ĐỀ THI TUYỂN SINH ĐẠI HỌC 2010
Môn: LỊCH SỬ, Khối C
Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề
PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (7 điểm)
Câu I (3 điểm)
Trình bày nội dung cơ bản chiến lược toàn cầu của Mĩ từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến năm 1973 và việc triển khai chiến lược đó ở Tây Âu trong những năm 1947 – 1949.
Câu II (2 điểm)
Nêu và nhận xét về nhiệm vụ và lực lượng cách mạng được xác định trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Câu III (2 điểm)
Bằng những sự kiện lịch sử có chọn lọc từ năm 1941 đến năm 1945, hãy làm sáng tỏ vai trò của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đối với thắng lợi Cách mạng tháng tám 1945.
PHẦN RIÊNG (3 điểm)
Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu IV.a hoặc IV.b)
Câu IV.a. Theo chương trình chuẩn (3 điểm)
Chiến dịch chủ động tiến công lớn đầu tiên của bộ đội chủ lực ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954) là chiến dịch nào? Tóm tắt hoàn cảnh lịch sử, chủ trương của ta và ý nghĩa chiến dịch đó.
Câu IV.b Theo chương trình nâng cao (3 điểm)
Cuộc tiến công chiến lược của quân và dân ta ở miền Nam đã buộc Mĩ phải tuyên bố “Mĩ hóa” trở lại chiến tranh xâm lược Việt Nam? Tóm tắt hoàn cảnh lịch sử, diễn biến và kết quả của cuộc tiến công đó.
HẾT
_____________________________
Nhận định đề Sử (Theo báo Tuổi Trẻ Online)
Theo ghi nhận, không có nhiều gương mặt phấn khởi sau giờ thi môn Sử. Đề thi Sử lần này được đánh giá là một đề thi hay nhưng không dễ hoàn thành với học sinh trung bình khi có đến 2 trong 4 câu hỏi yêu cầu trình độ khá giỏi mới làm trọn. Đề thi này, theo các thầy cô bộ môn Sử, cũng không có cơ may cho những thí sinh chỉ học thuộc lòng. Muốn đạt điểm cao phải biết chọn lọc và phân tích sự kiện lịch sử.
Cô Nguyễn Kim Tường Vy, Tổ trưởng Tổ Sử trường THPT Nguyễn Hiền, TP.HCM cho rằng đề hay, đúng tính chất kỳ thi tuyển. Đề ra đúng trọng tâm chương trình, phân loại được học sinh khá giỏi. Những học sinh chỉ học thuộc lòng khó có điểm cao.
Câu 1 yêu cầu phải biết liên hệ nội dung hai bài trong sách giáo khoa. Phần hai câu này yêu cầu thí sinh phải biết suy nghĩ thêm mới trình bày sát yêu cầu của đề. Ở câu này, học sinh khá giỏi mới có thể làm tròn câu, học sinh trung bình chỉ có thể làm được phân nửa hoặc 2/3 yêu cầu.
Câu 3 là câu hay nhất nhưng rất khó. Phân loại trình độ thí sinh chính là câu này. Thí sinh phải biết chọn lọc và phân tích sự kiện trong cả giai đoạn lịch sử đề làm sáng tỏ vài trò của Bác Hồ với Cách mạng tháng Tám. Câu này thí sinh sẽ dễ mất điểm vì thiếu ý. Học sinh giỏi mới có thể làm tròn câu này. HS khá cũng rất khó hoàn thành.
Câu 2 là câu hỏi cơ bản nằm trong trọng tâm. Phần đề tự chọn, cả hai câu dành cho chương trình chuẩn và chương trình nâng cao đều không khó, nằm trong trọng tâm chương trình. Thí sinh sẽ làm được phần đề tự chọn.
Trong khi đó đề Toán khối B được đánh giá là dễ thở hơn so với đề khối A và cũng không khó hơn so với đề toán khối D các năm trước. Tuy vậy, theo thầy Trần Ngô, Tổ trưởng Tổ Toán trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM, đề cũng phân loại trình độ thí sinh, có phần riêng cho học sinh giỏi thể hiện mình. Theo thầy Ngô, đề này điểm sẽ khá cao, có nhiều bài thi điểm 8-9 nếu thí sinh giải kỹ, không mắc sai sót trong tính toán.
* Nhận xét toàn diện về đề thi Sử (khối C) diễn ra chiều 9-7, thầy giáo Lê Văn Dũng, giáo viên Trường THPT Chu Văn An - Hà Nội nói: "Đây là đề thi vừa sức với đối tượng học sinh phổ thông và đáp ứng tốt yêu cầu phân loại thí sinh. Bốn câu đề Sử đúng với cấu trúc đề thi của Bộ GD-ĐT, tỷ lệ điểm cho các câu hợp lý.
Ngoài câu hỏi về Lịch sử nước ngoài, phần lịch sử Việt Nam mỗi chương đều có một câu trong đề thi, để làm được, thí sinh phải nắm vững và toàn diện kiến thức cơ bản. Cả bốn câu hỏi, dù chỉ kiểm tra kiến thức cơ bản nhưng cách hỏi vẫn đòi hỏi thí sinh phải có khả năng tổng hợp kiến thức từ những đơn vị kiến thức khác nhau.
Câu 3 của đề thi là câu có tính phân hóa mạnh nhất. Để đạt điểm, thí sinh phải có khả năng sàng lọc, chọn lựa kiến thức để làm sáng tỏ vấn đề mà đề thi đề cập đến. Tuy nhiên, tính phân hóa ở đây vẫn dựa trên nền kiến thức cơ bản chứ không nâng cao, quá phức tạp đối với thí sinh. Phần riêng của đề Sử nếu đọc không kỹ đề thí sinh sẽ dễ nhầm tưởng là một câu hỏi thuần túy yêu cầu tái hiện kiến thức (nêu hoàn cảnh lịch sử, diễn biến, kết quả của chiến dịch, cuộc tiến công).
Nhưng cả câu 4a và 4b đều có một vế, yêu cầu thí sinh chỉ ra chiến dịch nào, cuộc tiến công nào, trên cơ sở dữ liệu đề cho. Nếu thí sinh không hiểu một cách bản chất, chỉ học vẹt thì sẽ khó có thể chỉ tên chiến dịch, cuộc tiến công mà đề muốn nói đến, và như vậy, thí sinh sẽ mất nhiều thời gian để làm câu này nhưng không có điểm nào khi nhận định sai chiến dịch, cuộc tiến công. Câu 4a, 4b là câu thí sinh dễ nhầm lần nhưng hoàn toàn không có tính đánh đố.
Còn theo giáo Liên Minh, giáo viên trường THPT Đinh Tiên Hoàng Hà Nội, đề thi Sử vẫn nặng về yêu cầu học sinh ghi nhớ sự kiện, con số. Và đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều thí sinh sợ Sử và bài thi khó được điểm cao. Nhưng nhìn chung đây là đề thi không khó so với học sinh phổ thông.
Cô Minh phán đoán: sẽ không có “mưa điểm 0” ở đề thi sử này, vì đề thi đề câp đến kiến thức rất cơ bản, nhưng điểm trung bình sẽ là chủ yếu. Thầy Lê Văn Dũng thì cho rằng nếu thí sinh ôn tập bám sát kiến thức cơ bản và đọc kỹ đề trước khi làm thì hoàn toàn có thể cầm chắc điểm 7-8. Nhưng với thực trạng học Sử có nhiều bất ổn như hiện nay thì chỉ biết hy vọng có nhiều điểm thi trên trung bình.