cột sống của anh. Hai ngày sau, lệnh đình chiến được ký. Phạm Hồng Sơn được đưa lên chuyến máy bay đầu tiên ra Hà Nội. Anh được cứu sống nhưng lại bị cột chặt vào giường bệnh.

Trong hồi ký của mình, Phạm Hồng Sơn gọi những ngày ấy là "vực thẳm của một cuộc sống tàn tạ, một cơn hấp hối kéo dài đầy dằn vặt". Khao khát được tiếp tục chiến đấu cho công cuộc giải phóng đất nước không còn có thể thực hiện, ước mơ dạy học cũng không thành, anh chủ động tìm cho mình một con đường mới. “Tôi còn có thể học, đọc, viết, dịch truyện cũng là một cách đóng góp vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Đã có vốn văn hóa, ngoại ngữ Anh, Pháp, anh lại lao vào tự học một trong những ngoại ngữ khó nhất: tiếng Nga.

Nằm nghiêng trên một chiếc đệm bông, màn phủ kín, một tay cầm miếng bìa cứng để kê giấy, tay kia cầm bút viết, từ điển để một bên, đắp chiếc khăn mặt ướt vào ngày hè oi bức hay cái chăn len ngày đông rét buốt, Phạm Hồng Sơn viết "mỗi ngày chín mười giờ, có khi 12, 13 giờ".

Nắm được tiếng Nga rồi, anh mượn sách thư viện về đọc và học dịch, bắt đầu từ truyện, kịch thiếu nhi. . “Tôi chọn những truyện mình rung cảm hơn cả, trân trọng gọt giũa từng chữ, từng câu”, sau đó là những ngày mong ngóng câu trả lời từ nhà xuất bản. NXB từ chối khéo, anh biết mình dịch chưa tốt, lại tìm kiếm những bản dịch của người khác về đối chiếu, học tập rồi tiếp tục. Anh viết trong hồi ký: “Đối với người khác, dăm bảy chục trang dịch có lẽ chẳng ý nghĩa gì, nhưng với tôi đó là một chân trời hy vọng. nó mở ra một con đường chiếm lĩnh trận địa mới, tiếp tục cuộc chiến đấu bỏ dở”.

Năm 1959, Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản cuốn Lời hứa danh dự, tác giả L.Panteleev, dịch giả Phạm Hồng Sơn. Anh liên lạc đến các nhà xuất bản Quân đội Nhân Dân, Văn Học, Văn Hóa; anh lao vào dịch với khí thế hăm hở chưa từng có. Anh viết “Tôi mong ước bạn đọc tiếp thu được khí thế hừng hực trên các công trường, nhà máy của đất nước Xô viết. Tôi ước mong các đồng đội của tôi trên con đường tiến lên quân đội chính qui sẽ rút được kinh nghiệm về tác phong lãnh đạo và chỉ huy của các sĩ quan Hồng quân Liên Xô. Chút lao động bé nhỏ đã mang lại cho tôi niềm hạnh phúc lớn lao của con người: được mang sức mình đóng góp cho xã hội”.

Cho đến lúc qua đời năm 1966, Phạm Hồng Sơn để lại hàng chục bản dịch đã xuất bản: Lời hứa danh dự, Mặt trời trên thảo nguyên, Những mẩu chuyện về Tsapaep, Vài ngày, Đội dự bị của tướng Panphilôp, Khuất Nguyên, Ngày và đêm, Suối thép, Viết dưới giá treo cổ…

Cuộc sống 307 đã là câu chuyện hay

Cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn 307 trưởng thành sau này có ba người là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 10 người mang cấp tướng, 103 cấp tá, 47 cấp úy; 19 bác sĩ (năm bệnh viện trưởng), 13 kỹ sư, cử nhân kinh tế; chín nhà văn, điêu khắc, điện ảnh, soạn giả; năm bí thư, chủ tịch quận huyện; 10 hiệu trưởng, hiệu phó trường nghiệp vụ; ba tổng, phó tổng giám đốc và 43 giám đốc, phó giám đốc công ty, xí nghiệp, nông trường.

