Kết quả nghiên cứu về sự kiện đánh chiếm dinh Độc lập và thảo lời tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh:
Những năm vừa qua, các báo đài có nhiều bài viết về sự kiện bắt giữ nội các Dương Văn Minh ngày 30/4/1975 và soạn thảo các văn bản tuyên bố đầu hàng, lời chấp nhận sự đầu hàng của Dương Văn Minh.
Trong các bài viết đó có chứa đựng những thông tin mâu thuẫn nhau về vai trò của 2 cán bộ chỉ huy lúc đó là Trung tá Bùi Văn Tùng – Nguyên Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 (sau là Đại tá, đã nghỉ hưu) và Đại úy Phạm Xuân Thệ – Trung đoàn phó Trung đoàn bộ binh 66 thuộc Quân đoàn 2 (nay là Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 1).
Theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam đã nghiên cứu làm rõ những mâu thuẫn trên.
Những thông tin mâu thuẫn
Tổ công tác của Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam (Viện LSQS VN) đã tập hợp được 24 bài báo viết về trung tá Bùi Văn Tùng ở Dinh Độc lập và Đài Phát thanh Sài Gòn. Trong đó hầu hết các tác giả ghi lời kể trực tiếp của Trung tá Tùng rằng khi ông cùng bộ đội tiến vào Dinh Độc Lập, nhìn biết ông là chỉ huy, Dương Văn Minh đã nói với ông: “Thưa ông, chúng tôi đang chờ các ông đến để bàn giao”.
Trung tá Tùng đã nói: “Các ông chẳng còn gì để bàn giao, chỉ có đầu hàng không điều kiện. Ông phải ra ngay Đài Phát thanh để tuyên bố đầu hàng”. Ông Tùng cũng nêu việc ông và các cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 203 tổ chức đưa Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu sang Đài phát thanh để đọc lời đầu hàng.
Nhưng trong các bài báo viết về Đại úy Phạm Xuân Thệ (xuất hiện muộn hơn các bài báo đầu tiên viết về Trung tá Tùng khoảng 10 năm; Tổ công tác sưu tầm được 10 tấm ảnh ghi hình đại úy Thệ tại Dinh Độc Lập và Đài Phát thanh Sài Gòn ngày 30/4/1975 và 16 bài báo viết về anh tại 2 địa điểm trên) lại có những chi tiết khác hẳn.
Hầu hết các bài báo này cũng đều ghi theo lời của đồng chí Thệ. Theo đó chính Đại úy Thệ là người đã dẫn bộ đội lên tầng 2 của Dinh Độc Lập. Tại đây anh thấy một người mặc bộ đồ quân phục màu sáng, áo cộc tay tươi cười nói: “Tôi là Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh – Phụ tá của Tổng thống Dương Văn Minh – báo cáo cấp chỉ huy: Toàn bộ Nội các của ông Minh đang trong phòng Khánh tiết, mời cấp chỉ huy vào làm việc”.
Sau đó, ông Nguyễn Hữu Hạnh còn giới thiệu ông Dương Văn Minh - Tổng thống và ông Vũ Văn Mẫu – Thủ tướng. Dương Văn Minh bước tới nói thận trọng: “Chúng tôi biết quân giải phóng tiến vào nội đô. Chúng tôi đang chờ quân giải phóng vào để bàn giao”. Đại úy Thệ nói: “Các ông đã bị bắt làm tù binh. Các ông phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện chứ không có gì để bàn giao”.
Về sự kiện ở Đài phát thanh, ông Tùng kể trong các bài báo rằng khi đưa một số nhân vật trong nội các Dương Văn Minh sang Đài phát thanh để đọc lời tuyên bố đầu hàng thì có cả Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 203, Trung tá Tài đi cùng. Đại úy Thệ áp tải xe chở Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu còn ông Tùng đi xe bên cạnh.
Sau đó, ông đã một mình soạn thảo lời đầu hàng cho Dương Văn Minh và lời tiếp nhận đầu hàng để mình đọc. Còn ông Thệ thì kể: “Tôi dẫn Minh và Mẫu ra chiếc xe Jeep của mình. Tôi để Mẫu ngồi đằng sau với các chiến sĩ thông tin, còn Minh ngồi ghế trước giữa tôi và đồng chí lái xe”.
Sang tới Đài phát thanh, Đại úy Thệ dẫn hai ông Minh và Mẫu lên gác 2 vào phòng phát chỉ cho họ ngồi xong thì thấy một người cao to mặc quân phục, đội mũ cứng từ ngoài bước vào. Người đó hỏi: “Anh là ai?”.
Sau khi Đại úy Thệ trả lời, người đó xưng danh: “Tôi là Bùi Tùng – Trung tá, Chính ủy Lữ đoàn 203. Tôi tưởng các anh là người của Quân đoàn nên tôi không tham gia gì. Khi nãy, thấy các anh đưa Minh ra đây, tôi liền cho xe bám theo luôn…”.
