Khi nói đến cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước người ta thường nghĩ về nhiều điều, và trong đó có tuyến đường Trường Sơn. Đó là tuyến đường mà nói chính xác là mạng lưới giao thông quân sự quan trọng kéo dài từ lãnh thổ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (miền Bắc) đến Việt Nam Cộng hòa (miền Nam). Được xem là con đường huyết mạch cho việc chi viện từ Bắc vào Nam, đã từng hứng chịu khoảng 1.000.000 tấn bom đạn, làm cho hơn hai vạn chiến sĩ miền Bắc hy sinh, 20.000 người lính bị tàn phế. Nhưng có một điều thú vị là không chỉ tồn tại mỗi một tuyến đường Trường Sơn, mà trong toàn thể của bức tranh chi viện cho miền Nam vẫn còn bốn con đường khác mà ngay cả chính phủ Hoa Kì, chính quyền Sài Gòn cũng chỉ “biết lõm bõm” về bốn con đương đó. Sau hơn 30 năm kể từ khi cuộc kháng chiến chống Mĩ kết thúc, bốn con đường này dần dần đã bị quên lãng cho đến khi tác giả Đặng Phong cho ra đời quyển sách “5 đường mòn Hồ Chí Minh” đã phơi bày hoàn chỉnh hơn về hệ thống binh vận của hai miền Nam-Bắc: hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh.
Năm đường mòn Hồ Chí Minh bao gồm:
1. Con đường Hồ Chí Minh trên bộ: tức đường Trường Sơn.
2. Con đường xăng dầu: là đường ống 5000 km kéo dài từ biên giới Việt-Trung, cảng biển vào tận Nam Bộ, dùng để cung cấp nhiên liệu cho đoàn xe vận tải, xe tăng,…
3. Con đường trên biển: con đường đã đưa được hàng nghìn tấn vũ khí vào Nam mà đối phương vẫn không bắt được vụ nào.
4. Con đường hàng không: con đường đã vận chuyển hàng ngàn lượt tướng tá của miền Bắc vào Nam, bay qua cả Sài Gòn, ra Hồng Kông, Quảng Châu mà Mĩ và chính quyền Sài Gòn vẫn không biết gì, con đường “bí mật trong công khai”.
5. Con đường chuyển ngân: một con đường “vô hình”, không đường, không lối, chính là hệ thống của các ngân hàng của các nước phương Tây, và ngay cả ngân hàng tại Sài Gòn nhằm chuyển tiền một cách hợp pháp từ Bắc vào Nam.
Một điều rất đặc biệt mà tác giả có nhắc đến trong sách là sự bí mật của 4 con đường còn lại (ngoài con đường Trường Sơn). Không chỉ riêng gì người ngoài nước, mà ngay cả những người Việt Nam cũng ít ai biết. Về việc đảm bảo bí mật một cách tuyệt đối này, tác giả có giải thích:
“…Không riêng người Mĩ, không riêng những người nước ngoài, ngay cả những người Việt Nam, thậm chí cả những người lãnh đạo cấp cao trong hệ thống các con đường Hồ Chí Minh kể trên cũng không biết hết được những gì ngoài phạm vi mình phụ trách. Người phụ trách về đường bộ không biết được bao nhiêu và đường biển. Người phụ trách về đường biển không biết được bao nhiêu về hệ thống đường hàng không. Và tất cả những lực lượng đó hoàn toàn không biết đến hệ thống đường chuyển ngân bí mật qua các ngân hàng. Sự “không biết” đó của bên này lẫn bên kia càng chứng tỏ rằng ngoài những điều thần kì của ý chí, tài năng và cách tổ chức, còn có một điều thần kì nữa: Sự bí mật!”
Tài liệu sử dụng: “5 đường mòn Hồ Chí Minh” – Đặng Phong