(Thống kê chưa đầy đủ của Ban liên lạc Tiểu đoàn 307)

Sống như Phạm Hồng Sơn quả là đã sống suốt đời với khí thế 307. Những đồng đội của anh cũng không khác. Nguyễn Hải, từ ngày là chiến sĩ vũ trang tuyên truyền, chuyên trình bày tờ báo in bằng bản đá (litho) của 307 cho đến khi đã là một điêu khắc gia hàng đầu Việt Nam vẫn luôn xốc tới, thổi hồn anh dũng từ chính mình và đồng đội vào những tượng đài: Đài tưởng niệm hòa bình, Mẹ Tổ quốc, Ba chiến sĩ gang thép, Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Văn Trỗi, Thánh Gióng... Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, tượng đồng lớn nhất Việt Nam, là công trình ông đã nghiền ngẫm bắt tay vào từ những ngày đầu ra Bắc tập kết, đước sống trong môi trường thấm đẫm hào khí chiến thắng. Nay đã bước vào tuổi 80, sức đã yếu, bệnh đã nặng nhưng Nguyễn Hải vẫn làm việc không ngừng và vẫn ấp ủ một tượng đài với hình ảnh hào hùng vượt sóng Cửu Long của chiến sĩ 307.

Vì sức khỏe, rẽ bước từ một sĩ quan trực tiếp chiến đấu sang học nghề điện ảnh, đạo diễn Nguyễn Kế Nghiệp say sưa cả đời với nghiệp làm phim tài liệu lịch sử. Ba tập phim về những năm tháng hào hùng của 307 đã được nguyên đại đội trưởng bộ binh tiểu đoàn 307 này thực hiện, nhưng những câu chuyện 60 năm về trước vẫn cứ trở đi trở lại trong ông. "Bản thân cuộc sống của chúng tôi ngày ấy đã là một kịch bản hay, rất hay, như câu chuyện của Thành Nga, và cả hình ảnh vượt sông của tiểu đoàn mà tôi còn chưa tái hiện được thì hẳn nhiên là vẫn chưa dứt nợ" - ông Nghiệp bộc bạch. Và ngày kỷ niệm 60 năm của 307 ông phải lỗi hẹn với anh em, lại rong ruổi trên đường làm phim để tiếp tục những dự định dang dở.

Nhà văn Trần Kim Trắc thì đã dành phần lớn tác phẩm của mình để thể hiện hình ảnh anh bộ đội 307 anh hùng mà rất đời thường, rất "dễ thương" như cách nói của ông. "Đề tài ngay trước mắt, ngay trên thềm nhà, tôi chỉ việc ghi lại", như câu chuyện về anh hùng Nguyễn Thành Út khi còn là một tiểu đội trưởng đã chạy ngược lại đường rút quân trong lửa đạn, vừa bắn vừa mò mẫm tìm cho vị tiểu đoàn phó cái kính bất ly thân vừa rơi xuống đám ruộng sình. Bên cạnh cái sâu sắc của trải nghiệm, văn Trần Kim Trắc hôm nay vẫn trẻ như những câu chuyện nhỏ ông viết trên bản tin của tiểu đoàn 60 năm trước...

Tiếng 307 vẫn còn vang là như thế.

PHẠM VŨ

Chữ ký của Khai Tam hungson





Tráng ca 307 I_icon_minitimeThu Jul 10, 2008 9:50 pm

Khai Tam hungson

CỐ VẤN CHUYÊN MÔN

Khai Tam hungson

CỐ VẤN CHUYÊN MÔN

Họ & tên Họ & tên : Nguyễn Hùng Sơn
Vai trò trong CLB Sử học Trẻ Vai trò trong CLB Sử học Trẻ : Uỷ viên danh dự Ban Điều hành Câu lạc bộ
Huy chương Cống hiến Huy chương Cống hiến : Tráng ca 307 42
Huy chương thành tích Huy chương thành tích : Tráng ca 307 40 Tráng ca 307 68

Ngày tham gia Ngày tham gia : 17/06/2008
Tổng số bài gửi Tổng số bài gửi : 138
Đến từ Đến từ : Bình Dương
Điểm thành tích Điểm thành tích : 330
Được cám ơn Được cám ơn : 20

Bài gửiTiêu đề: Re: Tráng ca 307

 

TT - Ngày 5-7-2008, 60 năm kể từ buổi xuất quân hùng tráng ở Bến Tre, những mái đầu đã bạc trắng, những bước chân đã run run, những đôi tai đã nghễnh ngãng... hội tụ về đây, thế rồi tuổi trẻ bỗng ở đâu cuộn về. Tay bắt mặt mừng, cười nói rổn rảng, mày tao mi tớ, những câu chuyện xưa và những dự định nay. Cứ như là chưa có khoảng thời gian gần bằng cả đời người vừa trôi qua.