Theo lời kể của ông Thệ thì sau đó ông cùng ông Tùng cùng thảo lời tuyên bố đầu hàng, khi xong ông Tùng chữa lại lần cuối. Sau đó họ yêu cầu Dương Văn Minh đọc vào băng ghi âm. Và ông Thệ chủ động bàn với ông Tùng nên có đại diện Quân giải phóng chấp nhận lời đầu hàng của Dương Văn Minh. Do ông Tùng có quân hàm và cấp chỉ huy cao hơn nên ông Thệ đã đề nghị ông Tùng đứng ra chấp nhận sự đầu hàng.
Trong số các bài báo, đáng chú ý có bài “Ai đã thảo bản tuyên bố đầu hàng cho Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh?”, tác giả Lê Mã Lương đã dựa vào các nguồn sử liệu lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (sách, ảnh và các hiện vật) để nêu lại sự kiện ở Đài Phát thanh khá giống với lời kể của ông Thệ.
Đặc biệt, ông Lương còn nêu vấn đề: “Chúng tôi đã gặp gỡ hàng chục nhân chứng lịch sử và xem lại hàng chục tấm ảnh chụp ở Dinh Độc Lập và Đài Phát thanh Sài Gòn không hiểu tại sao lại không có hình của Trung tá Bùi Tùng?”.
Các nguồn sử liệu thành văn
Bảy công trình nghiên cứu lịch sử mà Tổ công tác của Viện LSQS VN nghiên cứu, khảo sát (Lịch sử quân đoàn 2, 1974 – 1994; Tổng kết công tác tác chiến của Quân đoàn 2 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh xuân 1975; Lịch sử Trung đoàn Xe tăng 203, 1965 – 2000…) đều ghi nhận một nội dung tương tự nhau là:
11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, chiếc xe Jeep của Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ vọt theo xe tăng của Đại đội 4 (Lữ đoàn thiết giáp 203) do Đại đội trưởng Bùi Quang Thận chỉ huy tiến vào trước cửa Dinh Độc Lập. Trong lúc Đại đội trưởng Thận lên kéo cờ giải phóng trên nóc Dinh Độc Lập, Trung đoàn phó Thệ cùng với các cán bộ chiến sĩ của Trung đoàn xông lên gác tiến vào phòng họp nơi Tổng thống Ngụy quyền Dương Văn Minh và toàn bộ nội các có mặt đông đủ.
Một số cán bộ Trung đoàn 66 do đồng chí Thệ chỉ huy cùng các đồng chí cán bộ chỉ huy Lữ đoàn 203 và các cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn thọc sâu của Quân đoàn 2 có mặt lúc đó đã buộc Dương Văn Minh phải chấp nhận đầu hàng không điều kiện.
Về sự kiện ở Đài phát thanh, cuốn Lịch sử Quân đoàn 2 (1974 – 1994) cho biết “Trong lúc đồng chí Phạm Xuân Thệ và các đồng chí cán bộ Trung đoàn 66 soạn thảo nội dung lời tuyên bố đầu hàng thì đồng chí Bùi Tùng – Chính ủy Lữ đoàn Xe tăng 203 đến… mọi người cùng tham gia soạn thảo tiếp để Dương Văn Minh đọc trên Đài phát thanh.
Vì chữ đồng chí Thệ khó đọc Dương Văn Minh không đọc nổi đồng chí Thệ phải đọc cho Dương Văn Minh chép lại…”. Cũng theo cuốn sách này thì Trung tá Tùng là người đã tuyên bố chấp nhận lời đầu hàng.
Các nhân chứng lịch sử
Những nhân chứng quan trọng như nguyên Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, Tiến sỹ Kinh tế Hà Huy Đỉnh (nguyên chủ bút tờ Kinh tế thị trường Sài Gòn), Phạm Kỳ Nhân (nguyên phóng viên thường trú của Hãng AP tại Sài Gòn) – những người có mặt tại Dinh Độc Lập sáng 30/4/1975 đều xác nhận có gặp cả 2 ông Tùng và Thệ ngay từ những giây phút đầu quân Giải phóng tiến vào Dinh. Nhưng không ai trong họ nhớ rõ ai là người vào trước.
Ông Hạnh chỉ nhớ ông Thệ thì “nghiêm khắc, to tiếng”, ông Tùng thì “mềm mỏng, dễ gần”. Còn tổ chức đưa ông Minh và ông Mẫu sang Đài Phát thanh thì cả ông Đỉnh và ông Nhân đều nói “chắc chắn là người của ông Thệ”.
Các ông Trần Minh Công – nguyên Trung tá, Lữ đoàn phó Tham mưu trưởng Lữ đoàn xe tăng 203 và ông Bùi Quang Thận (người cắm cờ trên Dinh) thì xác định những người vào Dinh đầu tiên là cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn 203, còn việc tổ chức bắt giữ Dương Văn Minh và Nội các Sài Gòn chủ yếu là cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 66 của Phạm Xuân Thệ.
