Cửa ô Thăng Long - Hà Nội xưa…
Thời Nguyễn theo một số sách cũ để lại có đến 16 cửa ô được xây dựng vào đời Lê Hiển Tông (1740 - 1786), vào khoảng năm 1749, phần lớn đều được xây bằng gạch rất chắc chắn và không đóng một nơi nhất định mà mỗi thời đều có khác nhau, tuỳ tình hình đắp luỹ bố phòng. Các cửa ô có tên gọi là: Yên Hoa, Yên Tĩnh, Thạch Khối, Phúc Lâm, Đông Hà, Trừng Thanh, Mỹ Lộc, Đông Yên, Tây Luông, Nhân Hoà, Thịnh Lãng, Yên Ninh, Kim Hoa, Thịnh Quang, Thanh Bảo, ... Các cửa ô không đóng một nơi nhất định mà mỗi thời đều có khác nhau, tuỳ tình hình đắp luỹ bố phòng.
Theo nhà sử học Biệt Lam Trần Huy Bá trích bản đồ Hà Nội nǎm Minh Mạng 12 (1831) thì Hà Nội có 16 cửa ô, đặt tên theo làng theo tổng. Mỗi cửa ô thời ấy có lẽ là một chiếc cổng ngày mở đêm đóng bởi mỗi phường như một làng, khép kín, có cây có rào, có tuần đinh canh phòng để ngǎn ngừa đạo chích và dè chừng hoả hoạn.
Sách Bắc thành dư địa chí soạn hồi đầu thế kỷ XIX cho biết Hà Nội có 21 cửa ô. Đến năm 1831, khi hai ông Lê Đức Lộc và Nguyễn Công Tiến dựng bản đồ Toà thành Hà Nội, đã ghi lại vị trí và tên 16 cửa ô: ô Yên Hoa nay là ngã ba đê Yên Phụ - đường Thanh Niên, ô Yên Tĩnh nay là ngã ba đê Yên Phụ - Cửa Bắc, ô Thạch Khối nay là đầu dốc Hàng Than, ô Phúc Lâm nay là đầu phố Hàng Đậu, ô Thanh Hà nay là ô Quan Chưởng, ô Trừng Thanh nay ở vào khoảng mé phải nhà tắm công cộng Chợ Gạo cũ, ô Mỹ Lộc nay là ngã ba đường Trần Quang Khải - Hàng Mắm, ô Đông An nay là ngã ba Trần Quang Khải - Hàng Thùng, ô Tây Luông nay là Nhà hát Thành phố, ô Nhân Hoà nay là ngã ba Trần Quang Khải - Trần Hưng Đạo, ô Thanh Lãng nay là ô Đống Mác, ô Yên Ninh nay là ngã tư phố Huế - Đại Cồ Việt (tức ô Cầu Dền), ô Kim Hoa ở ngã tư quốc lộ 1 - Đại Cồ Việt (tức ô Đồng Lầm), ô Thịnh Quang nay là ngã tư Hàng Bột - Khâm Thiên (tức ô Chợ Dừa), ô Thanh Bảo nay là bến ô tô Kim Mã, ô Thuỵ Chương nay là khoảng vườn hoa Tây Hồ ở đầu đường Hoàng Hoa Thám.
Tuy nhiên, năm 1866 cửa ô Hà Nội chỉ còn 15. (Bản đồ Tỉnh thành Hà Nội vẽ năm 1866 đời Tự Đức thì chỉ còn 15 cửa ô). Mất cửa ô Nhân Hoà. Và nhiều cửa ô mang tên mới: Yên Hoa thành Yên Phụ, Yên Tĩnh thành Yên Định, Thạch Khối thành Nghĩa Lập, Phúc Lâm thành Tiền Trung, Tây Luông thành Trường Long, Thanh Lãng thành Lãng Yên, Yên Ninh thành Thịnh Yên, Kim Hoa thành Kim Liên, Thịnh Quang thành Thịnh Hào.
Khoảng mười lăm năm tiếp theo, cũng vẫn 15 cửa ô, nhưng Yên Định đã đổi ra Yên Ninh, Đông Hà thành Thanh Hà, Trường Long thành Cựu Lâu. Điều đáng chú ý là phần lớn các cửa ô đều thông ra sông Hồng: ở phía tây có 2 cửa, phía nam có 3 cửa, ra sông Hông có 11 cửa. Đó là vì các cửa ô chính là các cửa của tòa thành đất bao bọc quanh kinh thành Thăng Long. Ra vào kinh thành tất phải qua cửa ô. Ban đêm, tại các cửa ô đều có tuần phiên canh gác, kiểm soát sự ra vào kinh thành. Song thời đó đường giao thông nối Thăng Long với bốn phương chủ yếu là đường sông, cho nên dọc sông Hồng có nhiều bến, phố xá đông đúc, nhiều hiệu buôn lớn của người Việt và người nước ngoài tập trung ở đây. Vì vậy, phải mở nhiều cửa ô để đi lại được dễ dàng. Hai cửa ô Thanh Hà và Trừng Thanh rất gần nhau vì thời xưa cửa sông Tô Lịch nằm giữa hai ô này. Cho nên tuy gần thế mà là xa cách- cách sông cách đò.