TRẦN THỊ DUNG (? – 1259)
Trần Thị Dung là con gái của Trần Lý, em gái của Trần Thừa (cha của Thái Tông Trần Cảnh) và Trần Tự Khánh. Bà sinh ra ở Yên Sinh (Đông Triều – Quảng Ninh), sau thì về ở hương Tức Mặc (Nam Định) rồi lại dời sang định cư ở Hải Ấp (Thái Bình).
Đại Việt sử ký toàn thư chép: “… Chuyện bắt đầu từ khi Hoàng tử Sảm (Lý Huệ Tông sau này) chạy loạn về quê ngoại ở Hải Ấp năm Kỷ Tý (tức năm 1209) thấy con gái Trần Lý có nhan sắc bèn lấy làm vợ …”. Đến năm 1210 thì Lý Cao Tông mất, Thái tử Sảm nối ngôi tức Lý Huệ Tông khi 16 tuổi. Huệ Tông liền đem thuyền rồng về Hải Ấp đón Thị Dung lập làm Nguyên phi. Sang năm Bính Tý (năm 1216) thì sắc phong bà làm Hoàng hậu.
Năm 1225, nhà Lý mất ngôi. Năm 1226, Huệ Tông mất, nhà Trần giáng Trần Thị Dung làm Thiên cực công chúa rồi gả cho Trần Thủ Độ. Về sau vua Trần Thái Tông phong là Linh Từ quốc mẫu.
Trần Thị Dung mất năm Kỷ Mùi (năm 1259).
Bàn về Trần Thị Dung thì sử gia Ngô Sĩ Liên có nói:
“Trợ Lý, hưng Trần phù Ngự chúa
Cổ lai hãn kiến thử tài nhân”
Như thế đủ cho thấy được công lao của Trần Thị Dung trong việc gây dựng nên cơ nghiệp của vương triều Đông A.
Vào những năm cuối triều Lý, đất nước rơi vào tình trạng sa sút về kinh tế, hỗn loạn về chính trị. Sau khi Huệ Tông nhường ngôi cho con gái là Lý Chiêu Hoàng thì Trần Thị Dung giữ quyền nhiếp chính thay cho con trẻ. Nhận biết được sự suy vong không thể nào cứu vãn nổi của triều Lý, bà cùng Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ xếp đặt việc Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh năm 1225, trao quốc quyền cho họ Trần - một dòng họ lớn mạnh nhất lúc bấy giờ. Như vậy, trong cuộc thay đổi triều đại như vậy thì Trần Thị Dung cùng Trần Thủ Độ thực là những nhà chính trị sáng suốt. Vương triều Đông A được thành lập mở đầu cho thời kì phát triển rực rỡ khác của Đại Việt.
Nhà Trần vừa thành lập đang phải lo việc đánh dẹp các thế lực cát cứ, củng cố chính quyền trung ương và xây dựng lại đất nước, chuẩn bị đối phó với nguy cơ xâm lược từ phương bắc thì bấy giờ, trong nội bộ hoàng tộc nhà Trần lại nảy sinh mâu thuẫn, tạo nguy cơ chia rẽ sâu sắc. Hoàng hậu Chiêu Thánh (tức Lý Chiêu Hoàng) của Thái Tông Trần Cảnh không có con mà Thuận Thiên (chị của Chiêu Hoàng, vợ của Trần Liễu – anh trai của Trần Cảnh) thì có mang ba tháng. Trần Thủ Độ liền đưa Thuận Thiên vào lập làm Hoàng hậu và giáng Chiêu Thánh làm công chúa rồi gả cho Lê Phụ Trần. Phẫn uất, Trần Liễu họp quân ra sông Cái làm loạn. Khởi binh được hai tuần, thấy khó lòng đối lập mãi với triều đình, Trần Liễu bèn giả làm người đánh cá bơi thuyền đến chỗ Trần Cảnh xin hàng. Thái sư Trần Thủ Độ nghe được liền đến ngay thuyền vua mà đòi giết Trần Liễu, vua Thái Tông can mãi mới thôi. Bấy giờ nhờ có Linh Từ quốc mẫu điều đình mà mâu thuẫn được hòa giải, tình anh em, chú cháu, vua tôi lại như xưa (dù Trần Liễu vẫn chưa bỏ qua). Trần Thị Dung là người có uy tín lớn, mọi người vị nể, chính việc đứng ra hàn gắn mâu thuẫn, tạo lại tình đoàn kết trong nội bộ hoàng tộc nhà Trần là một kế sách quan trọng trong việc giữ nước mà về sau, Trần Hưng Đạo đã tổng kết làm nên bài học lớn cho đời sau.
Năm 1258, cuộc kháng chiến chống quân Mông-Nguyên diễn ra. Trước thế giặc mạnh, quân dân Đại Việt đành phải bỏ cả Thăng Long mà rút về phía nam. Trong tình thế ấy, Trần Thị Dung đã nhận lấy trách nhiệm thực hiện kế “thanh dã”, đưa người, vũ khí và lương thực ra khỏi kinh đô, để lại vườn không nhà trống cho giặc tiến vào. Đồng thời, bà cũng đã che chở, bảo vệ cho Hoàng gia khi lâm nạn. Về việc này, Ngô Sĩ Liên có chép: “… Linh Từ giữ gìn hoàng thái tử, cung phi, công chúa và vợ con các tướng soái thoát khỏi giặc cướp ...”
Có thể nói Linh Từ quốc mẫu Trần Thị Dung là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên có tài tổ chức hậu cần, hậu phương trong chiến tranh giữ nước.
Bà cùng với Thái sư Trần Thủ Độ thực là hai nhân vật quan trọng trong việc gây dựng và bảo vệ cho Vương triều Đông A thuở ban đầu. Hai tiếng "Quôc mẫu" thực xứng đáng!
“Thế mới biết trời sinh Linh Từ là để mở nghiệp nhà Trần.” (Ngô Sĩ Liên – Đại Việt sử kí toàn thư)