Tất cả các nhân chứng nguyên là cán bộ chiến sỹ cũ của Trung đoàn 66 đều khẳng định nhớ như in thời khắc lịch sử đó và họ không thấy việc Trung tá Tùng tham gia hoặc điều hành việc đưa các ông Minh và Mẫu sang Đài Phát thanh.
Trong số 16 nhân chứng mà Tổ công tác trực tiếp phỏng vấn thì có tới hơn một nửa cho rằng cả ông Thệ, ông Tùng và một số trợ lý Trung đoàn 66 soạn thảo, chỉnh sửa lời tuyên bố đầu hàng cho Tổng thống Dương Văn Minh. Khi kể chi tiết, hầu hết các nhân chứng Trung đoàn 66 đều nói ông Thệ và các trợ lý của mình đang soạn thảo lời đầu hàng cho Dương Văn Minh thì ông Tùng mới xuất hiện.
Ông Thệ đã mời ông Tùng cùng tham gia hoàn chỉnh lời tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh. Riêng lời tuyên bố chấp nhận sự đầu hàng của Dương Văn Minh thì ông Tùng soạn thảo và trực tiếp đọc vào máy ghi âm để phát trên đài.
Tuy nhiên, khi được biết bản “bút tích duy nhất” do ông Tùng viết đã được ông Tùng trao lại và hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Quân đoàn 2 thì nhân chứng Hà Huy Đỉnh đã kiên quyết bác bỏ.
Ông Đỉnh khẳng định: “Sau khi cầm tờ giấy đọc vào máy ghi âm, ông Tùng đã vo tròn và vứt nó vào góc tường. Với ý thức lịch sử, tôi vội nhặt nó lên và cho vào túi áo. Nhưng ông Tùng đã phát hiện ra và lấy lại tờ giấy và xé nát trước mặt chúng tôi”.
Trong Cuộc tọa đàm khoa học trao đổi thông tin một số vấn đề xung quanh sự kiện đánh chiếm Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 được Viện LSQS VN tổ chức ngày 19/10/2005 tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phần tham dự gồm đại diện nhiều đơn vị có liên quan và các nhân chứng lịch sử, sau khi nghe báo cáo tổng hợp kết quả khảo sát nghiên cứu của Viện, hầu hết các ý kiến phát biểu đều bày tỏ sự nhất trí cao.
Từ các kết quả nghiên cứu khảo sát, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam đã có văn bản kết luận về một số vấn đề liên quan đến sự kiện đánh chiếm Dinh Độc Lập, trong đó khẳng định vai trò của đồng chí Phạm Xuân Thệ và các cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 66 trong việc bắt giữ Dương Văn Minh và nội các Sài Gòn; Xác định rõ vai trò của đồng chí Bùi Văn Tùng và đồng chí Phạm Xuân Thệ trong việc thảo lời tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh và lời tuyên bố chấp nhận đầu hàng.
Trích kết luận của Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam
...
“2 – Về việc bắt Tổng thống Dương Văn Minh cùng nội các chính quyền Sài Gòn ở dinh Độc Lập và áp giải Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu sang đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng:
Trong mũi tiến công thọc sâu bằng sức mạnh tổng hợp của quân đoàn 2 (gồm Lữ đoàn xe tăng 203, Trung đoàn bộ binh 66 và các lực lượng phối hợp) vào sào huyệt cuối cùng của chính quyền Sài Gòn, Đại đội 4 xe tăng (thuộc Lữ đoàn 203) là đơn vị tiến công, đột nhập vào dinh Độc Lập đầu tiên và đồng chí Bùi Quang Thận là người thực hiện việc kéo cờ giải phóng trên nóc Dinh.
Cùng lúc đó, một số cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 do Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ chỉ huy tiến vào dinh Độc Lập, lên tầng 2 bắt Tổng thống Dương Văn Minh cùng nội các ở phòng họp và áp giải Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu sang đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng.
3 – Về việc thảo lời tuyên bố đầu hàng và tuyên bố chấp nhận sự đầu hàng của Dương Văn Minh:
Tại đài phát thanh đồng chí Phạm Xuân Thệ cùng các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 tổ chức soạn thảo lời Tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh. Văn bản đang được soạn thảo, thì Trung tá Bùi Văn Tùng – Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 xuất hiện. Từ đó, bộ phận cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 dưới sự chỉ đạo của đồng chí Bùi Văn Tùng tiếp tục soạn thảo và hoàn chỉnh lời Tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh đọc vào máy ghi âm để phát trên đài phát thanh.
Riêng lời Tuyên bố chấp nhận đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh do đồng chí Bùi Văn Tùng soạn thảo và trực tiếp đọc trên đài phát thanh”.
Xuân Sơn
(Theo tài liệu của Viện LSQSVN)
Việt Báo (Theo_Tien_Phong)