1. Chuyến xe từ TP.HCM về Bến Tre không ngớt những tiếng cười và những câu nhắc nhớ "chỗ này, ngày xưa...". Cảnh cũ đã thay đổi không thể nhận ra. "Không biết có còn gặp được má nào không - các chú thắc thỏm rồi lại tự nhủ - "Chắc không còn, năm sáu chục năm rồi còn gì. Lính 307 trong tấm ảnh xuất quân cũng chẳng còn mấy người. Ngày ấy hành quân khắp sáu tỉnh, tới đâu ngả cái nóp xuống là thành nhà, bà mẹ nào cũng là má. Tiểu đoàn không ở đâu lâu, cứ vài ngày lại đi, phần để giữ bí mật, phần khác là ở lâu các má các chị mang gạo, chuối, gà vịt đến cho nhiều quá, không có chỗ để nữa. Chẳng phải bà con giàu có mà là có gì cũng mang cho bộ đội".

Đường xuống xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú có cây cầu đang được sửa chữa, con đường đất cũng đang làm lại, lầy lội nước mưa, các chú lập tức xuống xe. "Đi bộ, thử hành quân lại chút tụi bay", tiếng ai đó gọi, và cuộc "hành quân" ngắn diễn ra giữa tiếng reo mừng của các em nhỏ tò mò chạy ra xem "các ông đeo huân huy chương đỏ ngực".

Căn cứ Giồng Luông, nơi xuất quân của tiểu đoàn 307 khi xưa là đồng trống, nay đã là một khu dân cư sầm uất và chợ Đại Điền đông vui. Trời mưa không át được sự náo nhiệt của buổi chiều đặc biệt này đang được thúc giục bởi điệu nhạc "lẻ bảy/ tiểu đoàn lẻ bảy" phát đi từ nhà văn hóa xã. Tấm bia kỷ niệm đơn sơ, giản dị được dựng từ năm 1988 trước đền liệt sĩ của xã có dáng vút lên như bài hát của 307. Những người lính già run run tay lần sờ lên ngôi sao đính trên bia như tìm lại ngôi sao năm nào, vẫy gọi nhau chụp một tấm ảnh kỷ niệm cho một đời. Trong số họ có người đã đứng trong hàng ngũ 307 từ ngày đầu tiên, có người mới gia nhập sau này và chưa một lần được bước chân về Giồng Luông.

Một phụ nữ ra: "Mời các ông vào nhà uống chén nước, trú mưa", vị đại tá cúi đầu "Chúng tôi là con dân xã này", chị cười: "Con chỉ được nghe ông bà con kể lại chuyện bộ đội ngồi bên bờ kênh hát đối đáp Tiểu đoàn 307 do ai?/ Do dân. Tiểu đoàn 307 của ai?/ Của dân. Tiểu đoàn 307 vì ai?/ Vì dân, vì dân mà thôi". Buổi hội ngộ được tổ chức ở nhà văn hóa, nhưng nhiều người lính già tản vào các nhà dân hỏi han chuyện mùa màng, ruộng vườn, học hành của con cháu... như người đi xa mới về.

Người cựu binh 307 vào nhà dân ở xã Đại Điền, nơi tiểu đoàn 307 xuất quân năm xưa và nói: "Chúng tôi là con dân xã này" - Ảnh: Phạm Vũ

2. Giữa buổi liên hoan náo nhiệt có mấy chú í ới vẫy nhau len qua những cái bàn để gặp một phụ nữ. "Vợ Hồ Quang Huệ", tiếng nhắn gọi đi như vậy. Chị Lê Thị Tuyết đã luống tuổi nhưng nét xuân sắc chưa phai, lục trong giỏ ra hai khung ảnh vừa được phục chế. "Của anh ấy và tôi", chị bẽn lẽn nói thế và mọi người xuýt xoa trước gương mặt non tơ của anh Huệ và chị ngày xưa "giống hệt Trà Giang".

Những người đồng đội của anh Huệ lần lượt đến bắt tay, thăm hỏi rồi lại lẫn vào đám đông, chị Tuyết cười nói mà mắt buồn thăm thẳm. "Anh ấy là chiến sĩ của 307, đi tập kết rồi năm 1963 quay trở vào Nam, hi sinh. Tôi mới tìm được mộ" - chị kể với những người chưa biết chuyện. "Vậy chị có được người con nào không?" - ai đó rụt rè hỏi. "Không - chị bối rối lắc đầu rồi lại bẽn lẽn quay mặt đi - chúng tôi chưa cưới".

Câu chuyện của chị làm người nghe sửng sốt. Anh Huệ quê ở Thạnh Phú, Bến Tre, ngay tại nơi tiểu đoàn 307 xuất quân. Anh gia nhập 307, chiến đấu rồi tập kết, ra Bắc học rồi lại xung phong trở lại chiến trường miền Nam, lại quay về Bến Tre, ở chung đơn vị với anh ruột chị Tuyết. "Mình lên thăm anh Hai và gặp anh Huệ, hai đứa để ý nhau. Đến lần gặp thứ tư thì anh ấy nói thương mình, hứa sẽ về nói với gia đình để xin cưới và xin được nắm tay mình. Khi ấy mình 19 tuổi, đưa tay cho anh ấy nắm mà run quá trời" - chị Tuyết kể, má đỏ bừng lên như vẫn còn nguyên nỗi hồi hộp, run rẩy thuở nào.

Chị Tuyết đã trở thành "người nhà của 307" suốt đời với một cái nắm tay.. - Ảnh: Phạm Vũ

Sau đó mấy tháng anh Huệ hi sinh, anh Hai của chị Tuyết cũng hi sinh. Chị lập bàn thờ, sống với ký ức về cái nắm tay duy nhất ấy đến bây giờ. Cách nay mấy năm, chị mới tìm được mộ anh và từ đó "mới biết được gia đình bên chồng. Hồi đó anh có nói lướt qua về quê quán nhưng mình quên mất. Gặp nhau có mấy lần mà”.

Chị đã trở thành "người nhà của 307" như thế, cũng như chị Nga - con tiểu đoàn phó Vũ Đình Thông hay bà Nguyễn Lê Thu An - vợ nghệ sĩ nhân dân Quốc Hương... Mỗi lần được dự họp mặt truyền thống là mỗi lần tăng thêm niềm tự hào về những người thân yêu.

3. Kỷ niệm đầy ắp, nhưng nhiều người trong các cựu binh bây giờ mới bắt đầu hỏi tên nhau. "Tiểu đoàn lưu động mà, người ra đi, người thay thế liên tục" - các chú giải thích. Số quân đã được phát ra hơn 3.000, lần họp mặt đông nhất năm 1988 được hơn 500 và lần này là gần 200. "Chúng tôi mong muốn sẽ tổ chức được thêm một lần về Chắc Băng, Sông Đốc, Cà Mau, tiểu đoàn đã gắn bó với bà con ở đó cả nửa năm trước khi tập kết, mà không biết có làm nổi không. Anh em gặp nhau vui khỏe vậy chứ lớn tuổi hết rồi, biết đâu không phải lần cuối cùng" - ông Nguyễn Văn Biếu trầm ngâm trên chuyến xe đi về giữa cơn mưa trút nước. Những người khác gật đầu: "Thực tế là vậy mà, các anh cấp chỉ huy của tiểu đoàn giờ không còn ai. Chúng mình còn sống, còn được trở lại chốn cũ thế này là trọn vẹn lắm rồi".

Ông Nguyễn Thành Long ở Cần Thơ thì nhắc: "Anh em phân hội chúng tôi có ý kiến muốn đề xuất lên trên nghiên cứu một vị trí thích hợp để xây dựng tượng đài mang phù điêu Nam bộ thành đồng Tổ quốc, là những chữ Bác Hồ đã tặng cho kháng chiến Nam bộ. Tượng đài cho 307 có thì tốt, không thì thôi, những câu chuyện xưa anh em chúng tôi đã nằm lòng, có xây dựng cái gì là để nhắc nhớ cho lớp trẻ sau này". Đại tá bác sĩ Nguyễn Ngọc Châu nhẹ nhàng bảo: "Lịch sử gọi thì có anh hùng. Lớp trẻ nếu gặp hoàn cảnh như tụi mình hồi đó cũng sẽ oai hùng như thế thôi. Giờ họ đã có mặt trận mới, họ sẽ xây dựng tương lai đất nước này"...

PHẠM VŨ

Trích từ: www.tuoitre.com.vn


Chữ ký của Khai Tam hungson





Tráng ca 307 I_icon_minitime



Sponsored content

Bài gửiTiêu đề: Re: Tráng ca 307

 
Chữ ký của Sponsored content




 

Tráng ca 307

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
CLB Sử Học Trẻ Việt Nam :: BÌNH LUẬN TÌNH HÌNH XÃ HỘI :: Việt Nam ngày nay-
________________________________________________________________________
Copyright ©2007 - 2009, Forumotion
Suhoctre ©2007- 2009 Phát triển bởi thành viên Diễn đàn
BQT Diễn đàn: Châu Tiến Lộc - Nguyễn Thị Trang - Phạm Ngọc Thạch

Sáng lập viên : Châu Tiến Lộc, Nguyễn Hùng Sơn, Nguyễn Thái Bình
Email : suhoctre@gmail.com - Forum : http://suhoctre.no1.vn
Xem trang web này tốt nhất với độ phân giải 1024x768 (hoặc cao hơn) với Firefox 3.0


Create a forum on Forumotion | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Cookies | Thảo luận mới nhất